Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2010

Một chốn gọi là Nhà (*)



Trước những chuyến đi xa, người ta thường nghĩ gì?

Chắc hẳn là không biết: chỗ ở, khí hậu, quần áo, phòng ốc, giáo trình, đi lại, ăn uống, tắm rửa, mỹ phẩm, tampon, thuốc men, bệnh tật (coi như không sâu răng), rau củ quả táo bón, mỹ phẩm (chắc không nhưng mà cũng kể vào luôn cho chắc), tóc tai, dầu gội, quần chíp, đồ bơi, nói chuyện ... và cả con người nữa: không biết ở đó nó ra làm sao? Có ti tỉ thứ không biết đứng trước và hàng ti tỉ thứ không biết khác đứng sau một chuyến đi xa. Nhất là khi người ta không biết người ta có không biết gì. Nhất là khi người ta trẻ. Tất nhiên trẻ nhưng không ngu.

Tiếp xúc một nền văn hóa khác, tất nhiên là lạ, tất nhiên là sướng hơn nhiều suốt ngày nằm nhà ôm laptop thủ dâm tinh thần rồi; bởi vì nó lạ, nó mới, nó không giống thường ngày, nên nó sướng. Rất sướng nữa là đằng khác, khi nền văn minh của xứ sở diệu kỳ sáng sáng ra đường bịt mũi bằng bụi tối về kẹt xe xếp hàng như ăn kem này không có là khỉ gì khi so với nơi đó. Nhưng có khác biệt cơ bản giữa chỉ tiếp xúc và đối mặt: những du khách ngang qua thành phố lạ chỉ trong thoáng chốc sẽ không bao giờ hiểu được cái nhìn bàng bạc của những cư dân trung niên trú ngụ ngày qua ngày dong ghế ra hiên tắm ráng chiều. Cũng giống như khác biệt giữa nhúng chân vào dòng suối chảy ngược chiều con dốc xuyên rừng cuốn lên đỉnh và quăng mình vào bốn bề nước lạnh giá, trong tiết tháng mười, ở vùng địa cực, mà, nhất là khi, người ta chỉ biết bơi chứ không biết đứng nước. Éo le cực cùng!

Chẳng khác quăng mình vào bốn bề nước lạnh giá; không thể bám víu vào đâu, không thể thay đổi gì, ngoài việc nổi lên: là tự mình nổi lên hay để tự mình nổi lên; nhưng thích nghi hay thích ứng chỉ là vấn đề thời gian, dù trong tập hợp các thói quen mới làm quen đó khả dĩ xuất hiện thêm một thành viên không thường trực nhưng xuất hiện khá thường xuyên: cơn nhớ. Như sau buổi tiệc muộn, giữa chừng cơn vui trở về, để rồi thấy mình đối diện với căn phòng tối và chiếc giường lạnh. Màn hình bật sáng.

Vấn đề là thời gian.

Thời gian không phải là chiếc đũa thần toàn năng, nhưng là phương thức hữu hiệu để tìm ra câu trả lời; thời gian cho ta khoảng dài của trải nghiệm, và trải nghiệm cho ta thêm cơ may, để nhìn thấy, nhìn rõ và để tìm ra câu trả lời thích hợp. Mà thích hợp luôn là một tiệm cận. Mà cuộc đời có chừng.

Mà nỗi nhớ không chừng.

Vì vậy trước khi đi xa, có lẽ người ta nên có những suy nghĩ đến khi trở về. Không phải là lên kế hoạch cho ngày trở về hay định trước một kết cục cho quãng thời gian tha hương lầm lạc: nghĩ về ngày trở về tức là ở nơi chúng ta đi chúng ta có để lại một thứ gọi là nỗi nhớ; nghĩ về ngày trở về tức là nỗi nhớ đó để lại đủ lớn lao để làm cho ta mong muốn trở về; và nghĩ về ngày trở về nghĩa là ta đang được hạnh phúc, tại đây. Chính điều này sẽ làm nhiều người khác nữa cũng cảm thấy ấm áp.

Tao không biết những chuyến đi xa có mang mày đến gần với hạnh phúc hay không. Tao cũng không thể chắc những chuyến đi xa có làm cho mày giàu có hay không. Nhưng bất kể mày làm gì hay đang ở đâu, bất kể mày giàu hay nghèo, bất kể mày là ai, một khi trong mày vang lên hai tiếng 'của mình', tức là mày đang giàu có hơn bao giờ hết. Cũng hệt như tao, khi nghĩ về mày. Và những chuyến đi xa chắc chắn sẽ cho mày cơ hội để tìm thấy một chốn gọi là Nhà.

Đó là bắt đầu của hạnh phúc. Và tất cả về cuộc đời.


Bay đi! rồi về.

P.s: Dù lên bờ cũng trần ai gian khổ chẳng kém quăng mình vào bốn bề giá lạnh, một khi đã ngâm mình đủ lâu.




(*) tựa truyện ngắn của Phan Việt.


8 nhận xét:

  1. bác đi xa cần tampon à ?

    -Land-

    Trả lờiXóa
  2. dùng làm cafe hay trà gói à ?

    -Land-

    Trả lờiXóa
  3. chỗ bạn Land có loại đó à? bữa nào cho mình vài cái, về xem chơi chứ chẳng dám dùng.

    Trả lờiXóa
  4. ngoài lề chút: thôi, đừng để chơi không. phí! cho chị. chị hứa, chị dùng.

    ngoài lề chút nữa: vừa đọc entry vừa nhắn tin.

    trong lề: bài này cứ như bạn vừa viết vừa dứ dứ trước mặt mình, không bảo gì nhưng tự hiểu: này, thấy không?

    Trả lờiXóa
  5. có đứa bạn ngồi cạnh nè.

    Trả lờiXóa