Tôi viết về những gì không to tát. Tôi cũng nghĩ rằng mình vốn không thể; không cần gì phải thanh minh, vì vốn mọi sự vẫn thế: tôi chỉ muốn viết về những gì đơn giản. Đơn giản vì tôi muốn viết. Đơn giản như Hemingway nói về cây bút chì, của mình, giả như là ông từng có muốn.
Hemingway có thói quen viết bằng bút chì. Mẩu chì ngắn, đầu chuốt nhọn; người đàn ông khổng lồ lom khom viết, dưới ánh đèn vàng trong quán rượu, nơi mà sau một buổi làm việc ra trò, ông có thể tự thưởng cho mình một bữa ngon, và cả rượu. Ông say mê đồ ăn, và cả uống rượu, mặc dù có thể chỉ là vài hớp rượu vang, theo bữa. Khó lòng kết luận rằng thói quen lên men này là tác chất cho sự thăng hoa tài năng của Hemingway; ngược lại, lối viết triệt để tước bỏ mọi cảm xúc thừa, tỉnh táo đến lạnh lùng của ông, như dìm xuống tận lớp băng sâu, những gì không cần nói: những gì không cần nói không cần nói.
Hay như Orhan Pamuk có thói quen viết nháp trong đầu. Ông thường lên khung cả bài viết, suy tính cẩn thận, chừng ưng ý, rồi mới bắt đầu viết lại, thành câu chữ. Ông gọi công đoạn viết lại này, chính là tái sáng tạo bản thảo, mặc dù mọi điều ông muốn viết đều sẵn có trong đầu rồi.
Hoặc là một người khác nữa, bao nhiêu năm trời, vẫn giữ thói quen viết giữa bộn bề sách vỡ, bao nhiêu năm trời.
Nói về thói quen, của các nhà văn, thật khó lòng kể siết.
Nhưng sẽ không có, hoặc ít ra, không thể tìm ra mối liên hệ nào, ít nhất, từ gốc độ quan sát của ngôi thứ ba, như là chúng ta, đang phân tích mối tương quan trong quá trình sáng tác, các thói quen, và nguồn cơn sáng tạo của các nhà văn vừa nêu. Sáng tạo là công việc của trí óc, là tác phẩm của trí tưởng tượng. Các thói quen làm việc chỉ làm được mỗi một việc duy nhất: duy trì chính thói quen làm việc, ở nhà văn. Hay một cách khác, là một chút thoải mái xa xỉ các nhà văn tự yêu chiều bản thân, trong công việc. Nói một cách khác, viết hay bất kỳ lĩnh vực gì liên quan đến viết là một khoa học cực nhọc.
Tôi không có tham vọng xem xét tất cả các mặt biểu hiện-quan hệ mang nội hàm sáng tạo, hoặc theo chiều ngược lại, phạm trù sáng tạo xét trong quen hệ với tính biểu hiện cũng như các công cụ biểu hiện (phương tiện biểu diễn). Dù cố nhiên, tính biểu hiện không phải là một trong các đặc tính cơ hữu của sáng tạo. Tôi cũng không cố công đưa ra một định nghĩa chặt chẽ về ngữ nghĩa cũng như câu chữ, thế nào là sáng tạo. Đồ cổ hiển nhiên là có rất giá trị, trong bảo tàng. Nhưng tôi muốn đi xa hơn quan niệm thông thường trong ý niệm về sáng tạo: sáng tạo là một hình thái của nghệ thuật biểu hiện; và rộng hơn: sáng tạo là chuyên môn của các nghệ sĩ. Hoặc ít nhất, là cố công thoát ra khỏi lối mòn trong chính mỗi chúng ta.
Vì sáng tạo vốn không nên định nghĩa; những chiếc áo may sẵn sẽ không bao giờ vừa thân hình vun vút lớn, và cần phải thế.
Như trách nhiệm của các nhà phê bình, là truy tìm cái đẹp: thấy những cái chưa ai thấy, và nói những gì không ai từng nói; nhà phê bình theo đúng nghĩa phê bình chính là người lôi tuột ra khỏi lớp vỏ ngôn từ của người viết, cái đẹp mà tất thảy mọi người còn lại có thể chiêm ngưỡng, có thể trầm trồ, thậm chí có thể để ngưỡng mộ, bất chấp nỗ lực của người viết là cố công che đậy, hoặc giả là che hờ chờ ngày được phục hiện. Nói cách khác, nhà phê bình chính là người trả cho cái đẹp vẻ đẹp vốn có của nó. Mà cái đẹp, vốn cũng chẳng có tiểu chuẩn, hay định nghĩa toàn năng nào ngõ hầu xem xét như một quy chuẩn chung.
Nói cách khác, công việc phê bình là may cho cái đẹp một lớp màn nhung của biểu cảm, mà theo đó, người ta dễ dàng đồng tình với nhau, chính thị cái đẹp, nhưng cũng đồng thời tạo ra một cái khung bóp chặt lấy cái đẹp vừa được tri giác. Nhà phê bình vừa định danh cái đẹp, trao cho nó một cuộc sống sống động nhưng cũng đồng thời bóp nghẹt nó trong cái lồng giam hãm của sự định danh. Dù rằng cái thực sự giới hạn con người, cái thực sự cầm tù khả năng tri ngộ cái đẹp của con người, không phải là công việc phê bình, chính là sự tự mãn. Vì con người vốn rất lười biếng.
Quá trình sáng tạo, về cơ bản, cũng giống như một quá trình phê bình. Tức là tuy cùng hướng đến việc tạo ra cái đẹp, hay phục dựng, hay định danh, - dù gì thì công cuộc phê bình phần nhiều cũng dẫn đến việc viết ra, nhưng quá trình sáng tạo không nhất thiết đòi hỏi phải được thể hiện. Trong khi công cuộc phê bình chỉ hoàn toàn khi sự phê bình được hiện thực hóa cho một đối tượng khác, ngoài bản thể người phê bình, có thể thực kiến. Nói cách khác, sáng tạo không đòi hỏi phải được thể hiện.
Những người thợ lành nghề, hoặc giả là các công việc tay chân, hoàn toàn có thể là nguồn cơn của sáng tạo, mà nhiều khi chính họ, những công nhân của chân tay trong hầu hết thời gian, không hề nhận biết. Mà hầu hết các loại hình lao động chân tay cũng vậy, nơi mà không mảy may nghi ngờ chút nào, sự thành thục của thói quen chiếm ưu thế vượt trội so với sự linh hoạt của trí não; họ ít nhất một lần trong đời đã từng sáng tạo ra một cái gì mới, và có thể thật sự hữu ích cho chính công việc mình. Và chính cái phần hữu ích bé nhỏ và hiếm hoi đó đã đánh lừa mọi người: những trường hợp ngay lập tức được ghi nhận là những trường hợp bộc lộ giá trị ích lợi, không quá trễ. Nếu không muốn bị lãng quên nhanh chóng. Mà trí nhớ cá nhân trong quây quần đám đông cũng chẳng tồn tại được chút nào lâu hơn.
Sáng tạo vốn dĩ chỉ nhằm tạo ra cái mới. Bản thân sự hiện diện của cái mới chính là xác tín duy nhất và là mục đích cuối cùng cho sự tồn tại của sáng tạo, hay trong một hệ giá trị khác, là táng xạo. Các phán đoán về giá trị của con người là rất mông lung, tùy tiện và không có căn cứ. Và vì vậy, mới thấy rõ sự cần thiết của công tác phê bình - quá trình xét lại chân lý không bao giờ sai lầm; không phải là sự vạch ra rõ ràng định mức chung cho cái đẹp, mà chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ để sửa chữa các ngộ nhận từng được đám đông vinh danh. Như một người từng mộng mơ, chân lý sẽ nằm trong tay con người, chừng nào con người còn khả năng tự sửa chữa, từ sai lầm.
Tính biểu hiện, khả năng trình diễn hay sự thể hiện chỉ là công cụ, trong giai đoạn cuối của quá trình sáng tạo, vốn thiên về nghệ thuật trình diễn hơn là bản chất của sự sáng tạo. Bởi vì sáng tạo chính là một sự thúc đẩy, truyền cảm hứng lớn lao, diễn ra bên trong mỗi bản thể. Hay một cách hình tượng, có thể nói, sáng tạo là quá trình lôi từ trong mớ hỗn độn vô định của tâm thức một cái gì mới, rõ ràng và khác biệt, rồi cho nó một định danh. Chính sự cố gắng của tâm trí trong việc đi từ vô định sang hữu thể một cách có chủ đích, gây nên niềm cảm hứng lớn lao, cho bản thể thực thi, mặc dù không phải ai cũng có thể nhận biết.
Cũng chính cái nỗ lực đi từ không đến có đó làm cho sáng tạo, hay trong trường hợp cụ thể là viết, trở nên nặng nhọc: chính cả người viết cũng không thể biết trước được rằng, họ đang tạo ra cái gì, cho dù họ có mường tượng rõ ràng bao nhiêu đi nữa ý niệm về cái đang thành hình: sức sống của một bài viết phụ thuộc hoàn toàn vào người đọc. Hoặc các nhà phê bình. Hoặc các bài điểm sách.
Vì vậy, xét cho cùng, khi không hề, hoặc không thể, hoặc không nên, đặt ra quy chuẩn phổ quát trong việc xác định, đánh giá, hoặc là nhận chân cái đẹp, thì cũng không thể, không nên hoặc giả là không hề cần thiết tạo ra những lề thói có thể trói buộc và qua đó kiềm hãm hoặc giả là định hướng sáng tạo vào các lối mòn chỉ là những ngộ nhận làm hạn chế chính khả năng tưởng tượng của con người. Một khi tâm trí con người thực sự rộng mở, thì những thanh barrier sẽ chỉ là những thanh barrier đơn thuần.
Nhiệm vụ của người viết không phải là sáng tạo, - bản thân công việc viết đã là một phép ảo thuật từ không thành có, cũng như việc tạo ra cái mới cũng không phải là cứu cánh của viết, đúng theo tất cả các ngữ nghĩa, cả truyền thông lẫn truyền thống. Cuộc sống của trên tinh cầu này cung cấp không quá nhiều những điều thực sự mới mẽ, trong suốt chiều dài của tất cả các nền văn minh, (đã vậy số lượng người viết lại càng ngày càng quá đông. Đông đến mức thật không sao chịu nổi phải mò lên blog viết này).
Cũng không phải là tạo ra người đọc. Thực sự người viết không hề có khả năng đó, cả tiếp thị cũng không: những mẩu quảng cáo chỉ có thể đem người mua nhanh tới gần với thành phẩm của quá trình viết, sách.
Tôi cũng không muốn dài dòng, nhưng buộc phải rõ ràng: nhiệm vụ của người viết, không gì khác hơn, là bất cứ gì có thể, trong bất cứ hoàn cảnh nào, và trong mọi ngữ nghĩa, là viết, như một cách phụng sự cuộc sống. Và chỉ viết thôi, bất kể tất cả mọi điều còn lại.
Nhưng việc đó là khó thể, vì viết hoàn toàn không phải là một hoạt động tự thân.
(*) tựa bài viết trên là một thể loại ăn theo, của bài này.
Nếu dựa theo những gì anh viết thì việc sáng tạo quả là cao siêu và đầy khó hiểu. =.=
Trả lờiXóa"Sáng tạo là sự tổng hợp mới của những yếu tố cũ". Anh thích cái định nghĩa đó đó chim
Trả lờiXóa- dậy là anh tiêu.
Trả lờiXóa- nhớ mang quà về nhe loài chim bai đi biển.