Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2010

How long have you been on try to save a man?



CPR hay còn gọi là kỹ thuật hà hơi thổi ngạt, là một loạt những bước cấp cứu cần thiết, giúp kích hoạt tim của một người, mang hay không mang bệnh tim bị bất tỉnh, với hy vọng tỉ lệ cường độ nhịp kích tim, còn hay không còn mạch, trở lại hoạt động. Giống như khi bị mắc nghẹn, không thở được, thì cách ứng phó tốt nhất cho nạn nhân là làm ngay cái hành động đó, mặc dù hơi bị không-dễ coi, dễ nghĩ, nhưng rất hiệu quả. Mà làm cái gì ra hiệu quả thì rất sướng! Bạn đừng nghĩ bậy.

Không như được xem trên truyền hình, nhất là trong các bộ phim Hồng Kông một thời nằm hông Chợ Lớn, các bước thực hiện của kỹ thuật CPR không hề đơn giản. Nó đòi hỏi người thực hiện phải có những hiểu biết nhất định, và vốn thực hành, cũng như sự hướng dẫn ban đầu cần phải tương đối chính xác. Không thì rất dễ xảy ra những hiệu quả sung sướng không tương xứng cho hai bên, như là đếm bước ngắn, đếm bước dài, hay đếm bước lệch, qua hai bên mình người ngất xỉu, là nữ. Đằng nào thì người nằm xuống cũng thiệt.

Tốt nhất vẫn là nên tìm hiểu kỹ càng. Hễ gì liên quan đến con người và tính mạng con người đều không nên vội vàng. Hẳn là không thừa rồi.

Vậy cứu một người mất bao lâu? - Chỉ trong vài cảnh phim, hoặc cùng lắm là vài trang sách. Hoặc là chuyển qua một khung cảnh khác, hay là chết trong một nhắm mắt. Cái chết đến rất nhanh, thường thì không đừng được, và không ai biết được là mình chết.

Được hay là bị trải qua một tính huống liên can đến sinh mạng, mà trong đó, bản thân có hoặc không, có thể hoặc không thể, can dự để làm tăng lên hay là giảm xuống, cơ may thở lại lần nữa của một người khác, thân thiết hoặc không hay là chưa, là tương đối hiếm hoi, xét trên số đông những ngành nghề-các dạng thức hoạt động xã hội có hoặc không có nghiệp vụ liên quan trực tiếp hay cả gián tiếp đến sinh mạng. Kể cả đối với các dạng động-thú-vật khác.

Khó thể nói là trải nghiệm đó nhất thiết sẽ mang lại cùng một dạng phản ứng-cảm xúc đối với từng đối tượng tham dự. Cơ hội được chứng kiến hay là dự phần vào các tình huống đòi hỏi người có mặt có những phản ứng cấp kỳ ứng cứu đã hiếm hoi, thì khó mà mô tả lại chính xác, những gì thực sự diễn ra trong suy nghĩ, hay đúng hơn, những thăng giáng trong cảm xúc của chính con người. Như trong một chớp bàng hoàng. Mọi việc thế là xong. Và con người quên mau.

Nhưng ai cũng tối thiểu đã hoặc sẽ một lần, vào dự đám tang, trong đầu trống rỗng, và nước mắt tuôn trào. Ruột gan quặn xoắn lại, ngực nén chặt, mà trớ trêu, nén càng chặt lại càng dễ chịu. Thở lúc này cũng không còn cần biết nữa. Có ai khóc mà lại còn nhớ cần phải thở đâu!

Cứ như trên bến đò, nhìn qua khung cửa gỗ, ngày càng xa dần, xa dần, nhỏ dần, nhỏ dần, mà không làm gì được. Ngay trước mắt ấy, mà không sao chạm tới được. Phía nào cũng vậy.

Không làm gì được.

Nỗi sợ cái chết nó đáng sợ như vậy đó. Đáng sợ đến nỗi, lắm lúc, người ta nhầm lẫn nó với chính cái chết. Người ta đâm sợ cái chết, dù rằng cái chết là cái chưa ai biết nó là cái gì, bao giờ.

Dù rằng có những người đã chết từ khi mình đang còn sống. Và hiếm có ai biết được.



Vậy cứu một người mất bao lâu? - How long have you been on try to save yourself.











1 nhận xét:

  1. Viết cho ai mà đọc thấy chạnh lòng..
    Tui không sợ chết nữa. Chỉ sợ để lại vết thương lòng cho người thương yêu..

    HTp

    Trả lờiXóa