Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

"Sống dấn thân!" (*)



1. Triết học, theo nghĩa cổ phát xuất từ Hy Lạp cổ đại, có nghĩa là sự minh triết. Đối tượng nghiên cứu đầu tiên và căn bản nhất của triết học chính là sự rõ ràng, và mục tiêu là soi thấu "vùng tối sâu" của con người, đem đến cho bản thể người nghiên cứu sự thấu hiểu, về bản thân, về con người, về thế giớii, và sự sáng suốt ...

Mỗi một sự hiện diện của một con người khác biệt chính là sự tồn tại của một "vùng tối sâu" khác biệt. Sự khác biệt này được gây ra bởi nhiều nguyên do, nhưng quan trọng hơn cả, con người khác biệt bởi vì họ có quá trình và khả năng tự nhận thức bản thân khác nhau. Nói cách khác, việc tìm cách khai sáng "vùng tối sâu" chính là tìm cách tự nhận ra và nhận rõ bản thân một con người. Hiển nhiên là trong tương quan đối chiếu đa chiều. Và điều này lắm khi gây ra ngộ nhận, rất nhiều.

Bản thân triết học là không có giới hạn, cũng như không có ranh giới phân chia. Cũng như sự minh triết vốn không có ngôn ngữ. Vì vậy, triết học là không thể dạy. Đặc biệt trong hoàn cảnh người dạy và người học không nói và nghe chung một 'ngôn ngữ' - 'ngôn ngữ' của sự minh triết. Đặc biệt con người có thói quen ngộ nhận, từ ngôn ngữ của nhau.

Vì ngôn ngữ luôn là ngộ nhận.


2. Xã hội tiêu thụ

"Xã hội tiêu thụ là xã hội mọi giá trị đều được xây dựng dựa trên (bắt nguồn từ) giá trị đồng tiền"

Coi như bắt đầu với 10 đồng. 10 đồng sẽ thành 100 đồng. 80 đồng tăng thêm sẽ tạo ra các giá trị ham muốn khác. 20 đồng còn lại sẽ thành 10 đồng mới. Tiếp tục quay vòng. Xã hội tiêu thụ căn bản dựa trên một chu trình khép kín như vậy.

Sự khác biệt lớn nhất đối với xã hội công nghiệp - đại tư bản dựa trên bốc lột giá trị thặng dư- là sự không cần thiết của tiền sở hữu tư liệu sản xuất. Xã hội tiêu thụ chính là xã hội của những người làm ra 100 đồng từ 10 đồng "trả trước" của người khác. Họ làm ra tiền nhưng không nhất thiết họ phải có tiền. Song đích đến cuối cùng của họ vẫn là tiền. Mặc dù mục đích có thể rất khác nhau.

Nói cách khác, cảm giác rằng xã hội tiêu thụ là hình thái đặt tên hướng đến con người, và chính con người vừa được đặt tên ấy luôn trong thôi thúc của đồng tiền : sử dụng - làm ra - sử dụng. Hiển nhiên, vì tiền và tiêu thụ chính là cặp song hành cơ hữu.



3. Hắn lại ngồi đấy nhìn chiếc tivi.

Những hình ảnh liên tục chuyển động, liên tục nhảy múa trong mắt hắn. Căn phòng đóng kín không ngăn được những âm thanh bên ngoài tràn vào: tiếng lầm rầm trò chuyện, tiếng bước chân thoáng qua, tiếng chuông cửa chốc chốc vang lên, và có cả tiếng tivi. Không phải tivi hắn đang nhìn. Tivi trong phòng đang muted, cũng như hắn đang trong im lặng. Rồi, hắn viết.

Hắn viết say sưa, viết như thể những quãng thời gian ngồi im lặng vừa trôi qua là những phác thảo cho cái đang thành hình dưới những ngón tay hắn. Trong phút chốc, cả căn phòng cũng rơi vào lặng im, chỉ còn vang lên tiếng lọc cọc, nhịp nhàng và đều đặn. Màn hình tivi vẫn liên tục chớp tắt, những luồng sáng cứ chấp chới chiếu sáng cả căn phòng, chiếu sáng luôn cả cái dáng ngồi cong cong đang cặm cụi làm chữ của hắn. Thời gian lúc này bên ngoài là buổi tối, một buổi tối với gió thổi mát mẻ. Thời gian lúc này trong phòng là vô nghĩa. Hắn không còn khái niệm về bất cứ cái gì ngoài những con chữ đang hiện ra trước mắt. Hắn viết như thở, hối hả và nặng nhọc. Rồi, hắn dừng lại.

Gập cái màn hình đầy mặt chữ trước mặt và với tay tắt tivi, hắn biết rằng ngày mai, khi trời lại sáng, những gì hắn viết ra tối nay sẽ bị xóa, nhưng hắn mặc kệ. Cái quan trọng là sự tạo ra chữ, chứ không phải bản thân những con chữ. Hắn mặc kệ cả cái những điều như thế. Căn phòng lúc này hoàn toàn đóng kín, hoàn toàn tối. Hắn ngồi im trong vùng bóng tối của riêng mình.

Hay, nói rõ hơn, hắn học cách im lặng trong vùng bóng tối của riêng mình.





















(*) Dương Thụy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét