Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Đời cát (tiếp)


Khuyến cáo: Những ai có âm mưu xì trum trực tiếp Đời cát, nên cân nhắc trước khi xem. người viết không chịu trách nhiệm với bất cứ sự bất mãn nào trong lời mắng nhiếc của quý người đọc nào.



(2)


1. Về thoại hay Giả thuyết về quyền lực thứ ba

Quyền lực là sức mạnh (?). Quyền lực của một cuốn sách là sức ảnh hưởng của nó lên từng người đọc cụ thể, là số điểm hút nó chứa bên trong được vụt sáng, là khả năng truyền tải thông qua câu chuyện: thông điệp gây ấn tượng đối với người đọc, và lưu lại trong trí nhớ như là một dạng thức nhắc nhở, mà đôi khi, trở thành tín điều, biến đổi mối quan hệ với chủ thể thành một dạng phục tùng tôn giáo.

Quyền lực, hay sức hút, của Đời cát chính là thoại. Thoại của Đời cát hấp dẫn là bởi học thuyết dương mưu chứa đựng trong nó. Hay nói cách khác, một học thuyết dương mưu dần dần hiện ra thông qua các chỉ dẫn, hết sức cụ thể, được nêu lên thông qua thoại.

Thoại của Đời cát bao gồm hai phần: nổi và chìm. Phần nổi là lời nói của các nhân vật, và chìm tất nhiên cũng chính là lời nói của các nhân vật, cho chính mình. Tác dụng định hướng của phần chìm là đáng kể, nếu xem xét đến diễn biến truyện, cũng như sự sử dụng khéo léo các tình tiết. Có thể nói, Đời cát là một dàn đồng ca, mà trong đó các dàn bè được chia phối và (để) dẫn dắt tài tình. Không có chi tiết thừa, cũng như không có tình tiết nào là không thể giải thích. (người viết chủ động thể hiện một giọng điệu tự tin, dấu hiệu của một sự tự mãn và khoái trá ngấm ngầm).

Gọi thoại trong Suối là những cuộc đối đầu của các mẫu hình khác nhau thông qua lăng kính độc đoán, thì thoại trong Đời cát thể hiện mối tương hỗ và đồng dạng trong cùng một trường nhân vật. Cái trường nhân vật gần như là đồng nhất mà trong đó mỗi một nhân vật chỉ là mỗi gương mặt và cái miệng được dáng tên khác nhau cho cùng một giọng nói. Cái trường nhân vật được miêu tả khá rõ ràng trong suốt phần đầu của câu chuyện, mà đỉnh điểm là tại buổi tiệc tối, phong thái bình thản khi Paul Atreides tiếp nhận trọng trách người lớn của cha cậu trong cùng nỗi sợ hãi ngấm ngầm của người mẹ, chính là một minh chứng tốt cho mối liên kết khó tưởng trong trường nhân vật này.

Paul Atreides, kẻ được chọn, chính là đối tượng của quyền lực thứ nhất; sự còn khả năng tăng trưởng, hay tiềm năng chưa bộc lộ hết, tạo nên những hy vọng và nét quyến rũ cho nhân vật này, và qua đó trở thành xương sườn của toàn bộ câu chuyện: người đọc hít thở bằng (lỗ) mũi của Paul, nhìn bằng đôi mắt màu-xanh-trong-màu-xanh của Usual, và suy nghĩ bằng lời phán truyền của Muad'Dib, một hành trình dài, xuyên suốt hơn 600 trang, từ một vị thiếu chủ, đến một người Fremen rồi trở thành vị thống lĩnh truyền thuyết Kwisatz Haderach. Sự sống là ở dạng động, không động đậy gì nữa tức là chết rồi, và không dưới hai lần tác giả đề cập đến điều này: từ đỉnh núi, người ta không thể nhìn thấy núi.

Paul Atreides là chính là điểm khởi đầu cho một Lisan al-Gaib huyền thoại, nhưng hoàn toàn không phải là điểm khởi đầu truyền thuyết. Muad'Dib quyền lực chính là người nắm giữ chiếc gậy số phận của toàn vũ trụ, nhưng quyền lực thực sự không nằm ở chính ông. Cái thực sự tạo nên quyền lực thứ nhất, cũng là cái tạo ra truyền thuyết, cái dựng nên huyền thoại, là Cái đề ra luật lệ: Con-Người. Paul chỉ là một vai diễn đã được phân vai từ trước, trong vở kịch huyền thoại dã sử, mà xét cho cùng, Đời cát chỉ toàn những nạn nhân - những nạn nhân của trò chơi quyền lực, dù có hoặc không chủ đích dự phần.

Đó chính là sức hấp dẫn của Đời cát, quyền lực thứ nhất đối với người đọc: nó cuốn hút người đọc, nó chi phối người đọc. Quyền lực thứ hai là thuộc về người đọc, với khả năng nhận ra quyền lực thứ nhất: thấy những điều có thể thấy, cũng là sức mạnh. Vậy có tồn tại cái quyền lực thứ ba, chi phối tất cả những điều vừa nêu, thậm chí là cả đối với tác giả?









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét