Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Hi, my name is Matt and this is Katty





via D- Dieu Nguyen





Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Re: Về cái béo.



Tôi thường xuyên nằm mơ thấy mình trần truồng. Trước kia thôi, dạo này không thấy nữa; không thấy mình trong giấc mơ trần truồng, còn thấy mình trần truồng trước gương mỗi sáng thì vẫn. Quan trọng là trần truồng, có gờ hay không gờ chỉ là chuyện muỗi. Như những giấc mơ trần truồng ấy bây giờ chỉ còn là một hồi ức nhàn nhạt về nỗi sợ hãi lấm lét trong trí nhớ mà trong đó là mài mại cảm giác hốt hoảng của kẻ đột nhiên phát hiện mình đi ra đường không mặc quần.

Thầy dạo này trở bệnh. Chuyến ra bắc ngắn ngủi máng thêm lên cơ thể người già - vốn đã đủ thứ bệnh - cái vẻ phạc phờ của người mới ốm dậy, hay gương mặt trở về của kẻ sau chầu bia vã. Mà dạo này thầy không bia, dạo này thầy không khỏe: đến cái lúc mà vòng quay đã xoay đến lúc như tôi bây giờ đấy, các anh chị chưa hiểu đâu, thì thế giới của mình chỉ toàn có chết và chết; người quen thì chết dần, mà những chuyện có thể nhớ được thì cũng toàn về người chết, hoặc chết quá nửa. Nhiều khi ngồi nhớ lại hồi xưa, quay qua quay lại một hồi mới ớ ra mình đang nói chuyện với người chết. Thế đấy.

Dĩ nhiên thầy không có bất cứ can hệ gì với trần truồng.

Dĩ nhiên tôi không đùa. Dấu ấn kỷ nguyên hậu hiện đại phản ánh trên các mặt của đời sống đương đại; viết, không tránh khỏi, trở thành tiên phong hay ít nhất là chỉ dấu rõ nét nhất của cái chủ nghĩa sinh-ra-bên-lề trong thời đương đại gấp gáp hối hả của thông tin. Phải mất khá lâu, từ lần đầu tiên bắt gặp, tôi mới dần hiểu ra: hậu hiện đại không phải ý chỉ thời đại tiếp sau (modern time); chúng ta luôn sống trong thời hiện đại (present day). Giống như một kháng lực chống lại cái tốc độ đến phi thường của cuộc sống dư thừa vật chất mà vội vã thời gian. Giống như là cách người ta tìm kiếm cho cuộc đời mình một ý nghĩa của tồn tại. Mà có cần phải có không? Ý tôi là cái ý nghĩa của tồn tại ấy? Người ta có cần lý do đâu, để nâng ly mà uống.

Tôi đang nói về con cá, và tôi thích biển. Không phải bởi vì biển có cá, cũng không phải vì những chú cá nhỏ luôn hướng về biển như biểu tượng của khát vọng vượt vũ môn: biển luôn dữ dội và cá có thể làm món nhậu. Nhưng món cá không phải là món nhậu phù hợp nhất, cũng vậy, cá gỗ chưa thể là điển hình (không phải kinh điển) cho những cuộc nhậu không cần gì cả. Có người thậm chí chỉ cần một hột đậu phộng rang cho vào dĩa nước mắm để giữa những đợt nâng ly người này thay người kia lần lượt mút hột đậu phộng thay mồi, rồi khi ai đó quá say mà lỡ nhai cả hột đậu phộng duy nhất thì chỉ cần thay bằng hạt sỏi thôi thì bữa vui vẫn tiếp tục. Quan trọng là vui và đáng nhớ. Mặc dù phút giây vui vẻ ngắn ngủi đó có thể nối tiếp bằng cả ngày dài vật vờ như thể bỏ quên cả mặt và não trong lưng quần, nhưng biết làm sao được, ăn ký ức - uống nghĩa tình: biết bao nhiêu cho đủ? (*)

Ký ức mang trá, chưa kể đến thời điểm những vòng xoay dần về cuối, thì những hồi ức chỉ làm người ta khó chịu: càng quay lại với quá khứ, chúng ta càng nhận ra mình cô đơn đến mức nào. Không hẳn là tệ. Như bản thân viết là một quá trình cô độc, theo nghĩa tồn tại một sự cách biệt tương đối hoàn toàn với mọi tác động chung quanh trong chừng mực anh ta cho phép; ngược lại khi anh ta hưởng thụ điều đó, tức là anh ta cho phép mình đắm chìm vào thế giới của những suy tưởng, những hình ảnh, những gì có nghĩa và làm cho anh ta trở nên có nghĩa, tức là người viết hoàn toàn không cô đơn, dù cho sự nội-giao tiếp lúc này chỉ có thể phần nào tồn tại thông qua sự viết; thế giới đó chỉ thực sự bước vào tồn tại khi có người đọc lên, dù chỉ phần nào: Cần hai người để hát lên bản tình ca duy nhất, nhưng bản tình ca vĩ đại nhất chỉ thuộc về một người. Chỉ bản thân một người, thế thôi.

Như thế không có nghĩa là không tồn tại tình yêu giữa hai người yêu nhau hoặc những người họ cưới nhau (rồi) không có yêu nhau. Thực tế, các cuộc hôn phối vẫn diễn ra hằng ngày mặc cho ngày ngày người ta vẫn mãi kêu gào tình yêu cho một cơ hội. Họa chăng có trời mới biết hôn nhân và tình yêu cái nào có trước cái nào không, hay cái nào không có cái kia có có không? Tuy vậy, chỉ để cười thôi thì đơn giản lắm. Đơn giản như nghe mẩu chuyện giữa hai người bạn cùng có chung bạn là thằng Hưng, thằng Hưng với con Phấn mới cưới. Một bữa nọ đứa này gọi cho đứa kia hỏi số con Phấn. Đứa kia giãy nãy, mày có chuyện gì sao không hỏi thẳng thằng Hưng. Đứa kia nói, tao gọi con Phấn nói chuyện thằng Hưng. - Chuyện gì mày không nói thẳng với thằng Hưng được hả?. - Không được, chuyện này phải nói với con Phấn. - Chuyện gì mà mày hông nói được với thằng Hưng mà lại đi nói với vợ nó? - Ừh, chuyện về thằng Hưng, mà mày có số con Phấn hông cho tao xin? - Liền giờ hả? - Ừh, gấp lắm rồi. - Gấp lắm hả? - Ừh, gấp lắm, mày có số hông cho tao xin? - Ừh, tao hông có. - (!@#%@#%@^@$^% - cố bình tĩnh) Rồi mày biết ai có số con Phấn hông chỉ tao hỏi? - Biết. - Ai? - Hỏi thằng Hưng.

Tôi cá rằng bạn sẽ phải cười bò cả ra. Còn không thì bạn xứng đáng là con bò cười:


Cảnh sát ba nước: Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam cùng tham dự cuộc thi Cảnh sát Giỏi nhất hành tinh.

Ban giám khảo dắt đại diện ba nước đến trước rừng Amazon, thả một con thỏ vào rừng, rồi ra đề: Ai tìm ra con thỏ trong thời gian ngắn nhất sẽ được trao giải Nghiệp vụ số một thế giới.

Người Mỹ vỗ đùi đánh đét: "(thực ra là tiếng tây nhưng tui dịch thẳng ra luông tiếng ta) Để tao!", rồi rải chip khắp rừng. Bốn tiếng sau không một con chip nào phát hiện được (một) con thỏ.

Người Trung Quốc thấy vậy, cười he he, rồi cử một triệu, ít quá, mười triệu người vào rừng, dắt theo hai mươi triệu con chó săn (cỡ này lấy thịt đè thỏ thỏ cũng chết vì hôi). Tám tiếng sau, cũng không phát hiện được (một) con thỏ nào.

Người Việt Nam không nói gì, lẳng lặng nhìn nhau, rồi cử hai anh cảnh sát đi vào rừng. Chỉ hai người thôi, và trên tay mỗi anh cầm chỉ một con dao. Năm phút sau, hai ảnh dắt ra một con gấu, máu me bê bết. Con gấu đến trước mặt ban giám khảo khóc lóc ỏm tỏi huyên náo cả một góc rừng. Nó vừa mếu vừa nói: "Mấy anh ơi, bắt em đi, em là thỏ!, em là thỏ!, em là Thooooooooỏ!"




Rốt cuộc thì con bò ở đâu?


























Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Trước tiệc ăn cưới



1, Chờ đợi là một ẩn dụ. Khi ở trong tình cảnh chờ đợi thì cái giữ cho người ta chờ đợi và tiếp tục chờ đợi không hẳn là cái sự kiện đang được chờ đợi, mà chính là những gì xảy ra tiếp theo. Ví dụ như đọc sách: thực tế cái giữ người ta tiếp tục đọc không hẳn là mong muốn tiến dần tới sự xúc động hay dấu ấn về mặt cảm xúc hay sự mở rộng hiểu biết, đơn giản chỉ là sự tò mò. Cái gì tiếp theo đây?

Do đó, nói là đang chờ đợi cái gì đó thực ra là thái độ phủ nhận nhẹ nhàng cái mong muốn. Điều đó không có nghĩa là không có mong muốn; ngược lại bằng việc tạo nên khoảng cách giữa ý nghĩa bản thân hành động với cái mong muốn, qua đó phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa chúng, tức là người ta đang trì hoãn - vì lo sợ, rất có thể, hay ở góc nhìn khác, đang nói rằng 'tôi muốn'. Đây không phải là nói dối. Vì cái mong muốn chưa xảy ra, và người ta đang hy vọng.

Hoặc là không rõ cái mong muốn hoặc là một kẻ đại ngốc với niềm hy vọng to lớn, còn lại, phần nhiều, chờ đợi là lời tự dối.


2, Con người đang chờ đợi điều gì trong cuộc đời dài rộng mà cụt ngủn này? Ai là người đang chờ đợi và ai là không? Không thể chắc được: nhiều lúc nhìn vậy nhưng chả phải vậy, có khi đang chờ đợi cái gì mà cả bản thân cũng không hề biết cho tới lúc vỡ chuyện thì cứ vỡ òa. Cuộc đời vô chừng mà con người khó lường.


3, Thời gian chờ đợi trước tiệc ăn cưới thật là vô ích. Tôi đã tự dối mình hằng chục lần và có lẽ còn dài dài những lần nữa: ngó đăm đăm lên chùm đèn sáng và phớt lờ niềm vui đang đốm đốp va vào nhau khắp chung quanh; nghi lễ chúc phúc lại được dịp chảy tràn. Không có quyển sách nào cầm theo.

Sự khó chịu ở các tiệm ăn cưới không phải là sự nhốn nháo và lạo xạo không ngừng của đám đông trong khán phòng; cũng không phải phần nghi lễ trình diễn được lặp đi lặp lại từ nơi này sang nơi khác; hoặc các bạn MC lúc nào cũng chực reo lên vui mừng như mới vừa lên đỉnh cũng không. Tất thảy chẳng là gì, khi so với thảm cảnh phải nhìn vào những gương mặt xa lạ chung quanh mà nói những lời chúc mừng.

Bởi vậy ở các tiệc ăn cưới là thời gian tốt nhất để nhìn lên các chùm đèn sáng. Điều đó thật dễ chịu, tôi không có gì để chờ đợi. Cho đến khi ánh điện phụt tắt và tiếng nhạc trỗi lên. Sắp được ngủ rồi.


[4', Bọn nhà văn là bọn đểu. Cần phải dè chừng. Khả năng bịa chuyện của bọn nhà văn là khá hoàn thiện, xét về mặt chân thật, bọn nhà văn là bọn có khả năng tạo ra những câu chuyện bịa hoàn toàn mà cũng thật hoàn toàn. Mà làm được điều đó, ngoài cái phần tài năng ngôn từ lẫn cái phần làm việc chăm chỉ, điều quan trọng nữa là cái mà người đọc mong muốn. Tức là phần nào chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho sự chân thật của một câu chuyện bịa thành công của bọn nhà văn: chúng ta vốn đã tin một nửa rồi. Mà để bịa không nhất thiết phải là nhà văn thì mới chân thật.


Vì vậy, nhân loại hãy cảnh giác!]


4. Có thể là tôi nhầm. Có thể tôi đang chờ đợi.















Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

yêu em không cần cửa



cây quỳnh anh lá vàng
rụng đầy trước sân
bầu trời buổi sáng mù sương
yêu em không cần cửa
lá rụng không cần mùa
(đêm đông không lò sưởi
trà đá không cần lời :)))
rì rào mưa xuân
nghiêng nghiêng bầy trẻ nhỏ
con chim sẻ bên đường
yêu em không thể cưỡng


Ời hỡi!
tháng ngày dài nhung nhớ
đêm nằm nhớ gọi tên

Ời hỡi!
tháng ngày trôi sông suối
yêu êm trong tình đầu.

















Thứ Hai, 10 tháng 1, 2011

Lsty




Tôi không thể nhớ ra lúc đó ai ở bên cạnh. Lần gần nhất tôi có cái cảm giác ấy, thậm chí, tôi không thể nhớ ra có ai ở cạnh bên không. Nhưng cái cảm giác lâng lâng trong nhựa sống vồ vập, như muốn nổ tung, như muốn ôm lấy tất cả ấy làm tôi không thể chịu được. Không thể chịu đựng được, dù chỉ thêm một phút nào, mà không làm gì đó; làm cái gì đó như trong lúc đầu tiên của tình si người ta muốn hét lên với cả thế giới rằng Tôi đang yêu! Tôi đang yêu! Tôi đang yêu!. Không phải là tình yêu; tôi không phải. Tình yêu không phải thứ để suy nghĩ. Tình yêu là để hồi tưởng. Tôi không phải, tôi nghĩ về cái chết.

Tôi quen với cảm tưởng chỉ một mình: cảm giác khi nhìn ra thấy toàn những khuôn mặt lạ và bất kỳ chuyển động nào trước mắt chắc chắn không phải nhằm vào mình, điều đó làm tôi yên tâm. Nhiều lúc tôi nghĩ mình là con mèo. Không biết từ đâu tới. Con mèo nằm cuộn tròn trên phần chìa ra của hàng gạch xây dỡ giăng ngang hai cột bám màu rêu của căn nhà cũ. Nó nằm đó, ngủ ngon lành. Dù phía bên kia, đại công trường đang chuyển mình dồn dập. Nó ngủ ngon lành. Cứ như mọi thứ chung quanh không thể chạm tới giấc ngủ của nó. Hoặc là chính con mèo đang trở thành không thể chạm tới, bằng giấc ngủ.

Một giấc ngủ vô hình. Một cái chết vĩnh cữu.

Lần gần đây nhất là lúc tôi đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống; trước mặt là biển. Tôi leo, nói đúng hơn là lê người qua dãy vô tận những bậc tam cấp - lên đến đỉnh núi, và đứng trước biển. Bên dưới là biển; cách chỉ một bờ đất. Trước khi tôi kịp cảm giác bất kỳ điều gì, nỗi sợ hãi đã vồ lấy tôi. Gió biển vẫn thổi mạnh.

Tôi đã hét lên. Gần như là thét. Như muốn tống ra khỏi lồng ngực nỗi sợ hãi. Như muốn chống lại thôi thúc sắp đẩy hai chân mình vượt qua mép vực. Tôi những muốn lao xuống; bên dưới là biển. Tôi đã thực muốn lao xuống. Nhưng. Tôi sợ.

Tiếng hét đã cứu tôi. Rồi sau đó là nó. Cái cảm giác ấy.

Tôi đi trên phố. Tôi gần như chạy. Nếu coi những cố gắng không ngừng nhấc chân và đưa người về phía trước bất chấp những cơn đau nhói lên liên tục từ đầu gối trái, thì đúng là tôi đang chạy. Tôi chạy nhanh hết mức có thể. Tôi muốn mau chóng trở về. Tôi muốn nắm lấy khoảnh khắc ấy. Giữ lại bằng bút viết, bằng bàn phím hay bất kỳ gì ngoài trí nhớ suy tàn của tôi - cái trí nhớ không giúp ích được bao nhiêu cho việc ghi nhớ mà chỉ chực xổ ra những điều không mong muốn vào những lúc không mong muốn. Bất kỳ cái gì khác ngoài trí nhớ không thể tin được này. Tôi muốn mau chóng trở về.

Nhưng không thể. Đầu gối trái nhức liên hồi, ngực thở dồn dập và hơi thở đứt quãng. Phải cố gắng lắm tôi mới trụ lại được trên hai chân, giữ mình khỏi gục xuống. Tôi không thể về kịp. Mà cho dù có thể thì tôi cũng không thể, như bao lần trước nữa, như từ phút đầu vội vã tôi đã lờ đi, như cả lúc trên đỉnh núi: dù tôi cố gắng chỉ có thể lưu giữ lại phần ký ức rỗng không, rằng cái được giữ lại chỉ là một hồi ức đẹp về điều gì còn lớn hơn, đẹp hơn và không thể chạm tới. Không ngôn từ nào có thể. Không gì có thể.

Nên tôi dừng lại, và nhìn. Đứng lại và nhìn. Có ai trông thấy cái tôi đang thấy không? Cái cảm giác ấy.

Cảm giác đối mặt với một tình yêu quá lớn lao; đủ lớn lao để có thể kìm giữ những giọt nước mắt lại và đồng thời, cũng đủ lớn lao để làm ta bật khóc, gần như bật khóc: không phải niềm thương cảm cho mất mát, mà ngược lại, là hạnh phúc ngập tràn của gặp lại một trong những niềm tin cổ xưa nhất của cuộc đời, rằng tình yêu có thật.

Hay chính ảo tưởng của chúng ta, không, chính tôi?




















Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Nơi đây từng là



Từ ngã tư Phú Nhuận dọc theo đường Hoàng Văn Thụ, qua khỏi nhà thờ một đoạn ngắn rồi rẽ vào con hẻm đầu tiên (bên phải), men theo lối nhỏ bên phải đi thêm một đoạn sẽ thấy một cây không biết là cây gì, loại cổ thụ, thân cao-táng rộng, bóng xanh phủ hết cả lối, lúc nào ngang qua cũng mát tỉnh cả người, rất thích. Từ đây nếu tiếp tục đi tiếp sẽ ra được đường Nguyễn Kiệm; chiều ngược lại, trước đây thường được dùng như một lối thoát hiểm cho xe gắn máy hướng vào trung tâm bị dồn ứ ở ngã tư, trong giờ cao điểm - trước khi phân luồng.

Trước khi phân luồng, tức là khi toàn tuyến Nguyễn Kiệm được phép lưu thông hai chiều; tức là khi vẫn còn cái chợ tạm treo bảng quy hoạch chờ giải tỏa, nằm kẹp giữa Nguyễn Oanh - Quang Trung đoạn sắp nhập vào ngã năm chuồng chó và mỗi lần ngược lên Gò Vập đem lại cảm giác dong duổi về vùng quê nào rất xa: rất nhiều bụi đường, nhà cửa tìu hiu và thưa thớt xe cộ; tức là khi nem Thủ Đức vẫn ngon và rượu Bầu Đá vẫn còn để say lòng người.

Trước khi phân luồng, tức là khi nơi đây từng là.

Nơi từng là bãi đất rộng, có lẽ thuộc quỹ đất của quân đội, sau một thời gian phủ bạt, mọc nên tòa cao ốc mà đi cùng nó, là một lượng lớn cây xanh lâu năm bị đốn bỏ, trong đó có những cây cổ thụ góc to vật mà tuổi cây còn dài hơn đời người. Những trường hợp hiếm hoi, như ở góc Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu, hay Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, có mặt bằng rộng, các cây cỏ thụ vẫn còn đứng lại, hoặc đã cắt gọt phần nào hoặc lá xanh xơ xác. Nhiều nơi khác không được cái may mắn như vậy.

Nơi từng là hàng cây trên lề công viên dọc theo đường Hàn Thuyên, nơi mà ngó qua là thấy nhà thờ, ngó lại là thấy Dinh Thống Nhất, ngó về phía cuối đường Hàn Thuyên giao với Pastuer là dãy mái ngói đỏ của một loạt những căn nhà một tầng xây từ thời Pháp - đã bị đốn bỏ, thay vào đó là một loạt những cây non thưa thớt lá.

Nơi từng là công viên Chi Lăng, nay trở thành vườn hoa bảng vàng bốn chữ. Nơi từng là chung cư Eden, nay sắp sửa thành đống hoang tàn chuẩn bị cho một Vincanh thứ hai mọc lên. Trên nền nơi từng là bến Bình Đông, nay trở thành một phần của đại lộ Đông Tây tối tối vụt xe ra chạy băng băng rất sướng. Nơi từng là Sài Gòn, mãi mãi là Sài Gòn nhưng không bao giờ có thể lại là Sài Gòn nữa.

Ngày qua ngày thành phố thay áo mới; những ký ức kéo da non, và quá khứ lùi dần. Những huyền thoại chết đi, và những chuyện kể bắt đầu.

Một nền văn minh mới ra đời là sự chết đi của một nền văn minh cũ (*). Vẫn chưa thấy nền văn minh nào mới ra đời.




Cuối năm hết Tết, chúc mừng mọi nhà!

























Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

mat ngu



Trời ới (2)

ngủ thật đây
tớ đi ngủ thật đây
đừng ai nói gì nữa
đừng một tiếng gì nữa
đừng cả cái gì nữa
ngừng hết
vứt hết
tớ đi ngủ thật đây

này điện thoại không được kêu nhé
này hàng xóm không được hát đâu
này chó già nhà bên cũng không được sủa
im thật yên nào
tớ đi ngủ thật đây

tớ đi ngủ thật đấy
liệu đừng có mà ồn
cái kim giây cấm không gây ra tiếng
cá trong hồ cấm đớp bọt giữa đêm
cả tàu đêm cấm không làm run đường,
tớ đi ngủ đấy - cấm không cả kéo còi luôn

ngủ thật mà
tớ đi ngủ thật mà
cửa khóa rồi
hẹn giờ rồi
mắt nhắm rồi
đã khuya rồi
cả giấc mơ cũng sẵn sàng rồi


làm sao cơn ngủ tớ chịu đến thật đây???