Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2010

Đời cát (tiếp)


Khuyến cáo: Những ai có âm mưu xì trum trực tiếp Đời cát, nên cân nhắc trước khi xem. người viết không chịu trách nhiệm với bất cứ sự bất mãn nào trong lời mắng nhiếc của quý người đọc nào.



(3)

2. Về người đọc hay Giả thuyết về quyền lực thứ hai


Sáng tạo thường xuất hiện kèm với các hình thức biểu hiện. Nhưng biểu hiện không phải là một thuộc tính tự thân của sáng tạo. Bản chất sáng tạo là một quá trình hướng tới cái mới. Việc tạo ra cái mới là yêu cầu bắt buộc của sáng tạo, còn cái mới được tạo ra có tác động long trời lở đất bạt vía kinh hồn như nào thì chỉ có thể xem sau, mà chỉ xem thôi, không cản được.

Đọc một cuốn sách, chính là một quá trình sáng tạo. Trong đó, người đọc vừa là diễn viên, vừa là khán giả; vừa là người làm công, vừa là ông chủ thụ hưởng; vừa là người shopping hí hửng với giỏ đầy đồ, vừa là người bán hàng với nụ cười mỉm đắt chí và đôi mắt ti hí mân mê món tiền hời. Chữ (và) nghĩa ẩn chứa trong văn bản sách, là đang ở trạng thái chết lâm sàn, và sự đọc của người đọc chính là động thái giải thoát, đem lại một hình thức sống khác cho câu chuyện. Vì đó là khác biệt và duy nhất, nên đó là một câu chuyện mới. Cho dù đó là thoát thai từ bản dịch, một sự tái - thoát thai ngôn từ của dịch giả.

Mỗi người đọc giữ riêng cho mình một câu chuyện. Câu chuyện độc nhất, mà không hoàn toàn không có bất kỳ người anh em sinh đôi nào. Cũng như mỗi người đọc là một duy nhất, khác biệt từ kinh nghiệm (đọc) sách đến sở nguyện (đọc) sách, từ xu hướng lựa chọn đến cả tính cách hành vi, từ xuất thân quá khứ đến cả hành trạng hiện tại, từ thói quen bỗ bã hay cả là thâm thọt, và khác biệt lớn nhất vẫn là những xu hướng ứng xử vô thức riêng biệt của mỗi một người. Tỉ như là sẽ có hàng ngàn cách phản ứng và tưởng tượng khác nhau, khi đọc đến dòng chữ "bất giác tôi quay lại, nhìn chòng chọc vào khoảng không vô định phía ấy, dường như có cái gì đó đang rục rịch".

Không hoàn toàn không có bất kỳ hai người nào giống nhau, kể cả đối với các trường hợp đa sinh: diện mạo trông giống nhau không thể đảm bảo cho hành động giống nhau; cung cách ứng xử giống nhau không thể là dấu hiệu giống nhau của cách thức suy nghĩ; cách thức suy nghĩ giải quyết sự việc giống nhau càng không thể cho là mục đích cá nhân giống nhau ... Con người là khác biệt, trong mỗi nhịp thở của chính sinh thể. Nhưng mà không hoàn toàn.

Quá trình sống của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, nhưng các trạng thái trong cuộc đời mỗi con người, không nhiều thì ít, có tương đồng. Chu trình sống của một cuộc đời có thể tóm gọn trong Sinh, lão, bệnh, Tử. Cụ thể hơn đối với một đời người sẽ có những giai đoạn mà, một cách triều mến, gọi là dậy thì, tuổi hoa niên, tuổi hoa râm, hay là tuổi hoa bông bụp, thì cũng là những cách nói để cùng chỉ những trạng thái (mốc) tương đối chung của cuộc đời. Không phải tuyệt đối, mà là đa số. Vì vậy, sẽ tồn tại những trường hợp cá biệt, xác suất cho dù là bao nhiêu thì tồn tại vẫn sẽ là tồn tại. Cứ như sự thật vẫn sẽ là sự thật bất chấp sự thật người ta có coi đó là sự thật hay không. Dù sự thật tệ hại nhất cũng chính là sự thật một nửa.

Bởi vậy sự từng trải với kinh nghiệm mới trở thành vốn quý cho con người, nhất là trong các tình huống ứng xử giữa con người với con người. Một phần cũng vì vậy, bói và coi bói trở thành một trong những thú vui nhàn nhã của các quý bà, quý cô.

Và theo lẽ đó, mỗi người đọc sẽ là một khác biệt. Hay, nói cách khác, mọi người đọc đều riêng biệt. Hay, lại nói cách khác, là chẳng còn ai đặc biệt.

Sách cũng không phải là đặc biệt. Người đọc cũng thế, và cũng thế cho cả câu chuyện riêng biệt của họ. Người ta vẫn có thể chết vì đói ở những con hẻm nhỏ tối tăm không ai biết đến bên hông các tòa nhà chọc trời trong lòng một siêu đô thị; hay như những con thú vẫn bị giết thịt và lột lông làm tấm xa xỉ choàng người bất chấp những phản ứng cực kỳ manh động và táo tợn của PETA, hay bất cứ cái gì TA đi nữa. Súng vẫn nổ, kim cương máu vẫn chảy đến tay người nhiều tiền; người ta vẫn sống và giá xăng vẫn đang dâng, cao lên, cao lên.

Bởi vậy, quyền lực thực sự của người đọc, không phải là những điều hay ho mà anh ta tự cho là hay ho, cũng không phải là sự dự phần của anh ta vào sự nghiệp tiếng tăm vốn đã lắm tiếng tăm của nghề cầm bút; càng không phải anh ta đang góp phần nuôi sống một ai nào đó, trả tiền mua một cuốn sách hay bất cứ thứ gì, không bao giờ có thể coi là hành động của sự tử tế, (thậm chí, đôi khi, có thể coi đó là dấu hiệu của sự phung phí, hoặc hệ quả của một thói quen thụ hưởng xa hoa).

Quyền lực thực sự, của một người đọc, đối với sách, hay là với mọi sự trên đời này, chính là sức mạnh của sự kiến tạo. Những gì sinh ra từ trí tưởng tượng của con người, trở nên sống động, một lần nữa, trong chính trí tưởng tượng của con người, trở thành một phần trong tổng thể ký ức cấu thành nên thế giới của một cuộc đời. Chúng ta không sống trong một thế giới đầy khác biệt; chúng ta đang tồn tại trong những thế giới khác biệt hoàn toàn. Và trong đó, mỗi người đọc chính là một Ngài tạo.


Salinger đã chết, nhưng Caulfield thì không.










1 nhận xét:

  1. xem bộ mày trở thành kẻ nghiện sách rồi. tranh thủ, còn nghiện được thì cứ nghiện, đừng nên cai.

    Ps: tao cần quay lại với thế giới blog một thời gian. viết tiếp đi.

    Trả lờiXóa