Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Đọc và viết



Chưa khi nào những tấm gương thôi làm tôi ngạc nhiên. Ý tôi là luôn có một chớp lóe của sửng sốt (hả?) vụt qua tâm trí tôi mỗi khi nhìn vào ảnh phản chiếu trong gương. Tôi không rõ như thế nào, nhưng những lúc ấy, sự bối rối mơ hồ mà tôi cảm thấy đại loại có thể diễn tả thành câu chữ như: mình à? Không phải vì ghê tởm, mà cũng không phải là xấu hổ; vấn đề là tôi chưa bao giờ cảm thấy quen thuộc với hình ảnh trong những tấm gương; chưa bao giờ tôi hình dung bản thân thường trực và rõ ràng như hình ảnh từ những tấm gương. Mà thật ra, tôi không có thói quen mường tượng dung mạo bản thân. Tôi cũng không thường khi soi gương. Thậm chí tôi cũng chẳng thể nhớ rõ khuôn mặt mọi người. Nhưng đó không hoàn toàn là lý do: một phần nhờ vào thói quen không hay lai vãng những nơi có nhiều gương kính của tôi; hay một phần do chính cảm giác không liền mạch này, như thể tất cả mọi sự đều nằm phía bên kia một tấm màn mỏng, còn bản thân tôi ở phía bên này. Và phần nào đó, do những tháng ngày này: tháng ba chưa bao giờ dễ chịu.

(18.03)

Có người từng viết rằng hoặc là yêu thích hoặc căm ghét, một người khó lòng quên mất ngày sinh của mình; mọi dạng thức của biểu thị thái độ trung dung, hay những người không rõ yêu thích hay ghét bỏ, cố tình hay vô ý lãng quên, thì chính là họ đang bày tỏ thái độ không ưu thích bằng cách trì hoãn sự vui mừng của bản thân. Điều này ngầm ám chỉ một chân lý: một người hiển nhiên sẽ phải vui mừng vì còn được sống trong những sinh nhật của mình, bất kể mọi hoàn cảnh, bất kể mọi cuộc đời. Đây là quan niệm phổ dụng; hoặc điểm này, hoặc điểm khác, nhiều người sẽ đồng ý đó là điều đáng mừng. Tôi không quan tâm. Thành thật mà nói rằng tôi không thích gì điều đó: bị quẳng vào một thể loại vinh danh, trở thành đích đến của mọi ánh nhìn trìu mến và cả không gian hóa vàng trịnh trọng hồi hộp chờ đợi nhân vật chính trịnh trọng nghẹn ngào. Không có lối thoát. Chẳng gì có thể hay bất kỳ lý do gì một người có thể tạo ra để vin vào, để thoát ra khỏi một cuộc vinh danh như vậy. (Thiên tai - động đất, sóng thần hay cái gì đại loại thế, thậm chí còn gây tác dụng ngược). Tôi cũng chẳng có. Cho dù có muốn thì tôi cũng không thể. Đơn giản là tôi không thể chịu được. Dù thực ra không phải là không thể.


1.

Thời điểm quan trọng nhất của cuộc vui nằm ở lưng chừng. Khi những ánh mắt đã thôi nhấp nhỏm hướng về phía cửa chờ đợi những xuất hiện muộn - những bất ngờ-niềm vui nho nhỏ, và thường trước khi cuộc nổ bùng vui, khi những mào đầu đã qua và xuất hiện tình trạng phân nhóm nhỏ, khi đột nhiên bạn nhìn thấy mình và miệng như chực hỏi: mình đang vui không? Chính đó là lúc làm nên dư vị sau cùng của cuộc vui.

Ký ức của một cuộc vui là một tập hợp vá víu những khoảnh khắc tạo thành bởi các chỉ dấu mà trong đó mỗi thành viên có mặt dự phần tạo nên, và sau này, thông qua đó gợi nhắc lại: một hành động ngộ nghĩnh, một câu chuyện vui, hay một trò chơi chung ... Nhưng dư vị sau cùng của mỗi cuộc vui, cái thời điểm lưng chừng đó, chỉ thuộc về mỗi bạn, giả thử là bạn có cảm thấy, và đó là một sự thật chẳng dễ chịu gì: điều đó nhắc rằng bạn đã cô đơn dường nào trước niềm vui chung quanh; một niềm vui sóng sánh và bạn không tan vào được.

Đơn giản, bạn trông chờ một niềm vui khác.


Hoặc tôi trở thành kẻ lĩnh xướng, hoặc tôi tiếp tục mỉm cười, cả hai đều không phải là cách để rủ bỏ cái dư vị khó chịu đó. Nhưng chẳng cách nào hơn khi cuộc vui đó không đáng để vứt bỏ. Nó xứng đáng một kết cục êm ái hơn: những gương mặt thân ái tề tựu trong niềm hân hoan của cuộc vui đùa. Và bạn cũng vậy. Bạn xứng đáng với hơn là chỉ một gương mặt cười.

Hạnh phúc dịu dàng hơn thế.


Bất cứ trò chơi ngôn ngữ nào cũng tồn tại minh nhiên hoặc ngầm định một loạt các quy tắc điều khiển, mà theo đó, các thao tác-hành vi trong phạm vi trò chơi ngôn ngữ mà nó dự phần phải tuân theo, như một phương cách hợp thức để tiến hành trò chơi. Nhưng bất cứ bộ quy tắc nào cũng có thể bị vi phạm, sửa đổi, hay thậm chí là, bị phá vỡ một khi cái/tiền đặt cược giá trị đủ lớn. Kể cả các bữa tiệc.

Tôi thích những cơn mưa nhỏ; cảm giác như mình ở đây vùi thân giữa êm ấm và bao bọc chung quanh là tấm màn nhung của thời tiết nhẹ nhàng. Khoái cảm tạo nên bởi giả định về sự yên thân giữa bốn bề nhàn hạ là cực kỳ dễ chịu. Hay chính xác hơn, xa xỉ lúc nào cũng dễ chịu.

(19.03)

Tôi thích hình ảnh khu rừng vắng: những khoảng vắng thưa mưa lâm thâm. Tôi thích mường tượng cảnh người đàn ông lầm lũi đi qua cơn mưa; chậm rãi-lầm lũi, chậm rãi-lầm lụi. Nói điều này thật không có chút liên quan gì với tháng ba hay sinh nhật hay là tôi. Nhưng vì tôi thích thế. Lyotard từng viết, đại thể, gần giống như vậy: người ta không chỉ nói/viết với mục đích truyền đạt thông tin, người ta còn có thể nói chỉ vì niềm vui thích. Điều này tương đối rõ ràng và hiển nhiên như thực tế phần đông con người sợ hãi âm vang hai tiếng: triết học.

Sợ hãi là mơ hồ; chính xác hơn, mô tả cảm tượng đối với triết học có thể gói gọn trong nhận định: hành trình vào triết học là một hành trình đơn độc và đầy dồn ép. Theo một lối nói khác, triết học là rất chán. Là một phương thức truy vấn liên tục đặt người tham dự vào vị trí quan sát những cuộc đối mặt với chính mình, điều đó không phải là cái gì đó dễ dàng và hiển nhiên kéo theo một cảm giác nặng nề thường trực: không dễ chịu gì cho một người khi phải đối diện thường xuyên với những truy kích, những đòi hỏi giải đáp hay những dồn nén liên tục, nhất là khi những truy bức đó phát xuất từ chính bản thân một người. Khó thể nói cho rõ; những cảm giác dồn nén mà một người liên tục đối mặt trong hành trình tự vấn, để tìm hiểu bản thân, để tìm hiểu thế giới có thể có là khác nhau như thế nào chăng nữa, thì việc buộc phải đối diện với nguy cơ thường trực bị lôi tuột vào trạng huống mà những nỗi sợ hãi sâu xa nhất, bất chấp những nỗ lực che giấu, tảng lờ hay chôn chặt bấy lâu, nay phơi bày một cách sống động và đầy khiếp đảm là điều chẳng ai mong muốn. Ví như là mặc cảm.

(20.03)

Tôi từng đọc một câu chuyện kể rằng, trước lối vào một buổi tiệc của giới xa hoa, nơi hội tụ của tất thảy sự sang trọng và duyên dáng, quý phái và lịch duyệt, người ta đặt một tấm gương khổ to - to đến độ một người có thể soi thấy cả thân mình, từ đầu đến chân, trong nó - rồi bí mật đặt máy quay để có thể ghi nhận bất kỳ phản ứng nào, dù nhỏ nhặt, của khách tham dự: có thể là cái liếc mắt kín đáo; có thể là một vị khách dừng lại để chỉnh chang lại y phục, sửa sang lại đầu tóc; cũng có thể là một vị khách đỏm dáng dừng lại trước gương một lúc đủ lâu để ngắm nhìn bản thân xinh đẹp, rồi mỉm cười. Kết quả từ băng ghi hình cho thấy, hầu hết khách tham dự, ở những mức độ kín đáo khác nhau (hoặc là không hề kín đáo chút nào), đều nhìn vào gương khi đi ngang qua. Duy chỉ một người, không hề liếc nhìn về phía gương khi đi ngang qua, mà theo kết luận của bài báo là vì cô ấy quá đẹp. Tôi lại nghĩ cũng có thể ngược lại: vì quá xấu nên người đó không muốn nhìn mình xấu trong gương thế nào. Câu chuyện này không phải nói về mặc cảm về dung mạo của con người, và mức độ mặc cảm của họ thể hiện qua ứng xử khi đối diện với dung mạo mình, nếu có. Nói đến câu chuyện này như là một ví dụ cho phản ứng của con người khi đối mặt với ma thuật của mặc cảm: ở mỗi người khác nhau phản xạ giật thót, theo một mức độ và cách thức, là khác nhau, nhưng tựu trung, đều làm xuất hiện cảm giác bất an liền kề. Mặc cảm của mỗi người là khác nhau, nhưng nỗi sợ hãi của mặc cảm là giống nhau: chẳng mấy ai muốn thừa nhận nó. Tôi cũng vậy, quá nhút nhát để có thể thừa nhận mình nhút nhát, trừ phi đang nấp ở một nơi nào đó. Nấp ở một nơi nào đó và viết về mặc cảm của mình; viết.

Có khi nào chúng ta tự hỏi, từ đâu chữ viết xuất hiện? Không phải loại câu hỏi tra cứu, đánh đố về những điểm mốc thời gian-sự kiện; không phải loại câu hỏi mang tính khảo sử: làm thế nào chữ viết lại hiện ra, đúng lúc bạn cần nó hiện ra như nó sẽ hiện ra chính xác như bạn mong muốn? Về mức độ chính xác, có lẽ là hơi quá, nhưng các tỉ lệ dự đoán không phải là vấn đề: ngôn ngữ bạn càng sử dụng nhiều thì, hoặc cách này hoặc cách khác, độ chính xác càng tăng hay độ chênh giữa thực tế muốn đề cập với từ ngữ được sử dụng sẽ càng ngắn lại. Nhưng đó không phải là điều chính yếu. Cái tôi muốn nói ở đây, cũng chính là những gì đã đang và sẽ vang lên trong đầu tôi mỗi khi trở lại với bút-giấy (hoặc bàn phím-màn hình) và viết: đó là tiếng nói; viết là một cuộc trò chuyện với chính mình. Hay là mơ những giấc mơ với đôi mắt mở, thậm chí, hoàn toàn tỉnh táo.

(23.03)

Tôi không thường nằm mơ; giấc ngủ ngay ngắn, thẳng thớm và liền mạch. Những giấc mơ, nếu có, tôi hoàn toàn quên mất sau khi thức dậy, hoặc giả chỉ còn những ấn tượng mơ màng về một cái gì không tài nào nhớ nổi. Hiếm hoi lần tôi có thể lưu giữ ấn tượng về một giấc mơ, như một hôm nọ, là sự hoảng hốt của những tiếng rít qua kẽ răng, từng đợt, từng đợt: "Đi!... Đi!... Đi!... Đi!.....". Có lẽ là giấc mơ xấu: tôi thấy mình nằm thẳng người trên sàn, mặt hướng lên, chếch về phía trái trên đầu là miệng giếng hở; rồi có gì trồi lên từ mặt nước, lạ lùng là tôi lại nghĩ đó là một con rùa - con rùa trồi lên theo phương thẳng đứng với phần yếm ngực hướng về phía mình, nhưng ghếch mắt nhìn lên, thì hồi sau con rùa hóa thành một cái gì khác: vật đó mang hình người, trông giống như phần còn lại teo tóp của xác ướp của một cô gái - dù không rõ vì sao tôi lại đoan chắc như vậy - trong trang phục cổ. Tôi không sợ cái hình thù kỳ quái ấy. Thực ra cái tôi sợ hãi là sự đột ngột: trong một tích tắc mọi sự đổi khác hoàn toàn; gần như hoảng hốt, tôi không thể làm gì khác ngoài rít lên qua kẽ răng, như đẩy nỗi hoảng sợ ra xa. Rồi tôi tỉnh ngủ. Hay một lần khác, trong một đêm, tôi mơ những hai lần, mà ký ức vui vẻ của giấc mơ sau lấn át cả cảm giác khó chịu chính nó gây ra trước đó: tôi mơ gặp lại cô giáo cũ, giữa khung cảnh trường lớp cũ kỹ nơi miền đồng quê thôn dã tiêu điều; tôi mơ mình chơi trò trốn tìm với cô giáo cũ, để rồi khi cô bắt gặp, giữa lúc cô giáo cũ tức tối, tôi mỉm cười.

Một cách nào đó, khi vô thức viết thành những giấc mơ rồi tiềm thức ghi nhớ, để bây giờ ý thức chép lại những giấc mơ từ tiềm thức, một phần nào đó, để thỏa mãn thôi thúc của vô thức, hay là làm hài lòng bản thân với việc mình đang làm: tôi đang viết.

Tôi viết mỗi ngày một ít, như bạn có thể thấy. Không phải ngày nào cũng có thể, nhưng tôi cố gắng; kỹ thuật cái giếng thông đôi khi không mấy tác dụng: thường sang lần sau tôi lại không thể nhớ nổi cái mạch lần trước tôi khơi ra; những chi chú và ghi chép không phải lúc nào cũng có ích: tôi chỉ nhìn thấy ở chúng như những điểm rời rạc, và không tài nào xâu chuỗi chúng liền mạch như đã làm được. Tôi có trí nhớ kém. Như lúc này tôi không biết viết tiếp thế nào, dù tôi biết đoạn sau là về tình yêu. Nhưng tôi muốn cố gắng.

Tôi muốn cố gắng. Thực ra tôi chưa từng hoàn thành bất kỳ việc gì dài hơi. Hay nói đúng hơn, tôi không có năng khiếu để hoàn thành bất cứ việc gì. Kể cả tình yêu.

Bắt đầu là làm quen, và làm quen hay bắt đầu đều không phải là việc dễ dàng với tôi; hình như tôi không có năng khiếu khởi đầu một cái gì - một công cuộc, một thói quen, một trò chơi, hay thậm chí là một cái gì đi nữa: khi tôi nhận ra thì tôi đã được quăng vào nửa chừng của một sự đã rồi, chỉ còn gắng thêm chút nữa là hoàn thành, và lúc nào cũng chỉ còn thêm một chút nữa; cuộc đời tôi luôn gắn liền với những chuỗi sắp hoàn thành. Đúng luôn cả với trò xếp hình sắp sửa được chơi này: còn thêm chút nữa là sẽ hoàn thành.

Không thể nói là nó không tồn tại, thi thoảng giữa những lúc này lúc nọ, nhưng với tôi, tình yêu hiếm khi kéo dài ba năm. Mà thực tình yêu cũng là cái gì đó quá mơ màng, tôi không sao chạm tới được. Mà nói về tình yêu thì tôi biết gì: tôi thực sự không biết gì hết. Vậy thì tôi biết viết gì khi tôi chẳng biết gì về cái tôi viết?

Viết không khó. Khi không quá đặt nặng các yếu tố bên ngoài, khi không đái hoài tới sự tung hô hay ánh mắt dò xét của người khác, khi tự đặt mình vào căn phòng tối với những câu chuyện kể, viết là tự kể cho bản thân những câu chuyện không bao giờ có kết thúc. Đó là một phương cách tốt để khám phá bản thân và là hành trình nối dài của việc đọc. Quá trình đọc, về lâu dài, cho phép một người mường tượng ra quan niệm về thế giới và xác định ý niệm về cuộc đời, thông qua những gì người đọc thích thú. Đến một lúc nào đó, khi chỉ đọc là không đủ, một người sẽ có thôi thúc được viết ra, như là một phương cách xác lập chắc chắn ý niệm bản thân, về bất kỳ mọi sự, dù là hướng đến các đối tượng bên ngoài hay bên trong chủ thể viết. Nó giống như cách để một người hét lên: Tôi thích! vậy.

(21.03)

Sự thật thì tháng ba chẳng dễ chịu chút nào. Rơi vào khoảng không giữa của mơ màng và trật nhịp - cảm giác như mọi sự trôi qua, tôi biết rằng mọi sự đang trôi qua, tôi biết chúng có xảy ra, nhưng như thể là đang ở đâu đó xa xôi vô cùng dù tôi đang nhìn thấy chúng trước mặt, thậm chí có thể chạm vào, nhưng vẫn đầy cảm giác lạ lùng; và tôi không tài nào rứt ra được. Những cuốn sách cũ cũng chẳng ích gì. Chẳng biết vì sao, mà tôi cũng chẳng màng.

Buổi tối có mưa, sáng hơi lạnh xuyên qua cả lớp trải, tôi không thể nằm yên, tôi không thể ngủ được. Tháng ba trời mưa nhẹ, nhẹ nhàng mà dai dẳng. Mưa trái mùa, không mang theo gì ngoài nỗi bất ngờ trên những chuyến xe chiều; lũ lượt kéo qua cùng áo che lất phất. Không gì ngoài mưa và bầu trời mang nỗi buồn màu xám. Tôi không có gì để sợ. Tôi chỉ có một tuổi trẻ để nhớ về. Không có gì để sợ. Những cơn mưa tháng ba trôi qua và ký ức thời trẻ lâu lắm rồi.

Tôi muốn chết vào năm ba mươi, nghĩa là còn chưa đầy năm năm nữa. Hy vọng là một buổi chiều chủ nhật; tháng ba có mưa nhẹ.


















Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

L - for them!


Tôi đứng về phe nước mắt (*)



1. Marc-Vivien Foé là một cầu thủ bóng đá người Cameroon; cao 1m88, khỏe, chơi ở vị trí tiền vệ thu hồi bóng và đang có một mùa giải cực kỳ thành công cùng đội bóng Manchester City ở Giải Ngoại hạng Anh, lúc bấy giờ, đúng là, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Anh 28 tuổi, khi nằm trên bãi cỏ của sân Gerland ngay giữa một trận bán kết của giải đấu Cúp Liên đoàn FiFa. Anh chết trên đường đi cấp cứu.

Khám nghiệm tử thi sau đó cho rằng nguyên nhân chết là do trương phình cơ tim.

Đó là một sự việc chấn động.

Trong trận đấu buổi chiều cùng ngày, giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi ghi bàn mở tỷ số, Thiery Henry, thay vì ăn mừng bàn thắng, chạy những bước chậm với cánh tay giơ cao, với ngón tay trỏ lên trời. (1)



2. Dạo gần đây trên HBO bắt đầu giới thiệu loạt phim truyền hình Treme, với đoạn trailer thường mở đầu bằng tiếng kèn trumpet vụt ré lên xen kẽ cùng tiếng người reo hò. Treme không phải là phim về siêu bão Katrina; không phải là phim về New Orleans, nước Mỹ hay người dân sống tại khu vực lâu đời bậc nhất thành phố. Sức quyến rũ của Treme không nằm ở độ nóng hâm hấp của đề tài mang đậm màu sắc thời sự đương thời; cũng không phải là do tính chân thật của tàn khốc mà nó tái hiện. Treme hấp dẫn trước hết là vì ý tưởng kể lại một câu chuyện cổ tích, mà đứng trước bất trắc của thiên nhiên, tự nhiên con người muốn (lại) được tin tưởng: sự hồi phục kiên cường của cuộc sống.

Vì chúng ta đều muốn tiếp tục được hy vọng.



3. Năm 2008, cả Trung Quốc rung chuyển cùng với trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên: hơn 68000 người chết, 4,8 triệu người mất chỗ ở (con số này có thể lên tới 11 triệu người), và dự đoán cần phải tiêu tốn khoảng 1 tỷ tỷ Nhân Dân Tệ trong ba năm tới để có thể tái thiết lại khu vực bị tàn phá bởi địa chấn.

Thông tin về thảm họa tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong dòng thông tin ngồn ngộn đó, có bức hình của các em học sinh tiểu học, ở vùng không chịu ảnh hưởng của động đất ở Trung Quốc, cầm trên tay các con chim hạc gấp bằng giấy thủ công, trên ghi chi chít chữ, mà theo lời tường thuật của phóng viên, là để gởi cho trẻ em vùng tâm chấn: hy vọng. (2)



4. Và năm 2011 đến với người Nhật,


Con người ở bất cứ đâu cũng có chung một sự khốn cùng như nhau.
Và con người ở đâu cũng chỉ có một cách để ra khỏi sự khốn cùng đó. (3)






















(*) Dương Tường
(3) trích trong tập Phù Phiếm Truyện của Phan Việt


Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Ghi chép về những ngày không có ghi chép gì



1. Hoặc rẽ vào Đường Thành vòng ra Hàng Bông rẽ ngang Hàng Trống là đến phố Nhà Thờ. Nhà thờ cách bờ hồ một dãy nhà. Hà Nội vô số hồ, duy chỉ có một bờ hồ; Nhà thờ cũng vậy. Hà Nội cũng vậy.

Tình yêu cũng vậy.


2.

thành phố xám tiếng người đi không lại
những hàng cây nối phố liền thành hàng
lá cơm nguội rơi vàng rãnh nước

và ban mai trong mắt những con gà.



3. từ tầng 13 nhìn xuống mưa cứ vỡ vụn ra hàng dề hàng dề, như thể phía trên ai đang tưới cây hay phơi đồ. Gió thông thống thổi. Giữa bề bộn bụi bặm và ngổn ngang của khởi đầu trên sàn gỗ, vợ với chồng ôm nhau mà ngủ vùi cùng những câu chuyện về heo con, về công chúa và ti tỉ thứ khác. từ tầng 13 nhìn xuống, hạnh phúc hẳn có màu xanh lá cây.



4.

Các nhà văn đã chết. Cùng với sự kinh điển của thời đại.
Hãy để các nhà văn chết, cùng những ố vàng thời gian neo mình giữa những lần giấy rám, kêu hãnh trên kệ tủ.



5. Phù phiếm phù phiếm (cả) những phù phiếm phù phiếm truyện kể chuyện phù phiếm phù phiếm.

Phan Việt cũng từng gái à(?)



















Thứ Tư, 2 tháng 3, 2011

Với một con chó già



cần một cái bao gạo
thêm một cái to hơn
chờ chuyến xe đổ rác
rồi xoa tay và cười. (*)















(*) truyện ngắn của Ngô Phan Lưu.