Thứ Năm, 27 tháng 5, 2010

Cũ và cỗ



Quán vuông vức nằm trên một trong những con đường danh giá bật nhất thành phố. Mặt ngoài có cửa vào hai cánh đẩy, nằm lệch sang bên, nhường chỗ cho mặt kính rộng trong suốt lấp vào khoảng trống cạnh bên. Bên trong rộng, và sâu, trần thấp rồi cao ứng với hai vùng không gian khác biệt: những thanh xà gỗ chằng dọc ngang phía ngoài rồi chuyển sang đan chéo xuống lên những đoạn chạy dọc xen kẽ, tới tận cuối phòng. Nội thất màu sậm, đồ gỗ, và các mặt vách bọc kỹ sậm màu; bên trong quán mang màu sậm; nhạc jazz dập diều vang vang. Thứ nhạc jazz khiến người ta dễ liên tưởng đến một thời đại nhạc jazz gắn liền với thế hệ mất mát, - những cơn mơ hồ tuyệt vọng mà vụt sáng chói chang, day dứt mà hoang hoải, điên loạn mà ngập tràn hy vọng; những hội hè miên man liên miên không dứt.

Từ quán trông ra, xuyên khung kính, những ô nắng vàng nhảy nhót. Đường nhỏ đủ hun hút dài.

***

Vintage, về mặt từ nguyên là, vindemia, sự kết hợp giữa vinum (wine) và demere (remove), theo tiếng Latin, có thể lý giải nôm na dựa theo quy trình sản xuất rượu vang: rượu ngâm càng lâu thì càng ngon, càng được giá, nghĩa là giá trị càng cao. Theo đó, vintage mang nghĩa của một biểu hiện bảo chứng của/qua thời gian cho tính giá trị của nhãn hiệu/thương hiệu. Thời gian không tạo ra bất kì giá trị nào, thay cho con người, chúng chỉ lọc bớt hay gạt ra những ngụy-giá trị được đám đông vinh danh. Mà thời gian như ông lão lù đù, vừa chậm chạp lại vừa lười, hiếm khi lên tiếng đúng lúc, để mặc con người bơi trong biển lớn lẫn lộn những chân-ngụy, để mặc con người chìm trong nỗi hoài nhớ cũ kỹ, về một thời hoặc đã từng, hoặc chưa bao giờ. Dù phần nhiều vẫn là chưa bao giờ, "chết vì nỗi nhớ cái gì mà mình chưa biết rõ".

***


Vintage, dù vậy, vẫn không biết gọi là cũ hay cổ? Và giá trị lâu như thế nào thì đủ là giá trị?

***


Jazz là dòng nhạc ra đời từ khoảng sớm thế kỷ 20, bắt nguồn từ cộng đồng người da đen, ở miền Nam, nước Mỹ. Nổi tiếng là dòng nhạc có tiết tấu biến động, và sự ngẫu hứng trong trình diễn, Jazz luôn là niềm cảm xúc bất tận được vun bồi bởi những tâm hồn phóng khoáng, và phần nhiều vỡ nát, cũng như làm nên tên tuổi của các người con vĩ đại. Điều đó có nghĩa là họ, đa phần da màu, đã góp công tạo nên bắt đầu cho dòng nhạc Jazz kén chọn, và ngược lại, Jazz trở thành niềm cảm hứng trong họ, cho họ cuộc sống, để tiếp tục sống, để rồi niềm cảm hứng đó tiếp tục được truyền lại, cho nhiều nhiều thế hệ sau nữa, mãi mãi. Hai trong số những cái tên sẽ còn được nhắc lại mãi là Louis Amstrong, giọng nam khàn cười cợt, và Nina Simone, người đàn bà mạnh mẽ, mạnh mẽ y hệt như trên nền tiếng đàn dương cầm dầm dập giọng bà vút lên trong Ain't got no, I got Life.


Cũng không biết gọi là cổ hay cũ.


***


Trong tiểu luận "Tự nhiên như người Hà Nội" của Trương Quý, có dẫn sử gia Dương Trung Quốc nói rằng, đại ý, khu phố cổ Hà Nội hiện nay chỉ là phố cũ, không phải cổ, chẳng có lấy mấy căn nhà thọ trên trăm tuổi thì lấy đâu ra mà cổ. Tác giả cũng không ý kiến rõ ràng về nhận định trên, dù có dẫn luận những luận điểm để minh chứng một không gian phố cổ tồn tại không chỉ cần tồn tại trong tâm thức vô hình, mà còn phải hữu thể, tuy nhiên có nhấn mạnh đến tầm quan trọng sự tồn tại cái giá trị nội hàm của cái gọi là phố cổ, như và không như hiện thấy: không chỉ là cái vẻ bề ngoài sơn phết giả cổ, mà còn là thái độ và cung cách ứng xử, không chỉ đối với các công trình-di sản đang tồn tại, mà còn là đối với hệ thống những giá trị cũ, không chỉ đối với vật-người thời cũ, mà còn đối với và trong những con người chúng ta, con người của thời hiện tại. Vì như tác giả đã từng viết, nếu người ta cứ tiếp tục ứng xử chắp vá với quá khứ như hiện thời, thì 'ngàn năm cũng (đến) là vô nghĩa'.

***

Những giá trị nội hàm, hay còn gọi là những gì khuất sau bề mặt bóng loáng của sự kiện, luôn là câu hỏi làm đau đầu con người. Không dễ dàng gì biết được bên dưới tảng băng trôi kia, bao nhiêu phần lấp ló, đương chờ nổi lên, hoặc từ chối nổi lên. Có thể phân biệt được những biểu hiện nào là xuất phát từ thẳm sâu lõi bản chất của sự kiện hay chỉ là một động tác đánh lừa của mưu mô luôn là một khả năng không phải ai cũng có thể học được. Nói cách khác, để có thể phóng chiếu ngược lại tập chân-giá trị của một sự kiện, chỉ nhờ dựa trên sự nhận thấy các biểu hiện ngoại biên, luôn là một bài toán khó, nếu không muốn nói là quá khó. Lựa chọn tin tưởng hay không lúc này không chỉ đơn thuần là quá trình suy lý. Nó đòi hỏi nhiều hơn, kinh nghiệm, dự cảm và cả linh cảm, mà phần nhiều là tử cảm-làm liều. Nhưng con người có xu hướng tin vào tính bất khả sai lầm của bản thân hơn là xét lại cái chân lý vừa thủ đắc. Hóa ra, sự khó khăn nhất đến từ bên trong mỗi người, nhìn thấy hay không nhìn thấy, có thể đơn giản chỉ là câu hỏi tu từ: Chúng ta là ai?

Nhưng mọi lý luận đều màu xám, chỉ là trang sức đem theo trong cuộc hành trình bất định cuốn vào tương lai. Bởi vì bất kể người ta có nói nhiều bao nhiêu, dài như thế nào, thì phố cỗ vẫn tấp nập, đất nước vẫn hiện đại, văn minh, dân giàu, nước mạnh. Thời gian vẫn cứ trôi mà mọi gì của hôm nay rốt rồi cũng trở thành cũ, hoặc cỗ. Những trăn trở về ngày hôm qua, rồi sẽ cũng trở lại, trong những trăn trở về hôm qua, của ngày mai, trong những dạng thức không quá khác. Mà rồi cũng như số phận của những con người lững thững, mòn mõi cũ kỹ sống trong nhịp hối hả của thời hiện đại, - những người coi việc nắm tay còn phấn khích hơn cả lên giường, coi một cái hôn vội còn vồn vã hơn màn khóa môi, coi bản thân việc chìm trong ngập lụt những xúc cảm nồng nàn còn nhiều hứa hẹn hơn vạn ngàn lời thề thốt mưa gió - rồi cũng hoặc trôi tuột vào quên lãng, hoặc cùng lắm là được đưa vào bảo tàng, lồng kính, làm hiện vật: chết rốt trong trinh trắng.



Cũ hay cổ chỉ cũng ý nghĩa đến thế là cùng!



















*một câu hỏi nhỏ: bạn đã từng đọc cuốn sách nào trong số được nhắc đến trong bài viết trên đây chưa?


6 nhận xét: