Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

Đời cát



Toàn bộ bài viết dài lê thê như cánh ngỗng này, hiển nhiên là, xin được dành tặng cho người-mà-ai-cũng-biết-là-ai, nếu người ấy không bỏ công dụ dỗ, thì ắt hẳn sẽ không có cọng lông ngỗng này.



(1)

Tôi vẫn tin rằng không cuộc đời nào là vô ích và chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời. Những khoảng bình lặng luôn là đêm trước của một cuộc phong ba. Yên tĩnh càng dày, bão tố càng to. Cuộc đời đằng đẳng có thể chỉ để chờ cho một phút bật dậy, sáng lòa, (rồi sau đó nằm xuống kéo chăn ngang ngực, ngủ tiếp cũng được).

Tôi cũng tin rằng con người là tốt đẹp, cũng như những cuốn sách: sách, bản thân nó, đã là cả một nền văn minh. Vô số cuộc đời, hằng hà số phận, cả các nền văn minh, phát triển đến đâu, đồ sộ đến mấy, đều có thể trải ra trên bề mặt toan giấy. Đương nhiên là không hoàn toàn và mọi sự cầu toàn đều cần kiên nhẫn.

Đọc sách là một thú vui; trải nghiệm những gì thuộc về các cuộc đời khác thông qua chỉ những cái liếc (hoặc) nhìn. Đọc sách còn là một trải nghiệm ích lợi, không kể đến sự thú vị. Những ích lợi mà cho dù ít khi có lợi thì cũng là ích lợi. Đương nhiên, kiên nhẫn không nằm trong vùng lợi ít vừa kể. Chọn đọc sách và (để) đọc được sách, người ta đã phải kiên nhẫn (sẵn) lắm rồi. Kiên nhẫn để chờ, kiên nhẫn để tóm được khoảnh khắc vụt sáng ẩn mình trong mỗi câu chuyện. (Cũng đương nhiên là bạn biết, tôi đã điều chỉnh giọng nói, dấm dẳng và đều đều, thể hiện ý báo trước một điều gì đó chờ đợi phía sau).

Mỗi cuốn sách hay sẽ phải có những điểm chuyển hóa như thế, thời điểm tiệm cận. Ở cái (thời) điểm đó, toàn bộ tâm trí của người đọc bị cuốn theo, quấn lấy và quyện chặt vào không gian miêu tả. Có một sức hút mãnh liệt, và người đọc lúc đó dù tinh tường cũng khó lòng nhận ra, xóa nhòa tất cả hiện thực trước mắt người đọc, ngoại trừ cái khung cảnh đang hiện hình sống động và rõ dần trong từng diễn biến, trong hành động, trong khung cảnh, trong cả lời thoại. Hấp dẫn tới nỗi người ta khó lòng nhận ra thời gian (đang) trôi bao lâu, hay trước mặt có gái xinh nào không, hay quên cả thói quen liếc nhìn số trang sau mỗi lần hết dòng. Đó là cái duyên của tác giả, hay nói cách khác, là cái bẫy người đọc.

Người viết càng có duyên, hay nghệ thuật gây ấn tượng càng ấn tượng, thì cái bẫy càng tinh tế, đến độ tinh vi. Điều đó càng chứng tỏ khả năng, và tài năng của người viết. Nhưng là vô nghĩa với người đọc, nếu xét đến tất cả sự chờ đợi của họ. Mà ngược lại, thường những gì giản dị mới thực có nghĩa. Cái sự có nghĩa đó, đại loại có thể hiểu được, như cách một người đã từng (thốt) viết ra: Tôi đã đọc một cuốn sách, và điều đó đã thay đổi cả cuộc đời tôi. (nghe trong giọng nói có phần run rẩy, tỏ rõ một thái độ không dứt khoát, chứng tỏ tôi đang vừa nói vừa sợ sệt, và các bạn có lưu ý tới điều này).

Đời cát hiển nhiên có một điểm chuyển như vậy, dù là chờ hơi lâu, so với Dòng suối trên nguồn (từ nay sẽ gọi tắt là Suối) và Giết chết con chim thất kinh phết (aka Con chim).

Bài viết sẽ được chia nhỏ, nhằm cạnh tranh với phong trào mỗi ngày một bài viết của anh giag hồ trọn nửa buổi, cũng như là để mua vui một vài tiếng (người) cười. Dù gì thì gì, cười được là tốt. Mà không cười được thì ném đá cũng tốt luôn.

Bài viết sẽ đại loại gồm những phần như tiếp sau, yếu tố tình tiết và bạo lực là có, (khán) đọc giả nên cân nhắc trước khi xem. Nhất là với những ai đang có âm mưu xì trum với Đời cát.


1. Về thoại hay Giả thuyết về quyền lực thứ ba

2. Về người đọc hay Giả thuyết về quyền lực thứ hai

3. Về những mô hình tiên viễn hay Giả thuyết về giấc mơ tiên tri

4. Đời cát




3 nhận xét:

  1. "thường những gì giản dị mới thực có nghĩa". Cafesua ui, chưa ra trường, còn nhiều thời gian, cứ chơi, cứ đọc, cứ viết...

    Trả lờiXóa
  2. Thiếu phần đề tặng: Bài viết này tặng anh GM, người đã ép mượn Đời cát:)

    Trả lờiXóa
  3. - chuyện đó em la làng bên nhà mấy lần rồi, nói nữa sợ anh chê nhàm he he

    - em cảm ơn (các) anh ạ :)

    Trả lờiXóa