Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

chuyện không cũ.


1. Đời sống là một chu trình vận động liên tục làm mới các giá trị cũ, theo một nghĩa khác, đó là quá trình cải biến hình thái các giá trị của truyền thống, những giá trị thích hợp được mỗi cộng đồng đề cao và gìn giữ, sao cho chúng trở nên phù hợp và chấp nhận được, ứng với sự tiến triển của đời sống hiện đại. Theo đó, mỗi thệ hệ mới và non nớt trong cộgn đồng sẽ lớn lên, cùng với sự cải ngôn các khái niệm mà cha mẹ, ông bà họ đã tôn trọng. Tức là, tìm kiếm một hình ảnh mới và hợp thời định nghĩa cho các khái niệm tương đối trừu tượng, ví dụ, như: lòng dũng cảm, phẩm giá, danh dự, trung thành, và, khái niệm thường gây nhiều tranh cãi, đạo đức... Đại để, John Dewey đã viết, có thể diễn giải thành, những điều như vậy.

Dewey còn chỉ ra, việc những thành viên non nớt, lần đầu tiên, đến với cuộc sống chung của cộng đồng, đời sống ứng với môi trường xã hội anh/cô tồn tại cùng, thường có những biểu hiện thờ ơ và coi nhẹ những biểu tượng của truyền thống. Dễ hiểu rằng, điều này là đương nhiên, những truyền thống đó hoàn toàn xa lạ với họ; anh/cô ta chưa hề trải qua những tình huống tạo ra các môi trường cung cấp các kích thích hình thành nên lòng kính trọng. Hơn nữa, họ sẽ không bao giờ có cơ hội 'được tồn tại' trong những môi trường như cha mẹ, ông bà họ đã từng. Điều này, và những điều vừa bàn tới, dẫn đến hai hệ quả quan trọng: mỗi thế hệ trẻ lớn lên, không ít thì nhiều, thường nhận được dự dè biểu và ánh mắt lo ngại của những thành viên thế hệ đã từng trẻ và lớn lên trước đó, họ bị nghi ngờ về khả năng hòa nhập cuộc sống bởi vì sự thờ ơ với truyền thống của chính họ; trách nhiệm và ảnh hưởng của người lớn trong việc hướng dẫn và định hướng con trẻ hòa nhập với đời sống cộng đồng. Nhưng ở đây, không bàn về chuyện giáo dục.

Thêm một nhận định nữa, lần này là của Gustave le Bon, trong tác phẩm 'Tâm lý học đám đông', ông giả thuyết rằng, mỗi 'tâm hồn chủng tộc' là cái đặc trưng gắn liền với mỗi dân tộc, xuyên suốt chiều dài lịch sử, và rằng người dã man với người hiện đại, nếu họ có chung một nguồn gốc chủng tộc, đều có chung một khuynh hướng lựa chọn, hoặc là có xu hướng phản ứng giống nhau cho những kích thích tương đồng tương ứng; và rằng truyền thống không phải là cái con người lựa chọn, chính chúng lựa chọn chúng ta, những giá trị truyền thống nào phù hợp với cái 'tâm hồn chủng tộc' sẽ được chú ý, phát tán và truyền lại.

Nhìn chung, những lập luận ở trên, không nhằm đưa ra bất kỳ kết luận cuối cùng nào; giả thuyết, nhât là giả thuyết của khoa học xã hội học, thường là những phán đoán khó kiểm chứng, cũng như khó lòng tạo ra sự tin tưởng rộng rãi, hoàn toàn như các định đề hay công thức toán học. Nhưng qua đó, có thể đặt ra nghi vấn, rằng những giá trị truyền thống, đang trên đà biến mất như được miêu tả rống riết trên báo chí hiện nay, có phải là đang trong quá trình cải biến ngôn từ, và rốt cuộc thì sự biến đổi hình thức biểu hiện này, thực chất, không làm thay đổi những giá trị cốt lõi của truyền thống được lưu giữ trong tâm hồn chủng tộc; điều này có phải là điều tốt không?


2. Sống là chuyện không cũ. Báo chí và các công cụ truyền thông, cùng ngành công nghiệp thông tin đằng sau nó, sống được, cũng là nhờ đặc tính luôn mới mẻ này của cuộc sống. Tuy nhiên, với áp lực cạnh tranh khủng khiếp, được thúc đẩy bởi công nghệ và 'tính thờ ơ' của người hiện đại, báo chí đã và đang biến đổi sâu sắc so với nó đã từng, và còn mạnh mẽ hơn nữa so với nó đang là. Cuộc sống, được phản ánh trên báo chí, ngày càng xa dần màu sắc chủ đạo của cuộc sống mà nó vốn phải là. Và cũng có lẽ vì vậy, 'con người hiện đại ngày càng bị sự thờ ơ xâm chiếm' (*). Dù luôn có những ngoại lệ.

'Con người thờ ơ' xem ra không phải là một miêu tả tích cực. Nhưng đem phần lỗi đổ lên đầu báo chí thì lại không hay, nếu không muốn nói là rất dở. Báo chí tồn tại được, hiển nhiên, là nhờ vào đòi hỏi của con người; nói báo chí làm con người thờ ơ, chẳng khác nào quy cho .... Tuy nhiên, với tần suất lặp lại lớn trong hình thức và nội dung của tin tức, đại đa số báo chí đang rơi vào con đường mòn của nhàm chán; một khi hứng thú không được khơi gợi đúng mức, đương nhiên, thái độ thờ ơ dễ dàng xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh.

Biểu hiện bề ngoài của một hành động là kết quả của một quá trình huấn luyện và biểu hiện của một hành động với các sắc thái tình cảm và tinh thần sâu sắc chứa đựng bên trong chủ thể là rất khó phân biệt. Nói cách khác, chỉ bằng quan sát hành động và sự thể hiện bên ngoài, chúng ta khó lòng phân biệt được đâu là kết quả của sự vâng lời và đâu là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài về mặt nhận thức. Vì vậy, sự việc xét theo những biểu hiện bên ngoài luôn cần phải được xem xét với các khoảng ngờ. Biểu hiện thờ ơ, ở đây, cũng vậy; sự không hứng thú thoáng qua với sự quan tâm bền bĩ nhưng bất lực đều có chung một bộ mặt biểu hiện, và lo lắng thực sự với những quặn xé bên trong, đương nhiên, chỉ bản thân một người hiểu. Hoặc nói đơn giản hơn, người ta thờ ơ, có khi, cũng chỉ vì người ta không thể làm gì khác hơn được.


3. Miền trung ngập lụt, gió mưa tơi bời.










4. Tin cập nhật, không được cập nhật cho lắm:

Người ta nói rằng, bão không phải là nguyên nhân gây ngập miền trung. Những tác nhân gây lụt nặng nề như đã thấy lại là vỡ đê và, một phần do, xả lũ, và nhiều nguyên do khác nữa. Người ta cũng phỏng vấn ông giám đốc nhà máy thủy điện nọ, và ông giám đốc này cũng thừa nhận có biết những thiệt hại tất yếu sẽ có, nhưng ông cho biết, đây lại là một việc bắt buộc phải làm. Người ta lại nói rằng, con số thiệt hại về người, lần này, có thể lớn đến vậy, là do lũ về nhanh quá, người dân ứng phó không kịp. Không biết cái bắt buộc phải làm ở trên có liên quan bao nhiêu phần trăm đến cái ứng phó không kịp dưới này không, nhưng dù gì, chuyện cũng đã rồi.

Mấy hôm nay, nhiều người ta nữa, liên tục đăng đàn phát biểu nhiều về cái sự bắt buộc phải làm trong quá khứ, với cả trong thời hiện tại. Có cả những giải pháp tổng thể, và cả những sai sót trong khâu thiết kế và thi công, mà thiết nghĩ, đều là những việc bắt buộc phải làm. Vậy mà giờ đó lại là những gì đang được bắt buộc phải nghe.

Lịch sử không có 'giá như'; và cách ứng xử tốt nhất đối với những việc bắt buộc phải làm là chấp nhận, hoặc là bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng, giá như, người ta có thể chủ động chọn lựa những cái bắt buộc phải làm để giảm bớt phần nào những cái bắt buộc phải chấp nhận, thì có lẽ người dân sẽ được nhờ nhiều hơn chăng?

Hoặc là ít ra, trước khi xả lũ, người ta có ới lên một tiếng, để dân còn biết đường mà ơi, thì cũng tốt quá rồi.







(*) Gustave le Bon.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét