Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Tuổi 17 cần gì? (*)



Có bao giờ em tự hỏi, tuổi 17 mình cần gì?


Không ai có thể trả lời cho em được cả. Mỗi cuộc đời có quá nhiều khác biệt, và không bao giờ có thể chắc rằng thế nào là tốt và thế nào là xấu; cũng như, cho dù tận tình và thông thái đến mấy, không người thầy nào đảm bảo rằng học trò cũng sẽ trở nên thông thái chỉ nhờ tiếp thu những gì mình truyền dạy: "người ta có thể truyền dạy kiến thức, chứ không thể truyền dạy sự thông huệ" (1). Nói cách khác, để biết được điều gì là tốt, điều gì là xấu, trong cuộc đời, và như thế nào, chỉ có một cách duy nhất là sống. Tự sống cuộc đời của mình, hay là tự tìm cho mình một lối đi riêng, là cách duy nhất để có thể tồn tại, theo nghĩa đầy đủ của một con người. Cũng thế, tình yêu là một thứ không thể truyền dạy. Nhưng người ta có thể học, em à, bắt đầu bằng tự yêu mình.

Không phải cứ phải 17 tuổi người ta mới biết yêu là gì, cũng không phải tuổi 17 là tuổi để yêu; mỗi người là một khác biệt, và trong thời đại của những bất định như hiện tại, sự tiêu chuẩn hóa chỉ là nỗ lực phù phiếm của sự cố chấp; sớm hay muộn, nhiều hay ít đều không quan trọng bằng như thế nào. Tuổi 17, người ta chuẩn bị đối diện với một chuyển đoạn lớn lao của cuộc đời: thứ nhất, là sự tự chủ được pháp luật-xã hội công nhận; thứ hai, là sự tự lo mà bản thân bắt đầu tiếp quản, từ một sự tự do bị giám sát thô bạo và trực tiếp chuyển sang sự tự do giám sát lỏng lẻo và hình thức hơn, ít ra đó cũng là điều em (nên) mong mỏi. Nhưng đó cũng là lúc, người ta đặt những bước đầu tiên, tự mình, trên con đường dài của cuộc đời. Hiển nhiên, sẽ luôn có những vòng tay giang rộng, những cái ôm thật chặt và cả những lời động viên luôn chờ gửi đến em, đặc biệt, cho những khi vấp ngã. Tin chắc là vậy. Vì thế, tự yêu mình chính là điểm mốc - phóng chiếu căn bản để em có thể nhận thấy và tìm ra những tình cảm trân quý, từ người khác; khả năng này cũng chính là bầu bạn duy nhất sẽ cùng theo em suốt cả chiều dài cuộc tồn tại: tự mình trở thành tia nắng sưởi ấm lòng mình.

Và, kể từ lúc này, chính lúc em tự mình cất bước trên con đường dài, lúc em bắt đầu đi mà không cần bất kỳ bàn tay dẫn đường nào, đó là lúc em đã trở thành người lớn. Người lớn cho dù là đang tập sự đi nữa thì cũng là người lớn.

Mà, làm người lớn chán lắm! Chẳng có được mấy điều vui, ấy thế mà nhân vật văng tục như nhai trầu Holden Caulfield cũng phải thốt lên rằng: "Anyway, I keep pictureing all these little kids playing some game in this big field of rye and all. Thousands of little kids, and nobody's around - nobody big, I mean - except me. And I'm standing on the edge of some crazy cliff. What I have to do, I have to catch everybody if they start to go over the cliff - I mean if they're running and they don't look where they're going I have to come out from somewhere and catch them. That's all I do all day. I'd just be the catcher in the rye and all. I know it's crazy, but that's the only thing I'd really like to be" (2). Một công việc người lớn nhàn nhã như vậy thì thật hấp dẫn, phải không?

Nhưng không ai có thể bé mãi; và cứ tuần tự theo một chu trình khó thể đoán định, rồi, đùng một cái, tự nhiên mà họ lớn. Tuổi 17, lúc này đây, được nhìn nhận như một giai đoạn bản lề của trưởng thành, dù trưởng thành không phải là một mức độ hay liều lượng cụ thể để có thể cân đo được, hay là đích đến để vượt qua; trưởng thành, nhìn chung, là khả năng có thể phản ứng-trả lời các kích thích, từ bên trong lẫn bên ngoài, từ và trong cuộc sống: to be responsible is to be able to respond. Và tự do, nên được nhìn nhận theo hướng rằng, "làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, còn tuân theo những quy tắc tự mình đặt ra là tự do" (3). Tự chủ chính là khả năng đặt ra và tuân theo những quy tắc đó, và hơn thế nữa, là đặt mình lên trên những quy tắc do chính mình đặt ra: con người là sống; quy tắc do con người đặt ra phải nhằm chỉ một mục đích duy nhất và tuyệt đối là phục vụ cho cuộc sống của chính con người. Hãy có can đảm phá bỏ cái cũ, một khi chính nó đang cản trở cuộc sống của chính mình, cho dù điều đó không bao giờ là dễ chịu cả. Rất mong em hiểu được điều này.

Em đang lớn, không chỉ là về chiều cao. Em sẽ học được rất nhiều bài học từ những gì em đang nhận thấy rằng đó là cần thiết cho cuộc đời mình, và cả từ những điều mà hiện tại em không thấy được rằng nó hữu ích. Nhưng hãy tin rằng những gì em thật sự học được, đang dần được tích lũy hôm nay, rồi sẽ có ngày hữu dụng. Và quan trọng hơn, đó là đừng sợ hãi, giận dữ hay thù địch đối với bất cứ thái độ, quan niệm, hay bất kỳ biểu hiện nào khác biệt, hay thậm chí là, mâu thuẫn với những điều trân quý em hằng đang nắm giữ: "Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho ý kiến của họ. (Nhưng), có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, (và không bao giờ nên), đó là lương tâm con người" (4), như lời bố Atticus đã nói. Bởi vì trên cả những bất đồng, họ, cũng như em, đều mong muốn được sống cuộc đời mình, theo cách tốt nhất có thể.

Những gì xảy ra hôm nay, những gì em mang theo từ bây giờ, sẽ là con người em sau này, không nhiều thì ít. Không ai có thể buộc em coi trọng bất kỳ cái gì, trừ phi chính bản thân em thực sự coi trọng điều đó; nói cách khác, không thể bắt buộc em trở thành con người mà chính bản thân em không thực sự là: "Have the courage to follow your heart anh intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary" (5). Do đó, hãy sợ hãi và khuyến khích bản thân mình sợ hãi, cho đến khi có đủ can đảm để đối mặt, vượt qua, và lần tới tận cùng căn nguyên của chính nỗi sợ hãi của mình: hiểu biết không phải là sức mạnh, nhưng hiểu biết sẽ giúp con người không run sợ trước bất kỳ sức mạnh cường bạo nào. Và đừng quên rằng, thông minh không phải là món quà ưu ái của tạo hóa. Đó là cơ hội để có được nhận thức rõ ràng hơn về thế giới mình, cũng như đó là món nợ sẽ đeo đuổi bản thân đến tận cùng hơi thở: càng có cơ hội tiếp cận sự thật đầy đủ hơn, con người càng nhận thức rõ ràng hơn về sự bất hạnh của cuộc đời; những hạnh phúc bình dị mà lớn lao. Nhưng đừng vội vã, đường còn dài, rất dài.


Vậy, rốt cuộc thì, em ơi, tuổi 17 cần gì?

Không chỉ là một trái tim biết yêu thương, bắt đầu bằng nhận thức biết trân trọng và yêu lấy thân thể mình; không chỉ là một tinh thần dấn thân không ngừng của tuổi trẻ, tò mò và học hỏi là đôi bạn song hành trên suốt hành trình đi tới kỳ cùng hiểu biết; không chỉ là sự tất khả đạt cái vô biên vô hạn của lồng lộng tuổi 17; và không chỉ là những điều sáo rỗng và giáo điều được nêu lên từ những dòng chữ vô hồn này; thậm chí những lời nói suông này chỉ là vô nghĩa, một khi nó không làm bật lên trong em, một điều vô cùng giản đơn rằng: cuộc đời này đáng sống, trong bất kỳ trường hợp nào. Và chính cái khát vọng muốn tiếp tục sống bền bĩ và dai dẳng ấy sẽ làm cuộc đời này đáng sống hơn bao giờ hết. Cho dù ở tận cuối đáy sâu của tuyệt vọng, hãy luôn nhớ và tha thiết tin rằng: còn sống là còn hy vọng.

Và em ơi, một điều nữa cho tuổi 17 cần rất nhiều điều, hãy cảm ơn mẹ! Bởi với bất kỳ nguyên do gì đi nữa, thì sự tồn tại của em, trước hết, là thông qua nỗi đau của mẹ, và cho bất cứ những gì tồi tệ từng xảy đến, và bất cứ điều gì sẽ còn xảy đến nữa, thì việc em đến với cuộc đời này chính là thông điệp, và không thể gì khác ngoài thông điệp, rằng, cuộc đời này là tươi đẹp và nó xứng đáng được tái hiện, một lần nữa. Nếu em đã lỡ mất cơ hội để được thấy điều tươi đẹp đó, hãy đảm bảo rằng những thế hệ đến sau sẽ được. Vì trẻ con luôn xứng đáng với một thế giới tốt đẹp hơn.


Và bởi lẽ sống là thuộc về hôm nay. Hãy sống một cuộc đời không có quá khứ, với tương lai bắt đầu, dẫu chỉ bằng, một lóe sáng nhỏ nhoi từ đáy mắt: Sống đi, tuổi 17 vĩ đại!










(*) tựa đặt bởi một Hương Trà đã rất lâu rồi chưa gặp.
(1) Siddhartha - Hermann Hesse (bản dịch của Lê Chu Cầu).
(2) The catcher of the rye - J.D. Salinger.
(3) Khế ước xã hội - J. Rousseau.
(4) Giết con chim nhại - Harper Lee.
(5) Stay hungry, Stay foolish - Steve Jobs.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét