Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

trẻ con biết nói dối.


đổi đề, bỏ tiêu, sửa chữ, cơ bản là vầy.



Một dạo, tờ báo danh tiếng của tuổi trẻ thành phố đã cho đăng loạt bài bàn về một vấn đề xã hội không cũ: đạo đức; đối tượng được nhắm tới và cũng là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất thông qua đó chính là những người trẻ: có người đồng tình, có người ủng hộ và có cả những tiếng nói bức bối: "Trung thực, tôi được gì?". Vậy trung thực người ta được gì?

Chưa nói tới ích lợi của việc nói dối hay nói thật, chỉ riêng việc đặt câu hỏi cho tính trung thực đã nói lên được một điều: người ta chỉ nghi ngờ sự hiển nhiên của cái gì đó khi cái hiển nhiên đó không thật hiển nhiên. Và hiển nhiên những gì chúng ta thấy hằng ngày là những hiển nhiên "chân thật" nhất. Có lẽ vì vậy mà chúng ta dễ dàng chấp nhận những lời nói không thật hơn chăng?

Định nghĩa được thế nào là nói thật và thế nào là nói dối, thật không phải là điều dễ dàng. Càng không dễ dàng để nêu lên rõ ràng khi nào thì nên nói thật và khi nào thì buộc phải (do bởi) nói dối - hoặc nói không thật. Chúng ta vẫn cứ nói thật và nói dối đều đều, mặc dù thật sự không dễ, hoặc là không thể, xác định được chính xác thời điểm bắt đầu của những lời nói dối. Không chỉ của những lúc hôm nay, mà tận hồi chúng ta còn bé: lời nói dối bắt đầu xuất hiện khi nào?

Ai cũng từng là trẻ con; ai cũng từng ít nhất một lần nếm phải "đòn roi" vì lỗi nói dối. Sự nghiêm khắc là cần thiết, hoặc ít ra, bày tỏ thái độ nghiêm khắc và dứt khoát với sự dối trá là một trong những hành động thông thường của phần nhiều các bậc cha mẹ: đối xử cứng rắn, đôi khi biểu hiện thành roi vọt, là cách thể hiện mong muốn giáo dục trẻ con thành người tử tế, mong muốn giúp trẻ nhận thấy đâu là đúng, đâu là sai, những điều tốt đẹp. Cho dù điều hiệu quả và tác dụng thì không ai có thể chắc được.

Khác với người lớn, trẻ con chưa có được những kinh nghiệm sống chung, cũng như sự kiểm soát về mặt xã hội. Trẻ tương đối mù mờ đối với những tiêu chuẩn - khái niệm đạo đức phổ quát, vì đó cho nên, đương nhiên, tỏ vẻ dửng dưng với những điều hiển nhiên đã được chấp nhận khác. Tuy nhiên, trẻ con cũng có những mối quan tâm riêng, hệt như cách người lớn quan tâm đến gia đình, tiền bạc và các vấn đề xã hội vậy. Khác biệt nằm ở quá trình kiểm soát; người lớn có thể duy trì một tình trạng từ khước những mong muốn của bản thân, nếu điều đó có ảnh hưởng xấu hoặc không tốt tới những mối quan hệ xã hội khác, hoặc nói đơn giản, là có mâu thuẫn với lợi ích của một người khác. Trong khi đó, trẻ con thể hiện sự quan tâm và mong muốn trực diện hơn, thẳng thắn hơn, vì vậy, ít có sự kiềm chế hơn.

Khi bị từ chối, hoặc ngăn cản, đứa trẻ sẽ phản ứng bằng cách tìm kiếm những phương cách ít trực diện hơn, những lý do lòng vòng hơn để biện minh cho mong muốn của mình, ít ra theo cách đó, đứa trẻ mong muốn có thể tiếp cận (gần hơn) với cái mình muốn. Hiển nhiên, thường xuyên người lớn nhận ra sự lập lờ ở một đứa trẻ (giống như lơ ngơ mà đem đặt cạnh lọc lõi vậy). Nếu hệ quả không nghiêm trọng và chưa có gì đáng tiếc, đa phần là vậy, đứa trẻ sẽ được khen là "thông minh" và "biết chuyện", cùng lắm là được quẳng cho một chữ "xạo". Nhưng với trường hợp có hệ quả là không mong muốn và (thấy) có phần trầm trọng, thái độ của người lớn sẽ nghiêm nghị hơn, và "hình phạt" sẽ thể hiện tính răn đe rõ ràng hơn. Đứa trẻ sẽ được dạy bằng "đòn roi" rằng mình đang nói dối, bởi nói dối là không tốt và "đòn roi" thì thấm sâu, nhớ lâu hơn lời.

Hiển nhiên, nói dối là không tốt.

....


Thực ra, nói dối là khái niệm hoàn toàn người lớn. Nói đơn giản hơn, trẻ con không biết nói dối, nếu có biết, là nhờ sự hời hợt trong cách ứng xử của người lớn đối với trẻ con.

Không như người lớn, trẻ con không có mối quan tâm đa mục tiêu như người lớn, cũng như chưa hề, hoặc không hoàn toàn, quan niệm về sự thật như cách của người lớn; những gì chúng thấy, những gì chúng nghĩ đều là (đối với chúng) sự thật. Hơn nữa, mối quan tâm và cách quan tâm của chúng giản dị hơn nhiều, so với cung cách tương ứng ở một người lớn: chúng đơn giản chỉ biết nghĩ tới cái mình muốn và làm mọi cách để thỏa mãn điều đó; chúng đơn giản là rất hạn chế trong khả năng nhận ra các hệ quả và các mối liên hệ giữa cái mình muốn và những tồn tại xung quanh. Trái lại, với quá trình tích lũy kinh nghiệm lâu dài có được nhờ sự cọ xát qua các hoạt động mang tính xã hội, nên người lớn có xu hướng để ý và khả năng nhận biết các hệ quả phụ không mong muốn (có thể) xảy ra đồng thời. Song song với quá trình tăng lên về mức độ nhận biết, người lớn cũng (phải) quen dần với việc nói dối hoặc bị nói dối, có hoặc không mong muốn, ít hay nhiều sự chủ tâm, hoặc từ sự truyền dạy từ những người lớn lớn trước nữa. Bị thói quen xâm chiếm, người lớn cũng quen luôn với việc nhìn nhận những hành động của trẻ con với thái độ đối với một người lớn, như là hành động của một người lớn, như mình hiện thời. Họ (lại) đứng vào vị trí truyền dạy đối với những trẻ con của hôm nay, hệt như cái cách họ được đối xử khi còn là trẻ con vậy. Và cái sự lẩn quẩn (vẫn) tiếp tục quay vòng.

Chúng ta, những người lớn xấu xí, đã (lại) chọn một cách thật tệ hại để bắt đầu (lại) tương lai.

....


Chuyện nói thật hay nói dối là một chuyện khó lòng nói cho thõa, nhưng có thể ví von, một cách khập khiễng, như ca sĩ hát thật hay hát nhép (lip-sync). Hát thật thì (giọng) phải tốt, phải khỏe; muốn thế phải tập luyện nhiều, đồng nghĩa với việc tiêu tốn không ít thời gian lẫn cơ man nào là mồ hôi, sức khỏe. Nhất là sự kiên trì. Hát nhép đơn giản hơn nhiều, mà thậm chí chẳng cần hát. Nhưng một khi chẳng cần phải hát cũng có thể trở thành ca sĩ thì ca sĩ cũng chẳng còn là ca sĩ nữa.

Tất nhiên việc gì cũng có ngoại lệ và mọi lý luận đều là màu xám. Không thể xem xét và đánh giá điều gì chỉ thuần dựa trên lập luận, hoặc dựa trên hạn hữu những gì thực trông thấy. Cuộc đời vô cùng. Tốt hay xấu không phải là chuyện để đánh giá (lại) hoặc nhận xét suông; cuộc sống không thể cứ mãi đứng mà chờ đúng đắn soi đường. Có khi điều xấu lại là khởi đầu cho một tốt đẹp liền sau.

Nhưng điều đó không quan trọng. Vấn đề quan trọng, và cũng là câu hỏi (được) đặt ra: bạn, những trẻ con một nửa đang và đã trở thành người lớn một nửa, có sẵn sàng để trở thành, cho dù là, một ngoại lệ, hay không?







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét