Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Nhân trường hợp một người đàn ông.




Giả định một: đây là một trường hợp giả tưởng: người đàn ông mất cả vợ lẫn con trong một tai nạn xe hơi, mà chính ông cầm lái; hằng năm đến ngày mùng tám tháng 6, ngày giỗ, ông lại đập nát chiếc xe của mình; chiếc xe được sửa lại, suốt trong quãng thời gian còn lại của năm, ông một mình thơ thẩn, như mất hồn.

Giả định hai: người đàn ông đó, là tôi.


Những giả định như là các điều kiện biên của một bài toán, chúng không tham gia việc tạo thành bài toán, cũng như tạo nên nội dung của vấn đề; chúng là cơ sở của việc giải đúng bài toán, là nơi bắt đầu của các câu trả lời có nghĩa. Như một cái liếc mắt về nơi xuất phát, những giả định là chính là căn cước của một bài viết, nó giúp người đọc định hướng suy tưởng theo sự sắp đặt của người viết, trong mong muốn tạo thành, ít nhất một, câu chuyện có nghĩa. Nhưng một khi sự tồn tại văn bản của các giả định là cần thiết, nghĩa là người viết cần phải lưu tâm người đọc về chính những giả định của mình, như một lối nói vòng, thì đó chính là sự thất bại không gì bào chữa được của người viết: cái được viết nên không đủ tường minh, hoặc không đủ sức mạnh để nhấn chìm tâm trí người đọc trong chính thế giới viễn tưởng của nó; khi người đọc có cái liếc mắt về quá khứ, cũng là lúc người viết trình hiện như một kẻ non tay, hoặc ngay cả người viết cũng thấy việc đọc là khó thể hiểu, nếu bỏ qua những giả định, như những ngọn đèn bão.



Bắt đầu câu chuyện là vào buổi hôm ấy, khi lão Trương ngồi ở băng ghế phía trước khoảnh sân trẻ con khu phố tụ tập vào mỗi buổi chiều, như thường lệ, ngây người nhìn về phía mặt trời đỏ ối đang chầm chậm chuội dần. Như thường lệ. Nắng ngày tắt dần, bóng đêm phủ xuống, đám trẻ cũng chẳng còn, lão Trương vẫn đấy, thừ người như mất hồn. Chiều nào cũng như chiều nào.

Lão Trương dọn đến khu phố chúng tôi một dạo trước, ở căn phòng nhỏ phía sau dãy chung cư cũ. Chẳng biết từ đâu đến, chẳng thấy ai khác. Lão chỉ một mình.

Lão Trương làm được mọi thứ, từ sửa đường ống rò nước, đến mở cái ổ khóa trái cửa nhà, từ coi sóc mấy cái cầu chì, đến chăm nom mấy ụ máy lạnh, từ nhổ mấy cái chậu kiểng bỏ hoang chết khô lâu ngày, đến bón phân thay đất cũng chính chậu kiểng lão vừa nhổ, từ bưng bê, cày cuốc đến lau quét, dọn dẹp, từ hết ngày này đến sang ngày khác trong cái xóm nghèo lao động này; có ai kêu, lão làm. Chẳng phàn nàn gì. Mà cũng hiếm ai nghe lão nói. Lão chẳng nói gì.

Tôi cũng chẳng mấy dịp nói chuyện với lão; những khi gặp mặt, những dịp xem chừng thích hợp cho câu chuyện đi xa hơn những đối thoại cụt lủn trong phòng tắm, và những khi nhìn vào nỗi buồn xám tro cùng cái nhìn mơ màng như nuốt lấy cả bầu trời phía trước, tôi không thể nói được gì; như buổi chiều hôm ấy, tôi lại bị đôi mắt của lão nuốt chửng, trong nỗi buồn xa xăm không gì chạm tới được. Tôi chỉ có thể nhìn lão, mang đôi mắt dửng dưng lững thững trở về, khi ngày nắng đã tắt khá lâu rồi.

Mọi chuyện bắt đầu vào buổi hôm ấy, khi tôi cho xe đổ xuống cái dốc đầu tiên, trên đường về lại thành phố. Tôi cầm lái, vợ tôi ngồi bên, con tôi ở băng sau. Tôi và vợ đang cự cãi về một chuyện gì rất căng, đến tận bây giờ tôi cũng không tài nào nhớ được, đó là chuyện gì. Nhưng chúng tôi đang rất căng thẳng. Tôi đã rất nóng giận. Tôi đã quát lên phẫn nộ, không rõ là với cô ấy hay ai. (Tới bây giờ tôi vẫn không nhớ nỗi, đó là chuyện gì.) Một lần, hai lần, tới lần thứ ba thì đến khúc quanh đó, xe tải trờ tới. Hôm ấy, là ngày mùng tám tháng 6.

Ra viện, tôi bán hết mọi thứ, chuyển đi một nơi khác; chỉ giữ lại chiếc xe hơi màu xanh, lúc ấy chẳng gì khác một đống sắt vụn. Lúc ấy, con tôi gần mười tuổi.

Hằng năm cứ đến ngày mùng tám tháng 6, tôi lại cho phép mình uống rượu, rồi trút tất cả phẫn nộ lên chiếc xe màu xanh. Lần này tôi biết tôi phẫn nộ với chính mình, với chiếc xe, lúc đó, chính là tôi. Nước mắt hòa cùng mồ hôi với men cay bốc lên đầu ngùn ngụt trút xuống chiếc xe, nó lại móp mó như một đống sắt vụn. Tôi không có ý định dừng lại. Cho đến khi mở mắt ra, đã sang ngày mùng chín. Tôi lại sửa soạn cho ngày mùng tám tháng 6 sắp tới. Rồi chiều nào cũng như chiều nào.

Tôi không thích những nỗi buồn quá lớn: nó làm chúng ta trở nên không thật; nó làm tôi trở nên không tồn tại, trong mắt lão, trước mắt lão. Nhưng mặt khác, tôi lại có phần ghen tỵ, không phải là với lão, cũng không phải với nỗi buồn đăm đắm sẵn sàng nuốt chửng bất cứ ai trong mắt lão, mà vì lão đã từng chìm đắm trong một tình yêu lớn lao đến vậy: một tình yêu có thể nhấn chìm tất cả mọi gì khác, cả bản thân của lão; nỗi hoài nhớ chính là giá trả lớn lao cho tình yêu đó.

Nỗi hoài nhớ của lão Trương không phải tình yêu của lão, dù từ đó, nó thoát sinh; là liên tục ước muốn tiếp tục được đắm mình trong tình yêu đó, được ngắm nhìn, được ôm ấp, được vuốt ve, và được thuộc về; không phải thế giới đã chết đối với lão, lão cũng không từ khước thế giới này; thực ra sự tiếp tục tồn sinh của thế giới của lão Trương, cái thế giới của cuộc đời trước ngày mùng tám tháng 6, chính là nguồn cơn của ước muốn trở về của lão; cuộc đời đó chắc hẳn đã rất ấm êm và ngọt ngào, để có thể giữ cho ước muốn hằng tồn, mà giả chăng có không phải, thì sự biến của ngày mùng tám cũng sẽ làm cho ước muốn trở về trở thành một ảo tượng ngọt ngào: bị cắt bỏ tàn bạo sẽ tạo ra cuộc trở về thiêng liêng; hấp lực mãnh liệt của cuộc trở về liên tục đòi hỏi lão thực hiện cuộc trở về, trong khi sự bất khả của hiện thực neo lão lại với thân xác càng ngày càng già cỗi; lão cố gắng liên tục để chối bỏ sự thật rằng sự biến ngày mùng tám tháng 6 là có tồn tại, trong khi nỗi hoài nhớ như một quả bom hẹn giờ lầm lì điểm nhịp, đến đủ ngày đủ tháng bật đánh tách: được tháo nút, mọi sự dồn nén tuôn trào. Cơn cuồng nộ lão trút xuống chiếc xe, cũng chính là cơn cuồng nộ lão đang trút xuống bản thân; bằng cách tách dời bản thân lão đồng nhất với những khung thép lạnh căm đó, lão đổ lỗi cho bản thân đã để cho sự việc đó xảy ra, theo cái cách nó đã xảy ra, mà lão chưa bao giờ có thể chấp nhận; cũng bằng cách nện thực lực xuống những khung thép lạnh căm đó, lão mong muốn hiện thực hóa hy vọng của lão trong ảo tưởng chống lại tính bất biến của thời gian: liên tục từng cú vụt xuống là từng lần mạt sát chính mình; là tiếng thét vút lên của ước muốn chối bỏ thực tại; là hy vọng quay ngược trở lại thời điểm đó: ước muốn đảo chiều vòng quay hay khát khao mãnh liệt khả dĩ thay đổi quá khứ; hy vọng của phép màu. Lão chờ cả một năm, để có thể thực hiện nghi lễ kháng cự này, vào thời khắc tiến tới gần nhất thời điểm của sự biến, nhưng sau mỗi một cố gắng, chỉ có nỗi trống rỗng đổ ập xuống; tiếng chạm kim loại chát chúa vang lên; lão càng cố gắng thì càng lún sâu vào nỗi trống rỗng của tuyệt vọng; ước mong phép màu không tàn lụi, nhưng hy vọng cứ trôi tuột theo sức lực vụt xuống chát chúa.

Rồi khi ngồi thịch xuống bên chiếc xe màu xanh, bấy giờ chẳng khác gì một đống sắt vụn, lão cũng chẳng khác mấy, với những hơi thở nặng nề cơn mỏi mệt, cùng nỗi trống rỗng choáng đầy hai hốc mắt: nỗi hoài nhớ của một người đàn ông; nó nuốt chửng lấy tất cả vào trong nỗi buồn mang ánh mắt dửng dưng, của lão.

Ước muốn nghĩa là không có thực. Những cố gắng của lão Trương nhằm làm sống lại một thế giới, thực ra chỉ khẳng định một điều: mong muốn được chết cùng với cái ngày mùng tám tháng 6, vào ngày mùng tám tháng 6. Lão không thể. Tôi biết điều đó. Tôi cũng muốn được thuộc về một tình yêu lớn lao đến vậy, dù rằng cái bóng mây mờ của nỗi hoài nhớ phía sau cũng lớn lao không kém.

Tôi không thật rõ mình muốn gì. Bằng cách cố gắng có được cái nhìn thông suốt nhân trường hợp một người đàn ông, tôi được dịp đắm mình trong mênh mông nỗi buồn của lão; tôi lại được dịp tin tưởng vào một điều khả dĩ lớn lao hơn cả con người, hơn cả cuộc đời này, và hơn cả là phù phiếm: tình yêu một con người có thể tận hiến, hay theo một cách nói khác, duy mỹ hơn và ủy mị hơn, tất cả (là) vì tình yêu; và cùng cơ hội sống lại niềm tin, nó trao cho tôi hy vọng, hy vọng về hạnh phúc. Nhưng cũng bằng cách ấy, tôi lại một lần nữa phải đối mặt với bất hạnh lớn nhất cuộc đời mình, lại một lần sợ hãi: tôi sợ hãi, vì tôi đang còn sống, trong nỗi bất hạnh chẳng có gì lớn lao hơn cuộc đời mình. Chẳng có gì. Tôi chỉ có ước muốn.



Ước muốn nghĩa là không có thực.















4 nhận xét:

  1. À, có nghĩa là đã đọc xong Vô tri!

    Trả lờiXóa
  2. đã làm xong bài tập chứ he he

    Trả lờiXóa
  3. có 1 bài tập mà nó đã chịu thua. dễ không thèm làm.:#@$%^&*()

    Trả lờiXóa
  4. ôi, tự nhiên thấy có cái tựa đề quen quen, hết hồn =))

    Trả lờiXóa