Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đọc một cuốn sách,



tức là đánh cược: đặt cược giá trị của cuốn sách với chính thời gian đọc cuốn sách đó. Ban đầu, mối quan hệ này, có vẻ như, là tỉ lệ thuận: giá trị cuốn sách càng lúc càng tăng lên cùng với thời gian bạn bỏ ra cho việc đọc. Cứ thế cho đến khi bản chất cá cược của việc đọc lộ ra: bạn nhận ra dù có đọc (thêm) bao nhiêu lần đi nữa cũng không tài nào hiểu được cuốn sách phải gió này nó hay ở chỗ khỉ nào. [Lúc đó thì chỉ muốn quẳng ngay vào xó thôi.] Hoặc là ngược lại; bạn tiến thêm một nấc mới trên đường bước lên đỉnh cao vời vợi, chói lọi mà lắm gian nan của việc đọc: khoái trá xếp sách lên kệ. Kể mà đến được đó thì cũng bỏ công đánh cược. Bằng không, và cũng là để (biện mình) tiết kiệm khối thứ quý giá như thời gian-tiền bạc, thì chỉ còn cách là hỏi.

Trả lời câu hỏi của một bạn xem chừng là sinh viên, để tránh khỏi luẩn quẩn khi tìm cách giải một bài toán, Gs Ngô cho rằng cái đẹp là một chỉ dấu: khi mình làm đúng thì mọi thứ tự nhiên sẽ đẹp, còn không thì tức là mình làm chưa đúng; tức là phải làm lại. Hardy thì nói: không có chỗ cho toán học xấu xí; còn Heisenberg đưa ra nhận xét: đặt đúng câu hỏi tức là giải quyết được 50% bài toán. Một cách rõ ràng hơn, Goro Shimura nói rằng: Toán học cũng phải chứa cái thiện. [...] Đa số các nhà toán học làm toán đều xuất phát từ một quan điểm thẩm mỹ nào đó và triết lý về cái thiện nảy sinh từ quan điểm thẩm mỹ của tôi. Theo đó, cái đẹp sẽ dẫn hướng, con người chỉ việc đi theo mà thôi. Tuy nhiên cái đẹp không phải lúc nào cũng là thiện, mặc dù cô hoa hậu nào cũng có đi làm từ thiện. Đúng-sai lại là một câu chuyện khác nữa.

Sách sử chép rằng: Năm mậu ngọ (1738) đời vua Ý Tông, bọn hoàng thân là Lê Duy Mật, Lê Duy Qui và Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng chẳng may sự không thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Qui và Duy Chúc phải bệnh mất, còn Duy Mật giữa đất thượng du phía tây nam. Những người đồng mưu với Duy Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả. Bấy giờ Duy Mật có bắt được Phạm Công Thế đem ra hỏi rằng: "Ông là người khoa giáp sao lại theo nghịch?" - Công Thế cười mà nói rằng: "Đã lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch?" Nói rồi, giương cổ ra chịu hình.

Sự man trá của trích đoạn là đưa người đọc đi thẳng tới vấn đề, và cũng vì vậy, do bị tước bỏ khỏi ngữ cảnh liên kết của nó, người đọc lúc này không hề biết gì ngoài cái vẻ nhàn nhạt của phiên bản câu chuyện mà đoạn trích dựng lên: cả về độ lớn lẫn độ dài, cả bề ngang lẫn bề dọc. Bởi vậy không thể tin bọn phê bình và những bài điểm sách được, chúng chẳng ích gì ngoài việc khuyến khích sự lười biếng và thói bao biện vu vạ cho thời gian-tiền bạc của những lần lữa ngăn cách giá để sách và quầy tính tiền. Bởi thế, muốn hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện khúc giữa thế nào, thì chỉ có cách là đánh cược: cầm sách lên và đi vào rừng thẳm.

Nhưng cần phải thành thực với nhau rằng: sách không phải toàn năng, mà lăn quăn thì cũng có số. Sẽ không có câu trả lời chung cuộc cho bất cứ cái gì trong bất cứ cuốn sách nào, vì ở một mức độ nào đó, người viết cũng là kẻ tạo ra những trích đoạn mà thôi.

Tuy nhiên, có những thứ sẽ không mất đi dù cho thế nào đi nữa, ví như là sến. Hội nhà thơ còn có thể chui xuống hầm ngầm mà hoạt động, hay tuyên bố bẻ bút bỏ làm thơ, thế nhưng sến thì, những khi thi thoảng, vẫn còn. Khó thể khác được. Và cùng với việc mất đi những gì còn trẻ, người ta học được cách phân định phải-trái-đúng-sai; tập được thói quen nghi ngờ cái gì là chân, cái gì ngụy; và trải nghiệm đủ lâu nhìn thấy cái Đẹp. Cho dù là những việc đó chẳng mang lợi ích lợi gì cho những buổi ăn trưa (lunches) thì ít ra cũng có thể học được cách thoát khỏi hiệu ứng hào quang của sự kiện mình dự phần.

Vì dù có ra sao đi nữa, cuối cùng rồi cũng đến bờ bên kia. Chẳng cần biết có gì chờ.

















Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Ngày này năm đó


*chủ yếu là câu view nên be bé thôi nhé.


Lâu rồi không ra Hàn Thuyên. Bữa trưa cúp điện, nên ra công viên hóng gió mà đọc sách; lúc băng sang đường thì nghe tiếng ve, liền nhớ mang máng những lần ngồi giữa công viên nghe ve kêu dềnh dàng. Không nhớ nổi năm nào ra năm nào. Định bụng sẽ viết cái gì đấy, rồi vào công viên đọc sách. Cho đến tối về nhà bật fb lên thì mới biết ngày này năm ngoái cũng đã viết một cái gì đấy rồi, giờ đọc lại, thấy hợp phết.

Sài Gòn còn tiếng ve, mùa hè còn chưa lạc?
Có một người đã khác, lưng chừng mưa thôi rơi.

Câu sau là do một chị bạn thêm vào, chị bạn vốn là người làm thơ; nói đến đây thôi là thấy bi cbn kịch rồi.


***


Fb có trò mới: chuyên mục Ngày này năm X - cập nhật lại các dòng trạng thái của một người viết vào đúng ngày này của năm X. Cùng với việc gợi lại cho chủ tài khoản những hình ảnh được lưu trữ, của chủ tài khoản hay của bạn, bây giờ là thêm phần dòng trạng thái, có mối liên kết rõ ràng với hiện tại hơn là một lựa chọn gợi nhắc ngẫu nhiên trước đó, có vẻ fb đang muốn "hâm nóng" mối liên hệ với người dùng bằng cách "hâm nóng" mối liên hệ giữa người dùng với bạn thông qua kích thích tái tương tác các tương tác giữa các đối tượng liên quan. Lòng vòng như vậy chỉ để nói hai điều: một là, internet nevers forget; hai là, cái gì quên rồi chút nữa facebook nhắc he he.

Mà có khi thế lại tốt. Trí nhớ - theo mk - vốn là những điểm rời rạc, không có thứ tự, cũng không có độ dài. Một người bình thường khi hồi tưởng, có thể phân định thứ tự thời gian của những sự kiện trong lân cận của một sự kiện ngẫu nhiên nhớ tới, như ve kêu buổi sáng mùa hè mà có ăn xôi gà là ba ngày trước buổi sáng ve kêu mà ăn mì xào chẳng hạn, trong khoảng ba năm trở lại; cố nhiên đây không phải là nhận xét có tính phổ quát. Nhưng đối với khoảng lùi dài hơn, và xa hơn về phía ngược của chiều thời gian, như mười-hai mươi-ba mươi năm hay hơn nữa, các sự kiện, lúc này, đơn thuần là một đám mây mờ được tạo nên từ vô số điểm sáng rời rạc, mà độ phát sáng của chúng là tỉ lệ thuận với độ tường minh của sự kiện tồn tại trong trí nhớ: chút ánh sáng le lói, mập mờ trong sương mù. Mà mò mẫm lọ mọ, thì dễ đi lạc.

Như khi dọn phòng, thường mất cả buổi trời có khi chẳng thể nào xong, mà đa phần thời gian tiêu tốn cho những khâu linh tinh lang tang đi lang ra khỏi việc dọn dẹp, như là nhớ. Đầu tiên chỉ là một cái gì nho nhỏ thôi, một tấm hình chụp, một tấm thiệp nhỏ kẹp giữa đống lợ nhợ giấy tờ, vài ba trang viết tay, một ít bụi ở chỗ này chỗ kia, dăm ba thứ linh tinh đã từng không linh tinh mấy, ... chỉ bấy nhiêu thôi là ký ức dắt dây đi ra chào; chỉ bấy nhiêu thôi là miên man không thể dứt khỏi mạch hồi tưởng: ngày này năm đó. Vì thế, dọn phòng là công cuộc vất vã hiểm nghèo: ba phần do mỏi, còn bảy phần do ngộp: chết ngộp trong sự chồng chập của quá nhiều thứ mà bình thường chả ai chịu (nổi) gọi là sến.

Vậy nên, phòng thì chớ nên dọn, còn sách thì tuyệt đối không được dọn (soạn ra đem tặng người cần đọc thì được he he)


****


Quyển sáng tôi mang theo đọc vốn là sách cũ. Mà hầu hết sách tôi có đều là sách cũ; sách mới ấn loát mua về còn thơm mùi mực thì tới lúc tôi đọc cũng đã thành cũ, cũng đề-mốt rồi. Hiếm lắm mới có những cuốn vừa mua về là đọc ngay, đọc cho bằng hết; lần nào cũng mang ám ảnh ít nhiều. Quyển buổi sáng này là sách lịch sử. Đọc sử thích nhất là chỗ người ta không nói điêu với mình. Nhất là với những người chép sử có tâm. Hoặc ít ra người ta khó lòng điêu được, bởi với một sự đã rồi dù cho có muốn điêu thì điêu bằng mắt thế đíu nào được. Nhưng có những chỗ, có lẽ người ta cố tình để lại dấu tích, có lẽ, vừa là để ngầm ngấm đưa ra chính kiến, vừa là để người đọc biết chỗ mà lần ra cái sự thật nằm đằng sau sự thật biết cười. Ví như câu:

Từ Đinh, Lý, Trần, Lê bốn đời xưng nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.

Chỉ là chuyện vặt thôi, nhưng thường nhờ những chuyện vặt mà một người mới nhận ra bình thường mình vô tâm và hời hợt đến như nào.


***


Trong loạt bài giảng Gifford của mình tại đại học tại đại học St. Andrew, Scotland - mà sau này được chọn lọc và in lại thành sách - Heisenberg có đưa ra quan điểm của mình về khái niệm xác suất: x% của sự kiện A nghĩa là sự kiện A có khả năng xảy ra x lần trong 100 lần thử, trong giới hạn những gì ta biết được. Đây là điểm quan trọng nhất của thực luận chứng, cũng như là nền tảng triết học cho lý thuyết cơ học lượng tử của ông: thế giới tự nhiên vốn hiện ra như thế nào là do cách thức chúng ta truy vấn chúng.

Lịch sử là những thỏa ước tạm của những người cùng thời về những gì đã xảy ra. Nó vốn không phải sự thật và còn lâu mới là chân lý; nhìn trên quan điểm xác suất, thì còn lâu những cuốn giáo khoa lịch sử mới là sự thật. Nhưng ít nhất cho đến khi có những phát hiện đúng đắn mới, thì chúng là biểu trưng cho sự thật. Lịch sử là một đường tiệm cận sự thật, theo thời gian, nhờ vào nỗ lực không ngừng của con người nhằm kể lại một câu chuyện gần như là thật. Thế nên chớ ngây thơ mãi.


Lịch sử Việt Nam, cho tới nay, đã trải qua hai cuộc nội chiến. Đó là sự thật.




















Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Về đây chơi em*


*tít là thuổng từ tít một bài viết của đại ca lãnh đạo tkc
trần tình xong rồi từ từ viết.



1. Bạn tôi có một anh, tạm gọi là anh bạn. anh này sống bên bển, vừa làm vừa học, vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa chụp hình: toàn hình phong cảnh, toàn phong cảnh đẹp. Tôi cũng khoái được như ảnh. Nhưng nhiều lúc tôi không hiểu, nhiều lúc tôi chán ngán cái đẹp của những bức hình. khi bị tước bỏ khỏi các không gian vốn có của mình, chúng còn có thể là gì ngoài những tiêu bản trơ trụi của những cuộc phiêu lưu, mà tính huyễn hoặc được tạo nên không gì khác hơn là từ niềm háo hức của ước muốn vượt thoát khỏi cái thường nhật nhàm chán của cuộc sống kẹt cứng giữa phố phường. Câu vừa rồi hơi lòng vòng; tóm lại là ảnh đẹp cảnh đẹp nhưng nhiều khi tôi không nhét mình với tưởng tượng vào đó được: tôi không thể tạm quàng mình vào cuộc đời như của ảnh được. Tóm lại lần nữa, là tôi bị đơ trước cái đẹp của cây Thông. Bởi anh này ảnh tên Thông, thế nên mới có câu: "cầm cây Thông đứng giữa trời mà reo". Tất nhiên là anh Thông này ảnh hổng biết tui chọc ảnh bên này rồi.

Tất nhiên ảnh cũng không biết, những lúc ấy tôi cứ muốn hỏi Đẹp vậy để làm gì? Đương nhiên, tôi biết, đẹp không phải là để làm gì.


2. Vào mùa bão. Sài gòn xen lẫn những buổi nắng rát mặt với những buổi mưa mờ mắt. Nội trong chỉ một buổi sáng hoặc chiều. Có khi buổi sáng gió mát lồng lộng thì chỉ một lúc sau nóng bốc khắp mặt đường. Những buổi trưa trời không mưa, ngồi trong phòng có thể nghe tiếng trẻ con của hẻm ở trần kế bên đùa giỡn. Hẻm gọi là ở trần vì lúc nào ngó qua cũng thấy, không này thì khác, người ở trần đi qua đi lại, hoặc ngồi ghế đẩu đọc báo, hoặc ngồi yên xe chống đứng, hoặc làm gì đó trong hẻm. Lúc nào cũng vậy, ít nhất là có một người ở trần đứng/ngồi/đi lại trong hẻm. Chỉ toàn là giai, các gái áo quần vẫn đầy đủ [trẻ con thì tính làm giè?].

Hoặc là khoảng đầu giờ chiều, khi bóng nắng xiên đổ từ dãy nhà bên này liếm lên quá vách dãy đối diện, tạo thành khoảng râm ngay giữa lòng hẻm nhỏ ti, bọn trẻ con xóm hành chính lại túa ra khỏi những cánh cổng lưới mắt cáo. Chúng chơi lanh quoanh ở khoảng sân nhỏ trước cửa nhà. Hầu như là vậy.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hẻm ở trần và hẻm hành chính, có lẽ là chỗ, hẻm hành chính tuyệt nhiên không có những cuộc náo động về đêm, cái mà đôi khi thỉnh thoảng lại sỗ sàng dựng đứng giấc ngủ bất kỳ ai vào những khi đêm muộn. Hoặc tiếng trẻ khóc. Nhất là tiếng trẻ khóc.

Không có hẻm cao cấp nào quanh đây, nhưng bây giờ, chắc chỉ ở những con hẻm như vậy, mới được thấy cảnh trẻ con túa ra đường chơi, dù chỉ lanh quoanh trước cửa nhà.


3. Những gì chúng ta thực sự học được lúc nhỏ, sẽ theo ta đến cuối cuộc đời; bất kể bạn là ai, có muốn hay không cũng vậy. tôi đang nói đến lúc chúng ta thực sự nhỏ kìa, cái giai đoạn mà một người đoan chính nhất quyết phải phân biệt rạch ròi, và sớm muộn gì cũng phải từ bỏ bằng một hành động cả quyết xen lẫn với (ngầm) hối tiếc: bước sang một bước, thế là họ trưởng thành. Thế nhưng khó lòng mà trả lời rạch ròi được rằng hồi nhỏ là hồi nào? Thế giới hiện đại là một hỗn độn phi-chuẩn; không phải là không có trật tự, mà đúng ra, là đa trật tự: những cuộc đời song hành, cùng với cái thời thơ ấu kéo dài của họ. Mà là của họ rồi, cho dù có nói ra cũng khó lòng biết được hồi nào là hồi nào. Cả cái mớ lý thuyết phân tâm tiên tiến nhùng nhằng của các cụ hiện nay cũng chẳng giúp ích được gì, ngoài việc, làm chúng ta tin rằng trong mỗi con người luôn có chỗ cho một kỹ tính đến độ bệnh hoạn: chúng ta điên tiềm ẩn, theo cách này hay cách khác.

Vấn đề không phải so đo xem bà mẹ đứa nào nào bệnh hoạn hơn, mà hỏi rằng chúng ta ghi nhớ được điều gì? Hay là phải chờ đến tận phút cuối cùng, đến trước khi lìa đời, thì bật dậy đọc vanh vách từ đầu đến cuối, không thừa không thiếu, không sai cả dấu phẩy, thì mới biết được cái theo ta suốt cuộc đời chìm nổi, chưa khi nào chia lìa chính là bảng cửu chương. Hay là những bài tình ca 17, ngay cả khi lơ đễnh, chỉ thoáng nghe nhạc nổi lên là hát thôi?


4. Quên là một kỳ diệu. Cũng giống như mơ, hiếm khi một người có thể nhớ mình mơ cái gì mặc dù rõ ràng là họ có mơ một cái gì. Nhưng nghịch lý là ngay khi họ nhớ ra điều quên đi đó, tức thì họ chẳng còn quên nữa, tức là họ đang nhớ, tức là họ không có quên, tức là khi họ nói họ quên một cái gì đó/ai đó, tức là họ đang nói không thật: họ đang nhớ. Nhưng nhớ đây không thực là nhớ, nó không có độ cong của thời gian khi bẻ ngược dòng chảy, tái hiện lại một cái gì đó từ trong mù mờ của những sự đã rồi; nhớ đây là gõ nhẹ kim loại vào mặt sứ, vang lên tiếng trong và thanh. Và kỳ diệu là, quên không phải là dấu hiệu của sự sa sút trí nhớ, ngược lại, quên là dấu hiệu thúc đẩy cho một quá trình hồi cố diễn ra liên tục, nhằm tái khám phá những điều mà tưởng chừng như không cần nói ra thì ai cũng có: kỷ niệm. Quên là bước chuẩn bị để làm mới những gì cũ kỹ, đưa chúng vào một vòng đời mới, tiếp tục tồn tại cho đến lúc lại bị quên đi.

Cứ thế mà chúng liên tục mất đi rồi trở lại, mất đi rồi tìm lại; trở đi trở lại hệt như vòng quay của những "huyền thoại phố phường" - chẳng hạn như, theo lời bác nhà bên, "chán như báo Nhân Dân"; vốn được sinh ra, thịnh thời, rồi chờ được thay mới: chúng không chết bao giờ.


5. Là nói về sách. Đọc là một niềm vui thích; đọc sách, đối với tôi, là tìm kiếm ấn tượng cho niềm vui thú của việc đọc, để rồi sau đó, như lần đầu tiên, mọi thứ không bao giờ còn như cũ được nữa. Bởi niềm hứng khởi chứa trong đó chính là bổn phận của văn chương, và là cứu cánh của cái Đẹp: "trao cho ai đó can đảm để đối mặt cuộc đời" (trích Suối nguồn, trang 385, phần 3 - Gail Wynand).


Và đó là điều tao muốn tặng mày trước mỗi lần đi xa.