Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Những gì ở lại


Du khách đến rồi đi, 
làng quê nghèo ở lại. 
































Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

"Chúng ta đứng trong bóng tối, và ánh sáng vây quanh".



Buổi sáng có mùi thơm.



Kết thúc của hành trình là giây phút ta nhìn thấy lại những khoảnh khắc vừa qua tua chậm lại trước mắt. Hẳn nhiên không phải  theo cách của Lévi vĩ đại đã làm với Nhiệt đới buồn. Thậm chí là ngược lại: cái cung cách liên tưởng phổ quát đến độ nó tạo ra một gợi nhắc thường trực trong đầu người đọc, để mà trong một cảnh huống tương tự, không sao tránh được không nghĩ đến.

Lúc đó, còn một tóp nhỏ ngồi lại. Một khoanh bếp củi, một nồi cháo khuya. Không khí thật không tránh sao cho khỏi những lời rủ rỉ tâm tình. Nhưng tôi chỉ ngồi đó thôi, một lúc rồi đi đâu quên mất.

Càng về đêm tiết trời càng ngọt: cái lạnh mềm mại như buổi sáng thức dậy, chợt nghe thấy mùi thơm; trên làn da con gái.

Tôi ngồi đó một lúc, nhìn ra đường. Lấp lánh từng lượt xe khách ì ạch ngang qua. Những chiếc xe khách treo bóng đèn suốt dọc thân, chiếu sáng cả khúc đường. Từng lượt, từng lượt: lướt qua.

Chúng tôi đang làm gì, trong đêm tối đây?

















Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Vì sao là tủ lạnh?


hay Làm thế nào để đọc một bài thơ?

*

Trong bộ dạng một cái tủ lạnh, Virgil nói chuyện cà kê vài chai nhấm nhá cùng Vĩng biệt, các gangster.



Các bác nghĩ là vì sao?


(còn tiếp)









































Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Nói ngắn
















Đừng mơ từ bỏ số mệnh, hay có thể là trò lấy số của trẻ con.






Hẹn hò với bình minh


Tôi khởi sự viết một bài thơ
trang giấy trắng tôi đi tìm đó
Hãy thôi ngay! lũ mồm lợn mắt mẻo
những ngón tay thô kệch-ngôi nhà bên hồ

Tôi khởi sự đi tìm dòng sông
hay con suối hay nguồn nước mẹ
Henry Đệ Tứ và dàn tứ tấu
trước cái: Ập! tin chết xoáy cuộn lồng

Tôi khởi sự bắt đầu yêu em
những cây cầu bắc qua vô nghĩa
thêm một nhịp tiến dần ra vô tận
chát chát bùm chát cìn đơn côi

Tôi khởi sự viết vào đời tôi
thêm một lần một chiều vội vã
đây chia xa một nữa hoàng hôn
thêm một dài hoang phế bước song hành

*

Trông đêm trôi đâu làn gió thổi sớm
hò hẹn những bình minh












Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Biệt ngữ


Thói quen duy trì lâu ngày sẽ thành văn hóa. Mặt khác, thời gian cũng bào mòn dần cái nghĩa ban đầu của thói quen. Ngôn ngữ xét như một khía cạnh của văn hóa, cũng mang trong mình quá trình quên lãng như vậy. Dù không thể phủ nhận nghĩa trong một sinh ngữ được định nghĩa và tái định nghĩa thông qua biết bao hoạt động đời sống cộng đồng ngày ngày.

Ví dụ như gay vốn chỉ đến những người vô lo (carefree) và vui tươi (merry), nay phần lớn được hiểu như xu hướng tính dục đồng giới (homosexual). Đối ứng trong tiếng Việt là vô khối, nhất là với gốc Hán-Việt: đểu cáng là phường mua gánh bán bưng, nay rụng đuôi đi thành phường - phường đểu cáng; cứu cánh là đích cuối song đường xa quá dài nên cần bám vào phao.

Hiện tượng dùng từ lệch nghĩa so với ban đầu không chỉ nói lên dụng ý của người sử dụng, hay là vấn đề của lòng kiêu hãnh. Bởi ngôn ngữ, trong từng chi tiết nhỏ nhặt của đời sống, còn là phương tiện ký thác tinh thần đương thời; mà hiện tại thì mãi mãi.

Những gì bị chệch khỏi dòng chảy cuồn cuộc của cuộc đời, bị quên lãng hay dứt khỏi cái giao tiếp hằng ngày, sớm hay muộn, dù không thành tử ngữ thì có chăng cũng chỉ là một dạng biệt ngữ lưu truyền trong cộng đồng nhỏ hẹp và bí bách, cứng nhắc và quên lãng, thi thoảng được đôi ba người đời nhắc đến, như mắt lướt ngang qua những tấm mộ bia trong nghĩa địa từ điển mà thôi.

Cố nhiên, sẽ vẫn còn đó, những lớp nghĩa không mất đi bao giờ. Chỉ là cần ít nhiều sửa soạn, để phần nào có thể nhòm thấy cái tinh thần thời đại ấy: cái không khí mà từ đó một tác phẩm được hoài thai  và mãi mãi hướng về.

Chính vậy, Haroun và biển truyện cần được đặt trong bối cảnh của những ngày rong ruổi để có thể hiểu được vì đâu có thể xem như là một biệt ngữ: một lá thư và là lời từ biệt gởi đến đứa con trai. Bố sẽ về.

















Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

một chốn gọi là nhà (II)




Kỷ niệm là không thay thế được. Hết cái này đến cái khác, tới lượt, thì ghi vào ký ức. Thời gian là dòng chảy liên tục, có độ dài-ngắn/co-giãn tuỳ thuộc vào mật độ ký ức cắm mốc. Ký ức, theo một cơ chế nào đó hãy còn bí ẩn, được chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, rồi lưu giữ đâu đó trên vỏ não. Ký ức dài hạn khi nhớ lại thì thành hồi ức. Hay là nỗi hoài cảm về những gì trông rất thực.

Hãy nói về thời gian. Có lẽ điều làm cho nó trở nên khủng khiếp có lẽ là vì không trở ngược được còn người thì không sống mãi: cái chết, tự nó, là một kết cuộc treo sẵn, không biết khi nào ập xuống. Tương lai vì thế mà đáng sợ. Quá khứ qua đó mà đáng trọng. Hoặc giả vì những kỷ niệm ta mang, hoặc giả vì những người ta đã gặp: hay là vì ta có bạn?

Tôi chẳng biết nữa.

Tôi cũng chẳng biết tôi đang viết gì nữa. Có lẽ nên đọc lại lần nữa:

Kỷ niệm là không thay thế được. Hết cái này đến cái khác, tới lượt, thì ghi vào ký ức. Thời gian là dòng chảy liên tục, có độ dài-ngắn/co-giãn tuỳ thuộc vào mật độ ký ức cắm mốc. Ký ức, theo một cơ chế nào đó hãy còn bí ẩn, được chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn, rồi lưu giữ đâu đó trên vỏ não. Ký ức dài hạn khi nhớ lại thì thành hồi ức. Hay là nỗi hoài cảm về những gì trông rất thực.

*

Có thể chúng ta chỉ chờ những cuộc gặp lại, như để một lần nữa trông thấy lại một điều rất thực. 
Dù chỉ là nhìn mặt nhau, rồi cười.