Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2010

We love this game


*bài đăng trên facebook, cho những người có liên quan, tái bản bên này, để câu comment.




1. về bóng đá

Tui đã từng mê bóng đá. Nói mê, nghĩa là vật vã ra mà mê, không còn biết trời trăng chi nữa. Cũng như bây giờ tui mê gái; cái thời mê bóng đá, tui chỉ biết có bóng đá. Bây giờ, như đã nói, tui chuyển qua mê ... chơi banh đũa với gái rồi.

Cái hồi tui mê đó, thiệt là tui hông biết gì, tui chỉ biết tui mê thôi; mê là mê đến mệt chưa thôi. Còn bóng đá, lúc đó đối với tui, nghĩa là MU: đá banh là phải ghi bàn; chiến thắng nghĩa là MU ghi nhiều hơn thằng kia cỡ ... chục trái. Bây giờ thắng thua gì cũng móc bóp, trả tiền sân, sau đó quỡn thì bá vai nhau ra quán, kiếm trâu tâm sự.

Chuyện tui mê tui còn hông biết sao tui mê. Tui chỉ nhớ, cái thời banh bóng còn thưa thớt màn hình, thì cứ mỗi tối thứ 4, bật tivi lên, rồi tui ngồi mê mẫn. Rồi chắc, tui sẽ hỏi: "đội gì dậy ba?", rồi ba tui trả lời: "MU". Rồi, xong, từ đó trong tui bừng nắng hạ. Chuyện mê-ghét đâu cần lý do; hồi đó tui hông nghĩ dậy thiệt, cái gì hiển nhiên quá thì đâu có gì để nghi ngờ. Bây giờ, tui biết hết. Nhưng tui luôn cố gắng trì hoãn cái biết đó, tui luôn cố không nghĩ tới những cái nguyên nhân đó; tui muốn tui như hồi xưa hơn.

Nhưng mà, tui lỡ ... hết còn nhỏ rồi.


2. về Đẹp

Hồi học văn cấp hai, thầy tui có giảng về cái đẹp, thầy nói, cái đẹp mông lung lắm, không có định nghĩa, vô hình vô dáng, lung linh huyền diệu mà lại rực rỡ chói lòa; giống như nước, tưới xuống hạt, hạt nảy mầm, mầm lên cây, cây ra hoa, hoa đậu quả, quả chín mòng, rụng xuống đất, rồi lại ... Dừng, trở lại chỗ trước kìa: mầm lên cây, cây ra hoa: bùm! Đẹp. Nhưng mà, hoa cũng vô thiên lủng, cũng vô chừng như sao trên núi, chẳng biết đâu mà lần. Đến bây giờ tui cũng hông kiếm ra cái định nghĩa nào bớt mông lung đi.

Tui cũng chẳng biết sao.

Nhất là khi người ta thường lấy MU của ... tui-hồi-đó ra mà rằng 'thực dụng', mặc dù thực dụng với đẹp hông phải lúc nào cũng trái nghĩa. Tui cũng hông có ý định định nghĩa lại cái sự đẹp, tui hông thèm làm chiện đó; ai đẹp đẹp ai nấy biết; tui chỉ muốn nói, nói về cái đẹp của tui, cho dù nó có là cái gì đi nữa thì chí ít nó cũng đẹp đối dzới tui: Bác là tất cả, Bác vô địch, chấp hết!

Tất cả mọi gì nghiêm túc đều là đẹp, nếu có thêm sự thành thục nữa thì là ... quá đẹp. Xét chỉ riêng trong bóng đá, mọi phong cách và lối chơi đều đẹp, nếu người ta làm cho nó ra đầu ra đũa. Hy Lạp của euro 2004, Đức của world cup '02, Chelsea của Mourinho, hay Arsenal bất-bại của Wenger, và đương nhiên có cả MU thời '99 của tui nữa, tất cả đều là đội chơi đẹp. Tất nhiên cái đẹp của tui không phải là do thắng-thua, mà các danh hiệu cũng chỉ là những con số thống kê, để tiện cho việc ghi nhớ, hoặc tra cứu: đẹp là khi người ta cố sức làm, và làm tới cùng một cái gì, cho dù người ta có hoặc không biết trước, cái sự chắc chắn không thành đi nữa. Thành công của một người, không phải lúc nào cũng cùng pha với sự tôn vinh của số đông.

Bởi vậy, Barca là đội bóng chơi (với ham muốn) tấn công đẹp, đậm chất kỹ thuật và sự ngẫu hứng trong các cách thức tiếp cận khung thành đối thủ; Ý là đội bóng chơi chủ trương phòng thủ đẹp, chủ động, khoa học và cực kỳ hiệu quả; và MU của-tui là đội bóng chơi đẹp, ở chỗ người ta không thể biết lúc nào MU chơi đẹp hay không. Với tui, kết quả không quan trọng bằng lối chơi, lối chơi không quan trọng bằng cách chơi, cách chơi không quan trọng bằng đội bóng, mà đội bóng thì không quan trọng bằng con người.

Còn Arsenal của Wenger, tui gọi đó là đội bóng chơi lãng mạn nổi tiếng nhất hiện tại.


3. Đội bóng vĩ đại nhất

Theo tui thì không hề có, mà mãi mãi cũng vậy. Chỉ có thể có đội bóng với một khoảnh khắc vĩ đại nhất mà thôi, dù so sánh nhất luôn là cái tạm bợ nhất. Mà có lẽ người ta cũng chỉ cần có nhiêu đó: chỉ một khoảnh khắc vụt sáng, thế là quá để đủ. Thí dụ như là MU-của-tui, trong vòng chưa đầy 3 phút của một ngày tháng 5 năm 1999, bùm! bùm! hai phát: một huyền thoại đã lìa đời. (với các vĩ đại khác thì tui hông nói tại vì tui hông có biết, ai muốn nói thì tự nói đi, tui có phải nhà báo thể thao đâu mà nhớ quá trời đất dậy he he).

Tui đã nghĩ như dậy, mà đến sau này cũng vẫn nghĩ như dậy.

Nhưng khi mà mấy đứa tụi tui (xin cái lỗi nha mấy đứa!), cùng đứng trên sân, hằng các tối hàng tuần, cùng cắm đầu chạy rồi đứng thở phì phò, cùng chửi địt rồi cười thô bỉ, cùng lên rồi lại cùng xuống, cùng ra trâu, về dê, nhưng không đi chó, ... thì tui gọi đây là đội bóng vĩ đại nhất!

Vì chúng tôi là một đội, và cùng yêu cuộc chơi này. :)






mà, đứa nào đá rụng bớt mấy cái giò của tụi Arsenal coi!


Thứ Tư, 24 tháng 3, 2010

Dưới ánh mặt trời



Âm nhạc có tính cứu rỗi
(?). Câu này viết bằng tiếng Việt không tạo được sự gợi cảm như trong ngôn ngữ tiếng Anh; không bởi lỗi của tiếng Việt, cũng không phải lỗi của người dịch, càng không phải do tiếng Việt kém gợi cảm hơn tiếng Anh. Tiếng Việt hiển nhiên là gợi cảm không kém bất cứ thứ tiếng gì trên đời; một lần ghé vào hoặc đi ngang khu vực các bàn nhậu buổi tối hoặc bất kỳ buổi nào, chắc chắn bạn cũng nghĩ vậy. Nguyên do ở đây, chính là sự khó-thể tương đồng về các phát triển nghĩa của từ ngữ trong mối quan hệ đối ứng giữa các ngôn ngữ khác nhau với nhau; cụ thể, ở đây, là heal với cứu rỗi: cứu rỗi trong tiếng Việt mang màu sắc ngôn ngữ kì bí của tôn giáo - tâm linh, và ý nghĩa khá mông lung; heal trong tiếng Anh vừa mang nghĩa cứu rỗi (salvation), vừa có nghĩa là cứu chữa (cure). Còn câu trên, nguyên bản là: Let's the music heal your soul.

Âm nhạc có tính cứu rỗi? Câu hỏi này thật khó mà trả lời. Xã hội phân hóa, con người khác biệt; chưa kể đến sự khác biệt trong bản tính con người, ngay cả môi trường tồn tại của mỗi người đã là khác biết; thật không biết đâu mà lần - không biết ngứa chỗ nào thì gãi làm sao. Do đó, câu hỏi này có lẽ cũng bất khả trả lời; trả lời theo hướng đưa ra một sự khẳng định có tính chân lý và chắc chắn, ít nhất là vững chắc trong suốt thời đại của mỗi chúng ta, hoặc giã chỉ trong một thời đoạn, ngắn ngủi, cũng khó có thể: thời đại của các chân lý tất định đã cáo chung; chào mừng đến với kỷ nguyên bất định.


***

Lược sử thời gian là một công trình diễn-xuôi lịch trình tiến triển của vũ trụ, dưới góc nhìn của một nhà khoa học, bằng ngôn ngữ bình dân tối giản. Có thể nhìn nhận đây là một nỗ lực tiếp cận số đông đại chúng của giới hàn lâm, cụ thể là của Stephen Hawpking. Điều này vốn không lạ, xét trong lịch sử phát triển khoa học tự nhiên của Châu Âu và thế giới: những thành tựu của chóp đỉnh nguy nga trí tuệ nhân loại, từ lúc phôi thai cho đến khi thành hình thực sự, luôn đòi hỏi phải được trình bày trước đại chúng, một cách cặn kẽ và có-thể-hiểu-được, còn không thì chính bản thân thành tựu đó là không tồn tại; kể cả tình trạng thể trạng dị biệt của ông cũng không phải là nguyên do làm cho cuốn sách trở nên đặc biệt; thậm chí, tuy được viết bằng ngôn ngữ bình dân, nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể hiểu được những gì đang diễn ra trong thế giới chúng ta, ít ra là theo những gì số ít con người, hiện tại, cùng thừa nhận.

Tác phẩm này, hiển nhiên không phải là tác phẩm văn chương, lại càng không thể xếp vào hàng ngũ các dòng tác phẩm mang tính học thuật và hàn lâm; nó cần được trả về đúng bản chất của chính mình, như những gì Stephen Hawpking đã thừa nhận: văn học lãng mạn. Mà xét cho cùng, hễ viết bất kỳ cái gì ra giấy, rồi lưu lại, cũng là hàng động lãng mạn rồi. Kể cả viết giấy hóa đơn thu tiền, càng đúng.

Vì những lý thuyết riêng phần mà chúng ta có đã đủ để đưa ra những tiên đoán về tất cả, trừ những tình huống cực đoan nhất, nên việc tìm kiếm một lý thuyết tối hậu về vũ trụ khó có thể biện minh trên có sở những ứng dụng thực tiễn. Do đó sự phát minh ra lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh có thể không giúp gì cho sự sống sót của chúgn ta. Nhưng ngay từ buổi bình minh của nền văn minh, loài người đã không bằng lòng nhìn những sự kiện như những thứ rời rạc và không giải thích được. Họ đã khao khát hiểu biết cái trật tự nằm sâu kín trong thế giới. Ngày hôm nay chúng ta cũng vẫn trăn trở muốn biết tại sao chúng ta lại ở đây và chúng ta từ đâu tới. Khát vọng tri thức, khát vọng sâu xa nhất của loài người, đủ để biện minh cho sự tìm kiếm liên tục của chúng ta. Và mục đích của chúng ta không gì khác hơn là sự mô tả đầy đủ vũ trụ, nơi chúng ta đang sống.

***

Album thứ 4 của nhóm The Cranberries, Bury the hatchet, có một bài hát mang tên Dying in the sun. Bài hát là sự sợ hãi, nỗi tiếc nuối và cảm giác day dứt của cô gái trước cuộc sống đang chuội dần, nỗi tuyệt vọng như một cái buông tay; đơn giản lắm, chỉ bằng điệp khúc với một câu hát:

Like dying in the sun.
Like dying in the sun.
Like dying in the sun.
Like dying in the sun.
Like dying.


***

Tôi bắt đầu, từ đầu đường đổi mới, ngang qua trung tâm thanh niên, hướng tới quãng trường Tuổi trẻ. Buổi trời nhiều mây, nắng hửng nhẹ, và gió hiu hiu thổi hơi nóng hâm hấp của một ngày tháng ba từng chốc phả vào mặt người. Những mảng nắng nhá nhem đan xen với bóng lá phủ lên nền đường, chốc chốc lại đung đưa; xe cộ lưa thưa; thành phố có đi ngủ trưa bao giờ!

Tôi bước trên vỉa hè; vượt qua tòa nhà trung tâm thương mại ánh xanh ve; vượt qua quãng trường lồng lộng tuổi trẻ, nơi mà không lúc nào vắng bóng người trẻ - chẳng nơi đâu mật độ tuổi trẻ cao bằng; vượt qua bức tượgn thánh và những lầm rầm khẩn nguyện; vượt qua cả đoạn dốc, với hai bên đường sang trọng những ô cửa lấp lánh; vượt qua nhà hát lớn; vượt qua một thế giới hào nhoáng, chưa bao giờ quen thuộc với một thế hệ người Sài Gòn; vượt quá con đường tự do: chẳng còn mấy chốc nữa là tới; chẳng còn mấy chốc.


Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh

Một chút linh hồn nhỏ

- Quang Dũng


Khó có thể viết được gì thêm nữa.


***

Những câu hỏi không phải lúc nào cũng trả lời được; cũng không phải câu hỏi nào cũng được trả lời; và cũng không phải câu trả lời nào cũng có thể trả lời. Nhưng sẽ có những lúc, bật lên những câu hỏi, mà việc trả lời là không còn cần kíp nữa; trả lời (được) hay không, không quan trọng bằng chính bản thân câu hỏi đó được nêu lên; như sẽ có lúc bạn ngước lên bầu trời đầy sao, và tự hỏi: chúng là ai và chúng ta đến từ đâu.


Dưới ánh mặt trời, những bông hoa rực rỡ.
Dưới ánh mặt trời, và tôi đã chết.
Dưới ánh mặt trời.







Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Là gì đâu, chỉ một nỗi thốt nhiên!



1.

Thế rồi cũng gần hết tháng 3. Những chiều ngọt vàng nắng như gỉ mật, thơ thẩn lanh quanh một hồi lại đến giờ cơm: 15 năm chớp mắt như giấc ngủ trưa; mở mắt ra là lại thấy Tết, sắp tàn. Đến tuổi 30, cuộc sống chỉ thực sự mới bắt đầu.

Tuổi 30 người ta bắt đầu chết. Cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất đang trên đà xoay của những banh quay liên tục nhanh dần, lăn chậm nốt qua cái thời người ta gọi là trẻ, mặc những niếu kéo - những liên tục quay về: mỗi con người mang trong mình một thế giới bao gồm tất cả những gì anh ta đã nhìn thấy và đã yêu, nơi anh ta không ngừng quay trở về, kể cả lúc anh ta đang rong ruổi và tựa như đang trú ngụ ở một thế giới khác lạ. Mọi sự luôn được an bài như vậy; đơn giản là họ không có lựa chọn nào khác, hoặc họ không thể chọn khác, hoặc họ chỉ đơn giản là không chọn. Họ cứ thế, chết từ từ.


2.

Thốt nhiên, những giấc mơ vồ vập đến. Không bao giờ lặp lại, nhưng cùng một kịch bản: ráo hoảnh - mẩu mơ con xé nát cơn ngủ vụn. Mà không ngủ có khi lại tốt. Người ta có khối thời gian để ngủ, khi chết rồi.

Để chết, không thể không sống.


3.

Mùa mưa
mùa cúc về
vàng lối ..



Giữa khuya, nghe sấm gầm gừ và mưa lộp độp, đêm có vẻ là ngon.










Thứ Hai, 15 tháng 3, 2010

Người không chính kiến




Biết và không biết là điều đơn giản nhất, để phân biệt hai người, biết và không biết. Biết đơn giản có thể chỉ là làm sao để nấu một nồi cơm, thay một bóng đèn điện, sửa cái van xã nước, hay có thể phức tạp hơn như chuyển động của các hành tinh, các bức xạ nền, vũ trụ giãn nở, hay các khái niệm trừu tượng và siêu hình, nhưng hết mực thiết thực và gần gũi, như: thành công, giàu có, hạnh phúc, tự do; và biết là còn nhiều nữa: biết là vô cùng, và không biết là vô cùng đơn giản. Không biết biết vậy có phải là biết không biết nữa?

Để biết biết hoặc không biết, cơ bản nhất, là xem xét những hành động có thể được ghi nhận và trích dẫn lại: nói hay, ở dạng có khả năng lưu trữ cao hơn, viết. Theo đó, nói-viết được nhìn nhận như chuỗi-hành động thể hiện biết, và có thể cả là không biết; biết thì nói, không biết thì không nói; nói nghĩa là biết, không nói nghĩa là không biết. Mọi sự giản đơn thế thì đi xem bóng đá Anh cho sướng.

Vì mọi sự không hề đơn giản như việc tuốt lá rau bồ ngót nên lẽ biết không không biết được chỉ dựa trên xem xét đơn tuyến nói hoặc viết; nói nhiều không hẳn là biết, và nói biết không nhất thiết phải nói nhiều; nói một cách khác, nói không thể là cơ sở để nhìn nhận là biết hay không biết. Tuy nhiên, đối với những chuỗi-phát biểu có tính nhất quán, chắc chắn, tuân thủ nghiêm ngặt theo một ý tưởng chung nào đó, có thể đã, chưa, hoặc không bao giờ biết, ngay từ ban đầu, và được ghi nhận (tức có người nghe/đọc), cần một thái độ cẩn trọng hơn nữa khi xem xét: rõ ràng khó thể nói trước được khi nào thì mưa, dù cho cả tháng nay ngày nào trời cũng mây đen ầm ã; và vì không thể biết thêm được gì ngoài sự kiên định của chuỗi-phát biểu, nên chuỗi-phát biểu như vậy được (tạm) gọi là chính kiến của một người, hay cách khác, họ là người chính kiến.

Xét đến sự chính kiến: chính kiến không bắt buộc phải có thể hiểu được; không thiếu (những) phát biểu không (một) ai hiểu, nhưng vẫn được ghi nhận và đường hoàng xuất hiện trên các phươgn tiện truyền thông, như là một chính danh ngôn luận của một tổ chức xã hội-chính trị-sự nghiệp. Chính kiến cũng không bắt buộc phải theo số đông, dù theo được (hay được theo) thì cũng chẳng làm sao, tuy nhiên, chính kiến phải có một nội lực đủ lớn, để có thể đứng trong, đứng trên và đứng ngoài cơn vùi dập của sóng gió dư luận. Ai cũng biết, đám đông là một đoàn tàu miễn-phí vé tự động-chạy, mà lại không có phanh, có mà ngồi cùng vào thì chết cả nút chẳng biết có khi. Ngoài ra, chính kiến được ngầm hiểu là biết, biết theo một nghĩa nào đó có biết được không không biết được.

Người có chính kiến là người có tiếng nói, biết nói, và tiếng nói được lắng nghe; sẽ chẳng là gì cả nếu nhao nhao nói mà chẳng ai nghe - chẳng biết. Điều này có nghĩa là, tồn tại người có chính kiến cũng đồng thời với tồn tại người biết cái chính kiến ấy; nói thì phải có người nghe, việc hiểu tính sau. Nhưng có một nghịch lý rằng, biết là biết khi biết có nói; biết mà nói nghĩa là biết có nói biết, biết không nói nghĩa là không biết biết không; biết không biết không biết có phải do biết không nói không!? Nói tóm lại, người có chính kiến hiển nhiên là người biết nói cho người khác biết mình biết; người không biết nói hoặc biết mà không nói biết hoặc biết nói mà nói không biết, cũng hiển nhiên, được liệt vào loại không chính kiến, biết không nói biết thì làm sao biết biết. Vì lẽ đó, biết hay không biết cuối cùng cũng chỉ là biết hay không biết, theo ít nhất, một chiều khác.

Vậy, cuối cùng, người không chính kiến là ai? Lấy hiện tượng của ngành xuất bản 3 tháng đầu năm ở xứ sở thần tiên và lắm chuyện vui như đùa của những người lắm chính kiến xét làm ví dụ, có thể dễ dàng nhận thấy, bao gồm tất cả những người không biết, có biết mà không nói, có nói mà nói không biết, có nói mà nói không có biết, ... đều được gọi là người không có chính kiến, hay nói cách khác, họ là đồ cà chua ba phải, ai nói gì cũng chịu. Tốt nhất là họ nên đi xem bóng đá Anh cho nó lành.









Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Một công cuộc từ tâm


*mộtngày.khônghai.khôngmười



Trò chơi bắt đầu bằng việc gọi tên; đó là trò xếp hình.

Cũng cần nói trước rằng không việc gì phải tưởng tượng: một màn đêm đậm đặc bao quanh, thường trực trước mũi, chui vào hốc mắt và điềm nhiên hiện diện cả trong tận từng chạm nhẹ mân mê trên da, vân vê trong tóc; không có ánh sáng, hiển nhiên, bóng tối không tồn tại. Có thể điều này là hơi khó tưởng tượng cho mọi người, nhưng không phải tôi muốn làm khó, hay cản trở đến sự mường tượng bức tranh của mọi người, một cách xác quyết; rõ ràng, tôi không muốn thế, mà cũng rõ ràng không kém, tôi không thể muốn được. Chính là ý Chúa; tất cả là ý Người.

Thế nên không việc gì phải tưởng tượng cho nhọc lòng; tất cả dòng sông đều chảy và trò xếp hình sẽ được chơi. Tôi có thể khẳng định điều này, tôi đã và vẫn đang chơi đây.

Bắt đầu là làm quen, và làm quen hay bắt đầu đều không phải là việc dễ dàng với tôi; hình như tôi không có năng khiếu khởi đầu một cái gì - một công cuộc, một thói quen, một trò chơi, hay thậm chí là một cái gì đi nữa: khi tôi nhận ra, thì tôi đã được quăng vào nửa chừng của một sự đã rồi, chỉ còn gắng thêm chút nữa là hoàn thành, và lúc nào cũng chỉ còn thêm một chút nữa; cuộc đời tôi luôn gắn liền với những chuỗi sắp hoàn thành. Đúng luôn cả với trò xếp hình sắp sửa được chơi này: còn thêm chút nữa là sẽ hoàn thành.

Vì lẽ đó, sẽ không có gì ngạc nhiên, nếu tôi nói với bạn rằng, một ai đó, tôi cứ nghĩ nên là một ai đó, đã dúi vào tay tôi, cái mà một giọng nói không biết từ đâu mà đến gọi là trò xếp hình, và tôi hiểu, như thế là tôi đã ở giữa chừng một cái gì đó để hoàn thành, thêm một chút nữa là hoàn thành.

Tôi cũng có thể chọn không làm gì cả, tôi cũng thích không phải làm gì, mà sự thật thì tôi cũng không thể làm gì cả, nếu không có những chỉ dẫn đầy sức mạnh đến cùng giọng nói không biết đến từ đâu. Tôi cũng có thể chọn ngồi im như thế lắm chứ, nhưng đang giữa chừng một cuộc chộn rộn như này, thì có, hoặc giã là vờ vật, chú tâm vào một cái gì đó, có lẽ là cách tốt nhất để không lọt vào tầm chú ý, hoặc theo cách khác, là trở thành những đơn vị (được) chăm sóc chuyên sâu. Vả lại, có cái gì đó để mà chạm vào, trên nền vô vàn những âm thanh hỗn độn và không chủ đích như thế này, cũng là một cách để không phải ngủ. Mà đối với tôi, ngủ là việc quá sức dư thừa.

Thế là tôi chơi xếp hình. Thế là tôi xếp hình. Mà, xếp hình thì xếp làm sao?

Lại một lần nữa, đức tin của tôi được đền đáp; trong lúc vẫn đương loay hoay với cái gọi là trò xếp hình, thì lại giọng nói ấy - cảm ơn Người, vì đã luôn bên con! - lại vang lên, rõ ràng và quyền lực: "Gỡ nó ra hết, rồi xếp lại!". Tôi mau mắn làm theo, lần này thì không có lưỡng lự hay cự cãi gì nhé. Cũng nhanh chóng như chính thái độ chấp hành và tuân thủ không nghi ngại của tôi, giọng nói đó lại vang lên, như thể là ban thưởng, tiếp tục đưa ra một chỉ dẫn thực hành đầy quyền lực, nhưng không chút ép buộc, không một chút nào: "Phải đếm số mảnh tháo ra chứ!", rồi tôi đếm, và ân thưởng lại tiếp tục: "Xếp lại đi!". Dĩ nhiên, tôi chỉ chờ có thế.

Mỗi khi tôi lâm vào bế tắc, mò mẫm trong mù mịt hư không vô hình, tiếng nói đó lại vang lên, cùng lúc với sự hân hoan trong tôi, đưa tôi đến một bến bờ mới, một giữa chừng mới, gần với sự hoàn thành chung cuộc, hơn bao giờ hết. Rồi cứ thế mà tiếp tục, như thể Chúa của tôi đang rất mực hài lòng và không ngừng chăm chú quan sát sự thuần phục đức tin của một trong những đứa con hết mực tôn kính Người, hoặc giã Người chính là đang ngụ trong tôi, lặng lẽ quan sát và rõ ràng đưa ra hết chỉ dẫn này tới chỉ dẫn khác, dẫn dắt con Ngài ngày càng tiến gần hơn đến cái kết cuộc cần kíp: Người là đôi mắt dẫn đường. Tôi không chút mảy may nghi ngờ điều đó; mỗi khi tôi gặp khó khăn, giọng nói thần khải đầy quyền lực của Người lại vang lên, thậm chí trước cả khi tôi nhận thấy cái khó khăn mình đang gặp. Rồi cứ thế, cứ thế.

Cuối cùng, trò xếp hình cũng hoàn thành, tức nghĩa là, tôi đã chơi xong. Hiển nhiên là tôi biết, vì tôi có thể nghe được rõ ràng lời Người đang nói, với mình: "Rồi, xong, đây là con gấu.", chắc chắn như thế, không thể nào khác. Vậy là từ đó tôi biết được rằng, mình có thể tạo ra một con gấu, chỉ đơn giản bằng cách xếp các mảnh hình. Đương nhiên không phải là một con gấu bằng xương bằng thịt, Chúa biết, tôi không phải gã khờ; con gấu của trò xếp hình là một dạng gấu khác, dạng gấu sẽ không làm bạn hoảng sợ hay lo lắng, không một chút nào, mà ngược lại, bạn hoàn toàn có thể cầm trên tay, vung vẫy, tung hô, và có thể cả lên tiếng khẳng định một cách chắc nịch: "Đây, con gấu!". Không sự thật nào thật hơn thế, ngay cả sự thật của bánh mì.

Mà có thật là tôi đã hoàn thành không?