Thầy dạo này trở bệnh. Chuyến ra bắc ngắn ngủi máng thêm lên cơ thể người già - vốn đã đủ thứ bệnh - cái vẻ phạc phờ của người mới ốm dậy, hay gương mặt trở về của kẻ sau chầu bia vã. Mà dạo này thầy không bia, dạo này thầy không khỏe: đến cái lúc mà vòng quay đã xoay đến lúc như tôi bây giờ đấy, các anh chị chưa hiểu đâu, thì thế giới của mình chỉ toàn có chết và chết; người quen thì chết dần, mà những chuyện có thể nhớ được thì cũng toàn về người chết, hoặc chết quá nửa. Nhiều khi ngồi nhớ lại hồi xưa, quay qua quay lại một hồi mới ớ ra mình đang nói chuyện với người chết. Thế đấy.
Dĩ nhiên thầy không có bất cứ can hệ gì với trần truồng.
Dĩ nhiên tôi không đùa. Dấu ấn kỷ nguyên hậu hiện đại phản ánh trên các mặt của đời sống đương đại; viết, không tránh khỏi, trở thành tiên phong hay ít nhất là chỉ dấu rõ nét nhất của cái chủ nghĩa sinh-ra-bên-lề trong thời đương đại gấp gáp hối hả của thông tin. Phải mất khá lâu, từ lần đầu tiên bắt gặp, tôi mới dần hiểu ra: hậu hiện đại không phải ý chỉ thời đại tiếp sau (modern time); chúng ta luôn sống trong thời hiện đại (present day). Giống như một kháng lực chống lại cái tốc độ đến phi thường của cuộc sống dư thừa vật chất mà vội vã thời gian. Giống như là cách người ta tìm kiếm cho cuộc đời mình một ý nghĩa của tồn tại. Mà có cần phải có không? Ý tôi là cái ý nghĩa của tồn tại ấy? Người ta có cần lý do đâu, để nâng ly mà uống.
Tôi đang nói về con cá, và tôi thích biển. Không phải bởi vì biển có cá, cũng không phải vì những chú cá nhỏ luôn hướng về biển như biểu tượng của khát vọng vượt vũ môn: biển luôn dữ dội và cá có thể làm món nhậu. Nhưng món cá không phải là món nhậu phù hợp nhất, cũng vậy, cá gỗ chưa thể là điển hình (không phải kinh điển) cho những cuộc nhậu không cần gì cả. Có người thậm chí chỉ cần một hột đậu phộng rang cho vào dĩa nước mắm để giữa những đợt nâng ly người này thay người kia lần lượt mút hột đậu phộng thay mồi, rồi khi ai đó quá say mà lỡ nhai cả hột đậu phộng duy nhất thì chỉ cần thay bằng hạt sỏi thôi thì bữa vui vẫn tiếp tục. Quan trọng là vui và đáng nhớ. Mặc dù phút giây vui vẻ ngắn ngủi đó có thể nối tiếp bằng cả ngày dài vật vờ như thể bỏ quên cả mặt và não trong lưng quần, nhưng biết làm sao được, ăn ký ức - uống nghĩa tình: biết bao nhiêu cho đủ? (*)
Ký ức mang trá, chưa kể đến thời điểm những vòng xoay dần về cuối, thì những hồi ức chỉ làm người ta khó chịu: càng quay lại với quá khứ, chúng ta càng nhận ra mình cô đơn đến mức nào. Không hẳn là tệ. Như bản thân viết là một quá trình cô độc, theo nghĩa tồn tại một sự cách biệt tương đối hoàn toàn với mọi tác động chung quanh trong chừng mực anh ta cho phép; ngược lại khi anh ta hưởng thụ điều đó, tức là anh ta cho phép mình đắm chìm vào thế giới của những suy tưởng, những hình ảnh, những gì có nghĩa và làm cho anh ta trở nên có nghĩa, tức là người viết hoàn toàn không cô đơn, dù cho sự nội-giao tiếp lúc này chỉ có thể phần nào tồn tại thông qua sự viết; thế giới đó chỉ thực sự bước vào tồn tại khi có người đọc lên, dù chỉ phần nào: Cần hai người để hát lên bản tình ca duy nhất, nhưng bản tình ca vĩ đại nhất chỉ thuộc về một người. Chỉ bản thân một người, thế thôi.
Như thế không có nghĩa là không tồn tại tình yêu giữa hai người yêu nhau hoặc những người họ cưới nhau (rồi) không có yêu nhau. Thực tế, các cuộc hôn phối vẫn diễn ra hằng ngày mặc cho ngày ngày người ta vẫn mãi kêu gào tình yêu cho một cơ hội. Họa chăng có trời mới biết hôn nhân và tình yêu cái nào có trước cái nào không, hay cái nào không có cái kia có có không? Tuy vậy, chỉ để cười thôi thì đơn giản lắm. Đơn giản như nghe mẩu chuyện giữa hai người bạn cùng có chung bạn là thằng Hưng, thằng Hưng với con Phấn mới cưới. Một bữa nọ đứa này gọi cho đứa kia hỏi số con Phấn. Đứa kia giãy nãy, mày có chuyện gì sao không hỏi thẳng thằng Hưng. Đứa kia nói, tao gọi con Phấn nói chuyện thằng Hưng. - Chuyện gì mày không nói thẳng với thằng Hưng được hả?. - Không được, chuyện này phải nói với con Phấn. - Chuyện gì mà mày hông nói được với thằng Hưng mà lại đi nói với vợ nó? - Ừh, chuyện về thằng Hưng, mà mày có số con Phấn hông cho tao xin? - Liền giờ hả? - Ừh, gấp lắm rồi. - Gấp lắm hả? - Ừh, gấp lắm, mày có số hông cho tao xin? - Ừh, tao hông có. - (!@#%@#%@^@$^% - cố bình tĩnh) Rồi mày biết ai có số con Phấn hông chỉ tao hỏi? - Biết. - Ai? - Hỏi thằng Hưng.
Tôi cá rằng bạn sẽ phải cười bò cả ra. Còn không thì bạn xứng đáng là con bò cười:
Cảnh sát ba nước: Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam cùng tham dự cuộc thi Cảnh sát Giỏi nhất hành tinh.
Ban giám khảo dắt đại diện ba nước đến trước rừng Amazon, thả một con thỏ vào rừng, rồi ra đề: Ai tìm ra con thỏ trong thời gian ngắn nhất sẽ được trao giải Nghiệp vụ số một thế giới.
Người Mỹ vỗ đùi đánh đét: "(thực ra là tiếng tây nhưng tui dịch thẳng ra luông tiếng ta) Để tao!", rồi rải chip khắp rừng. Bốn tiếng sau không một con chip nào phát hiện được (một) con thỏ.
Người Trung Quốc thấy vậy, cười he he, rồi cử một triệu, ít quá, mười triệu người vào rừng, dắt theo hai mươi triệu con chó săn (cỡ này lấy thịt đè thỏ thỏ cũng chết vì hôi). Tám tiếng sau, cũng không phát hiện được (một) con thỏ nào.
Người Việt Nam không nói gì, lẳng lặng nhìn nhau, rồi cử hai anh cảnh sát đi vào rừng. Chỉ hai người thôi, và trên tay mỗi anh cầm chỉ một con dao. Năm phút sau, hai ảnh dắt ra một con gấu, máu me bê bết. Con gấu đến trước mặt ban giám khảo khóc lóc ỏm tỏi huyên náo cả một góc rừng. Nó vừa mếu vừa nói: "Mấy anh ơi, bắt em đi, em là thỏ!, em là thỏ!, em là Thooooooooỏ!"
Rốt cuộc thì con bò ở đâu?
đính chính lại là hạt điều, không phải đậu phộng, nhé, vì hôm qua mới gặp thằng bạn nhậu năm xưa, nó xác định là hạt điều, hehe
Trả lờiXóacòn mút sỏi là còn kinh điển he he
Trả lờiXóa