Thứ Sáu, 16 tháng 7, 2010

Thời tiết đô thị - Phương Cẩm Sa.



Erin Brockovich.


Trong cuốn Tư Duy Kinh Tế của Đặng Phong có nói một thời kỳ dài của chúng ta không có Đại học Luật, không có Bộ Tư Pháp.

Tôi lâu lắm không đọc TTVH, hôm trước mua một tờ CN, có nói về sưu tập tranh. Việt Nam có hội họa tính đến nay chưa đuợc 100 năm vậy mà có đến hàng chục nhà sưu tập. Từ hàng khủng như mấy anh được bố truyền nghề lại đến các doanh nhân giàu có bắt đầu mua tranh từ khoảng chục năm nay. Dựa vào bài báo, ước tính, có lẽ phải có đến hơn 1000 bức tranh được coi là đẹp, của danh họa, đang có mặt trong các bộ sưu tập. Đấy là chiến tranh loạn lạc làm mất bớt đi rồi. Chưa kể tranh trong bảo tàng nhà nước.

Thế mới biết dân mình tài thật, khó như hội hoạ mà chưa đến 100 năm đẻ ra cả ngàn tác phẩm lớn. Dễ hơn một chút là thơ, kể từ thời kỳ thơ mới đến giờ, chắc phải có đến 40 triệu người đã làm thơ, trong đó đa phần ở các tổ hưu, danh tác thì chắc là không đếm xuể nên tới nay chưa có nhà sưu tầm thơ nào tên tuổi. Tội phá rừng phần nhiều là do các thi sĩ Vina. May mà giờ có blog để các thi sĩ khoe thơ, chứ không chắc phải chặt hết rừng làm giấy.

Vậy ra dân mình thật là giàu tâm hồn và thẩm mỹ. Nghệ thuật thật công bằng, không bỏ sót một ai.

Còn những thứ khác thì sao?

Hôm trước có gặp một anh bạn Tàu. Anh này trẻ và văn minh, học đại học và thạc sỹ ở Anh, sau đó làm ở Anh 2 năm rồi về làm cho một công ty Trung Quốc. Đi ăn nói chuyện, lúc đầu thì bóng đá sau qua Thiên An Môn. Anh này nói thực ra ở TQ bọn tôi nói chuyện cũng thoải mái rồi, không còn cấm kỵ kiểu Thiên An Môn với Triệu Tử Dương nữa. Tuy nhiên, mặc dù công nhận Thiên An Môn là một big chance mà Trung Quốc đã để hụt, anh này vẫn cho rằng TQ chưa nên dân chủ vì nếu không độc đoán là loạn ngay. Cái này thì nhiều người VN trẻ và học ở tây về cũng nghĩ thế.

Thực ra, cái quan trọng mà những nước lạc hậu cần phải có trước tiên là cái sự công bằng. Cụ thể là công bằng về tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, cơ hội việc làm, cơ quan pháp lý.

Thử nghĩ mà xem, trẻ con đi học mà bố mẹ xin lòi mắt ra mới được vào trường, thì đến bao giờ mới hiểu được chữ công bằng.

Luật sư của mình chắc hiếm nên chủ yếu đi làm cho tây, cho doanh nghiệp, lo giấy tờ đất, giấy tờ nhà… Nói chung nghề này hiếm hoi nên luật sư vừa sướng vật chất vừa oách cái tinh thần. Ăn mặc đẹp, ngồi máy lạnh, viết lách văn bản cứ như đúng rồi, nói tiếng Tây thõi lắm. Ngồi sa lông kiếm tiền dễ quá nên chính trị cũng sa lông mà cách mạng cũng bàn giấy.

Giá như có những luật sư, chỉ cần bắt chước phim Mỹ thôi, xuống cộng đồng làm dịch vụ pháp lý giúp dân nghèo. Giúp họ từ viết cái đơn, đến ra tòa tranh biện bảo vệ họ khỏi các chủ doanh nghiệp tham lam, khỏi các dự án bừa bãi, khỏi các nỗi oan sai. Thì dần dần người dân nghèo (đông lắm) họ hiểu thế nào là công bằng, hiểu là ai sinh ra cũng có quyền bình đẳng, hiểu là luật pháp không bỏ quên mình. Nhà nước pháp quyền cần những công dân như thế, chứ công dân không cần pháp quyền mà họ không thể tiếp cận nổi. Nếu các luật sư dám chịu khổ, bỏ văn phòng máy lạnh xuống sống với dân nghèo năm năm, mười năm, giúp họ có được cái lẽ công bằng, thì dân sẽ nuôi họ, bảo vệ họ lúc khó khăn. Cho dù cái cuộc sống ấy hiển nhiên là gian khổ và thiếu thốn, nhưng có ích cho cộng đồng, xã hội, đất nước. Xét cho cùng, sướng và có ích hơn ở trong tù nhiều lắm.












*(trích) Thời tiết đô thị - Phương Cẩm Sa (blog của 5xu), là tập hợp những bài viết trên weblog cá nhân của blogger 5xu, nay được nhà xuất bản Thời Đại, Megabooks, Alphabooks xuất bản và phát hành. Sách hiện đã có bán tại Hà Nội, và sẽ xuất hiện trên các kệ các quầy tại TPHCM, chậm nhất, là trong tuần sau. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý đọc thật!









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét