Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2010

một ngày ngủ





1.

Buổi trưa, con hẻm cháy nắng. Trên những khuôn vuông ô kính dọc hai bên phố, sáng lấp loáng ánh đung đưa của một ngày đang trôi về gần cuối. Cuối năm. Gió hây hây đỏ những đôi má đào. Cuối năm, mùa của những nỗi niềm giục giã.

Chậu mai nhỏ, trước nhà, nằm chếch về bên phải, sát tường, nhìn thẳng vào cánh cổng sắt của căn nhà ông bà tổ trưởng, hai con người trí thức thời cũ; trơ ra những cành trơn, khẳng khiu, ngắn cũn. Lá đã được lặt. Thửa vườn nhỏ sạch tươm bởi nước. Bà tổ trưởng là người rất tử tế.

Dạo trước, trước cổng sắt, là cả khu vườn hoa: hoa hồng, hoa điển vi, hồng anh thảo; có cả dây trầu leo lên tận mái, cả những bụi xanh rậm rịp rầm rì; những chậu hoa nhỏ chen chúc dâng lên theo chân bước trên ba bậc tam cấp. Chúng ở đó, phía trước căn nhà, 1 lầu, mà thường các buổi tối mát trời, ông tổ trưởng ngã người trên ghế, đung đưa, xem đá bóng.

Cánh cổng rộng chừng hơn 3m. Khu vườn um tùm, cũng chỉ khoảng 2 sải chân.


Hai đứa nằm chui rúc trong chăn, trong căn phòng nhỏ ngày thường dùng làm văn phòng. Máy lạnh chạy đều đều, và trên màn hình lũ cá mập thay nhau gieo rắc nỗi kinh hoàng. Người ta la váng trời, còn chúng tủm tỉm cười hình tượng Chúa da đen trong bộ quần áo đầu bếp trắng phau, niềm hy vọng của mấy người da trắng.

Phòng được dọn gọn. Cái bàn to thường ngày là chỗ tiếp dân, được đẩy sát tường, chừa đủ chỗ cho 2 làn tấm đấp trải làm nệm. Rèm dầy, kéo kín, chốc chốc lại rực sáng, theo những đợt lao đao của gió trời, một bóng mây nào lại vừa qua thềm. Chúng cùng nghĩ về tương lai, những tương lai với cái bóng hạnh phúc thật khác.

Chẳng mấy chốc, giấc ngủ đã ngập phòng.


Ngoài trời nắng đổ. Căn phòng lạnh mát với gió điều hòa 25 độ phù phù. Chúng co ro trong chăn ấm, châu đầu vào nhau, và cùng mơ về biển. Lần này thì giấc mơ rất giống.




2.

Chiều vàng, bắt đầu bằng cái này. Lạnh buốt. Những xiên nắng tạo nên vô số hình thù đậm sáng trên rèm, chốc chốc lại lung lay, có vẻ như là gió.

Có tiếng xe máy ré lên, chuội dần dài theo hẻm. Tấm rèm kéo dạt sang bên, để một vạt nắng rọi lên mặt kính ca-rô mở vào sẻo kho, sẻo tam giác tộng được vào bao nhiêu là đồ. Cũ có, không dùng có, đang dùng cũng có; chiếc xe đạp xẹp bánh, dựng chống đứng tận trong cùng.

Trời vẫn nắng, cái nắng vàng đuổi ngày đi, đuổi cả cái ngủ chập chờn. Thoáng nghe mùi bột giặt rẻ tiền; cái mùi thơm đăng đẳng có vẻ còn nhiều năm nữa sẽ vẫn còn nhớ. Chiều cuối tuần lừ lữ trôi qua.


Chẳng lẽ lại đóng cửa ngủ tiếp?



Mà giá như nó là gái, nhỉ!





the.kiss - Gustav Klimt









Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Đời cát (tiếp)


Khuyến cáo: Những ai có âm mưu xì trum trực tiếp Đời cát, nên cân nhắc trước khi xem. người viết không chịu trách nhiệm với bất cứ sự bất mãn nào trong lời mắng nhiếc của quý người đọc nào.



(3)

2. Về người đọc hay Giả thuyết về quyền lực thứ hai


Sáng tạo thường xuất hiện kèm với các hình thức biểu hiện. Nhưng biểu hiện không phải là một thuộc tính tự thân của sáng tạo. Bản chất sáng tạo là một quá trình hướng tới cái mới. Việc tạo ra cái mới là yêu cầu bắt buộc của sáng tạo, còn cái mới được tạo ra có tác động long trời lở đất bạt vía kinh hồn như nào thì chỉ có thể xem sau, mà chỉ xem thôi, không cản được.

Đọc một cuốn sách, chính là một quá trình sáng tạo. Trong đó, người đọc vừa là diễn viên, vừa là khán giả; vừa là người làm công, vừa là ông chủ thụ hưởng; vừa là người shopping hí hửng với giỏ đầy đồ, vừa là người bán hàng với nụ cười mỉm đắt chí và đôi mắt ti hí mân mê món tiền hời. Chữ (và) nghĩa ẩn chứa trong văn bản sách, là đang ở trạng thái chết lâm sàn, và sự đọc của người đọc chính là động thái giải thoát, đem lại một hình thức sống khác cho câu chuyện. Vì đó là khác biệt và duy nhất, nên đó là một câu chuyện mới. Cho dù đó là thoát thai từ bản dịch, một sự tái - thoát thai ngôn từ của dịch giả.

Mỗi người đọc giữ riêng cho mình một câu chuyện. Câu chuyện độc nhất, mà không hoàn toàn không có bất kỳ người anh em sinh đôi nào. Cũng như mỗi người đọc là một duy nhất, khác biệt từ kinh nghiệm (đọc) sách đến sở nguyện (đọc) sách, từ xu hướng lựa chọn đến cả tính cách hành vi, từ xuất thân quá khứ đến cả hành trạng hiện tại, từ thói quen bỗ bã hay cả là thâm thọt, và khác biệt lớn nhất vẫn là những xu hướng ứng xử vô thức riêng biệt của mỗi một người. Tỉ như là sẽ có hàng ngàn cách phản ứng và tưởng tượng khác nhau, khi đọc đến dòng chữ "bất giác tôi quay lại, nhìn chòng chọc vào khoảng không vô định phía ấy, dường như có cái gì đó đang rục rịch".

Không hoàn toàn không có bất kỳ hai người nào giống nhau, kể cả đối với các trường hợp đa sinh: diện mạo trông giống nhau không thể đảm bảo cho hành động giống nhau; cung cách ứng xử giống nhau không thể là dấu hiệu giống nhau của cách thức suy nghĩ; cách thức suy nghĩ giải quyết sự việc giống nhau càng không thể cho là mục đích cá nhân giống nhau ... Con người là khác biệt, trong mỗi nhịp thở của chính sinh thể. Nhưng mà không hoàn toàn.

Quá trình sống của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, nhưng các trạng thái trong cuộc đời mỗi con người, không nhiều thì ít, có tương đồng. Chu trình sống của một cuộc đời có thể tóm gọn trong Sinh, lão, bệnh, Tử. Cụ thể hơn đối với một đời người sẽ có những giai đoạn mà, một cách triều mến, gọi là dậy thì, tuổi hoa niên, tuổi hoa râm, hay là tuổi hoa bông bụp, thì cũng là những cách nói để cùng chỉ những trạng thái (mốc) tương đối chung của cuộc đời. Không phải tuyệt đối, mà là đa số. Vì vậy, sẽ tồn tại những trường hợp cá biệt, xác suất cho dù là bao nhiêu thì tồn tại vẫn sẽ là tồn tại. Cứ như sự thật vẫn sẽ là sự thật bất chấp sự thật người ta có coi đó là sự thật hay không. Dù sự thật tệ hại nhất cũng chính là sự thật một nửa.

Bởi vậy sự từng trải với kinh nghiệm mới trở thành vốn quý cho con người, nhất là trong các tình huống ứng xử giữa con người với con người. Một phần cũng vì vậy, bói và coi bói trở thành một trong những thú vui nhàn nhã của các quý bà, quý cô.

Và theo lẽ đó, mỗi người đọc sẽ là một khác biệt. Hay, nói cách khác, mọi người đọc đều riêng biệt. Hay, lại nói cách khác, là chẳng còn ai đặc biệt.

Sách cũng không phải là đặc biệt. Người đọc cũng thế, và cũng thế cho cả câu chuyện riêng biệt của họ. Người ta vẫn có thể chết vì đói ở những con hẻm nhỏ tối tăm không ai biết đến bên hông các tòa nhà chọc trời trong lòng một siêu đô thị; hay như những con thú vẫn bị giết thịt và lột lông làm tấm xa xỉ choàng người bất chấp những phản ứng cực kỳ manh động và táo tợn của PETA, hay bất cứ cái gì TA đi nữa. Súng vẫn nổ, kim cương máu vẫn chảy đến tay người nhiều tiền; người ta vẫn sống và giá xăng vẫn đang dâng, cao lên, cao lên.

Bởi vậy, quyền lực thực sự của người đọc, không phải là những điều hay ho mà anh ta tự cho là hay ho, cũng không phải là sự dự phần của anh ta vào sự nghiệp tiếng tăm vốn đã lắm tiếng tăm của nghề cầm bút; càng không phải anh ta đang góp phần nuôi sống một ai nào đó, trả tiền mua một cuốn sách hay bất cứ thứ gì, không bao giờ có thể coi là hành động của sự tử tế, (thậm chí, đôi khi, có thể coi đó là dấu hiệu của sự phung phí, hoặc hệ quả của một thói quen thụ hưởng xa hoa).

Quyền lực thực sự, của một người đọc, đối với sách, hay là với mọi sự trên đời này, chính là sức mạnh của sự kiến tạo. Những gì sinh ra từ trí tưởng tượng của con người, trở nên sống động, một lần nữa, trong chính trí tưởng tượng của con người, trở thành một phần trong tổng thể ký ức cấu thành nên thế giới của một cuộc đời. Chúng ta không sống trong một thế giới đầy khác biệt; chúng ta đang tồn tại trong những thế giới khác biệt hoàn toàn. Và trong đó, mỗi người đọc chính là một Ngài tạo.


Salinger đã chết, nhưng Caulfield thì không.










Đời cát (tiếp)


Khuyến cáo: Những ai có âm mưu xì trum trực tiếp Đời cát, nên cân nhắc trước khi xem. người viết không chịu trách nhiệm với bất cứ sự bất mãn nào trong lời mắng nhiếc của quý người đọc nào.



(2)


1. Về thoại hay Giả thuyết về quyền lực thứ ba

Quyền lực là sức mạnh (?). Quyền lực của một cuốn sách là sức ảnh hưởng của nó lên từng người đọc cụ thể, là số điểm hút nó chứa bên trong được vụt sáng, là khả năng truyền tải thông qua câu chuyện: thông điệp gây ấn tượng đối với người đọc, và lưu lại trong trí nhớ như là một dạng thức nhắc nhở, mà đôi khi, trở thành tín điều, biến đổi mối quan hệ với chủ thể thành một dạng phục tùng tôn giáo.

Quyền lực, hay sức hút, của Đời cát chính là thoại. Thoại của Đời cát hấp dẫn là bởi học thuyết dương mưu chứa đựng trong nó. Hay nói cách khác, một học thuyết dương mưu dần dần hiện ra thông qua các chỉ dẫn, hết sức cụ thể, được nêu lên thông qua thoại.

Thoại của Đời cát bao gồm hai phần: nổi và chìm. Phần nổi là lời nói của các nhân vật, và chìm tất nhiên cũng chính là lời nói của các nhân vật, cho chính mình. Tác dụng định hướng của phần chìm là đáng kể, nếu xem xét đến diễn biến truyện, cũng như sự sử dụng khéo léo các tình tiết. Có thể nói, Đời cát là một dàn đồng ca, mà trong đó các dàn bè được chia phối và (để) dẫn dắt tài tình. Không có chi tiết thừa, cũng như không có tình tiết nào là không thể giải thích. (người viết chủ động thể hiện một giọng điệu tự tin, dấu hiệu của một sự tự mãn và khoái trá ngấm ngầm).

Gọi thoại trong Suối là những cuộc đối đầu của các mẫu hình khác nhau thông qua lăng kính độc đoán, thì thoại trong Đời cát thể hiện mối tương hỗ và đồng dạng trong cùng một trường nhân vật. Cái trường nhân vật gần như là đồng nhất mà trong đó mỗi một nhân vật chỉ là mỗi gương mặt và cái miệng được dáng tên khác nhau cho cùng một giọng nói. Cái trường nhân vật được miêu tả khá rõ ràng trong suốt phần đầu của câu chuyện, mà đỉnh điểm là tại buổi tiệc tối, phong thái bình thản khi Paul Atreides tiếp nhận trọng trách người lớn của cha cậu trong cùng nỗi sợ hãi ngấm ngầm của người mẹ, chính là một minh chứng tốt cho mối liên kết khó tưởng trong trường nhân vật này.

Paul Atreides, kẻ được chọn, chính là đối tượng của quyền lực thứ nhất; sự còn khả năng tăng trưởng, hay tiềm năng chưa bộc lộ hết, tạo nên những hy vọng và nét quyến rũ cho nhân vật này, và qua đó trở thành xương sườn của toàn bộ câu chuyện: người đọc hít thở bằng (lỗ) mũi của Paul, nhìn bằng đôi mắt màu-xanh-trong-màu-xanh của Usual, và suy nghĩ bằng lời phán truyền của Muad'Dib, một hành trình dài, xuyên suốt hơn 600 trang, từ một vị thiếu chủ, đến một người Fremen rồi trở thành vị thống lĩnh truyền thuyết Kwisatz Haderach. Sự sống là ở dạng động, không động đậy gì nữa tức là chết rồi, và không dưới hai lần tác giả đề cập đến điều này: từ đỉnh núi, người ta không thể nhìn thấy núi.

Paul Atreides là chính là điểm khởi đầu cho một Lisan al-Gaib huyền thoại, nhưng hoàn toàn không phải là điểm khởi đầu truyền thuyết. Muad'Dib quyền lực chính là người nắm giữ chiếc gậy số phận của toàn vũ trụ, nhưng quyền lực thực sự không nằm ở chính ông. Cái thực sự tạo nên quyền lực thứ nhất, cũng là cái tạo ra truyền thuyết, cái dựng nên huyền thoại, là Cái đề ra luật lệ: Con-Người. Paul chỉ là một vai diễn đã được phân vai từ trước, trong vở kịch huyền thoại dã sử, mà xét cho cùng, Đời cát chỉ toàn những nạn nhân - những nạn nhân của trò chơi quyền lực, dù có hoặc không chủ đích dự phần.

Đó chính là sức hấp dẫn của Đời cát, quyền lực thứ nhất đối với người đọc: nó cuốn hút người đọc, nó chi phối người đọc. Quyền lực thứ hai là thuộc về người đọc, với khả năng nhận ra quyền lực thứ nhất: thấy những điều có thể thấy, cũng là sức mạnh. Vậy có tồn tại cái quyền lực thứ ba, chi phối tất cả những điều vừa nêu, thậm chí là cả đối với tác giả?









Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Đời cát



Toàn bộ bài viết dài lê thê như cánh ngỗng này, hiển nhiên là, xin được dành tặng cho người-mà-ai-cũng-biết-là-ai, nếu người ấy không bỏ công dụ dỗ, thì ắt hẳn sẽ không có cọng lông ngỗng này.



(1)

Tôi vẫn tin rằng không cuộc đời nào là vô ích và chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Những khoảng bình lặng luôn là đêm trước của một cuộc phong ba. Yên tĩnh càng dày, bão tố càng to. Cuộc đời đằng đẳng có thể chỉ để chờ cho một phút bật dậy, sáng lòa, (rồi sau đó nằm xuống kéo chăn ngang ngực, ngủ tiếp cũng được).

Tôi cũng tin rằng con người là tốt đẹp, cũng như những cuốn sách: sách, bản thân nó, đã là cả một nền văn minh. Vô số cuộc đời, hằng hà số phận, cả các nền văn minh, phát triển đến đâu, đồ sộ đến mấy, đều có thể trải ra trên bề mặt toan giấy. Đương nhiên là không hoàn toàn và mọi sự cầu toàn đều cần kiên nhẫn.

Đọc sách là một thú vui; trải nghiệm những gì thuộc về các cuộc đời khác thông qua chỉ những cái liếc (hoặc) nhìn. Đọc sách còn là một trải nghiệm ích lợi, không kể đến sự thú vị. Những ích lợi mà cho dù ít khi có lợi thì cũng là ích lợi. Đương nhiên, kiên nhẫn không nằm trong vùng lợi ít vừa kể. Chọn đọc sách và (để) đọc được sách, người ta đã phải kiên nhẫn (sẵn) lắm rồi. Kiên nhẫn để chờ, kiên nhẫn để tóm được khoảnh khắc vụt sáng ẩn mình trong mỗi câu chuyện. (Cũng đương nhiên là bạn biết, tôi đã điều chỉnh giọng nói, dấm dẳng và đều đều, thể hiện ý báo trước một điều gì đó chờ đợi phía sau).

Mỗi cuốn sách hay sẽ phải có những điểm chuyển hóa như thế, thời điểm tiệm cận. Ở cái (thời) điểm đó, toàn bộ tâm trí của người đọc bị cuốn theo, quấn lấy và quyện chặt vào không gian miêu tả. Có một sức hút mãnh liệt, và người đọc lúc đó dù tinh tường cũng khó lòng nhận ra, xóa nhòa tất cả hiện thực trước mắt người đọc, ngoại trừ cái khung cảnh đang hiện hình sống động và rõ dần trong từng diễn biến, trong hành động, trong khung cảnh, trong cả lời thoại. Hấp dẫn tới nỗi người ta khó lòng nhận ra thời gian (đang) trôi bao lâu, hay trước mặt có gái xinh nào không, hay quên cả thói quen liếc nhìn số trang sau mỗi lần hết dòng. Đó là cái duyên của tác giả, hay nói cách khác, là cái bẫy người đọc.

Người viết càng có duyên, hay nghệ thuật gây ấn tượng càng ấn tượng, thì cái bẫy càng tinh tế, đến độ tinh vi. Điều đó càng chứng tỏ khả năng, và tài năng của người viết. Nhưng là vô nghĩa với người đọc, nếu xét đến tất cả sự chờ đợi của họ. Mà ngược lại, thường những gì giản dị mới thực có nghĩa. Cái sự có nghĩa đó, đại loại có thể hiểu được, như cách một người đã từng (thốt) viết ra: Tôi đã đọc một cuốn sách, và điều đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. (nghe trong giọng nói có phần run rẩy, tỏ rõ một thái độ không dứt khoát, chứng tỏ tôi đang vừa nói vừa sợ sệt, và các bạn có lưu ý tới điều này).

Đời cát hiển nhiên có một điểm chuyển như vậy, dù là chờ hơi lâu, so với Dòng suối trên nguồn (từ nay sẽ gọi tắt là Suối) và Giết chết con chim thất kinh phết (aka Con chim).

Bài viết sẽ được chia nhỏ, nhằm cạnh tranh với phong trào mỗi ngày một bài viết của anh giag hồ trọn nửa buổi, cũng như là để mua vui một vài tiếng (người) cười. Dù gì thì gì, cười được là tốt. Mà không cười được thì ném đá cũng tốt luôn.

Bài viết sẽ đại loại gồm những phần như tiếp sau, yếu tố tình tiết và bạo lực là có, (khán) đọc giả nên cân nhắc trước khi xem. Nhất là với những ai đang có âm mưu xì trum với Đời cát.


1. Về thoại hay Giả thuyết về quyền lực thứ ba

2. Về người đọc hay Giả thuyết về quyền lực thứ hai

3. Về những mô hình tiên viễn hay Giả thuyết về giấc mơ tiên tri

4. Đời cát




Thứ Hai, 25 tháng 1, 2010

không phải lúc này




1. Trước 24, nó sẽ cưới.

Nó đã nói với gã như vậy. Gã không biết. Gã chẳng quan tâm. Mà nó cũng chẳng có vẻ là quan tâm. Gã năm nay đã quá bốn, còn nó chưa tới hai.

Căn phòng tối. Gã ngồi lọt thỏm trong sofa, chân vắt chéo, tay tựa thành, đung đưa. Điếu thuốc hút dở đặt trên bàn, đầu ửng đỏ, nhạt dần. Màu nhạt dần. Gã không hút thuốc.

Gã giương mắt, cố mường tượng ra dáng hình của nó, phía bên kia phòng. Nó có đang nhìn gã? Có tiếng cựa quậy trên sàn gỗ. Không phải nó. Gã biết là không phải nó.

Gã nghĩ tới một chuyến đi xa, không cần thật xa, trên đường về. Nó không thích. Nó thích vùi đầu vào gối và mơ màng về những chiếc đèn cầy. Một buổi sáng trong lành. Và gã không ở đó. Gã cũng chẳng thiết.

Không phải lúc này.
Những giấc mơ vắt ngang bậu cửa.
Không phải lúc này.
Những cuộc phiêu lưu ròng rã không bao giờ đợi tới lúc bắt đầu.

Không phải lúc này.

Đèn bật. Hắt qua tấm rèm dày, ánh đèn đường làm sáng hẳn cả mảng phòng. Giường đệm cao, drag mền bề bộn. Điếu thuốc vẫn trên bàn. Màu hồng nhạt, nhạt dần. Hắn không còn trong phòng. Nó cũng vậy.

Không phải lúc này.



2. Bất chợt, tôi thèm ngửi một mùi nước hoa.




3. Thật không phải lúc này!













Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Bởi vì hôm nay rất là đẹp.



1. Cơ bản thì con người yêu bằng việc nhìn. Hạnh phúc không bao giờ toàn vẹn nếu chỉ nhìn, nhưng nếu không đảm bảo một liều lượng thỏa mãn tối thiểu trong việc nhìn, thì hành trình tìm đến hạnh phúc của con người là chưa bắt đầu.

Ấn tượng thị giác là rất quan trọng, ở mức độ khác nhau ở từng người khác nhau, và còn khác nhau hơn nữa, ở từng giới tính khác nhau. Nhưng tựu trung, thị giác luôn là một trong những loại nguồn cơn tạo ra ấn tượng khắc họa dấu ấn đậm nét và trực tiếp bậc nhất, lên tâm trí con người. Càng nhiều trải nghiệm và va chạm cuộc sống, con người càng tích lũy thêm nhiều phương cách, vô thức và hữu thức, để xử lý, hoặc giả làm biến đổi, sức kích thích của các ấn tượng thị giác. Chúng ta học cách đưa một màng lọc của lý trí và suy đoán chen giữa sự nhìn; chúng ta quen dần và chấp nhận việc biến đổi cái nhìn dưới sự chi phối và tác dụng của kinh nghiệm.

Không phải trải nghiệm cho chúng ta khả năng nhìn xa hơn cái nhìn thấy hiện tại, cũng không phải kinh nghiệm làm nảy sinh xu hướng mong muốn tìm kiếm dấu vết của sự chắc chắn, đằng sau những gì đang được thấy, chính cái bản năng ham muốn lợi ích chưa bao giờ thay đổi của con người làm nảy sinh phản xạ lo lắng, rồi thúc đẩy những phán đoán giá trị về độ hữu ích, chắc chắn, cũng như đáng tin cậy của sự đang được nhìn.

Dần dần con người lại tiến gần nhau hơn, dần dần con người lại, một lần nữa, giống nhau đến kinh ngạc: đánh giá lợi ích đạt được (cho mình) từ những gì đang nhìn thấy thông qua kinh nghiệm cụ thể bản thân có được từ các tình huống, ít nhiều, có nét tương đồng. Mà ngay cả cái phán đoán lượng định sự tương đồng đó lại là một phép lượng định tương đồng xấp xỉ khác nữa.

Hoặc nói gọn lại là vì con người chán phải thất vọng rồi. Còn bằng không, con người đó quả thật đang rất hạnh phúc.



2. Rồi khi người bất chợt run lên, khi hai tay trở nên thừa thãi và đầu không thể suy nghĩ, ngoài việc đuổi theo một cái gì đó bất chợt xuất hiện, một cái gì đó hiện ra dưới hình dáng của những dòng chữ, liên tục, dập diều trôi qua, vô tận, hoặc đeo bám theo chúng hoặc buông mình theo bất kỳ tưởng tượng nào có thể gợi lên từ chúng, từ tiếng nhạc đang văng vẳng vang lên: hoặc đơn giản hơn, và dễ chịu hơn, là nhìn vào cái hình ảnh nãy giờ vẫn lẩn khuất phía sau, hình ảnh của sự đầu hàng tuyệt đối, của nỗi nhớ dắm dẳng, của suối nguồn dịu ngọt, của vùng ký ức tưởng chừng như đã chìm sâu vào lặng im; của sự thôi thúc được lao lên, được nhìn thấy, được gọi lên, được đụng chạm, được ôm lấy - một khuôn mặt không cần phải gọi tên, chưa bao giờ cần.

Hơn bao giờ hết, đó là lúc người ta hiểu ra một hiển nhiên không thể khước từ: tồn tại những lớn lao đủ giấu sâu trong lồng ngực.

(Mà giấu sâu quá thì thể nào cũng có lúc quên luôn he he)



3. Khởi thủy là nhìn; chúng ta yêu ngay cái đang nhìn - mà chúng ta cũng nên như vậy: một nụ cười, một dáng vẻ, một nét gợi cảm, một chút phong trần, hoặc chỉ là một sự tưởng tượng trong tình trạng mù mịt xác thực. Cái yêu hồn nhiên ấy có thể gói gọn trong ngữ "Chớm yêu". Cái tinh thần bất cầu vụ lợi ấy vốn dĩ là thuộc về tuổi trẻ. Hoặc giả là còn thuộc về người trẻ, cho đến chừng họ bất đầu ngẫm nghĩ về sự được mất.

Mà không phải người trẻ ngẫm nghĩ thì thành người già, hoặc thành người không trẻ. Cơ bản con người vẫn trẻ đấy, nhưng sự tất đạt đa khiến họ phải thận trọng. Khi con người biết suy tính được hơn cho bản thân, chính là lúc họ không bao giờ còn là như họ đã từng.

Hoặc yêu em khi em đang còn trẻ (nói thế không có nghĩa là em già thì hết yêu), hoặc là yêu với những toan tính nhằm bảo toàn cho phần lợi ích nhận lại, hoặc là vô vàn cách nào khác nữa, ... mà có tốn bao nhiêu bút mực cũng không thể kể xiết. Bất chấp thế, yêu vẫn cứ là một phạm trù vô định. Bất khả định như tâm thức con người: người ta càng cố gắng giải phẫu, cố gắng làm rõ sự mông lung trong suy nghĩ và cách thức vận hành suy nghĩ của chính mình, thì người ta càng lấn sâu vào một vùng không gian đen kịt, ở nơi mà vô thức và hữu thức không còn là ý nghĩa gì cả.

Ở nơi mà, chính tiếng nói của phần người (hay phần con gì?) chưa bao giờ hiểu thấu lại là tiếng nói duy nhất dẫn đường cho chúng ta, đến bất cứ nơi đâu.

Nhưng thời gian là không đủ, cho bất cứ nơi đâu, cho bất kỳ chuyện gì.




4. Hãy yêu nhau đi!

Bởi vì, hôm nay là một ngày trời quá sức cbn đẹp.
















Thứ Ba, 19 tháng 1, 2010

Có động đất thì phải làm gì?



Nhân được bữa trời mưa, ngẫm nghĩ gì về sự không biết, hoặc là chưa được biết.



thành phố mở mắt đã có những ngọn đèn màu,
có nhà cao, có xe to, có sầm uất phố thị
có trang hoàng phố xá người người qua lại
có dọc dọc ngang phố chợ ôm xồm cá tôm
có sách truyện, xe tăng, bắn súng, đá banh
có gia đình nhỏ to trong căn nhà dài trống hoác, (gió được thể lủi vào rồi lại ra)
có đêm giao thừa râm ran mùi pháo
nổ đì đùng ngọn lửa bánh chưng
bập bùng bập bùng
những câu truyện cổ,
không nói dối bao giờ
thằng người xấu nhìn cười cũng xấu,
cô tấm dịu dàng đẹp hơn cả tranh
quả thị vàng nồng ngát hương cũ kỹ
chuyện lễ nghi, mặc nhiên, chẳng mấy ai tò mò

mẹ còn kể nhiều lắm điều lắm cơ
chuyện áo cơm một thời không có gạo
chuyện bán mua một thời không cần bán
chuyện cơ cực cái thời ai cũng tưởng là biết
người ngoài đường nhìn nhau đâu cũng thấy một nỗi mơ hồ
ủ rũ lấy làm của chung
người lấy sống làm biện bạch cho tồn tại.

Toàn những chuyện mình không thể biết.
biết là biết rằng không phải biết,
biết là biết mà cũng biết là vậy.


(Biết thế quái nào được khi mỗi buổi mở mắt dậy, mẹ vào phòng gọi dậy mà ăn
rồi đến tối trước khi đi ngủ lại lội lên nhăn nhó bắt tắt đèn).

.























[Reuter] India 26.12.04






- Đương nhiên là ngồi nhìn chứ làm gì.












Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

P a s j i a



ảnh chụp bởi: Na Sơn






một vài dự định, tự động viên mình.
  • đã ngắm nghía, tăm tia và (sẽ) gom góp được kha khá các ông bố cho tuyển tập các bài viết ngắn: Gởi các ông Bố. bản giấy màu sậm, gáy lò xo, chắc chừng 100 trang. mà nếu là viết tay thì càng hay.
  • sẽ lại viết thư.
  • đọc càng nhiều (hơn) càng tốt, mà trước hết là đọc xong Xứ cát (he he).
  • viết đều hơn, viết nhiều hơn.
  • giảm làm biếng, tăng làm siêng.
  • học bơi, tập chạy: khỏe để mần.
  • chính yếu chính là giữ chính yếu (là) chính yếu.
  • cuối cùng, yêu đã.







Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2010

Đám cưới - người Việt




*(bài này sẽ lại dài) tặng Tr, mụ phù thủy không biết bay không biết bơi nhưng khoái trèo cửa sổ.




1. Trở lại những ngày đầu của cuộc Nam tiến, hai chữ khẩn hoang chưa hẳn đã xuất hiện như là một ý tưởng chủ đạo trong suy nghĩ của vị hoàng thân họ Nguyễn; Nguyễn Hoàng cùng với gia đinh tiến vào vùng đèo Ngang hoang sơ, đầu tiên và hoàn toàn là để được sống. Thời cuộc binh biến, thế lực lớn mạnh của người anh rể là mối nguy chờ chực. Vùng đất và cơ nghiệp trung hưng vừa mới manh nha thành hình, nay đã trở thành đất dữ, khó lòng ở lâu. Muốn sống, Nguyễn Hoàng phải vào Nam.

Xét tới thời điểm bấy giờ, đấy không phải là cuộc khai khẩn đầu tiên, càng không phải là một cuộc phiêu lưu vĩ đại gì; nhưng chính là bước đầu tiên quan trọng cho cả một công cuộc khai khẩn dày công sau đó: cũng như Nguyễn Hoàng, những con người không nhìn đâu ra tương lai ở vùng đất cũ, lên đường Nam tiến tìm kiếm cuộc đời mới. Những người đi vỡ đất, chỉ với niềm hy vọng mở đường: sống. Những người đi, phần nhiều, cũng chỉ vì thế.

Đất Nam thành hình dần qua bao mùa nước nổi, nhờ vào bàn tay và khối óc của biết bao thế hệ cần lao - những người khắp xứ bôn ba đến nơi đây, mưu cầu cuộc sống. Bất kể xuất thân, bất kể tiếng nói, họ, những kẻ bỏ lại quê hương, tề tựu về đây dưới cùng một hy vọng, tề tựu về đây trong cùng tiếng nói, để an cư rồi lạc nghiệp. Hoặc khả dĩ là lại tiếp tục cuộc bôn ba.

Đất Nam không từ một ai, đất Nam đãi tất cả, sang hay hèn, con buôn hay chiến binh, công bằng và dung dị như nhau. Miễn là họ có những tháng năm gian nan ngược xuôi trên mảnh đất này. Đấy là một tinh thần Ngọc mà không phải mảnh đất nào ở Viễn Đông cũng có.

Đất Nam ở đây là dải đất phía Nam, kéo dài theo chiều cong đuôi chữ S của nước Việt. Người Việt nói tiếng Việt, dù đi đến bất cứ đâu vẫn là người Việt.

Tiếng Việt còn thì người Việt còn, người Việt còn thì nước Việt còn.


2. (Về chữ và nghĩa)

An cư rồi lạc nghiệp, cuộc sống dù ở đâu rồi cũng (đã) phải có lần nghĩ đến: muốn lạc nghiệp (thường) phải an cư, muốn an cư (thường) phải lập thất; không phải là duy nhất, nhưng là thông thường nhất. Lựa chọn giữa đời sống độc thân tự do bay nhảy, hay cuộc đời hai mình yên ả và trách nhiệm là chuyện không phải để bàn. Việc gì cũng có giá. Nhưng một khi đã chọn cái hạnh phúc bình dị và yên ấm ấy, đám cưới là bước tiếp theo hiển nhiên, ít ra là đúng với (phần nhiều) người Việt. Đám cưới là niềm vui bắt đầu. Đám cưới người Việt bắt đầu bằng niềm vui báo tin.

'Đám cưới' là tiếng Nôm, thường được dùng trong báo tin và chuyện miệng. Còn lại thường các chữ được dùng 'chính danh' treo bảng, như: vu quy, kết hôn, thành thân, thành hôn ... đều có gốc chữ Hán.

Theo Từ điển Hán-Việt giản yếu của Đào Duy Anh:

- vu trong vu quy có nghĩa là 'đi qua', quy nghĩa là 'về - trở về': vu quy (có thể hiểu) là đoàn rước đưa cô gái đi qua đoạn đường dài (ngắn càng tốt) trở về nhà của chàng trai (mà cô sắp sửa gọi là chồng).

Cũng theo đó:

- hôn trong kết hônthành hôn là cùng một chữ, nghĩa là buổi chiều hôm, lấy vợ, (wikipedia tiếng Việt trong phần Lễ cưới hay Đám cưới Việt Nam, cũng dẫn theo Đào Duy Anh, ghi: hôn nghĩa là buổi lấy vợ thường diễn ra vào buổi chiều hôm).

- kết nghĩa là 'thắt buộc lại với nhau - tụ họp lại'; thành nghĩa là 'xong - nên việc - dựng nên': (ngày) thành hôn là (sau bữa này nữa) là việc lấy vợ xong rồi; kết hôn là (bữa mà mọi người tụ họp lại với nhau để chứng kiến) người con trai cùng người con gái thắt buộc cuộc đời lại với nhau. Tuy nhiên, chữ hôn còn có hàm nghĩa là 'theo chồng'.

- thân nghĩa là 'thương yêu - gần gũi - cha mẹ - họ hàng': thành thân, do đó, có thể hiểu là (buổi mà) việc người con trai và người con gái trở thành những người thương yêu gần gũi như ruột thịt (sau buổi đó) là xong.


3. Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trọng lễ vẫn còn dấu vết trong xã hội hiện tại, rõ ràng nhất là trong các tập tục truyền thống. Đám cưới người Việt cũng vậy. Sử dụng các Hán-Việt từ như là 'chính danh' cho các dịp, hội trang trọng là một cách thể hiện sự trân trọng và ước muốn hạnh phúc, ngoài ra, còn là thể hiện một quan điểm: đám cưới người Việt là cưới vợ - theo chồng.

Tất nhiên, từ ngữ và ngữ nghĩa phải luôn được xem xét trong mối tương quan với bối cảnh xã hội đồng thời. Những hoạt động của xã hội con người, cũng như xét về quan niệm của thời đương đại, làm thay đổi, hoặc cả biến đổi, ngữ nghĩa của từ ngữ rất nhiều, so với nghĩa đầu tiên được ghi nhận. (Mà) xét cho cùng, chữ với nghĩa rốt cuộc cũng chỉ là công cụ (cố gắng) thể hiện mong muốn của chính con người.

Xã hội mỗi thời mỗi khác, con người mỗi lúc một khác, và từ ngữ, cho dù trong cùng một thời, cũng là rất khác nhau. Ví dụ như đám cưới là: Hochzeit trong tiếng Đức, Bruiloft trong tiếng Hà Lan, शादी trong tiếng Hindu, ślub trong tiếng Ba Lan, boda trong tiếng Tây Ban Nha ... Tuy khác nhau về tiếng nói và chữ viết, nhưng đám cưới ở đâu cũng vẫn là đám cưới. Và nếu phải chọn một chữ có thể nêu lên, gói gọn tất cả tinh thần chung nhất của đám cưới, tôi chọn 'thành thân': hai con người, tự nguyện đến với nhau, gắn bó yêu thương như ruột thịt. Không phải là chồng cưới vợ, không phải là vợ theo chồng, mà là (cùng nhau) thành thân.

Bất định là tất định, không ai có thể nói trước về cuộc đời. Dù cho là xuất phát từ một tình yêu say đắm và nồng nàn, hay là một nguyên nhân nào đó khác, thì cũng không thể nào là lý do đảm bảo cho một cuộc hôn nhân luôn toàn vẹn và dài lâu. Bản chất con người vốn thay đổi. Nhưng nếu không có ý niệm nguyện cùng hạnh phúc lâu dài, thì đám cưới cũng chẳng nên là đám cưới để làm gì. Ít ra là phải có ở lúc ban đầu, ít ra là nên có tới trước lúc con người thay đổi.

Bởi lẽ, thành còn có nghĩa: là 'nhất định không thay đổi'. :)











Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Mùa thu rơi bao lâu?



1. Bạn viết về mùa thu, thắc mắc rằng mùa thu thì dài bao lâu. Rằng (bạn nói) khi những chiếc lá cuối cùng trên cành đủng đỉnh lắc lư rơi nhẹ xuống nền vàng xào xạt, khi những chiều hoàng hôn óng ả ôm lấy dòng Seine êm đềm với từng đợt gió rung rinh dúi vào lòng người đôi đợt rùng mình se sẽ, khi những buổi sáng trời cao-trong-xanh vút như mê hoặc mắt nhìn đăm đắm, ấy là khi mùa thu lại tới. Ấy là lúc bạn tha hồ mặc áo cộc quần rong, tênh hênh đi giữa chốn đô thành hoa lệ mà chụp hình, mà ngắm nghía người ta hẹn hò, hoặc là điềm nhiên thè lưỡi lếm kem mà không sợ bất cứ hậu quả (quá) tê tái nào.

Sài Gòn thật (từng) không có mùa thu. Những khoảng chuyển mình nho nhỏ thật khẽ trong ngày không đủ làm nên mùa; những buổi sáng trời thu trong, những buổi nắng thênh thang cuộn tròn lòng phơi phới không phải là điều dễ dàng nhận thấy, nhất là đối với những ai chưa từng đặt chân ra khỏi Sài Gòn quá tháng. Những khoảnh khắc mùa thu chấp chới hiện ra rồi lẹ lành lẩn mất, như một nét chấm phá của tiết trời thành phố, chỉ có thể (lại) hiện ra rõ rành trên từng câu từng chữ của sự từng trải. Gọi là thu, vì đã thực có thu.

Thay vào đó là mùa lá rụng. Không hẳn rần rần lá rụng chuyển mùa (cho) thu sang, chỉ là những lúc gió mạnh, trời lay, từng đợt lá rụng trên đầu, trước mặt, lả tả như trái chò nâu quay tít tít mò. Có khi gió xoay cuốn lá xoáy thẳng vào người, thích thú tơi bời. Nhưng cuộc đời chẳng dễ được hai lần.


2. Lơ ngơ với mơ màng không hẳn là xấu, tuy cũng chẳng phải là thuộc tính họ hàng với người học kỹ thuật. Bạn học kỹ thuật, nhưng thường có những quãng mơ màng lồng lộng như thế. Bạn thích thế, mà mình cũng thích. Chắc cũng phần vì mình (cũng) học kỹ thuật.

Vì là dân tính toán, nên có khi cắc cớ mà tự hỏi rằng: một người (thì) rơi bao lâu?

Cái này đơn giản, có thể trả lời tương đối chính xác mà rằng: lấy khối lượng một người lớn xác là 80kg, coi như người tiến từ từ tới sát mép tường rồi mới rơi nhẹ nhàng không vận tốc đầu, bỏ qua ma sát với không khí, và xét chuyển động như là chuyển động của chất điểm: vấn đề lúc này trở thành giải bài toán chất điểm rơi tự do từ độ cao h cho trước. Đánh vật với số với chữ một hồi thì cũng tính ra được (cho là) x giây. Trong thực tế thì thời gian rơi có thể ngắn (hay dài) hơn một lượng chưa xác định nào đó, tùy thuộc vào các thông số thực nghiệm, như là: góc nghiêng khi nhảy, tốc độ gió, độ cao tương đối so với mực nước biển, mối liên hệ tương đối giữa độ cao h và vị trí đứng bấm giờ của người quan sát, ...

Nhưng bất kể việc tính toán sự rơi có ngùng ngoằng ít hay ngùng ngoằng nhiều, thì kết quả chắc chắn không đổi; người rơi có nghĩa là chết (tới bị thương). Hậu quả như thế thì quá là không chấp nhận được. Thế nên chuyển lại xem xét cái sự thu rơi nhắm chừng khả dĩ hơn. Ít ra là an toàn hơn cho người kể chuyện. :)


3. Vậy rốt cuộc thì mùa thu rơi bao lâu? - Bằng thời gian chiếc lá rời khỏi cành.




*viết thêm:

Mình rất chăm đọc blog. Chăm đến độ như thể cày xới và băm nát vườn bông màu mỡ nhà người. Mình cũng thích lên tiếng, nhưng ném đá làm sao cho người khác không cảm thấy là đang bị ném đá thì mình chịu. Đôi khi có cảm giác những suy nghĩ khi chuyển hóa thành câu chữ, có vẻ, đã mất đi cái sự duyên dáng (muốn có) của nó rồi. Hoặc là do mình vô cùng duyên dáng quá. Cái này mình cũng chịu.

Mình rất thích đọc, không chỉ đọc blog mà còn đọc sách, đọc truyện, đọc báo nữa. Nhưng mà đọc blog thích hơn nhiều (mấy thể loại kia nguội ngắt rồi, chán rồi!). Có cảm tưởng như mỗi lần bật danh sách cập nhật blog lên là thấy một chùm bong bóng đủ thể loại, đủ sắc màu: có xù xì, có lịch lãm, có phong trần, có dài ngoằng, có bình dân học vụ, có quảng đại sâu xa, có đằm thắm, có vanity suốt đời, và có ... nhiều nữa; mà nói chung là tất cả đều rất chi mơ màng.

Không chỉ là của người khác mà chính là của mình, như một ai đó từng nói: khao khát được nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay, những điều mà mình hằng trân quý như là một minh chứng cho những dồn nén của bản thân, rằng điều đó là thật, điều đó có tồn tại và điều đó đã tồn tại. Như cái cách mình nhìn thấy những mẩu giấc mơ con của mình, qua chùm bong bóng chữ với nghĩa của mọi người. Cho dù đời thực không như mơ.

Nhưng mình vẫn (muốn) tin rằng tồn tại cái gọi là "tình nghĩa bloggers" hay "phi lê thành phố", cho dù là gọi bằng bất cứ tên gì, thì tồn tại vẫn cứ là tồn tại: đã từng là mãi là. :)










Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

trẻ con biết nói dối.


đổi đề, bỏ tiêu, sửa chữ, cơ bản là vầy.



Một dạo, tờ báo danh tiếng của tuổi trẻ thành phố đã cho đăng loạt bài bàn về một vấn đề xã hội không cũ: đạo đức; đối tượng được nhắm tới và cũng là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất thông qua đó chính là những người trẻ: có người đồng tình, có người ủng hộ và có cả những tiếng nói bức bối: "Trung thực, tôi được gì?". Vậy trung thực người ta được gì?

Chưa nói tới ích lợi của việc nói dối hay nói thật, chỉ riêng việc đặt câu hỏi cho tính trung thực đã nói lên được một điều: người ta chỉ nghi ngờ sự hiển nhiên của cái gì đó khi cái hiển nhiên đó không thật hiển nhiên. Và hiển nhiên những gì chúng ta thấy hằng ngày là những hiển nhiên "chân thật" nhất. Có lẽ vì vậy mà chúng ta dễ dàng chấp nhận những lời nói không thật hơn chăng?

Định nghĩa được thế nào là nói thật và thế nào là nói dối, thật không phải là điều dễ dàng. Càng không dễ dàng để nêu lên rõ ràng khi nào thì nên nói thật và khi nào thì buộc phải (do bởi) nói dối - hoặc nói không thật. Chúng ta vẫn cứ nói thật và nói dối đều đều, mặc dù thật sự không dễ, hoặc là không thể, xác định được chính xác thời điểm bắt đầu của những lời nói dối. Không chỉ của những lúc hôm nay, mà tận hồi chúng ta còn bé: lời nói dối bắt đầu xuất hiện khi nào?

Ai cũng từng là trẻ con; ai cũng từng ít nhất một lần nếm phải "đòn roi" vì lỗi nói dối. Sự nghiêm khắc là cần thiết, hoặc ít ra, bày tỏ thái độ nghiêm khắc và dứt khoát với sự dối trá là một trong những hành động thông thường của phần nhiều các bậc cha mẹ: đối xử cứng rắn, đôi khi biểu hiện thành roi vọt, là cách thể hiện mong muốn giáo dục trẻ con thành người tử tế, mong muốn giúp trẻ nhận thấy đâu là đúng, đâu là sai, những điều tốt đẹp. Cho dù điều hiệu quả và tác dụng thì không ai có thể chắc được.

Khác với người lớn, trẻ con chưa có được những kinh nghiệm sống chung, cũng như sự kiểm soát về mặt xã hội. Trẻ tương đối mù mờ đối với những tiêu chuẩn - khái niệm đạo đức phổ quát, vì đó cho nên, đương nhiên, tỏ vẻ dửng dưng với những điều hiển nhiên đã được chấp nhận khác. Tuy nhiên, trẻ con cũng có những mối quan tâm riêng, hệt như cách người lớn quan tâm đến gia đình, tiền bạc và các vấn đề xã hội vậy. Khác biệt nằm ở quá trình kiểm soát; người lớn có thể duy trì một tình trạng từ khước những mong muốn của bản thân, nếu điều đó có ảnh hưởng xấu hoặc không tốt tới những mối quan hệ xã hội khác, hoặc nói đơn giản, là có mâu thuẫn với lợi ích của một người khác. Trong khi đó, trẻ con thể hiện sự quan tâm và mong muốn trực diện hơn, thẳng thắn hơn, vì vậy, ít có sự kiềm chế hơn.

Khi bị từ chối, hoặc ngăn cản, đứa trẻ sẽ phản ứng bằng cách tìm kiếm những phương cách ít trực diện hơn, những lý do lòng vòng hơn để biện minh cho mong muốn của mình, ít ra theo cách đó, đứa trẻ mong muốn có thể tiếp cận (gần hơn) với cái mình muốn. Hiển nhiên, thường xuyên người lớn nhận ra sự lập lờ ở một đứa trẻ (giống như lơ ngơ mà đem đặt cạnh lọc lõi vậy). Nếu hệ quả không nghiêm trọng và chưa có gì đáng tiếc, đa phần là vậy, đứa trẻ sẽ được khen là "thông minh" và "biết chuyện", cùng lắm là được quẳng cho một chữ "xạo". Nhưng với trường hợp có hệ quả là không mong muốn và (thấy) có phần trầm trọng, thái độ của người lớn sẽ nghiêm nghị hơn, và "hình phạt" sẽ thể hiện tính răn đe rõ ràng hơn. Đứa trẻ sẽ được dạy bằng "đòn roi" rằng mình đang nói dối, bởi nói dối là không tốt và "đòn roi" thì thấm sâu, nhớ lâu hơn lời.

Hiển nhiên, nói dối là không tốt.

....


Thực ra, nói dối là khái niệm hoàn toàn người lớn. Nói đơn giản hơn, trẻ con không biết nói dối, nếu có biết, là nhờ sự hời hợt trong cách ứng xử của người lớn đối với trẻ con.

Không như người lớn, trẻ con không có mối quan tâm đa mục tiêu như người lớn, cũng như chưa hề, hoặc không hoàn toàn, quan niệm về sự thật như cách của người lớn; những gì chúng thấy, những gì chúng nghĩ đều là (đối với chúng) sự thật. Hơn nữa, mối quan tâm và cách quan tâm của chúng giản dị hơn nhiều, so với cung cách tương ứng ở một người lớn: chúng đơn giản chỉ biết nghĩ tới cái mình muốn và làm mọi cách để thỏa mãn điều đó; chúng đơn giản là rất hạn chế trong khả năng nhận ra các hệ quả và các mối liên hệ giữa cái mình muốn và những tồn tại xung quanh. Trái lại, với quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài có được nhờ sự cọ xát qua các hoạt động mang tính xã hội, nên người lớn có xu hướng để ý và khả năng nhận biết các hệ quả phụ không mong muốn (có thể) xảy ra đồng thời. Song song với quá trình tăng lên về mức độ nhận biết, người lớn cũng (phải) quen dần với việc nói dối hoặc bị nói dối, có hoặc không mong muốn, ít hay nhiều sự chủ tâm, hoặc từ sự truyền dạy từ những người lớn lớn trước nữa. Bị thói quen xâm chiếm, người lớn cũng quen luôn với việc nhìn nhận những hành động của trẻ con với thái độ đối với một người lớn, như là hành động của một người lớn, như mình hiện thời. Họ (lại) đứng vào vị trí truyền dạy đối với những trẻ con của hôm nay, hệt như cái cách họ được đối xử khi còn là trẻ con vậy. Và cái sự lẩn quẩn (vẫn) tiếp tục quay vòng.

Chúng ta, những người lớn xấu xí, đã (lại) chọn một cách thật tệ hại để bắt đầu (lại) tương lai.

....


Chuyện nói thật hay nói dối là một chuyện khó lòng nói cho thõa, nhưng có thể ví von, một cách khập khiễng, như ca sĩ hát thật hay hát nhép (lip-sync). Hát thật thì (giọng) phải tốt, phải khỏe; muốn thế phải tập luyện nhiều, đồng nghĩa với việc tiêu tốn không ít thời gian lẫn cơ man nào là mồ hôi, sức khỏe. Nhất là sự kiên trì. Hát nhép đơn giản hơn nhiều, mà thậm chí chẳng cần hát. Nhưng một khi chẳng cần phải hát cũng có thể trở thành ca sĩ thì ca sĩ cũng chẳng còn là ca sĩ nữa.

Tất nhiên việc gì cũng có ngoại lệ và mọi lý luận đều là màu xám. Không thể xem xét và đánh giá điều gì chỉ thuần dựa trên lập luận, hoặc dựa trên hạn hữu những gì thực trông thấy. Cuộc đời vô cùng. Tốt hay xấu không phải là chuyện để đánh giá (lại) hoặc nhận xét suông; cuộc sống không thể cứ mãi đứng mà chờ đúng đắn soi đường. Có khi điều xấu lại là khởi đầu cho một tốt đẹp liền sau.

Nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề quan trọng, và cũng là câu hỏi (được) đặt ra: bạn, những trẻ con một nửa đang và đã trở thành người lớn một nửa, có sẵn sàng để trở thành, cho dù là, một ngoại lệ, hay không?







Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2010

Bạn đã từng nói dối chưa?



... Mình có, không chỉ đã từng mà còn rất nhiều lần nữa. Thậm chí mình còn biết rằng, sau này, mình còn nhiều nhiều lần, nói dối nữa. Thật là tệ! Mình không thích nói dối, mình thích nói thật. Nhưng mà ngày ngày mình vẫn nói dối như cuội. Mình chán mình quá đi!

Mẹ cũng hay bảo mình không nên nói dối, và nói dối là xấu. Mình cũng biết vậy, nhưng mà mình vẫn nói dối như thường. Mình cũng buồn lắm chứ. Nhưng mà mẹ cũng có, nói dối ấy, thường lắm. Như cái lần mẹ gặp cái cô vừa to vừa béo, vừa nói vừa cười vừa mưa phèo phèo như tắm người đối diện. Khó chịu hết sức! Thế mà mẹ vẫn cười nói vui vẻ, lại còn tấm tắc khen cô ấy có giọng cười khỏe khoắn và trong trẻo. Mà, mình có nói cô ấy vận một bộ đầm bó sát người, để lộ ra từng ngấn cong trên người chưa nhỉ? Đấy, mẹ mình đã khen thế đấy. Và trong khi cô ấy cười tít mắt, thì mẹ húng hắng ho và tảng lờ nhìn chỗ khác. Cô ấy là một khách hàng tiềm năng; khi về, mẹ đã nói thế.

Bố cũng có, nhưng mà không phải nói dối, bố nói không thật. Mẹ bảo thế. Quá bữa cơm tối chưa thấy bố về, mẹ lại bảo là bố đi tiếp khách. Nhưng có phải thế đâu! Khách gì mà lại phải tiếp vào buổi tối mà lại tiếp nhau trên bàn nhậu nữa chứ? Cứ mỗi bận thế, sáng ra mẹ lại cằn nhằn không ngủ được, vì mùi rượu nồng nặc; bố chỉ cười cười.

Mà không chỉ có bố mình đâu nhé, những ông bố khác cũng cuội cả. Bố nói thế đấy. Thật ra là không phải chính xác là bố nói thế, một cách trực tiếp ấy. Thật ra là mình để ý thấy rằng, có những lần, sau bữa tối, nằm trên võng đọc báo, bố đột nhiên phát cáu: vứt xoẹt tờ báo qua một bên rồi vớ lấy cái rờ-mốt, vừa bật tivi vừa chầm chầm mặt, trông rất là ngầu. Bố xem tivi cũng chẳng được bao lâu, rồi lại đột nhiên phát cáu lại: tắt tivi cái phụt, bố khệ nệ ôm bụng bia đứng dậy khỏi võng, rồi đi ngủ. Bố la lên thế. Cái mà bố không la, cái mà bố lầm rầm, mà mình nửa chăm chú nửa đoán mò mới nghe được, là những câu từa tựa như: Báo chí, truyền hình, láo! Lúc đó mình thật không hiểu, bố đang xem chương trình thời sự mà.

Đấy, bạn thấy đấy, mình chỉ muốn nói thật với các bạn về cái sự nói thật nghiêu (nhiêu) khê của mình thôi. Mà nói thật thì mìng cũng chả biết đâu là thật. Đến cả người lớn còn nói không thật thì biết tìm đâu cái nói thật đây? Nhưng mà nói thật, mình vẫn rất là thích nói thật. Thích lắm đấy chứ! Vì Thay vì bánh mì, thay vì công lý, hãy cho tôi sự thật! Người ta nào đó đã từng nói vậy mà.






Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2010

Sài Gòn vẫn phù hoa.







1. Chả biết viết gì; chẳng lẽ lại đi đề nghị sau bữa này chính thức thành lập Hội ái hữu anh Goldmund trẻ măng (và) đẹp trai?


2. Đi ăn tối, ở một hàng vỉa hè. Hàng được cái sáng sủa: loạt dãy bàn xếp dọc theo chiều đi, những chiếc ghế con thấp lè tè. Lề đường rộng, người vô khối. Cả hội vừa vặn nhét vào.

Không phải quán; có cả hàng rong lẫn hàng cầm tay lần lượt vào cuộc nài nĩ.


3. Những đứa trẻ con thản nhiên nằm lăn ra trên phố, bên vệ đường, mắt nhắm lại hay cười đùa vui vẻ. Có cả hội sát phạt đỏ đen. Trên cao cao thẳng đứng, những chiếc tay cẩu với ánh vàng chớp tắt giăng ngang, ngày mai đang bắt đầu.

Người đi bộ, xe với cộ, Sài Gòn vẫn phù hoa.


4. Không việc gì phải xoắn, cho dù gọi là ngọc trong đá hay là cứt trong bọc, thì cuộc đời vẫn thế. Rằng sau những cuộc vui là những cánh cửa sắt, tối tối tăm và im thin thít, như có lần tự hỏi: 'rồi đó ai chờ?'.


- May mà còn có nhạc: bản không lời, chơi nhanh và có vẻ cao hơn. Không có cái giọng não nề nhưng ma quái, mà đầy ám ảnh.

half remembered names and faces, but to whom do they belong




. bổ sung hình ảnh về buổi họp mặt chính thức Hội (chưa chính thức) ái hữu anh trẻ măng (và) đẹp trai, xem tại đây.

. cứ như cả hội bị sởi ý nhỉ.










Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2010

trời ơi!



thật không chịu nổi mùa đông
những cảnh chờ trông đầy nghẹt phố
con hẻm nhỏ chật ém nhung với nhớ
hàng với phố í á bao đợi chờ

thật không chịu nổi tình yêu
đi trên phố chúng với nó hò hẹn
những rẻo cao không ngưng lời mời gọi
một mùa lạnh dài suốt cả rẻo mù sương

thật không chịu nổi đê mê
trong hạnh phúc người ta không thèm nói
không thèm nghĩ, cũng chả thèm mặc cả
kẻ im lìm, người ngật ngã đê mê

thật không chịu nổi người với ta
cuối cùng đến mình rồi cũng chẳng khác
tối nằm không một hai lời hò hẹn
cũng lê thân cũng lết đít tò tò

thật là không chịu nổi, trời ơi ...








Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2010

không có tựa


Đi thi

Tới sớm quá
cổng sắt còn ngủ
Tới sớm quá
lá đầy sân
nằm chờ.

Lòng vòng (i)

Nhìn mắt nhau đi
có thấy những ánh lung linh
tận dưới đáy sâu
không lời.

Nhìn vào mắt nhau,
thêm lần nữa ...
Nhìn vào mắt nhau,
Đừng chối.


Lòng vòng (ii)

Đèn đỏ - ngã tư vắng.
Đại lộ thênh thang gió không bóng người lướt qua
Dăm khuông đèn sáng choang kiên nhẫn đợi,
chờ gì?



Không có tựa

lá trên cành
bồ đề xá
tượng đá im lìm tựa giấc trưa
cá dưới hồ
nước long lanh
này cơn gió nhẹ thổi trời vào thu
lá rơi, lá rơi
xuân muôn thời mới tượng ngồi im im
lá rơi, lá rơi
phải chăng chiếc lá cuối cùng cũng rơi?