Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

Cà f ê sữa

1. Dạo trước không biết uống cà f ê, gọi là không dám thì đúng hơn. Lần đầu uống, dù nước hai, cũng đủ để có một đêm tim ép quay cuồng. Không đến mức sợ, nhưng cũng không còn cái cảm giác háo hức 'ngu ngơ' như trước. Một thời gian dài, câu chuyện cà f ê không thêm được một diễn tiến mới nào.

Dạo trước chỉ dám uống cà f ê sữa. Có người nói cà f ê sữa, có đắng có ngọt, như cuộc đời, không bao giờ là tận cùng cả. Cũng có người nói, cà f ê sữa, có đen có trắng,nhìn ... đẹp hơn!? ... và còn nhiều nữa những lý do.

Người ta cũng tin rằng uống cà f ê, vừa có nghĩa thư giãn, vừa là một mong muốn đạt được sự tỉnh táo và tập trung. Tuy nhiên, điều khiển và kiểm soát là kết quả của một quá trình tự tương tác trí óc đơn thuần; sự minh mẫn là phản ứng của trí não trước những kích thích tương ứng và phù hợp từ môi trường, mà ở đây, thường là công việc. Thông thường, những hứng thú của chính công việc đang chờ được giải quyết kia đóng một vai trò quan trọng trong việc gợi mở, hay gọi lên, sự tập trung. Cà f ê ,những lúc này, là đối tượng của thư giãn và tạo cảm hứng, hơn là tác nhân kích thích: thuốc tiên cũng khó lòng cấp kỳ phát tác trong thời gian một ly cà f ê. Ngoài ra, tình trạng bị kích thích có thể đi kèm với sảng khoái quá độ - hay còn gọi là say, và rõ ràng, không tốt chút nào cho yêu cầu giải quyết công việc trước mắt.

Song, chung quy hết, người ta cứ uống cà f ê sữa, có lẽ chỉ đơn giản,vì đó là cà f ê sữa. Thói quen, đôi khi, không cần cắt nghĩa. Và trong đa số các trường hợp, người ta cũng không cần lý do gì ngoài sự dễ chịu.

Nhưng thói quen chưa thể là đam mê; và đam mê lại là một câu chuyện rất khác.


2. Tất thảy mọi đam mê đều có thể khoác lên mình chiếc áo triết lý, nếu niềm tin đủ lớn. Đã nhiều lần đọc, nghe và thấy, người ta có thể say sưa nói về cà f ê: cà f ê này khác cà f ê khác như thế nào? pha như thế nào thì ngon? lượng nước ra sao? phin phải là loại phin gì? phải chuẩn bị phin như thế nào? ... say sưa như thể đứa trẻ háo hức được kể lại cuộc phiêu lưu của ngày đầu tiên đến trường kỳ thú như thế nào, như thể mỗi khám phá của mình đều là một phát kiến vĩ đại và cơn say sưa của đứa trẻ thường dễ dàng bỏ quá cho những biểu hiện thờ ơ của người đối diện; với cảm xúc luôn tươi mới, dù câu chuyện, đã và sẽ còn, được kể lại bao nhiêu lần. Lúc này, hình ảnh cốc cà f ê đã được nâng tầm lên thành một biểu tượng của văn hoá, cho dù văn hoá lúc nào cũng là một khái niệm xông xênh (*).


3. Tuổi trẻ - vào đời là câu chuyện luôn luôn mới, xét trong những vận động luôn thay đổi của bất kỳ thể chế xã hội nào. Dân số Việt Nam, hiện nay, là dân số trẻ, và vì vậy, xã hội Việt Nam không bao giờ thiếu những câu chuyện khởi nghiệp: có thành công, và cũng có, tất nhiên, những thất bại.

Người trẻ chấp nhận đi lên từ tay trắng, đối mặt với rủi ro, và cả những bất định, xông lên phía trước, với hành trang là vốn hiểu biết cùng nhiệt huyết bừng bừng trong lòng, không phải chỉ để kiếm tiền, mà hơn hết, là bắt đầu bước đầu tiên trong chuỗi những nỗ lực gian khó, để làm nên một sự nghiệp. Những người trẻ như thế là những người không có tuổi, hay gọi theo bs Đỗ Hồng Ngọc, là những người trẻ lạ lùng và cái tinh thần xông pha như thế, cũng không có tuổi, chính là tinh thần của khởi nghiệp. Khởi nghiệp để làm giàu, khởi nghiệp để được sống.


4. Tôi quen dần với vị đắng cà f ê, cũng như quen dần với những buổi đêm thức muộn. Những cơn ép tim cũng không thường đến, dù mỗi lần cà f ê chỗ lạ, pha đậm, là lại tim đập tay run.

Tôi không thường gọi cà f ê sữa nữa, thay vào đó, là những ly đá đen, không đường. Sự đối lập giữa một bên là vị ngọt dễ chịu đến mềm người của cà f ê sữa, với một bên là cảm giác lờ lợ trong miệng - cái hậu của vị ngọt không hề dễ chịu chút nào, tạo nên ấn tượng sâu sắc rằng cuộc đời không bao giờ dễ dàng như vậy.

Cà f ê đen không thế, hoặc ít ra, với tôi, vị đắng dễ rửa trôi hơn vị lơ lớ ngọt. Hoặc cũng có thể vì tôi luôn muốn tin rằng, cuộc đời là tươi đẹp, và còn vì, để sống, chỉ cần có can đảm.





5. "Chung Sống, tự bản thân nó, hẳn phải có màu xanh lá cây". - 5xu


























(*)
Thiển cận nếu mạt sát báo chí/ Phạm Thanh Hà


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét