Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

Những kết cuộc



1.

Không thường khi tôi nhận ra mình đang đọc sách. Hoặc một sự kiện bất chợt, một diễn tiến không ngờ, một kích thích lôi cuốn, hoặc bất cứ gì thảng nhiên xuất hiện giữa chừng cuốn văng tâm tưởng khỏi những dòng chữ trước mặt, mặc cho mọi cố gắng chú mục của tôi nhằm hướng tâm trí vào giữa những trang sách; rất khó giữ được sự tập trung gói kín trong các toan giấy mở. Điều đó có nghĩa là khả năng hoàn toàn tập trung của tôi là kém. Hoặc liên tục bị quấy rầy, bị ngắt quảng, bị nhản ra khỏi cái hiện thực mà tôi đang cố công dán mắt vào; hoặc, một cách mơ mộng và ngây ngô, cái thế giới tôi đắm mình vào hiện lên quá sống động và thực thể tôi không hoàn toàn lưu ý đến trang giấy đang mở ra trước mắt. Mặc dù thiên về thực tế có quá nhiều tác động kích thích dễ dàng làm sao nhãng việc đọc, cũng một cách dễ dàng, tôi nhận ra bản thân đã từng trải qua những khoảnh khắc của sự không tồn tại: vào lúc mà hóa thân trở thành một biểu đạt giảm nhẹ và tất cả mọi sự hiển hiện như thể chúng thực sự tồn tại, và tôi thực lòng tin vào điều đó: tôi thực sự đã thấy chúng; vào lúc đó, bản thân cuốn sách, bản thân việc đọc hay ngay cả bản thân chính tôi cũng không còn tồn tại.

Đó có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng, hoặc mơ mộng hão huyền. Tôi không rõ. Nhưng cảm giác đọc một quyển sách tuyệt vời đến thế, một quyển sách có thể khiến cho tâm trí lơ lửng trên những tầng mây, khiến cho bản thân trở nên phấn chấn, khiến cho sự tự tin và lòng quả cảm như mực nước mùa nổi dâng ngập lòng người đọc; hay một cách giản tiện, đọc một quyển sách tuyệt vời cho ta một cảm giác hoàn hảo.

Tôi tưởng tượng những khoảnh khắc này là những mảnh vỡ hoặc mảnh vụn rải rác trong cuộc đời. Nếu một người bằng cách nào đó có thể thu nhập được hết và gắn chúng lại với nhau người đó có thể sở hữu một giờ hoàn hảo hoặc thậm chí một ngày hoàn hảo. Và tôi nghĩ rằng trong giờ hoặc ngày đó người đó sẽ tiến lại gần hơn với điều bí ẩn: làm người là thế nào. Nó giống như lướt qua thiên đàng.


2.

Thoạt nhìn có vẻ không có gì chung, nhưng về bản chất, siêu anh hùng và người viết đều là những kẻ mơ mộng với niềm tin ngây thơ và nhiệt tình thuần khiết. Nhận xét này không dựa trên những dạng năng lực siêu nhiên cũng như khả năng chiến thắng siêu việt của người hùng, cũng không phải là một cách nói mỉa mai về sự tồn tại thực sự của những cá nhân anh hùng, cũng không phải là nói về giấc mơ. Nó phát xuất từ bản chất của hành động: là người hùng chỉ có thể với niềm tin thánh thiện và nhiệt tình chân thành đối với cái thiện, đối với điều tốt của một đứa trẻ. Không có sự tinh khiết bất-vụ lợi trong động cơ hành động thì người hùng chỉ là lớp vỏ đạo mạo nhằm che đậy một động cơ lợi ích thật sự phía sau. Mặc dù vậy, những hoạt động kinh tế không thể gói ghém hết ý nghĩa của cuộc sống, hoài bão sâu xa của người đời không thể thu gọn vào sự sở hữu một số tiền ký thác tại nhà băng. Đó cũng là cứu cánh của người viết; viết là khởi tạo những giấc mơ.

Dẫu vậy, cũng như mọi sự khác, người viết hay là người hùng đều không thể khước từ một chung cuộc vĩ đại: tất cả rồi sẽ qua. Có chăng sự tồn tại của tính anh hùng có thể và sẽ được kéo dài dưới dạng này hay dạng khác trong một nỗ lực nhân danh cái đẹp. Viết, dù thế, mang tính cá nhân sâu sắc hơn, sẽ là cái tiêu biến trước nhất, cũng như giấc mơ quên lãng của dân tộc mình.

Chuyển từ một đời sống dã man đến văn minh bằng cách theo đuổi một giấc mơ, rồi đi xuống và tiêu vong ngay khi giấc mơ ấy đã mất sức mạnh, đó là vòng đời của một dân tộc.


Điều còn lại là những câu chuyện kể.



9.


Con người sinh ra trong một thế giới ác nghiệt và tàn nhẫn những cũng là một thế giới đẹp đẽ thần tiên. Đời sống có ý nghĩa gì chăng hay là vô nghĩa? Cũng như tất cả các vấn đề siêu hình, có lẽ cho là vô nghĩa hay có ý nghĩa cũng đều đúng cả. Nhưng tôi thích niềm hy vọng rằng cuộc đời có một ý nghĩa, đứng trước hư không người ta chấp nhận cuộc đời và con người chiến thắng.



Viết, xét cho cùng, là để lại những giấc mơ.



















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét