Năm dần về cuối, thành phố dời qua vài đợt lạnh cuối mùa gió, những loạt hoa sữa được dịp lại nở tràn. Buổi tối ra đường rụt rè thở lén lút, không dám hít mạnh hơi dài, sợ những chùm hoa sữa ẩn mình: ngộp chết. Lại mơ màng nhớ những quãng mùa hoa sữa thoang thoảng thơm mơ màng. Như vươn trên nếp áo gấp. Lại một điều gì không thực.
Có khi đưa mắt nhìn lên trời, giữa chật chội ánh sáng của thành phố lấp lánh đèn màu, cố nhìn sâu vào màn đêm thăm thẳm, như muốn tìm ngôi sao nào mang tên mình. Trong lòng tự tấu lên một khúc nhạc thiết tha. Bầu trời ở đâu cũng vậy; Tình yêu ở đâu cũng vậy.
Carl Sagan đã làm được một điều tuyệt vời. Ông kể lại một câu truyện (một cách) đơn giản về những biên giới xa xăm của trí tưởng tượng. Bằng tất cả tình yêu với bầu trời và những gì thuộc về nó. Và xa hơn nữa.
Cũng như hầu hết những nỗ lực khác (nhằm) vươn tới đại chúng của giới khoa học-hàn lâm, cuốn sách của Carl Sagan vẫn còn đôi chỗ đòi hỏi những hiểu biết mang tính kỹ thuật mà vốn không mấy thân thuộc với người đọc bình thường: về hiệu ứng tuế sai trong chuyển động các hành tinh, về đường đi biểu kiến của mặt trời, về hiện tượng dịch chuyển đỏ, về cơ học lượng tử và các thí nghiệm giả tưởng ... để có thể hiểu được thấu đáo và trọn vẹn câu chuyện, để nhìn ra được vẻ đẹp ẩn sâu trong những thế giới xa lạ. Bởi vậy, cuốn sách có những đoạn đọc chán không tả được. Nhưng cũng có những đoạn đọc sướng không tiểu thuyết nào (đọc) sướng bằng.
Như nguồn gốc sự sống của hôm nay, lại phát xuất từ trong lòng những ngôi sao rực sáng ở tận những vùng thiên hà xa xôi. Như là mặt trời cô đơn, tự mình rực sáng chờ đến ngày tắt ngóm. Như bầu trời là con đẻ của sự sống.
Sự tồn tại của loài người, đem so với vũ trụ, chỉ như một hạt bụi lơ lửng bay ngang qua bầu trời. Chỉ một chớp mắt. Vĩnh cửu là không có thực.
Vũ trụ, Carl Sagan, Nguyễn Việt Long dịch, là một trong những cuốn hay nhất trong dòng tiểu thuyết phi-hư cấu của 30 năm vừa qua. Là cuốn sách của ước mơ tuổi nhỏ và sự huyền diệu của trí tưởng tượng: Chúng ta sẽ chẳng là gì nếu không từng hỏi tại sao; Cuộc đời sẽ chẳng còn gì nếu không dám hỏi vì sao.
Ở một chiều kích khác, Michael Sandel theo đuổi lý tưởng công bằng, thông qua trình bày những phương cách lý tính tiếp cận các chủ thuyết công bằng cùng nhược điểm của chúng nhằm trả lời cho câu hỏi: công lý là gì và những gì đáng tự hào. Nói một cách khác, đây là hành trình đi tìm lý tưởng đạo đức: cho một lợi ích cao cả hơn cuộc sống (vụn vặt và tuỳ tiện) của mỗi người. Không gì sánh được với một lý tưởng đẹp, và điều này rất đáng sợ. Nó gợi lên ký ức về những ngày đầu của chủ nghĩa cộng sản-phát xít. Dẫu vậy, Phải trái đúng sai, Hồ Đắc Phương dịch, vẫn là cuốn sách về đạo đức đáng đọc.
Nhưng tuyệt nhiên chúng không phải là cuốn sách của năm. Cuốn sách của năm không phải của tôi, nó là của bạn. Khi bạn chọn lấy một cuốn sách và lật giở từng trang, khi bạn đong đưa từng dòng chữ trong đầu và nhẩn nhơ tâm trí lướt qua những câu chuyện trong đó, và khi cuốn sách gấp lại là như ngân lên một nốt dài xao xuyến. Như tự tấu lên trong lòng một khúc nhạc thiết tha.
Đó là lúc bạn trở thành cứu tinh cho vương quốc trí tưởng tượng của mình và nó xứng đáng là cuốn sách của năm.
Vì cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới nhưng cuộc đời sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi trí tưởng tượng của một đứa trẻ.
Mà Vương quốc của trí tưởng tượng vốn đang lâm nguy rồi.
- Cả hai ông trong thời gian viết cuốn sách của mình, đều đang là Giáo sư.
chẳng có gì nguy cơ hết vì không phải chỉ có một vương quốc của trí tưởng tượng mà có cả một dải ngân hà của trí tưởng tượng.
Trả lờiXóalý thuyết đời nhau quá, một dải ngân hà tưởng tượng làm x gì nổi
Trả lờiXóasao hông nổi, có gì mà hông nổi, Kim Jong-un là cho mày coi :))
Trả lờiXóa