Thứ Hai, 7 tháng 6, 2010

Những kẻ ăn xương (tiếp)

*phần 2



Tôi vẫn còn đây, cố ghìm mình sâu vào lớp đệm êm, trong khi mưa mỗi lúc một nặng rơi thành tấm màn dày mờ nhạt lay lắt ngoài cửa, mẹ tôi ngồi bên phía đối diện chiếc sofa cũng thế, bà không thể ra khỏi nhà, đến buổi tập chiều, trong cơn mưa tầm tã, chẳng có nơi nào hoặc giả lý do khả dĩ cho phép bà mặc mưa gió mà đi bất cứ đâu ngoài yên vị trong ấm êm dưới mái nhà, hoặc chỉ để rời khỏi nhà, dù có muốn hay không, tôi cũng không thể, với tuổi tác bên cạnh, không thể dễ dàng rũ bỏ những mối ràng buộc như thời trẻ. Trời vẫn mưa to. Con xu nằm bệt dưới sàn lim dim mắt ngái ngủ. Những bữa mưa, cơn hứng chí với nguồn năng lượng trẻ trung bất tận của nó cũng trốn đâu mất biệt, có lẽ, tính theo tuổi người cũng vừa vặn đầu trung niên, con xu trở nên biếng hẳn so với một thời nó đã từng. Chỉ vừa mấy năm. Tôi cũng không nhận biết rõ mình đã già đi như thế nào, chỉ một sáng tỉnh dậy nhìn quanh căn phòng quen thuộc, không gì đổi khác, kể cả nước màu sầm sậm quen thuộc của lớp tường sơn vàng, những vết nước thấm hoen ố, cánh cửa mở toang ra ban-công hẹp và tấm màn màu xanh buông thỏng, cả cơn mệt mõi thường lệ khi tôi nhìn vào gương và trông thấy một tôi đã quá quen thuộc, với cả câu hỏi vang lên tích tắc sau: "Tôi của hôm qua đâu?". Đã bỏ quên buổi tập sáng, trong giấc say ngủ mệt mỏi, chẳng lẽ tôi cũng đã bỏ quên hôm qua theo cách thế sao? May mà ngủ được, kết quả của hai lượt buổi tập trong ngày, tôi ăn ngon miệng và ngủ được vào đêm, ít khi lại mất ngủ như trước, dù những giấc ngủ dù dài cũng không thể làm tan hết cơn mệt mỏi của tỉnh giấc. Ít ra tôi còn thức dậy, còn thấy những đóa quỳnh anh nở vàng buông xuống, còn thấy nắng sáng chiếu qua tấm màn phủ màu xanh lên phía cuối chân giường, còn thấy con xu thè lưỡi thở phì phò trước mặt, mỗi sáng mở cửa. Từ bận được thả khỏi chiếc vòng cổ dây xích lại nơi cầu thang, khi mỗi một cánh cửa gỗ trong nhà mở ra, là thấy con xu quẩn quanh trước mặt. Dĩ nhiên trong tình huống có tranh chấp về quyều ưu tiên, tôi luôn là kẻ chiến thắng; mẹ tôi vẫn cứ mắng con xu lì lợm cứ như người đã mang nó về. Nhưng buổi sáng là của bà, tôi không ở nhà buổi sáng, cả thằng em, cả khi con bé đang lui cui dưới bếp, mỗi khi bà ra khỏi phòng, con xu cứ quẩn quanh bên chân bà mãi, bà kể lại suốt, mắt ánh lên niềm vui nhỏ, như kể về một bầu bạn tuổi già, càng ngày càng nhiều, con chó quấn lấy bà suốt. Một niềm vui nhỏ. Bà thường hay tỉ tê kể chuyện vào những dịp như vậy khi những khung hình nhảy nhót phim truyện không đủ sức lôi cuốn để giữ mắt bà lại, khi những cuốn sách dầy cộp đè bẹp mọi kiên nhẫn mà khó khăn lắm bà mới có thể tạo nên, hoặc trước-sau bữa cơm, hoặc bữa tôi có nhà, hoặc khi bà như lúc này, bà kể đủ chuyện về ngày xưa, về mẹ của bà, về cuộc khốn khó của thời trước tôi có tồn tại, những câu chuyện quay vòng, hầu như tôi đã nhẵn mặt, nhưng bà cần người ngồi nghe, mà không hẳn cần nghe, chỉ cần ngồi đó thôi, để mặc những câu chuyện của bà quay về, và tôi vốn là người nghe giỏi.

Tôi vẫn còn đây, lọt thỏm trong chiếc ghế sofa êm ái, cố lấy chút dịu dàng của lớp đệm bông mà bao biện cho cơn dằn mình, cố dùng chút sự thoải mái của tiện nghi cỏn con đối chọi với cái lạnh buốt trong từng nhói đau khi lao người vào cơn mưa như trút mà ngăn mình lại; tôi dùng mọi lý do có thể để tiếp tục trì hoãn, tiếp tục công cuộc trì hoãn chấm dựt sự chu cấp mà mẹ tôi còn có thể tiếp tục ngõ hầu giữ rịt lấy cuộc đời của bà, kể cả viện dẫn cái tuổi già khốn khổ của mẹ tôi, những năm tháng tuổi trẻ oằn mình để bảo bọc cho tôi một cuộc sống không đến nỗi nào, để rồi giờ đây cuộc đời của bà chẳng còn gì khác ngoài những đứa con, bà sống bằng hơi thở của tình yêu mình phủ lên chúng, bằng những lo toan chẳng còn mấy hợp thời, khi mà chúng cứ ngày một lớn lên, cứ chực chờ rũ bỏ cái bóng phủ của một thứ tình cảm mà chúng còn quá trẻ để có thể thấu hiểu, mà chấp nhận, và đã quá già để tiếp tục im chịu; những đứa con lúc nào cũng bé bỏng, và không bao giờ có thể hiểu được tình yêu của mẹ chúng, dù cho chúng rồi sẽ cũng có những đứa con và rồi cũng yêu chúng theo đúng cung cách mẹ chúng đã yêu chúng; nhưng chúng không bao giờ hiểu, không bao giờ có thể; tình yêu của một bà mẹ đối với đứa con của bà không bao giờ có thể là cái cung cách bà yêu mẹ mình. Chính tôi nhiều lúc đến là không chịu nỗi bà, dù bà là mẹ tôi, và không gì có thể thay đổi được điều đó, như chính tôi cũng nhiều lúc không chịu nỗi những đứa con mình. Tôi nhiều khi tự hỏi lúc mình ở tuổi bà hiện giờ, khi những đứa con mình cũng như tôi của hiện tại, thì chúng liệu có đối đãi với tôi một chút nào tốt bằng tôi đối đãi với bà như tôi vẫn đang cố gắng bây giờ không? Liệu chúng có không chịu nỗi mẹ chúng không? Tôi thực không thể tưởng tượng được; tôi không cả hiểu nổi đứa con mình. Cái đứa vẫn đang nằm đây.


Tôi vẫn còn đây.











1 nhận xét:

  1. hehe, tôi vẫn còn đây... nguyên cục chình ình luôn, một thực thể.... triết-học-mập :))

    Trả lờiXóa