Thứ Năm, 30 tháng 12, 2010

Nỗi nhớ làm quà



1. Có tiếng chim hót.

Vẫn tiếng chim hót. Tiếng chíu chíp chíu chíp của lũ chim buổi sớm: "Chúng làm gì vào giờ này? Mở tiệc chắc?".

Vẫn tiếng chim hót. Buổi sáng không biết đã tới chưa.

Vẫn tiếng chim, hót.

Không thể tiếp tục kéo dài giấc lỡ cỡ, nó ngồi dậy, vẫn nguyên trên giường, vén màn và liếc nhìn đồng hồ: 3g vào buổi sáng, ngoài kia trắng xóa tuyết, ngày thứ hai sau kỳ nghỉ. Vẫn tiếng chim kêu.

Căn phòng tối. Ánh sáng phía bên kia chỉ đủ làm hửng lên một khoanh nhỏ phía bên này tấm màn dày. Đủ để nhìn rõ bên này đầu giường và nhận ra chiếc sofa bên dưới bệ cửa sổ. Còn lại, căn phòng vẫn tối: 3g sáng vào ngày thứ hai sau kỳ nghỉ, bên ngoài tuyết trắng xóa; và chim vẫn kêu.

Nó vẫn nguyên trên giường. Hay là mình mơ tiếp?

Vẫn tiếng chim kêu.



2. Giấc mơ có lẽ là một kênh giao tiếp lạ lùng giữa tiềm thức và ý thức. Có lẽ giao tiếp khá hữu hiệu; mơ thường có để lại ấn tượng thực thể khá đậm nét: người ta có thể không nhớ, một chút gì, về giấc mơ mình, nhưng người ta, phần nhiều, có nhớ mình đã mơ.

Theo các giả thuyết phân tâm, mơ là cách thức để phần tiềm thức vô thức phát tín hiệu thông báo đến phần hữu thức của ý thức một cách vô thức. Qua đó, phần vô thức tưởng chừng là ngủ yên, thực chất là không ngừng đón nhận các tác động kích thích, cả từ bên ngoài lẫn bên trong, rồi khi hoàn cảnh cần kíp nào đó, phát tín hiệu hiệu chỉnh đến phần ý thức, thông qua giấc mơ, khi ý thức dường như đã ngủ yên.

Những hoàn cảnh cần kíp như thế nào thì sẽ kích thích được phản ứng đỏi hỏi điều chỉnh của tiềm thức lên ý thức thì chưa biết được. Nhưng có thể giả thuyết rằng, khi những tác động từ chung quanh mạnh lên vượt quá ngưỡng nào đó của tiềm thức, khi tiềm thức trở nên bất ổn, thì các tín hiệu báo động sẽ được phát đến ý thức nhằm đòi hỏi, hay nói đúng hơn là kêu gọi sự chú ý để thực hiện điều chỉnh nhằm tái tạo cảm giác an toàn. Hoặc là các cố gắng xoa dịu cảm giác bất ổn: theo hướng thực hiện các hành vi thay thế.

Có thể đó là người cha hút thêm một điếu thuốc trong lúc chờ trước cửa phòng cấp cứu, có thể là không ngừng rung đùi khi phải trong thế đối mặt với con-cái xinh đẹp, và cũng có thể là không ngừng nói nhảm khi buộc phải trả lời những câu hỏi không muốn trả lời, cái này là nói nhảm. Nhưng trên hết thảy, con vật người, hay còn gọi là vượn trần trụi, trong phạm vi những hành vi thay thế đó, đã vươn xa hơn tất thảy các giống loài khác: khi bất an, người ta có thể làm thơ.



3. What kinda hell is this world gonna be when the rocking stops rolling?

ngữ ở trên dịch sang tiếng Tây nghĩa là: Que l'enfer est un peu ce monde va être quand le balancement cesse de rouler?

còn dịch sang tiếng ta nghĩa là: Cái thế giới này sẽ thành cái con mẹ khỉ gì, khi tiếng nhạc (rock) tắt tiếng (gào thét)?

(tất cả bản dịch được hoàn thành nhờ vào sự trợ giúp của google translate, bảo cho các bác khỏi phải nhắn. còn câu tiếng ta thì được chép lại có sửa soạn từ một nguồn cố tình giấu tên mà còn giấu cả mặt.)



4. Chiều vắng mây, mặt trời đỏ hun rát lưng những chiếc bóng vút nhanh trên xa lộ. Những chiếc bóng xiên, càng về chiều càng đổ dài trước mặt. Những chuyến xe cuối ngày, càng tối trời càng thêm hối hả.

Băng qua những cung đường vắng hoang sơ hai bên chỉ thấy bóng cỏ lút cao xơ xác; băng qua những cây bàng sum suê mà khí trời mùa không đủ lạnh miền nam không kịp tuốt hết lá, chỉ kịp để lại lác đác vài ba chiếc lá đỏ; băng qua những cây gòn cao vút táng vươn rộng trụi lá, lúc lắc những quả trong nắng chiều. Không khí trong lành và có phần quen thuộc.

Của chiều cuối năm và tháng ngày chờ Tết. Của đường về nhà.



5.

Những kẻ mặt lạ đến từ phương xa
có nỗi nhớ làm quà.


















6 nhận xét:

  1. Công nhận là Google dịch số 3 vậy thật ^^

    Băng qua những chiều cuối năm mà chẳng thấy có chút không khí cuối năm tí nào, biết là mình đã thoát ra khỏi sân si rồi :))

    Trả lờiXóa
  2. đã cố giấu rồi còn lòi ra :))

    Trả lờiXóa
  3. Giấc mơ có lẽ là một kênh giao tiếp lạ lùng giữa tiềm thức và ý thức. Có lẽ giao tiếp khá hữu hiệu; mơ thường có để lại ấn tượng thực thể khá đậm nét: người ta có thể không nhớ, một chút gì, về giấc mơ mình, nhưng người ta, phần nhiều, có nhớ mình đã mơ.

    Trả lờiXóa
  4. Mr QT phải là Mr CuTie không í nhờ?

    Trả lờiXóa