Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

mộng mơ như ta thấy


Tình cảnh những đứa con sách vở chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta cảm nhận được điều đó. Đó có thể là sau bữa tối, khi đèn đường đã soi rõ hơi sương và không gian đặc quánh nỗi im ắng; đó có thể là giữa giờ nghỉ buổi trưa, khi mọi lo toan như đã khuất sau lần kính và trước giấc ngủ ngắn; cũng có thể là một lúc nào đó lỡ làng, giữa cuộc đợi chờ một cái gì, thường khi là chốn đông người, thường khi là ở đám ăn cưới, giữa vồn vã nói cười xung quanh, một ai đó lặng im, với trong tay là cuốn sách. Hay bất cứ lúc nào có một người đang đọc. Đọc, và chống lại sự vội vã của cả nền văn minh. Cho dẫu lãng quên là định mệnh; và sau đây là mười đề cử cho giải Lãng quên trên kệ sách của đợt trao giải Gió Hơi Lớn lần này.

____



* Vũ Trụ [Cosmos], Carl Sagan, Nguyễn Việt Long dịch, NN | NXB Thế Giới, 2011.

Có một nguyên tắc bất thành văn rằng hãy kiệm lời khi nói về những gì vĩ đại. Đây là ví dụ.


* Vật lý và Triết học, Werner Heisenberg, Phạm Văn Thiều, Trần Quốc Tuý dịch, NXB Tri Thức, 11/2009.

Newton là một thiên tài. Thiên tài chỉ làm một việc duy nhất đáng kể là chỉ lối cho người khác đi theo. Thiên tài của Newton đã vạch ra một lối đi xuyên suốt hơn 200 năm cho trí tuệ nhân loại. Cho đến khi Einstein, một thiên tài khác xuất hiện sau thời của Newton, vẽ lại con đường đó, một cách cụ tỉ hơn. Nói cách khác, Einstein là Kẻ được chọn kế thừa sự nghiệp của Newton và bao người đi trước, góp phần định hình thời đại cũng như tương lai của những thế hệ kế tiếp. Nhưng có phần trái ngược với lĩnh vực kỹ thuật, nơi mà lý thuyết của ông bao trùm một cách gần như tuyệt đối, thì có vẻ tư tưởng của lớp hậu sinh chịu ảnh hưởng phần nào nhiều hơn từ một nhà vật lý lý thuyết khác, vốn cũng không kém tiếng tăm, người chỉ với một dòng hệ thức ngắn ngủi, có vẻ như, đã lên khuôn cả tư tưởng chủ đạo của gần trăm năm sau: Chào mừng đến với thế giới bất định!


* Thế giới lượng tử kỳ bí [Skurrile Quantenwelt], Silvia Arroyo Camelo, Phạm Văn Thiều, Vũ Công Lập, Nguyễn Văn Liên dịch, NXB Trẻ, [...].

Heisenberg gần như có thể gọi là cha đẻ của cơ học lượng tử, dưới sự bảo trợ của người khổng lồ Max Born, đã bắn phát pháo hiệu dự báo cho một thời đại bất định sắp đến. Vậy cơ học lượng tử là gì? Một cô gái trẻ, rất trẻ, đã tự hỏi, và tự mình đi tìm câu trả lời. Đầu tiên là qua các tài liệu thường thức. Nhưng cô không hài lòng, chúng quá dễ dàng để chấp nhận. Tiếp tục đào sâu thêm nữa, thêm nữa, rồi thêm nữa, đến một lúc thì cô quyết định mình phải làm một điều gì đó. Nói theo lời cha cô, được ghi trong phần giới thiệu của quyển sách, thì tuổi 18 người ta còn trẻ, người ta thường làm một điều gì đó. Một điều gì đó đặc biệt chỉ xảy ra một lần trong đời. Và Silvia quyết định viết quyển sách này.


* Từ xác định đến bất định [From certainty to uncertainty: The story of science and ideas in the twentieth century], F. David Peat, Phạm Việt Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2011.

Thế giới chúng ta đang sống là một hỗn độn. Các hệ tồn tại trong một trạng thái giả cân bằng mà chỉ một tác nhân lạ phù hợp kích thích hệ sẽ nhanh chóng trở thành hỗn độn, rồi lại tái cân bằng tạm thời rồi lại hỗn độn. Rất nhùng nhằng. Những gì chúng ta có thể biết được, vốn nằm ít ỏi trên bề mặt của những tảng băng trôi vùng cực. Vậy chúng ta nên làm gì, trước khi những tảng băng kia tan mất? - Ngủ một giấc dài, hẳn nhiên rồi.


* Vượn trần trụi [The Naked Ape]/ Vườn thú người [The Human Zoo], Desmond Morris, Vương Ngân Hà dịch, NN | NXB HNV, 2010.

Đây là một ví dụ khác.


* Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? [Wer bin ich - und wenn ja, wie viele?], Richard David Precht, Trần Vinh dịch, NN | NXB Dân Trí, 2011.

Con người là một thực thể rắc rối. Những gì thuộc về con người cũng rắc rối. Những gì thuộc về tâm trí con người lại càng rắc rối. Và như bóng đêm. Nhưng trong giới hạn những gì khoa học có thể làm được, chúng ta có thể lần mò học cách nghiên cứu bộ não người, và thu được ích lợi về việc hiểu biết bản thân loài người từ đó. Đó có thể là câu chuyện về phần vỏ não điều khiển hoạt động tư duy của ý thức, cái phân biệt chúng ta với các loài bò sát tổ tiên; hay bộ não chứa đựng thông tin một cách phân tán trên toàn bộ bề mặt vỏ não, để mà khi bị tổn thương một phần, thì trí nhớ con người không hoàn toàn mất đi mà có thể được khôi phục dần ... Đó cũng chính là ích lợi thu được nhờ vào tiến bộ của khoa học và công nghệ. Nhưng khuất sau những gì được nhìn thấy, thì rốt cuộc, chúng ta là ai?


* Hành trình vào triết học, Trần Văn Toàn, Ban Tu thư ĐH Hoa Sen | NXB Tri Thức, [...].

Cuốn sách này vốn là tài liệu giảng dạy môn triết học cơ sở cho học viên dự bị văn khoa trước 1975. Nó nói về triết học như một hoạt động lành mạnh của tư duy, gần gũi như một hơi thởi và mời gọi tham cuộc như một người bạn thân tình. Mọi sự chẳng hề đơn giản, hẳn nhiên vậy. Nhưng cũng chẳng phải là gì để mà sợ hãi, bởi sau bữa cơm thì mọi sự đều hoá ra dễ dàng. Rồi cuộc đời cũng trôi qua, chúng ta cũng chẳng thể sợ hãi được gì nữa. Vậy đi vào triết học để làm gì? - Để theo cách nào đó tránh được một sự kiện đáng buồn trong đời người, gọi là vong thân? (*)


* Phải trái đúng sai [JUSTICE What's the right thing to do?], Michael Sandel, Hồ Đắc Phương dịch, NXB Trẻ, 2011.

Einstein từng nói/viết, đại ý, rằng hệ thống quân đội là quái thai kinh tởm nhất của hệ thống bầy đàn. Trong một chiều kích khác khác, thì có thể gọi xã hội dân sự là một con quái vật đầy phiền toái của các nền văn minh. Ý tôi muốn nói đến xã hội dân sự với đầy đủ phẩm cách và hoạt động lành mạnh của nó, tức là cái đối trọng lợi ích của các bên trong xã hội. Tất nhiên là nằm ngoài chính phủ, và tất nhiên là có đối đầu nhau trong phân chia miếng bánh lợi ích từ các nguồn lực xã hội. Đối đầu, nhưng không đối địch. Việc tranh giành lợi ích giữa các bên phần lớn là tranh thủ sự đồng tình của các thành viên trong một cộng đồng cụ thể. Phe thắng là phe có được số đông ủng hộ. Nhưng điều đó có thực đúng không? Dựa trên nền tảng của triết học, thông qua ba ngã đường của Phúc lợi, Tự do, và Đạo đức, Michael Sandel dẫn ta vào một hành trình đầy hứa hẹn để tìm kiếm Công bằng.


* Thế giới như tôi thấy [Mein Weltbild], Albert Einstein, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2007.

Về tất thảy mọi chuyện trên đời có thể, từ một cuộc đời khiêm nhường mà sôi nổi.



___


Còn lại là phần của chúng ta - những đứa con của trái đất, đến đây trong một cuộc tồn vong ngắn ngủn - như một hạt bụi bay ngang qua bầu trời, chúng ta chọn gì: Chiến tranh hay hoà bình, cơ đơn hay tuyệt vọng, tivi hay áo ngực?

- Ngủ một giấc dài, hẳn nhiên rồi.

























Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

cõi này là để chơi hoang (*)





lừa nhau một chút thôi nghe 
thánh thần bên cạnh đừng đè ngộp hơi 
để còn thả cửa rong chơi. 







(*) lục-bát-ba-câu, nguyễn tôn nhan, hương tích ấn hành, 2012. 
sách hiện đã có tại Thư quán Hương Tích - 308/12 Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh.  

























Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Không thể chối từ














Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Dưới vòm cây



Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chuyến đi đến vào một lúc chẳng ai ngờ; khi chúng tôi quành xe lại, đầu xe chúi vào nhau, khựng lại một chút như làm dáng, rồi bằng một cử chỉ như là bông phớt, chúng tôi nhìn nhau rồi chúng tôi cho xe chạy. Đi Ngoạn Mục.

*

Xét về mặt tập tính, hành vi check-in có nhiều điểm tương đồng với hành vi đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu của loài chó. Khác biệt căn bản nằm trong thông điệp truyền đi: loài chó dùng mùi để gởi tín hiệu cảnh báo đến bất kỳ sự xâm nhập nào; trong khi check-in, phần lớn, là một sự mời gọi: "Em đang ở đây. Đến đây anh". Càng mời gọi hơn nếu như nơi đến là một chỉ dấu của sự thừa mứa xa hoa, như đang vào mùa lạnh chẳng hạn.

*

Thừa mứa xa hoa là một trạng thái giả tưởng, có thể có được với những xếp đặt như thế này: buổi sáng trời lạnh, ngoài cửa sổ còn sương sớm, trà nóng, đọc Bốn mùa và Adele đang hát; skyfall. Nhưng hoá ra tất thảy những điều đó không thể sánh được với chỉ mỗi câu này: "Tôi nhấc nó ra. Tôi cầm nó trên tay. Tôi cầm nửa đó của nó". Hay mọi thứ sẽ chỉ trở nên hoàn hảo khi chúng ta thôi kỳ vọng nó hoàn hảo?

*

Bạn hỏi hút thuốc cảm giác thế nào. Tôi không biết nói sao, mọi thứ rất mông lung, dù rằng cái vị hậu của một điếu thuốc là giống như ngậm tro vào miệng. Nhưng không phải cái đó. Nó không phải là điều cốt yếu. Cái chính yếu của những thứ có tính kích thích như rượu bia và kể cả thuốc hút nữa vốn là để làm ta say. Bạn uống một ít bia, bạn hút một ít thuốc. Bạn chưa cảm thấy gì. Bạn tiếp tục uống, tiếp tục hút. Vẫn chẳng có gì. Bạn lại tiếp tục, tiếp tục. Tiếp tục. Rồi đến một lúc nào đó, bạn chẳng nhớ gì nữa ngoài cảm giác tê tê dại dại. Tôi chẳng thích thú gì cái sự tê dại ấy, nhưng giống như một khoảnh khắc hẩn lên của gờ giảm tốc trên đường bằng, nó cho tôi một ít gì cảm giác mình đang tồn tại. Hoặc giả tôi đang muốn thấy một thằng ngu, thế nên tôi lại đốt thuốc.


*

Cách thành phố hơn hai mươi cây số, chúng tôi chạy đến một đoạn triền núi mở ra đón nắng. Nắng chiều chiếu xiên từ phía trái, ôm lấy chúng tôi, bọc chúng tôi trong một lớp chăn ấm vàng dịu. Buổi chiều sương rơi sớm, đường đèo khúc khuỷu. Những khoảnh cây thông, những mái nhà bé xíu. Để lại những vạt dã quỳ vàng rực cả một cung đường, để lại cái lạnh cóng tay đang lặng lẽ trườn mình lên những vạt đồi nắng rút dần, để lại Đơn Dương một tấm lòng, chúng tôi trở về.

Mang theo nỗi nhung nhớ những cung đường; và tất cả tình yêu với bầu trời.

*

Sau một chuyến đi xa, mọi thứ có vẻ trông cụt ngủn. Như thế này.









Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Những gì thấy muộn



1. Những gì thấy muộn là cái sờ sờ ra đấy nhìn phát phải thấy ngay nhưng lại không thấy mà phải một hồi lâu lâu sau mới thấy; như là chữ I trong dòng tựa của quyển Em làm ơn yêu im đi được không? có màu xanh tiệp với màu của biển ngoài cửa. Là ý gì? Sự im lặng mang màu xanh của biển? Sự im lặng của biển? Sự im lặng của biển. Nhưng dù có thế chăng nữa thì đấy không phải là một cái bìa đẹp.

2. Márai Sándor hẳn là người viết theo cách trông như là đối nghịch hoàn toàn với Raymond Carver. Kiểu như hai thái cực đối nghịch ấy: (1) là nhà văn của những cảm xúc tinh tế và miêu tả đầy hình ảnh tượng trưng, như những gì ông thể hiện ờ Bốn mùa, Trời và đất; bữa tiệc ngôn từ do (1) bày ra luôn tràn ngập sự lơ lửng và bay bổng: chúng như khuyến khích tâm trí người đọc bay lên, vút cao. Trong khi, với (2), những dòng chữ tựa như những cấu trúc khung tạo nên từ những sự kiện; tựa hồ như tước đi mọi cảm xúc, gần như là lạnh lùng. (2) luôn làm tôi nhớ đến cảnh nhân vật nam chính, trong Chuông nguyện hồn ai, suy tính đến việc rút súng, bắn chết những kẻ cùng bàn nếu bên kia có dấu hiệu vượt quá lằn ranh; sẵn sàng lấy mạng người khác chỉ trong chớp mắt; như một kẻ thạo việc chẳng gợn chút băn khoăn gì. Vậy cảm xúc ở đâu? Không ai nói gì.

3. Hemingway là một trường hợp khác; tôi luôn cảm giác sẽ có một cú bùng vỡ sau những gì lạnh tanh được bày ra ấy. (2) luôn làm tôi nghĩ đến dòng suối. Đúng hơn là tiếng suối chảy. Đúng hơn là tôi luôn chờ đợi cái tiếng động ấy trong khi đọc, khi ngừng đọc, khi nghĩ về. Giống như Nhen lửa; trong đêm, cái gì khiến ta thức dậy?; Cái gì giữ ta tỉnh thức?; Cái gì khiến ta chờ đợi?; Tiếng suối, ở đâu?

4. Trở lại với cái bìa đẹp. Tôi không thể nói cho bạn biết tiêu chuẩn thế nào để đủ gọi cái bìa là đẹp. Nên tôi sẽ nói với bạn về Cái Đẹp. Cái Đẹp như là một ý niệm tự thân, vượt lên khỏi (beyond) những hạn chế của ngôn từ hay giác quan ấy, nói theo Eco khi dẫn lời cha nào đó sống ở thời Trung cổ, là cái gì đó toả sáng tự nó. Toả sáng không chỉ gói gọn trong hành động nhìn bằng mắt mà bằng tất cả các giác quan: như một mùi hương, như một giai điệu, như một chạm vào... Nhưng như thế thì Cái Đẹp lại không phải tự nó nữa rồi. Lúc này, Cái Đẹp là sản phẩm của người thưởng lãm, thông qua hành động đọc, hành động nghe, hành động nhìn... Tức là thông qua những hành động truy vấn thế giới của người tham cuộc. Tức là Cái Đẹp trở thành một cái đẹp dưới thẩm quyền của một con người cụ thể, qua một quá trình đánh giá và đánh giá lại diễn ra liên tục. Tức là Cái Đẹp nay thôi mang tính chân lý, nhường sân khấu lại cho những cái đẹp đậm màu sắc cá nhân: những giá trị của số đông, như số phận của những Đại Tự sự, như bị khước từ đã chuyển thành những kho báu mang tính cá nhân sâu sắc. Bây giờ là lúc riêng tư; nếu không tìm thấy người đáng để trưng nó-cáikhobáuđó ra, thì tốt hơn hết là im lặng mà thu vén lòng mình lại.

5. Tôi muốn sống một cuộc đời bình thường cùng đầy rẫy những điều nhỏ nhặt. Nghĩa là sáng dậy sớm để hít lấy cái lành lạnh của ngày mới chưa tỉnh giấc; đi bộ qua con phố vắng lồng lộng gió thổi; uống trà trên gác mái, trong một căn phòng gỗ; xem mưa buổi đêm; nghe một giọng nói thầm;... Tức là sống theo cách đầy đủ nhất để tâm hồn mình nở hoa: có cả cơn vui lẫn những niềm đau đớn. Còn lâu mới thành huyền thoại; còn lâu mới là vĩ đại: nhưng chính những điều nhỏ nhặt đó là những gì tôi có thể vin vào ngõ hầu tiếp tục tồn tại trong thế giới hỗn độn này: sống một đời bình thường.

Theo cách đó, tôi hy vọng mình sẽ có-thể-gọi-là-đủ vốn sống, những gì đã kinh qua, để điền những cảm xúc chừa trống vào cái khung sự kiện của (2), để có thể phần nào thấy được một phiên bản mỏng phớt của những cuộc đời khốn khổ nằm sâu trong đầu con người đó.

Hay là văn chương nói chung vậy.








Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

"Cô ơi, con muốn mua rau."



1. Thói quen là sự thực hành của vô thức. Mọi khi ý thức không nhận ra sự tiếm quyền của thói quen nên cuộc đời vô sự. Rắc rối nảy sinh khi cái thằng ý thức ấy bỗng nhiên nó bảo "êh coi chừng kờ", hay nói cách khác quy trình được thiết lập cùng thói quen đó nay bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của "chuệch choạch". Vì nhiều lý do: do thay đổi môi trường, do thay đồi luật chơi, hay do vô thức lâu ngày đã hoá thành vô tâm đíu quan tâm mẹ gì nữa... Giải pháp lúc này chỉ đơn giản là ghi nhận các sự biến đổi rồi điều chỉnh quy trình theo hướng phù hợp với các tác nhân hiện thời. Hay đơn giản hơn là dừng làm theo thói quen cũ nữa.


2. Ví dụ như việc lái xe: đề máy, lên ga, vào số, kiểm tra mặt đường rồi cho xe chạy; các thao tác này là quá quen thuộc đối với một người chạy xe đến nỗi chẳng cần để ý [cơ thể] cũng tự khắc biết giảm ga trước khi lên số. Không thì xe sẽ bị giật, máy bị ép ga phát ra tiếng hú khá to. Đây là thao tác lỗi, cần loại bỏ ra khỏi quy trình. Tập luyện, mà cụ thể ở đây là thực hành, sẽ lặp đi lặp lại chuỗi những thao tác khả dĩ tạo nên hiệu quả mong muốn để hoàn thành một công việc cụ thể, như là lái xe, như là đi bợi; là dạy cho cơ thể thích ứng phối hợp các động tác phức tạp một cách tuần tự, nhịp nhàng và đồng bộ; là loại bỏ các động tác thừa và tiến hành ghi dấu ấn các thao tác gọi-là chuẩn. Thói quen được thiết lập cùng lúc với việc một quy trình được hoàn thành; dĩ nhiên, để đạt được một hiệu suất tốt nhất có thể. Và cứ thế tiếp diễn. Cho đến khi chớp sáng đó lại chợt loé lên "êh coi chừng kờ".


3. Mục này không phải kể chuyện mua rau. Nhưng sau một thôi hồi chờ đợi bao người đến sau nhưng xong trước, sau khi nhìn hết lượt những khuôn mặt ngơ ngác không biết đâu bấu víu, sau khi hết nhìn chiếc màn hình tinh thể lỏng hễ chạm tay vào là đùn phiếu mang số chờ lượt phục vụ lên rồi đến chiếc màn hình led sổ những gạch ngang màu đỏ, nhìn thêm một vòng quanh căn phòng ấy, tôi bước ra khỏi điểm thu cước lớn lớn đẹp đẹp đó với mảnh biên lai màu hồng trên tay, nụ cười trên môi cùng hồi ức mong manh của những ngày xa xưa mẹ móm lời cho khi lần đầu nhút nhát đi mua rau, bất giác tôi muốn thốt lên, nhỏ thôi: "Cô ơi, con muốn mua rau."

Mẹ!, quả nhiên, không nói sai bao giờ.











Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Trong công viên; ở góc vườn.





1. Đọc sách trong công viên là một việc rất nên làm trong khi không mắc nhìn người khác chạy bộ. Hoặc là cây, hoặc là gái, hoặc là mây, hoặc là những lúc ngẩng lên nhìn mông lung về phía những táng lá rung rinh những đốm nắng chiếu xuyên trên cao cao: có quá nhiều thứ chộn rộn chung quanh như thể luôn trong tình trạng nhăm nhe nhảy xổ vào giữa niềm vui nhàn hạ với một quyền sách. Không cần phải cự nự gì. Bởi vì trời hôm nay rất đẹp.

Gió nhẹ phơn phớt, chốc lại tạo nên đợt sóng lá lướt qua chùm cây ở phía xa. Như vén nhẹ một vạt tóc mềm, toát lên hương thoang thoảng. Trên những thân cây vươn cao vút, dưới ánh lấp lánh xen giữa đây đó những táng lá thưa, nhìn những chiếc lá khô xoay mình rơi xuống, tôi đã ngỡ nhìn thấy mùa thu. Nắng rọi sáng một mảng to bằng nắm tay trên băng ghế kế bên chỗ tôi ngồi, dịch về phía trái, chị áo xanh vẫn đang hì hụi kéo ống dây tưới nước; giọt nào vương trên lưng áo, ướt nhói như mũi kim. Mùi đất ẩm nhè nhẹ bốc lên ngai ngái. Mảng sáng to bằng nắm tay như đang nở rộng ra. Tôi nghĩ về Biển: chẳng lẽ cứ ai đó gặp Biển rồi về sẽ lại đem lòng nhớ thương? Tôi nghĩ đến chuyện hẹn hò. Như một người bình thường.

Hemingway kể rằng ông thường ngồi vào bàn viết vào buổi sáng, khi ở nhà khi trong quán, uống cà phê hay uống rượu, sau đó, nếu một ngày trót lọt, tức là viết được hòm hòm chừng một đoạn ưng ý, thì ông sẽ thong thả đi bộ và tận hưởng không gian Paris những ngày hội hè miên man khi ấy. Vườn Luxembourg nằm trên đường về. Trí nhớ còm cõi của tôi cứ đinh ninh rằng ông có vào vườn, sau bữa ăn trưa, rồi ngồi tới chiều thì về hẳn. Bữa tối có đồ ăn; bữa tối có làm tình. Tôi nghĩ Hemingway là một người đàn ông bình thường. Chỉ là cái chung cuộc ấy ông chủ động tiến đến hơi khác người bình thường.

Số 2 nói người đàn ông bình thường thích gái là sẽ tán, sẽ hẹn hò đi chơi, sẽ muốn có được, chứ không phải nói thích chỉ để cho thích mà thôi. Số 2 lúc nào cũng có màu xanh lá cây. Đậm hơn nhiều vòm lá tôi đang ngước nhìn khi ấy.Có ai nói là chung sống ắt hẳn có màu xanh lá cây nhỉ? Số 1 có lần đã nói là không sao diễn đạt được cái mình muốn, như là mình muốn.Câu đó là một câu hỏi. Tôi nhớ mình đã đáp lại ngay rằng bởi thế mới cần có nhà văn; những người viết biết cách biểu đạt một điều gì đó ở trong lòng ra hộ mọi người. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể có những khoảnh khắc xuất thần nói bừa như điêu một cách tự nhiên và tự tin như thế. Có lẽ là vì với Số 2; nó chẳng bắt bẻ tôi bao giờ: nó lúc nào cũng có mùi kẹo viên.

Công viên có mùi thơm thoảng, chắc là của cây cỏ hay là của khí trời: cái mùi rất đỗi tự nhiên ấy lúc ẩn lúc hiện như trêu ngươi, như đùa bỡn tôi. Không cần phải cự nự gì. Bởi vì trời hôm nay rất đẹp. Tôi cảm thấy dễ chịu. Không khí thoáng đãng và tôi thấy mình nhẹ nhỏm. Giữa trưa nắng đứng bóng, nhưng vẫn rất dễ chịu. Tôi kiểm tra đồng hồ. 11.40, sắp đến giờ đón Số 2. Tôi rời khỏi công viên, tôi đi qua vườn cây. Tôi đi xe khỏi bãi, tôi đi xe trên đường. Đèn đỏ, tôi đi xe thật chậm. Đèn đỏ, tôi dừng xe đứng đợi. Nắng nhẹ áp dài hơi ấm mỏng lên lưng áo. Tôi lại nghĩ đến chuyện hẹn hò. Như là cách kéo mình về lại với cuộc đời bình thường. Đen Dày.



2. Bởi vì hôm nay là một ngày rất cbn đẹp, nên:

Ngậm miệng lại và yêu nhau đi.





Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

ta bà hát ca




có khi Tôi trở lại
có khi tôi ra đi
có khi buồn nằm xuống
có khi là đêm trôi

ế à ế à ê
ế à ế à ê

có khi ngàn năm nở
có khi lòng mưa vơi
có khi cười một tiếng
có khi thuyền ra khơi

ế à ế à ê
ế à ế à ê

có khi tôi qua đời
có khi đời qua tôi
có khi Tôi trở lại
có khi là đêm thôi

ế à ế à ê
ế à ế à ê
ế à ế a
hề









Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Skyfall




Q. thực tâm tin tưởng vào sự nghiệp mà hắn dấn thân vào, ít ra là đã từng dấn thân vào. Hắn là kẻ thông minh và hắn hiểu luật chơi. Hắn luôn tin hắn đã làm đúng. Niềm tin của hắn là đủ lớn. Giấc mơ của hắn đủ lớn. Và hắn không sao thoát ra được cảm giác bị phụ bạc. Chính hắn cũng tưởng thế. 

Nhưng thực ra hắn chẳng có gì để tìm kiếm. Khi nhìn vào mắt M., hắn thấy sự dứt khoát; khi xông vào giữa chừng buổi chất vấn và nâng súng lên nhằm vào bà, hắn run rẩy đến bắn trượt mục tiêu; khi gồng mình trước mặt bà - người phụ nữ đang được tô trét thành tượng đài ấy - hắn chỉ thấy nỗi bất thoả, và sợ hãi: đến cả khi đối diện với cái chết người đàn bà ấy cũng không lộ chút gì là hối tiếc. Trả thù không làm hắn thanh thản; sự giải thoát có chăng là đến từ ánh mắt thừa nhận của người phụ nữ già: rằng bà có sót thương cho những gì hắn đã chịu đựng; rằng bà là người có lỗi cho những gì hắn đã chịu đựng; rằng bà là lý do cho những gì hắn đã chịu đựng. Hắn đã ch
ịu đựng (những) điều này quá lâu để rồi không còn đủ tỉnh táo nhận ra rằng cái hắn đòi hỏi là một chút biểu hiện của tình cảm gắn bó cá nhân trong cái chu trình hành xử chuyên nghiệp và vô tình đó, của khi đó. Chính khi đó, hắn trở thành tay mơ trong cuộc chơi mà vốn dĩ hắn đã là giáo sư. Nên hắn chọn cái chết như là một lối thoát. Và đã lại bị khước từ.

Tất nhiên mọi điều trên đây là một diễn giải. Và tâm thế hậu hiện đại bắt buộc chúng ta phải nghi ngờ. Thế nhưng chúng ta nghi ngờ điều gì: những diễn ngôn, những câu chuyện, sự thật hay cú vươn tay của tư tưởng vượt qua hố thẳm để chạm vào thực tại? Tôi không thể trả lời cho bạn được.

Tôi cũng không có câu trả lời cho câu hỏi tại sao giữa buổi chiếu phim tôi luôn cảm thấy mình cần phải nắm tay gái. Tôi chẳng biết mình tìm kiếm gì ở cái nắm tay đó (dĩ nhiên là tôi xạo rồi). Hoặc giả tôi tìm kiếm một giấc mơ. Dù bản thân điều này đã là một giấc mơ rồi.

Nhưng điều đó chẳng hề quan trọng. Cả việc tôi có đang hoá thân thành giấc mơ hay giấc mơ hoá thân thành tôi cũng vậy. Cái chính yếu là để sống một cách toàn vẹn, người ta phải nhanh chóng thoát ra khỏi những ảo tưởng nhập vai thành các nhân vật trong đầu mình. Nhanh chóng thoát ra, để thực là bản thân mình: như trần trụi trước ánh mặt trời nóng rẫy. Tất nhiên đó lại là một giấc mơ khác. Rồi thoát ra, rồi lại bắt đầu. Rồi cứ thế cho đến khi chết hẳn. Ý tôi là cuộc đời ấy. Còn với những giấc mơ, í tôi là khi gặp chúng í, khi mình nhận ra mình đang ở trong chúng í, thực chẳng có cách nào khác nữa đâu í, chúng ta nên thẳng thắn mà dịu dàng:


Chào cuộc đời xinh đẹp, tôi mơ giấc mơ khác đây.








(Mơ chứ không phải mớ, nhé!)


Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Darkness in summer (*)




1. [cơm nguội]


Trời lạnh rồi em có biết không
những con chuồn chuồn nằm dài bên bậu cửa
những ô cửa sổ không có chắn song
những ô thuyền lỉnh kỉnh những hộc gỗ
không ai nhớ nhau hôm nay
tôi thả mình trôi trên sông
tôi thả mình trôi theo dòng
chẳng có đèn vàng nhấp nháy
không ai nhớ tôi hôm nay.





2. [tạm dịch]


In those days I was still doing some travelling.

Trong những ngày đó tôi vẫn đang làm những cuộc quanh quẩn.

I had just left one country and entered another. Sleeping and walking, I passed one day after the next in a cheap hotel in the students' quarter of the capital city. It was the beginning of summer, and the city was deserted, like a vast cemetery or an empty valley. Every day, the rain begin in the morning and the sky hung low like an old, greasy wad of cotton. There was no warmth or brilliance anywhere. Summer was ailing with some terrible incontinent sickness and there was no sense of burgeoning life or growth. That appealed to me.

Tôi vừa rời nơi này và đến một nơi khác. Ngủ và đi bộ, tôi trôi từ ngày này qua ngày nọ trong một khách sạn rẻ tiền ở khu sinh viên của thủ phủ. Vừa bắt đầu mùa hè, và thành phố đã hoang vắng, như một nghĩa trang rộng lớn hay một thung lũng không bóng người. Mỗi ngày, mưa rơi vào buổi sáng và bầu trời xuống thấp như một nùi bông nhờn cũ. Không thấy chút ấm áp hay rực rỡ nào ở bất cứ đâu. Mùa hè đang cơn bức bối tệ hại khôn cưỡng và chẳng có chút dấu hiệu nào của cuộc sống đâm chồi hay sinh trưởng. Nó lôi cuốn tôi.

A river flowed in front of the hotel, and a cathedral stood on the opposite bank amid a grove of trees. Whenever I looked, the river was a muddy gray-yellow and dimpled by numerous raindrops, and the gargoyles of the cathedral roof were drenched. The gargoyles had frozen in the midst of turning around to roar; having seen stared at, they had turned into stone. I sat on the bed, sipping vodka, and watched the circles continuously expanding and then disappearing across the surface of the yellow river. And as I stared, the fungus threads of the rain soon vanished, and it seemed as though only one solid stream of rain was falling. I would become bored with it after a while and fall asleep. Walking, I would go out to buy bread and ham, not even stopping at bookshops, movie theaters, or restaurants. I would return t eat in bed, and the sleep some more. It seemed as though my body had disappeared and my brain had melted away; I could go on sleeping endlessly no matter how much I had already slept.

Một con sông chảy qua trước khách sạn, và toà thánh đường đứng phía bờ bên kia, giữa lùm cây. Mỗi khi tôi nhìn qua, dòng sông có màu vàng xám đục và mưa tạo nên vô số vòng đồng tâm lan toả trên bề mặt, và các bức tượng hình thú trên nóc thánh đường sủng nước. Các bức tượng hình thú đã đông cứng lại giữa lúc [chúng] xoay người để gầm lên; phát hiện bị nhìn chòng chọc, chúng đã hoá đá. Tôi ngồi trên giường, nhấp từng ngụm vodka, và xem những vòng tròn liên tục toả ra rồi biến mất dọc theo mặt nước màu vàng. Và khi tôi chăm chú, những sợi mưa như nấm mọc kia sẽ sớm biến mất, và nó trông như thể chỉ một dòng chảy thuần nhất của cơn mưa đang rơi xuống. Tôi sẽ chán nó sau một lúc và ngủ thiếp đi. Đi bộ, tôi sẽ ra ngoài mua bánh mì và thịt giăm bông, không cả dừng lại ở hiệu sách, rạp chiếu phim, hay nhà hàng. Tôi sẽ trở về để ăn trên giường, và ngủ thêm chút nữa. Nó có vẻ như là cơ thể tôi đã biến mất và trí óc tôi đã tan chảy ra; tôi có thể tiếp tục đánh giấc miên viễn như thế bất kể bao lâu tôi đã ngủ rồi.

The room was in a students' boardinghouse. The old wallpaper had been torn here and there, and was streaked with brown bloodstains, apparently traces of crused bedbugs. The mirror in the bathroom had a large Y-shaped crack; there was a bathtub, in which hot water was only occasionally available. A bed and a table crowded the room, so that one had to turn sideways to pass between them. Red curtains resembling burlap bags hung over the window. They imparted a blood-red cast to the entire room, whenever I switched on the small, old, tulip=shaped lamp, and the desert faded out, leaving only a soft warm gentleness. Shadows of cliffs, forests, caves, and skies took form on the walls and ceiling. While watching, smoking a bitter cigarette made of pickled black leaves wrapped in corn paper, I would begin to doze again, although I had only just awakend. No one knocked; no telephone rang; no books, no discussion. I continued to slept in my red cocoon. My cheeks and stomach bulged with pale, flabby fat, and whenever I woke I felt as though I were wearing a mask. Imprisioned in heavy flesh, I would try to digest the memories of the past ten years, but I would only be overcome by lasstitude, and all difficulties and joys would lose their substance, appearing like dusky shadows and distant landscapes. The lassitude proliferated like a greenhouse vine that has run over from a flowerpot onto the floor, and still continues to grow even though it has not the strength to lift stem or leaf. The vitality taht evaporated form my body crawled over the walls, sprawled across the ceiling, filled the room, and thrived like an internal confusion. Strands of monologues, words, and concepts entangled themselves without any connection; they entwined, opened leaves, and reached out with grasping tentacles.

Căn phòng nằm trong một khu nhà trọ sinh viên. Giấy dán tường đã cũ bị rách chỗ này chỗ kia, và có những vệt máu màu nâu, rõ là dấu tích của những con rệp bị nghiền nát. Tấm gương trong phòng tắm có một vết nứt lớn hình chữ Y; có bồn tắm, mà chỉ đôi khi mới có nước nóng đổ vào. Cái giường và cái bàn làm căn phòng chật ém, nên phải xoay ngang người để lách qua chúng. Những tấm rèm màu đỏ giống vải bố treo trên cửa sổ. Chúng phủ một màu đỏ máu lên cả căn phòng, mà mỗi khi tôi bật chiếc đèn bàn nhỏ, cũ, hình tulip sáng lên, và hoang vắng mờ đi, chỉ còn lại sự dịu nhẹ êm ấm. Bóng của những vách núi, những rừng cây, những hang động và những bầu trời đổ hình lên các bức tường và trần nhà. Trong khi ngắm nhìn, hút một điếu thuốc đắng được làm từ lá đen được ngâm chất bảo quản bọc trong giấy làm từ bột bắp, tôi lại bắt đầu một giấc mơ màng, dù cho tôi vừa mới thức dậy. Không ai gõ cửa; không điện thoại reo; không sách, không nghe nói gì. Tôi tiếp tục ngủ trong chiếc kén đỏ của mình. Hai má và bụng tôi phồng lên ngấn mỡ nhão nhoét, trắng bệt, và mỗi khi tôi thức dậy tôi thấy như mình đang đeo mặt nạ. Bị giam hãm trong xác thịt nặng nề, tôi đã cố đào xới những ký ức của mười năm trước, nhưng tôi chỉ bị nhấn chìm bởi cảm giác mệt mỏi, và mọi khó khăn cũng như niềm vui sẽ đánh mất gốc rễ của chúng, hiện ra như những bóng hình mờ khuất và những khung cảnh xa xăm. Cảm giác mệt mỏi nảy nở sinh sôi như cây nho trong nhà kính đã tràn khỏi chậu bò lên nền nhà, và vẫn tiếp tục dài thêm mặc dù nó không thể tự nâng lấy cành lá của mình. Cái sức sống bốc hơi từ cơ thể tôi trườn lên các bức tường, vươn ra khắp trần nhà, điền đầy phòng, và trỗi lên như một sự hỗn loạn nội tại. Những sợi chỉ của độc thoại, ngôn từ, và khái niệm xoắn xít với nhau mà không cần bất kì liên kết nào; chúng quấn lại, ..., và vươn ra với những xúc tu thèm khát.







(*) Takeshi Kaiko, trans. Cecilia Segawa Seigle.


Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

khuất làn nước thẳm



Lòng như mù sương giăng ngang thành phố mấy nay: đến tận giữa buổi sáng mặt trời lên chói chang mù vẫn chưa tan. Thời tiết quái đản vô cùng; lòng người cũng chẳng kém. Cố nhiên mù lên không phải là không tốt.

Những buổi sáng đạp xe qua cầu, người xe thưa thớt, xoay qua là thấy mặt trời tròn to đỏ ối treo lưng lửng trên mặt nước nhấp nhánh, chung quanh là mù sương cảnh vật như nhoè đi, ảo diệu vô cùng. Có thể tôi hơi quá, nhưng cảnh đó đẹp. Càng lên cao càng đẹp. Nhưng chẳng được bao lâu trước khi ánh mặt trời lại chói chang. Sự thật là mặt trời lúc nào cũng nóng bức và tình yêu là cái tôi chưa bao giờ biết được.

Có lần tôi hỏi nó cảm giác đi qua một cuộc tình là như thế nào, có giống hút xong một điếu thuốc không. Nó cười khẩy. Rồi sau một hồi quanh co tuỳ người tuỳ chuyện tuỳ cuộc tình này nọ, nó nhả ra được một câu như là thuốc thì ngày nào cũng hút nhưng tình không phải lúc nào cũng hết; tất nhiên là sau khi bập một hơi thuốc. Tôi chẳng hiểu nó nói gì. Nó vẫn có cái kiểu leo dây một phát mất hút như thế tôi đu không kịp. Rồi nó nói gì đó nữa nhưng tôi không nhớ được. Có lẽ lúc đó tôi đu cây rồi.

Những cái cây luôn làm tôi dễ chịu. Tôi nhớ cái lần ngước lên nhìn bầu trời xuyên qua táng lá xanh ở bãi xe rồi nhìn xuống là vừa vặn bắt được mắt cô. Nhút nhát đã cứu tôi: vừa kịp trượt mắt nhìn xuống đất, tôi đã nghĩ là mình may mắn thoát chết. Tôi thoát chết thật. Nhưng có phải may mắn không thì tôi không chắc nữa. Chẳng gì chịu đứng yên như cây.

Một lần khác anh nói muốn có bồ/người yêu thì phải chủ động một tí. Kiểu như xông lên hay xông pha lăn xả gì đó thì mới được. Tôi lại nghĩ như thế có khi nào vì quá hăm hở mà thành ra nói dối không: những lời thốt ra không thực lòng, những nỗi nhớ nhung không thực thấy. Nhưng tréo ngoe là, cả với những cảm giác thực thụ ấy ngôn ngữ lại trở nên bất khả. Những gì thực lòng muốn nói ra lại là những điều thực lòng khôn tả. Như là nỗi nhớ. Và bóng đêm.

Suy nghĩ như vậy nghe có vẻ trẻ con. Tình thực tôi chưa bao giờ lớn: tôi luôn thấy mình là một đứa trẻ ngoan chậm lớn. Những đứa trẻ ngoan luôn được dạy rằng nói dối là điều xấu. Những đứa trẻ ngoan không làm điều gì xấu bao giờ. Dù thỉnh thoảng chính tôi cũng không đừng được.

Thỉnh thoảng tôi lại có cảm giác đang ở bờ bên kia. Ngắn thôi, nhưng dễ chịu. Như thể bản thân trở thành trong suốt và mọi thứ cứ vậy trôi qua; không gì giữ lại, không gì luyến tiếc. Trở nên vừa vô hình [invisible] vừa bất bại [invinsible], tôi lại thấy mình trở thành Gail, cùng căn phòng báu vật của ông. Và cũng tình yêu vô ngôn đó.

Cố nhiên tôi không phải Gail, dù rằng tôi cũng hiểu:
tình yêu là gánh nặng
tình yêu là sức mạnh
tình yêu là tái sinh
chi bằng là vô ngôn
dịu dàng nghẹn thở
nay những dự cảm ấy đã thành hiện thực. Tôi đã đến được bờ bên kia, tôi đã tìm thấy cho mình một điều gì để tranh đấu. Tôi đã làm tất cả mọi sự mình có thể. Chẳng còn gì khác để làm nữa ngoài đắm đuối đi vào bóng tối. Hoặc ánh sáng đó sẽ soi rọi bóng đêm, hoặc bị bóng đêm nuốt chửng. Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa.

Vì tình cảm vốn là một việc hết sức riêng tư và thầm kín. 
Như những gì khuất làn nước thẳm.

















Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

vào một đêm nào như là đêm thường vậy



Vào một đêm nào như là đêm thường vậy
có người con gái đến gặp tôi xin một chỗ
trú lại bên trong
hết chỗ rồi, tôi bảo
một xó bé tí thôi, cô nói
hết chỗ rồi, tôi bảo
bé xị cũng được, cô lại nói
hết rồi, tôi bảo
người con gái nhìn không rõ mặt
cô không nói gì trong một lúc
nhà chật hay tim chật nỗi nhớ nhung, tôi nghĩ

vào một đêm nào như là đêm thường vậy
tôi đứng trước ngã ba ga
tôi đứng giữa ngã ba ga
tôi đứng ở ngã ba ga
lần nào tàu đến rồi cũng đi

vào một đêm nào như là đêm thường vậy
tôi nghe tiếng còi hú mù sương
tôi thấy mình dưới dàn hồng anh thảo
tôi nghe mình cất tiếng nói những lời cũ
lại những lời cũ
hỏi xin một chỗ bên trong
một xó bé ti thôi
bé xị cũng được
không có tiếng trả lời chỉ im lặng trả lời
tôi đứng mãi ngã ba
tôi đứng chờ trời sáng
vào một đêm nào như là đêm trường vậy
tôi nằm lạc trong rừng


tôi nằm lại giữa rừng.

(chờ cuộc tình cáo chung
chờ cuộc đời cáo chung?)









Về mùi



Chiếu theo hội quy mới lập nghiêm cấm các thể loại nói chuyện sách, nghệ thuật hay phim phọt các thứ, chỉ ưu tiên và khuyến khích một thể loại duy nhất là nói chuyện gái nên hôm nay mình nói về mùi.


0. Trước tiên thì mùi phân ra thành mùi thơm với mùi hương. Dựa theo khái niệm bên kỹ thuật, cụ thể hình như là bộ môn đánh giá cảm quan của ngành công nghệ hoá-thực phẩm, thì mùi thơm là mùi ta nhận biết được bằng khướu giác-only; mùi hương là mùi ta nhận biết được bằng khướu giác khi nhai: tức là khi cho cái gì đó vào miệng và nhai thì cái mùi dậy lên sực nức cả mũi người ta gọi đó là mùi hương. Ở đây mình nói chuyện về mùi, thơm hay không thơm chưa bàn đến, vì có những mùi không thơm cũng không thúi nhưng nó có thể làm nẩy lên một cõi mơ màng gọi là ấu thơ. Ví dụ như mùi ẩm mốc nồng nồng trong mưa luôn làm tôi nhớ đến bức tường lành lạnh như rỉ nước ở nhà ngoại lúc tôi còn bé ti. 

2. Mùi, trước nhất, là một sự độc tài không thể khước từ. Như tiếng radio, như hoa sữa nở, như mưa rơi: một khi ở trong trường tác dụng, à không, vùng bao phủ của chúng thì khó lòng từ chối không biết đến sự hiện diện của chúng; trừ phi bị điếc mùi thì không tính. Nhất là trong buổi mưa đêm mà đi ngang những cụm hoa sữa đang nở rộ: khó lòng cưỡng lại một cơn mưa. Nhưng sự đáng sợ của mùi còn ở chỗ chúng ta không thể ngừng thở. Mùi vì vậy mà trở thành một quyền lực bất khả chối từ. Như là nàng.  

3. Có thể yêu nhau nhờ vào việc nhìn hoặc là nghe, nhưng để đắm say, ý tôi là, hoàn toàn bị nhấn chìm vào một nỗi mơ màng có tên gọi là nàng, thì nhất định phải nhờ vào mùi. Không nhất thiết phải là mùi thơm của nước hoa, mùi của sự quyến luyến có khi chỉ là một mùi gì đó rất riêng của hai người dành cho nhau, như là mùi mồ hôi hay một ít mùi hương còn vương trên nếp áo. Một ví dụ rất nổi tiếng và có lẽ nhiều người biết là cảnh anh chàng nọ túm lấy chiếc áo của người tình dúi vào lòng mà quặn xiết trong Brokeback Mountain. Nỗi đau đó là không thể tả được, nhưng tôi có thể thử nói về cái mùi đó. Như là kề tay lên môi và hít một hơi thật sâu cái mùi nồng ấm từ da thịt mình vậy. 

4. Một đặc tính khác của mùi là rất khó tái tạo lại. Tì như, việc nhìn tạo ra những hình ảnh được lưu giữ đâu đó trên vỏ não mà nếu muốn ta có thể tái tạo phần nào, hoặc toàn bộ tuỳ vào khả năng truy xuất dữ liệu não của đương sự, thành một hình ảnh tương đối cụ thể trong đầu mình. Âm thanh cũng phần nào giống vậy. Nhưng tái tạo một mùi là một việc khó khăn hơn nhiều. Khả năng tư duy mạnh về ngôn ngữ hay hình ảnh không giúp được gì nhiều cho sự tái tạo mùi này một cách trực tiếp, có chăng là những cảm giác thường được đính kèm theo cái mùi đó. Hoặc một cách vô thức chúng ta có cảm giác nao lòng khi dường như dậy lên một mùi hương nào đó bất kể chung quanh có đang là cái mùi khỉ gì. Lúc đó ta có nỗi nhớ. 

5. Tôi không biết phải nói gì. Nhưng mùi tóc nàng lúc đó chỉ thoảng trôi qua nhẹ thôi. Nhẹ lắm, phải ngồi thật gần mới nghe được. Gần đến mức có thể chạm được vào nhau Tôi ngồi im thật im, cố hít thật sâu cái hương thơm dịu dàng ấy. Tôi những muốn ghi nhớ cái mùi ấy, nhưng không được. Tôi cố ngồi im và thở sâu. Tôi không cả ngước lên nhìn nàng. Hình như nàng mỉm cười. Tôi biết rằng nàng cười. Tôi biết nàng ở đó. Tôi đắm mình trong mùi thơm của tóc nàng gần. Dẫu chỉ một lúc thôi. 












Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

A small measure of peace



Đó là buổi sáng tôi ngồi trong phòng làm việc.

Không phải là làm việc mà tôi ngồi im. Tôi ngồi im im. Êm êm.

Thực ra tôi không ngồi im. Tôi ngồi nghe nhạc. Tôi nghe nhạc trên Youtube: từ Dire Strait đến Radiohead, đến Dean Martin, rồi lại Dire Strait. Chủ yếu là Dire Strait. Cứ hết bài thì tôi lại nhấp play một lần nữa. Lần nữa. Lần nữa. Nữa; on every street. Lũ chim ở đâu kêu chíu chít chả biết tụi nó có nghĩ nó đang hót hông.

Rồi có một lúc tôi nhận ra tiếng bọn trẻ dưới sân mẫu giáo như là đang ré lên. Mới 10.30 buổi sáng đầu tuần, chúng nó làm gì mà ré lên? Hay là bọn nó được cho ăn? Chịu. Tôi lại chúi đầu vào máy.

Buổi sáng rèm phòng kéo kín. Ánh sáng từ cửa sổ xuyên qua lớp rèm mỏng rọi lên bàn. Tôi ngồi cách khoảng sáng đó một đưa tay.

Tụi nhỏ hết la rồi. Nhạc cũng tắt rồi. Phòng còn tiếng máy.

Nghe được tiếng gõ bàn phím, tiếng ghế lắc lư. Còn con xu đang đứng chu mông vào cửa phòng. Nó vừa nằm xuống rồi.

Lúc đó tôi ngờ ngợ có một điều gì vừa trôi qua. Tôi nghĩ đến đoạn kết của Sinh vào ngày xanh. Tôi nghĩ đến cảm giác lâng lâng và thanh thản đó. Tôi nghĩ đến những buổi sáng mù sương che mờ cả mặt trời. Tôi nghĩ đến bờ sông dập dềnh nước lâu lại thoảng mùi hoa sữa. Nghĩ nhiều quá tôi không nghĩ nữa. Tôi nhìn xuống khoảng nắng trên bàn. Tôi biết đây là một khoảnh khắc đặc biệt. Gần như là kỳ diệu. Tôi biết chắc như thế.

Vì cô ở đó.
Và tôi tồn tại.















Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

những bản tình ca lúc rạng đông






thơm như tóc nàng gần.






Thay vì bị cuốn tuột cấp kỳ xuống vùng tối đen của xoáy nước sâu là bước chân từ tốn theo những vòng xoáy trôn ốc mỗi lúc một co lại. Giống như bước đi trên cát lún; từ từ, từ từ. Với gương mặt bình thản và nụ cười trên môi. Không gì khờ dại bằng trái tim người tình nguyện.























Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

Ông đã yêu ai bao giờ chưa?



Béo mỹ mều:ủa vậy hả
Béo mỹ mều:khổ thân rối loạn quá hen
Béo mỹ mều:cực lực thiệt
Béo mỹ mều:=))
Béo mỹ mều:Anh cứ hát mãi cái câu duy nhất của Beatles (duy nhất vì người ta chỉ cần biết câu ấy là đủ, chẳng cần gì thêm): All You Need Is Love. Suốt đời chúng ta đi tìm tình yêu, rồi buồn, không phải là không có gì để yêu, mà vì yêu quá nhiều người, nhiều thứ, nhiều nơi chốn, nhiều khoảnh khắc, nhiều câu chuyện. Yêu nhiều nhưng sao cái cảm giác thiếu nhau vẫn vương vất mãi. Chúng ta mong ước hội ngộ, tưởng tượng được ngồi với nhau một buổi thì sẽ thôi cô độc. Nhưng khi gặp nhau, mọi người nói rất nhiều, và chẳng nói được với nhau gì mấy. Cảm giác khát khao vẫn luôn quanh đây. Khi ra về, điều còn lại là một lỗ tr
Béo mỹ mều: Cảm giác khát khao vẫn luôn quanh đây. Khi ra về, điều còn lại là một lỗ trống, một chút băng không chịu tan nơi vách của trái tim. Chúng ta yên lặng khi ngồi trước mặt nhau, và yên lặng khi trở về với căn phòng của riêng mình. Tôi lên mạng, viết một câu nhỏ nhoi gửi đi vào cyberspace: “Hôm nay buồn quá”, rồi cảm thấy nói câu đó không với ai cả dễ hơn nói với người mình yêu nhất. Với những người mình yêu, chỉ có sự yên lặng.
­Béo mỹ mều:ỗi cô đơn lâu ngày thành bạn thân, đằm thắm đến nỗi kỷ niệm tôi yêu mến nhất trong một năm nay không phải là những ngày hay đêm vui chơi với các tình yêu, mà là một đêm ngồi chèo queo trên một chuyến xe đò vắng hiu từ miền Trung với một cái iPod bị hết pin (vì iPod luôn luôn bị hết pin khi mình cần nó nhất). Tôi nhìn ra cửa sổ, những vách núi mờ tối, bóng những cây rừng đến gần rồi đi xa, dường như bất động, dường như mênh mang như chưa bao giờ gắn bó với mặt đất, và tôi nghĩ, tất cả những chuyến đi của tôi từ nay về sau sẽ luôn luôn cô đơn, buồn bã và bất định như thế này, và tim tôi chợt buốt l
Béo mỹ mều:Và tôi lại đi tìm tình yêu, bởi vì all you need is love, tôi cần, không biết bao nhiêu thì đủ, trong khi tôi đã trót yêu quá nhiều thứ, đến nỗi tình yêu đã tràn ra khỏi lồng ngực, chảy lan đi mọi phía. Ôi những tình yêu không có hội ngộ, không có lời lẽ nào, không có con nhện nào giăng tơ nhốt những trái tim lại thôi đừng đi xa nữa. Không ai nói với ai: Hãy ở lại đây đêm nay, ít nhất là đêm nay.
Béo mỹ mều:hay nhỉ, người ta có thể viết 1 đoạn ngắn mà lưu truyền mãi mãi
Hêu hiền hậu:giống Dương nhỉ?
Béo mỹ mều:Dương nào?
Béo mỹ mều:này là Đoàn Minh Phượng
Hêu hiền hậu:còn dương nào nữa
Hêu hiền hậu:à
Béo mỹ mều:trong blog cũ của bà ấy
Hêu hiền hậu:toy có cảm giác không ưa bả
Béo mỹ mều:entry "All you need is love"
Béo mỹ mều:tôi lại rất ưa bả
Hêu hiền hậu:toy luôn có cảm giác bả bắt chước ai đấy
Hêu hiền hậu:hic
Hêu hiền hậu:với lại đoạn vừa rồi toy có cảm giác nó thiếu chút gì đó da diếc
Béo mỹ mều:vì nó bình thản
Béo mỹ mều:cái bình thản của người đi qua mất mát
Hêu hiền hậu:ừ toy chẳng thấy được cái đó
Hêu hiền hậu:he he
Béo mỹ mều:cái bình thản của người đi qua mất mát?
Béo mỹ mều:lộn
Béo mỹ mều:ông đã yêu bao giờ chưa?










Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Vì yêu thương là không từ bỏ. (*)


hay Không gì mạnh bằng trái tim người tình nguyện.




Hôm nay tôi kể bạn nghe câu chuyện về một người con gái có tí điên. Mọi người gọi ẻm là Trâm. Tôi gọi là chim. Còn trong khuôn khổ bài viết này sẽ gọi là cô: cô gái có tí điên.

Tôi không yêu thương gì cổ hết. Chỉ là bỗng một ngày tôi bị quăng vào đời cổ; cổ bị ném vào đời tôi: tóm lại là chúng tôi bị quẳng vào đời nhau hết sức chi là đột ngột. Rồi cũng đột ngột như thế cô gọi tôi đến làm hàng. Hàng là những quần những áo, những đồ ăn đồ tiếp tế những hàng từ thiện này nọ tùm lùm xèng. Hàng có đợt ra Quảng Bình những ngày sau lũ. Hàng có đợt lên Ngọc Linh; nhất là Ngọc Linh - trên nơi cao ấy, không biết chuyện gì đã xảy ra mà người ta đồng loạt biến cả thành siêu nhân; tôi không bao giờ biết được. Rồi những chuyến về miền Tây hướng nghiệp. Rồi chở sữa, cũng rất là đường đột và hơi bị ngộp: "Sữa sáng nay qua tui chở sữa." Rất dứt khoát, rất mạnh mẽ và bất khả chối từ: tôi, hay đúng hơn là, Sữa đi chở sữa. Ê ẩm mông lung tê tái lắm!

Tôi biết đến Quỹ Sữa và Quỹ Học là nhờ vậy. Mặc dù ngoài chuyến chở sữa ê ẩm mông tê tái kể trên thì tôi không cùng đi chuyến nào nữa. Ý là thực đi ấy, vì hầu như tôi chỉ dõi theo qua những câu chuyện, qua hình ảnh và qua lời kể lại theo những mường tượng của mình. Ở đây.

Căn cứ vào lượng sữa thực còn ở mái ấm mà đoàn sẽ tính toán thời điểm lại rồng rắn chở sữa chạy xuống Tây Ninh. Tới nơi, đoàn sẽ có một số sinh hoạt với trẻ tại mái ấm; mọi việc đều được kể lại tường tận trong các note mà bạn có thể tìm đọc trong page phía dưới.

Còn Quỹ Học thì chủ trương tìm kiếm đối tượng phù hợp để bảo trợ tài chính cho các em có thể hoàn thành chương trình giáo dục bậc phổ thông, và nếu có thể sẽ tiếp tục theo các em vào đại học. Thông thường cao điểm của Quỹ Học rơi vào tháng 9 đến tháng 12, tổ công tác sẽ liên tục đáo tới rồi lại đáo lui các địa phương, chính yếu là để đóng tiền học cho các em. Ngoài ra trong năm sẽ có những chuyến đi rải rác nhằm thực hiện các hoạt động khác như xây nhà, tặng xe đạp, khảo sát hồ sơ mới v.v..

Việc xét chọn hồ sơ là một công việc ám ảnh đến nỗi có lúc, cô kể rằng, cô có thể đọc vanh vách tên các em được địa phương-nhà trường đề xuất và các thông tin kèm theo. Điều này làm tôi liên tưởng đến Erin Brockovich. Dù so sánh là khập khiển vô cùng, nhưng dường như giữa họ có tí gì tương đồng của sự kiên tâm hiếm thấy.

Có lần Q. nói rằng, nhiều lúc mệt mỏi đọc blog/note của Trâm tui thấy nhẹ nhỏm/yêu đời trở lại. Tôi không biết có đúng không, nhưng riêng tôi cảm thấy dường như cô đang sống luôn cả phần trong trẻo của chúng tôi. Dường như chúng ta từ khi sinh ra luôn tràn đầy năng lượng tươi sáng mà cùng với việc lớn lên chúng ta dần đánh mất chúng; chúng ta đầy nghi kị và tổn thương; chúng ta thôi toả sáng như cách tuổi thơ trong trẻo chúng ta từng. Câu vừa rồi là nói tôi. Q. là một thể loại rực rỡ khác không thể và không tiện diễn đạt ở đây. Giỡn thôi.

Trở lại với cô Trâm và sự điên một tị của cổ. Cổ ba đầu sáu tay xoay xở đủ đường vừa kêu réo kiếm tài trợ vừa đi thực tế soát hồ sơ vừa ghé mắt trông chừng quỹ sữa vừa này vừa nọ vừa kia; trong khi cổ vẫn phải ngày ngày 8 tiếng làm con trâu làm con trâu. Có thể tôi nói quá, nhưng cổ đã từng nói là cái quỹ của cổ có thể to hơn lớn hơn rất rất rất nhiều lần nếu cổ thế này thế nọ, nhưng mà cổ hông muốn, cổ muốn tự mình xuống chơi với mấy đứa con nít, cổ muốn xuống tận nơi để coi mái nhà tạm lụp xụp của má con đứa nhỏ kia kìa, cổ muốn tận hưởng cái niềm vui khi trông thấy tụi nhỏ nó vui. Những điều này ai đã từng một lần đi từ thiện đều biết hết. Kể cả nỗi bất lực của cuộc từ tâm chắc họ cũng biết luôn, nếu chịu để ý: hàng/tiền/quà bao giờ cũng ít mà con nít thì lúc nào cũng nhiều. Nhiều lắm.

Về bản chất bài viết này là để xin tiền. Như là kiếm nhà đầu tư chịu bỏ vốn vào một dự án không sinh lợi trực tiếp, không hoàn vốn, và cũng không mấy tiếng tăm. Chẳng có gì cao quý đâu: các bạn tôi chỉ là những con người bé mọn sống cuộc đời bình thường trong một thành phố hơi bất thường đang gắng sức giúp đỡ những cuộc đời bé mọn hơn có được một cơ hội được sống một cách tốt đẹp hơn. Còn tôi chỉ là một người kể chuyện có tí mơ màng và dút dát. Dút dát đến nỗi phải nhờ đến việc kể lễ lê thê như này kể như là được dự phần vào công việc của các bạn tôi: Những công cuộc thầm lặng.

Việc dự phần vào cái công cuộc này chính và nên là một vấn đề hết sức riêng tư và cá nhân; tôi không thể đem uy tín bản thân ra để đảm bảo đây là một việc đáng/nên làm. Cả cỗ cũng không. Chẳng uy quyền nào có thể buộc bạn làm bất kỳ điều gì, nếu bạn không muốn. Nhưng nếu được tôi mong bạn sẽ có dịp được gặp cổ, nói chuyện với cổ, và nếu may mắn bạn có thể được thấy cổ cười. Tôi tin chắc bạn cũng sẽ nhìn thấy nụ cười như toả sáng của cô gái điên một tị có nước da đen nhẻm đó. Chả đẹp mẹ gì, nhưng chân thật.

Sẽ kết lại bằng hình ảnh ví von tôi từng nói với cổ (nhưng mà cổ không nhớ, cổ được cái có trí nhớ tiệt dzời lắm). Đó là công việc thiện nguyện giống như làm việc trên một cánh đồng hết mùa này qua mùa khác. Cây trồng là giống lâu năm mà người chăm cây thì không được ăn trái. Không ăn được, chỉ để nhìn thôi. Nhưng sẽ có những kẻ điên điên lại lao đầu vào, như cô điên gực gỡ này chẳng hạn.

Tôi không biết cổ hy vọng gì khi lao đầu vào cái công cuộc này, tôi cũng không thể biết cổ có xu hướng hưởng thụ khoái cảm sa đích nhìn trái chứ không ăn không. Nhưng tôi tin rằng cổ cũng có suy nghĩ như tôi rằng từ cánh đồng của hôm nay nếu chỉ một người quay lại để tiếp tục công việc của người chăm thì những cố gắng của cổ và đồng bọn đã không bị uổng phí rồi. Tất nhiều càng đông càng mừng chứ sao.

Tuy nhiên, lại phải giật ngược các bạn lần nữa: không gì có thể đoan chắc rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Cũng như không gì có thể đảm bảo những mầm non đang được chăm sóc kia sau này sẽ lại trở thành những người chăm hay một điều gì đó tốt đẹp ta mong muốn. Tương lai là bờ vai trần của cô gái lạ. Tức là vẫn hoàn toàn có thể mỏ máu chứ không phải không. Nhưng chúng ta có thể thử: chúng ta cố gắng. Bởi một điều tôi được học từ cuộc đời là để có được yêu thương, chúng ta chỉ có thể gieo xuống đất rồi chờ cho nó nảy mầm.

Tôi là minh chứng cho điều đó: chính tôi của hôm nay đã từng được nuôi dưỡng và lớn lên nhờ những lời tâm tình trong thế giới mơ hồ này.










(*) tít thuổng từ đây; có cả Quỹ Học lẫn Quỹ Sữa trong đó luôn ngar.