Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010

tháng 9, bù một.

trích toàn văn (không kể lỗi typo-chính tả) của một ghi chú (footnote) trong Giảng đường yêu dấu (dù đọc xong chỉ thấy yêu dấu đâu đáu tận phường nao) của Mai Anh Tuấn. Bản quyền thuộc về Mai Anh Tuấn; Nxb Trẻ độc quyền xuất bản từ 2010 đến 2015.

Hướng dẫn đọc bài: phần bôi đen không cần tô lên để đọc.







1. Năm 1996, trong một bài giảng ở Viện hàn lâm Ý, sau khi, hết sức tinh tế, chỉ ra những nhầm lẫn của V.Hugo trong cuốn Nhà thờ Đức bà thành Paris, Umberto Eco, bằng vốn tri thức rộng lớn, đã say mê bàn đến những thay đổi bão táp trong việc tạo ra các phương tiện vật chất kỹ thuật liên lưu giữ văn bản, từ Gutenberg đến Internet. Niềm cảm khoái của ông dừng lại ở cụng từ "chiếc máy điện toán" mà theo đó, thứ nhất, một nền giáo dục khai sáng phải biết cách tận dụng triệt để những tiện ích của mọi phương tiện truyền thông và thú hai, trong xã hội mà sự chọn lọc, phê phán thông tin quan trọng hơn là hưởng thụ nó thì chiếc máy điện toán sẽ ưu thế hơn truyền hình. Và thứ ba, rất lý thú, Eco khẳng định: "với kỹ thuật máy điện toán chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên Samizdat [tự xuất bản] mới. Con người có thể liên lạc trực tiếp không cần phải qua trung gian những nhà xuất bản ...", liền đó, kèm theo một mệnh đề: "Nếu mạng máy điện toán thành công trong việc giảm số lượng sách xuất bản, thì đấy là một sự cải thiện hàng đầu về văn hóa". (Xem thêm Umberto Eco, Đi tìm sự thật biết cười. Vũ Ngọc Thăng dịch. Nxb HNV, H. 2004). Rõ ràng, muộn hơn rất nhiều so với khái niệm Thiên hà nhìn (visual galaxy) của McLuhan nhưng do chỗ đi từ lý giải cái tính cách văn hóa của cộng đồng điện tử nên triết luận mà học giả người Ý gợi ra, luôn có tính thời sự và rất đáng suy ngẫm thấu đáo. Đối với người Việt Nam, quốc gia mới thiết lập hệ thống Internet hơn 10 năm, lời khẳng định trên đây của Umberto Eco, quả thực, có một kiểm chứng sinh động, tôi xin nói thu hẹp, trong sinh hoạt văn chương.

2. Có thể còn nhiều bàn cãi nhưng sự hiện tồn của các website và blog văn chương cá nhân là biểu hiện cao của kỷ nguyên Samizdat song song với web publishing... Thực tế đầu thế kỷ 21 cho thấy: gần như, bất cứ người cầm bút nào cũng đều muốn xây dựng cho mình một web/blog riêng và họ, trong một kết cấu nhị trùng, vừa là tác giả vừa là độc giả, sẽ có một không gian mạng tự sinh. Trước hết, về diện mạo, các web/blog văn chương cá nhân xuất hiện rất sớm, được xây dựng bởi một nhà văn, nhà nghiên cứu có tên tuổi, trực tiếp tham gia vào đời sống văn học nghệ thuật đương đại. Các web/blog này tồn tại theo những cộng đồng thông tin khác nhau (báo chí, nhà trường, sáng tác, dịch thuật...) và nếu lấy con số lượt người truy cập thì rõ ràng, chúng có một số lượng độc giả rất lớn, thậm chí, chung thủy. Các blog/web văn chương cá nhân cũng phân hóa theo nhiều dạng: dạng đơn thuần tìm kiếm, chuyển tải thông tin về văn chương; dạng nghiêng về sáng tác hoặc dịch thuật; dạng tạo ra các diễn đàn, sôi nổi và đang là thời thượng hơn, về các vấn đề văn hóa xã hội. Việc một số ác phẩm văn học, vốn là những bài viết tự xuất bản trên web/blog, ra đời dưới hình thức sách trong thời gian qua cho thấy khả năng thay thế cung cách xuất bản trước nay, đồng thời làm đa dạng hóa các con đường đến với độc giả của văn học nói riêng và văn hóa nói chung. Nỗi lo lắng về việc "cái này sẽ giết chết cái kia" như của V.Hugo khi liên tưởng đến độc giả mạng đang ngày một tăng thay vì đến các phòng đọc sách, các thư viện hoặc rằng, các web/blog văn chương cá nhân sẽ khiến các phát ngôn chính thống lép vế, thực ra, là nỗi lo dư thừa. Sẽ không có sự phân quyền và ranh giới tuyệt đối, vấn đề chỉ nên và cần được hiểu là có sự thay đổi sâu sắc. Mặc dù, cho đến tận lúc này, sự hiện tồn của chúng thường đi theo một qui luật khá là tự phát nhưng đã nói lên những biến đổi cấu trúc ý thức, tâm lý của các nhóm cộng đồng trong việc tạo ra một hình thức sinh hoạt tư tưởng độc lập, biến cá thể thành một đơn vị tư duy có tính tương tác cao. Đây là một nhân tố, như Thomas L. Friedman phân tích, có tác dụng làm phẳng thế giới, và ở chiều ngược lại, hệ thống thế giới phẳng cũng sẽ cho phép mọi người tải các nội dung lên mạng và, theo ông "toàn cầu hóa chúng - mà không phải trải qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức hoặc thể chế mang tính cấp bậc nào". (Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng. Nxb Trẻ, 2006 tr.146).

Từ góc nhìn này, có thể nói, các web/blog văn chương cá nhân đang tạo ra những qui tắc và quyền lực mới.

Đầu tiên, từ sự thẩm định của độc giả, các web/blog trở nên có uy tính, là địa chỉ tin cậy trong việc tra cứu và lưu trữ các sản phẩm thông tin. Nếu trước đây, sinh hoạt văn chương chỉ tập trung ở báo viết và các tạp chí chuyên ngành thì nay, xu hướng lấy các web/blog cá nhân làm diễn đàn đang dần nổi lên, liền đó, hình thành lớp độc giả/tác giả kiểu mới, trái ngược lại với kiểm "giáo sư hoài cổ" như Eco ví von, chỉ gửi/đọc/phản hồi các nội dung văn chương số. Điều đáng chú ý là, ngay trong giới thiệu nghiên cứu, sự phân biệt cấp bậc nguồn gốc dữ liệu đã dần mờ nhòe đi. Nhiều bài viết trên web/blog cá nhân đã có mặt trong thư mục tham khảo của các công trình, luận án văn chương, điều trước đây thường bị phủ nhận hoặc "lờ" đi do gốc gác ngoại biên của nó: không phải cơ quan ngôn luận của một tổ chức hội đoàn. Nay thì, với sức hấp dẫn và mức độ đa chiều của thông tin, việc dẫn các dữ liệu như vậy càng làm giàu hóa thông tin để đề cao năng lực xử lý, chọn lọc của người sử dụng. Chính sự thay đổi phương thức sản xuất văn học đã nảy sinh phương thức tiếp nhận mới, nó không ăn khớp với các tập quán thâu nhận truyền thống. Hệ quả là, sự thắng thế của các công nghệ tự xuất bản trên mạng, cả về thời gian lẫn thông tin, đã hút vào đó một cộng đồng rộng lớn mà không hề/cần truy vấn nguyên nhân việc tham gia. Tự năng sản, như vậy, cũng là điểm độc đáo của web/blog cá nhân. Trong trường hợp độc giả tải hoặc lấy một nội dung số thì tính phi lợi nhuận và sự biến các dữ liệu tri thức thành tài sản công cộng, dù ở mức độ nào, cũng có tác dụng cải thiện hiểu biết của các cộng đồng. Và đó là điểm độc đáo thứ hai mà một web/blog cá nhân có được.

3. Sức mạnh từ dưới lên - một cách hình dung về các web/blog văn chương cá nhân, trước hết là ở các khế ước văn hóa tạm thời. Trong bối cảnh mà những đức lý văn hóa cần phải kiêng cữ do cái nhìn cấm kỵ gây nên đang dần tháo dỡ để làm thế giới trở nên phẳng, thì rõ ràng, phổ hệ của khế ước lớn hơn nhiều, riêng các khế ước có tham vọng vĩnh viễn hóa chân lý, sự thật sẽ bị hoài nghi, phản biện. Nói cách khác, thay vì tôn trọng một khế ước vĩnh viễn, văn hóa bao giờ cũng cần tạo ra nhiều khế ước tạm thời mà ở đó, lý tưởng phản biện như một vầng sáng đơn độc không bị thâu tóm, chìm khuất bởi đại chúng. Trong khế ước tạm thời thì "tiêu chuẩn phê phán" (chữ dùng của Vương Sóc) phải là đích đến chứ không nên coi là biểu hiện của đạo đức trá hình. Bởi phê phán, phản biện là đa tâm điểm, trả lại nếp sống tự do nhận thức và đại nghị văn hóa. Đặc biệt, đối với phê bình văn học thì đối thoại và kèm theo đó, mở rộng các luồng ý kiến, các diễn giải khác nhau đang là tính cách giao liên tương tác mới. Nó, một mặt, biểu lộ sự chung sống và ham sống trong sự đa dạng văn hóa, mặt khác, đẩy lùi các "vùng cấm" để người đọc có cơ hội giữ được một cự ly cần thiết cho việc thụ lý những ý nghĩa, những tính hiệu có trong văn bản. Cả hai, trong tư cách nuôi dưỡng sinh hoạt phê bình, đã là một giá trị cơ bản. Và theo tôi, đây là yếu tố tạo tác phê bình một cách liêm chính và hiệu quả. Sẽ không có một hệ trục di sản bất động trước vòng quay mới của xã hội, nó phải có một đặc quyền nào đó cho phép người hưởng thụ được dán mác phản tỉnh cá nhân. Cá nhân hóa, trong trường hợp này, là quyền lực mới của văn hóa.

2 nhận xét: