Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Trước tiệc ăn cưới



1, Chờ đợi là một ẩn dụ. Khi ở trong tình cảnh chờ đợi thì cái giữ cho người ta chờ đợi và tiếp tục chờ đợi không hẳn là cái sự kiện đang được chờ đợi, mà chính là những gì xảy ra tiếp theo. Ví dụ như đọc sách: thực tế cái giữ người ta tiếp tục đọc không hẳn là mong muốn tiến dần tới sự xúc động hay dấu ấn về mặt cảm xúc hay sự mở rộng hiểu biết, đơn giản chỉ là sự tò mò. Cái gì tiếp theo đây?

Do đó, nói là đang chờ đợi cái gì đó thực ra là thái độ phủ nhận nhẹ nhàng cái mong muốn. Điều đó không có nghĩa là không có mong muốn; ngược lại bằng việc tạo nên khoảng cách giữa ý nghĩa bản thân hành động với cái mong muốn, qua đó phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa chúng, tức là người ta đang trì hoãn - vì lo sợ, rất có thể, hay ở góc nhìn khác, đang nói rằng 'tôi muốn'. Đây không phải là nói dối. Vì cái mong muốn chưa xảy ra, và người ta đang hy vọng.

Hoặc là không rõ cái mong muốn hoặc là một kẻ đại ngốc với niềm hy vọng to lớn, còn lại, phần nhiều, chờ đợi là lời tự dối.


2, Con người đang chờ đợi điều gì trong cuộc đời dài rộng mà cụt ngủn này? Ai là người đang chờ đợi và ai là không? Không thể chắc được: nhiều lúc nhìn vậy nhưng chả phải vậy, có khi đang chờ đợi cái gì mà cả bản thân cũng không hề biết cho tới lúc vỡ chuyện thì cứ vỡ òa. Cuộc đời vô chừng mà con người khó lường.


3, Thời gian chờ đợi trước tiệc ăn cưới thật là vô ích. Tôi đã tự dối mình hằng chục lần và có lẽ còn dài dài những lần nữa: ngó đăm đăm lên chùm đèn sáng và phớt lờ niềm vui đang đốm đốp va vào nhau khắp chung quanh; nghi lễ chúc phúc lại được dịp chảy tràn. Không có quyển sách nào cầm theo.

Sự khó chịu ở các tiệm ăn cưới không phải là sự nhốn nháo và lạo xạo không ngừng của đám đông trong khán phòng; cũng không phải phần nghi lễ trình diễn được lặp đi lặp lại từ nơi này sang nơi khác; hoặc các bạn MC lúc nào cũng chực reo lên vui mừng như mới vừa lên đỉnh cũng không. Tất thảy chẳng là gì, khi so với thảm cảnh phải nhìn vào những gương mặt xa lạ chung quanh mà nói những lời chúc mừng.

Bởi vậy ở các tiệc ăn cưới là thời gian tốt nhất để nhìn lên các chùm đèn sáng. Điều đó thật dễ chịu, tôi không có gì để chờ đợi. Cho đến khi ánh điện phụt tắt và tiếng nhạc trỗi lên. Sắp được ngủ rồi.


[4', Bọn nhà văn là bọn đểu. Cần phải dè chừng. Khả năng bịa chuyện của bọn nhà văn là khá hoàn thiện, xét về mặt chân thật, bọn nhà văn là bọn có khả năng tạo ra những câu chuyện bịa hoàn toàn mà cũng thật hoàn toàn. Mà làm được điều đó, ngoài cái phần tài năng ngôn từ lẫn cái phần làm việc chăm chỉ, điều quan trọng nữa là cái mà người đọc mong muốn. Tức là phần nào chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho sự chân thật của một câu chuyện bịa thành công của bọn nhà văn: chúng ta vốn đã tin một nửa rồi. Mà để bịa không nhất thiết phải là nhà văn thì mới chân thật.


Vì vậy, nhân loại hãy cảnh giác!]


4. Có thể là tôi nhầm. Có thể tôi đang chờ đợi.















6 nhận xét:

  1. lần sau đi ăn cưới nhớ mang theo sách; chỉ cần có mặt là vui rồi không cần phải ăn đâu nên có thể đọc cả trong khi chờ đợi lẫn khi [mọi người] ăn. vừa đọc vừa lẩm nhẩm, tớ béo ú, tớ béo ú:)

    Trả lờiXóa
  2. béo ú không ăn thì mẹ béo ú buồn, mà mẹ béo ú buồn thì khó lường lắm

    Trả lờiXóa
  3. béo ú lớn rồi mà còn nghe lời mẹ dữ vậy hả? Vậy chừng nào béo mới lớn được đây :D

    Trả lờiXóa
  4. má ơi, nó hiện lên nặc danh mới ghê chứ,
    ghê quá ghê quá :D

    Trả lờiXóa
  5. ra anh Phú khoái em đu đèn chùm hơn dây điện à he he

    Trả lờiXóa