Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2010

Hà Nội là Hà Nội - Nguyễn Trương Quý.




Phượt




Trên một diễn đàn của trí thức trẻ, các bạn tranh luận: Có nên lấy vợ mê đi du lịch? Du lịch ở đây không phải là loại du lịch đôi ta dắt nhau hưởng tuần trăng mật hay là cho cả nhà hưởng lây, mà đây là loại du lịch balô, dừng đâu là nhà, ngã đâu là giường. Đấy là loại đi chơi không bận tâm mấy đến mùa lễ hay kỳ nghỉ thông thường. Thường những chị em còn son rỗi, làm ở các văn phòng không quá nặng nề về thời gian, hay dồn ngày phép vào một vài dịp, đi được ôtô đường dài mà không say xe, ăn bở ngủ bụi không sợ xấu nhan sắc. Không chỉ những cô gái, mà cả những cậu rai mà ham đi vi vu như thế, dấy lên làn sóng mới lạ, đến giờ đã hơi hơi thời thượng, và được gọi là phượt. Họ quan niệm, “phượt” là để refresh (làm mới lại) bản thân. Thế là một từ lạ tai sinh ra để chỉ cả một mốt sống của thanh niên Hà Nội bây giờ: mua máy ảnh xịn và đi phượt. Phải chăng bí bức với phố phường chật hẹp, bây giờ khắp nẻo đường thấy nam thanh nữ tú Hà Nội lũ lượt trèo đèo lội suối vãn cảnh và làm chật cứng các diễn đàn ảnh.

Khía cạnh đức hạnh của việc phụ nữ trẻ ưa đi “phượt” mà chẳng chịu lấy chồng (ngay) xin không bàn, bởi các anh đàn ông nhiều khi lại yêu các nàng vì cái vẻ phong sương da nâu màu suy nghĩ. Đã qua cái thời phụ nữ chỉ cắm mặt trong bếp, và cũng qua cái thời xê dịch nghĩa là những chuyến du lịch theo tour nhàm chán, những kỳ nghỉ trọn gói kiểu công đoàn all-in-one (tất cả trong một), thực đơn vừa cho tất cả mọi người. Phượt là cách phản ứng lại công thức đó. Dân phượt mà đi với nhau thành nhóm thì tiêu chí hàng đầu là đồng thuận, cùng ham mê sục sạo và khám phá như nhau, cùng điên rồ, dở hơi như nhau, kẻ nào nản chí tự biết rút lui, vì thế tính dã chiến và độ cuồng vì cảnh đẹp phải cực cao. Có vậy thì họ mới dứt mình ra khỏi chăn ấm đệm êm để cả đoàn đa phần trai chưa vợ gái chưa chồng leo lên bằng được những đỉnh Fansipan hay chờ tuyết rơi ở Mẫu Sơn để phục chụp ảnh. Không chụp được cảnh như ý vì thiếu nắng hay mưa to là tiếc nuối, là “cú” cả đời, trừ khi quay lại được. Mải mê chinh phục các điểm đến theo cách thật riêng tư, làm dầy lên bảng tổng sắp, là căn bệnh thời đại mới chẳng phải của riêng thanh niên Hà Nội, mà là của cả thế giới. Ta vẫn chẳng thấy trên những cung đường núi non hiểm trở xa xôi, thình lình xuất hiện một vài vị khách Tây balô trẻ tuổi hoặc phóng bạt tử trên những chiếc xe máy bình bịch Minsk, hoặc đi bộ hàng cây số với balô ngất nghểu trên lưng.

Vì có hơi hướm tự do cá nhân chủ nghĩa, nên phượt có vẻ Tây, mà Tây thì vẫn hay được xem là sành điệu. Cho nên phượt lại có vẻ cấp tiến, không bị mang tiếng theo gót thực dân thời quá vãng, mà thành ra một cách sống văn hóa mang màu sắc “tứ hải giai huynh đệ”. Trong khi ngành du lịch nước nhà loay hoay với các khẩu hiệu và chương trình quảng bá rầm rộ chưa mấy tác dụng thì phong trào phượt đã dấy lên cảm hứng khám phá đất nước với thái độ nhiệt tình và hăm hở chỉ kém độ máu mê của dân tìm vàng! Xét ở nghĩa tinh thần, thì những thứ dân phượt tìm kiếm cũng là một loại vàng, những nguồn năng lượng tinh thần tạo ra từ việc nhìn thấy một địa điểm đẹp, một cuộc sống khác lạ, làm cho cái nhìn của họ về cuộc sống này tích cực hơn, đáng sống hơn.


Ở đời, cái gì rộ lên ầm ầm mà lại gắn với giới trẻ thì dễ bị dán nhãn đua đòi, sớm nở tối tàn. Nhưng hình như phượt khác với những loại mốt thời trang hay trào lưu giải trí. Bởi vì muốn phượt được thì không khó, lại cũng dễ tiếp nhận các tín đồ mới, những người thi thoảng tạt qua gia nhập nhóm phượt này, lần sau lại sang nhóm khác, cũng như “tôn vinh” những chuyên gia phượt có thâm niên. Cộng đồng phượt cởi mở và không mấy khi rạch ròi đẳng cấp, kiểu tao đi nhiều hơn nó một cung đường hay biết nhiều hơn một cái chùa. Họ sẵn lòng chia sẻ thông tin và thậm chí còn chỉ dẫn tận tình cho kẻ chân ướt chân ráo học đòi phượt.

Ở Hà Nội, dường như tuần nào cũng có nhóm phượt lên đường đi đâu đó. Thường thì đây cũng là cộng đồng chia sẻ và kết nối với nhau qua mạng. Thông tin lấy từ mạng, kết quả (ảnh, bài) cũng trình bày trên mạng, tạo thành một cơ sở dữ liệu khổng lồ và chi tiết, chắc hẳn làm cho bất cứ cơ quan hay đơn vị du lịch nào cũng phải ghen tị. Những box du lịch của các trang web, diễn đàn như Trái Tim Việt Nam, Phuot.com... bao giờ cũng nóng rực thông tin, và thanh niên vào mạng rầm rập để tìm kiếm chân trời phượt mới. Lúc nào cũng có một kế hoạch đi chơi đang được đưa ra. Nhảy vào đó mà đọc xem, thế nào cũng có những nhân vật kỳ lạ, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, mang những cái tên đầy “bụi” như Chitto, Ohmely, hay Tabalo. Những nhân vật này hành tung bí ẩn, dường như lúc nào cũng thấy như vừa đi đâu về, với ăm ắp kho chuyện mới lạ, và dĩ nhiên có vô số “phượt gái” ngưỡng mộ ra ra vào vào bấm F5 liên tục để hóng tin chàng.

Cái sức mạnh đáng giá của cộng đồng này là khả năng bao sân của họ. Bởi vì họ đến từ nhiều nơi, làm nhiều nghề khác nhau, nên thông tin tập hợp lại chắc chỉ kém Bách khoa thư, nhưng ở đây cái gì cũng sống, cũng nóng hổi, và đương nhiên, phải hữu ích. Còn điều gây ngạc nhiên nhất là họ như ma xó, hang hốc ngóc ngách nào cũng tìm được lối vào. Có những điều mà các nhà làm từ điển hay các học giả phải mất công truy tầm thì họ rành rẽ đến kinh hoàng, và mau lẹ update (cập nhật). Nói theo thuật ngữ kinh tế học mới, họ là một “cái đuôi dài” của thông tin du lịch, là một đường đồ thị thể hiện sự tồn tại kéo dài mãi gần như song song với trục hoành, dễ điều chỉnh và linh hoạt. Đảm bảo các cán bộ quản lý du lịch cả đời cũng không đi hết được những điểm đèo heo hút gió, mà có những nơi chốn chỉ đơn giản là một thung lũng lúa Tây Bắc vàng rực mùa gặt, một bãi sông đầy hoa cải, mà có khi là những cảm xúc trực quan - loại phải tận mắt nhìn mới thấy. Tất cả những cái đó chắc gì đã được xếp hạng hoặc đủ điều kiện đưa vào các sách du lịch hay tour này nọ. Dường như diễn ra quy luật: cái gì được “kết nạp” vào chương trình du lịch chính thống thì dân phượt dần ít đến. Phượt là một dạng du lịch underground (ngoài luồng), tìm kiếm những gì tinh tế, nguyên thủy và xác tín. Một khi làng Đường Lâm thành làng du lịch bán vé hạng quốc gia hay núi Fansipan có cáp treo thì có lẽ dân phượt đã loại chúng khỏi danh sách điểm phải “đến trước khi chết” lâu rồi. Có chăng thì chỉ là những dân phượt hậu sinh, cũng tập tành vác máy ảnh ống rời đi chụp làm dáng mà rồi sớm muộn họ cũng ngộ ra cái nơi dành cho họ là ở chỗ khác.

Dân phượt mặc dù cũng có nhiều người kinh tế khá (có khá thì mới tối ngày đi chơi) nhưng phượt lại chẳng phải là trò tốn kém. Trừ việc mua máy ảnh xịn (vốn không nhất thiết) thì chi phí của những chuyến đi luôn là mức căn bản. Giờ đây, những chuyến phượt các thắng cảnh Trung Quốc trong 10 ngày hay các nước Đông Nam Á, chỉ tốn chừng dăm bảy triệu. Một cái giá kinh ngạc cho bất cứ ai, thử đi du lịch trong nước bằng cái giá đó xem có đi được không? Nói là ăn bờ ngủ bụi nhưng đến đâu cũng phải có chỗ ngả lưng hay mâm cơm, mà thường thì đi xa mới thấy chỉ ở Hà Nội chen chúc ngột ngạt mới khó sẵn lòng cho khách vào nhà. Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, những người lính biên phòng hay dân bản là những địa chỉ chẳng đỏ thì cũng rất thân thiện.

Phượt là phải dễ dàng, hô một cái là offline, là thống nhất kế hoạch nhanh chóng và nhanh chóng khởi hành. Có bao giờ thấy buổi offline ở khách sạn năm sao đâu? Thường thì họ ngồi lê lết ở những quán vỉa hè, những phố Nguyễn Du, hồ Thiền Quang hay bậc thềm Nhà hát Lớn, vỉa hè phố Tràng Tiền cạnh sàn chứng khoán. Thêm vào đấy là thành phần đội hình nhiều tâm hồn cô đơn, đây cũng là cơ hội móc nối giao lưu, thỉnh thoảng tiến lên ăn uống hoặc liên hoan. Có cặp với nhau, lấy nhau, thì vẫn không bỏ phượt. U40, hai con như chị gái tôi cũng vẫn đi Lào cưỡi voi được. Những buổi offline là những phút dân văn phòng bàn giấy Hà Nội hít thở không khí biển khơi hay gió đèo ngay từ chén trà hoặc ly cà phê Phố. Có gì mê say, náo nức, trong cái cách í ới gọi nhau trên mạng. Mặc dù đã lâu không gặp lại, nhưng hộp thư và tin nhắn vẫn liên tục nhận được những tin nhắn như “Offline Lệ Giang 11, 6 giờ chiều ở Chim Sáo”. Và cái mục tiêu vẫn là: Lên kế hoạch đi đâu dịp 30/4. Cô Tô nhé?







*(trích) Hà Nội là Hà Nội, là nhan đề của một trong bộ ba cuốn sách về Hà Nội của Nguyễn Trương Quý - bao gồm: tiểu luận Tự nhiên như người Hà Nội và tản văn Ăn phở rất khó thấy ngon. Sách hiện đã có bán, tại Việt Nam, với giá bìa 50.000đ.


**Đọc thêm: Quê













4 nhận xét: