Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

beth, what can i do



1. Bữa giờ bị ám. có lẽ là do thói quen nghe nhạc vòng của mình, nên đôi khi đương không trong đầu tự động phát đi phát lại một đoạn nhạc, hay một câu hát nào đó, có khi chẳng phải là cái mình thích, chỉ là tự động nó nảy ra rồi cứ thế tua đi tua lại thôi. lần này là tới bài trên; chỉ hai câu, như chờ sẵn trong miệng, để nhảy xổ ra bất kỳ lúc nào: beth, what can i do?

nhưng nói cho cùng, việc bị ám như vậy, đôi khi không phải là xấu. tức là, cũng có khi hữu dụng. ví như dạo gần đây tôi liên tục nhớ ra những gì mà tiềm thức gọi là quen thuộc. có thể là một đoạn nhạc, có thể là một cái tên, hay cũng có thể là một khuôn mặt, v.v.. không biết có thực thế không, hay đó là những dị bản của ký ức được tạo ra bởi sự chồng chập các mảnh rời rạc của trí nhớ, nhưng trước hết, việc có thể tìm ra câu trả lời và có thể tin được đó là câu trả lời là một cái gì đó khá thoải mái. ý tôi là, như thế sẽ thoải mái hơn nhiều suốt ngày cứ phải đau đáu trong đầu một câu hỏi không mò đâu ra câu trả lời: nhìn mặt quen quen, gái đó gặp đâu rồi ta?

Mà dính tới gái thì hoang mang lắm: beth, what can i do?


2. Thế giới tự nhiên hiện ra như thế nào là tuỳ thuộc vào cách thức ta truy vấn chúng. điều này đúng cả với xã hội con người, mà các phương tiện truyền thông lúc này đóng vai trò lực lượng truy vấn. Điều này góp phần đưa chúng ta - con người, lại gần nhau hơn: những nền văn minh vốn xa xôi nay có thể xích lại rất gần nhau, ấy là nhờ sự giúp sức của công nghệ. Tuy nhiên, mặt trái của công nghệ, xét trong chừng mực là tác nhân truy vấn này, là dồn con người vào những đối mặt không hề mong muốn: chưa bao giờ con người lại có được nhiều cơ hội - như lúc này, buộc phải thấy những tội ác chống lại con người, ở khắp mọi nơi, ở bất cứ nơi nào. Nhưng trước khi thốt lên hai tiếng dã man, e là cần nhắc lại câu chuyện về những bé gái ở châu Phi. Một phái đoàn của LHQ trong nỗ lực bảo vệ quyền trẻ em đã ngăn cản việc sử dụng trẻ em vào việc trồng cây thuốc phiện tại một vùng thuộc châu Phi. chiến dịch thành công, các cánh đồng thuốc phiện bị dẹp sạch. Một thời gian sau họ quay lại, thì nhận thấy những đứa bé gái ngày trước trồng thuốc phiện, nay không còn phải làm việc bất hợp pháp trên cánh đồng nữa, chúng chuyển sang làm điếm công khai trong nhà chứa. Bài học ở đây là gì? - Chẳng có bài học nào cả, chỉ là câu chuyện giải trí giữa giờ ở một đất nước xa xôi, nơi những gì dã man thực ra lại ít dã man hơn những gì vốn được cho là có nhân tính, lại có thể trở thành cái gì đó quá sức dã man.


3. Còn quá sớm để kết luận rằng đây sẽ là một hiện tượng nổi bật trong ngành xuất bản năm nay, nhưng với những gì làm được cho tới lúc này, Sát thủ đầu mưng mủ quả là một tín hiệu mừng đối với nhiều người, nhất là những củ kiệu. Nếu lấy thời điểm truyện tranh hiện đại Nhật Bản tràn vào Việt Nam, mở đầu bằng cơn sốt âm ỉ của Doremon, thì phải mất non hai mươi năm chờ đợi, truyện tranh Việt Nam mới trình làng một cái gì đó, mà người ta có thể nói đến với một chút giọng điệu tự hào. Ngoài những ưu điểm của sự bám sát vào hơi thở của tiếng Việt 'trẻ' đương đại, của sự dí dỏm tinh tế, cùng tính thời sự của vũng lầy bầy nhầy gọi là nội chính, tác phẩm vẫn có những hạn chế mà dễ dàng nêu ra nhất chính là: các câu trong đấy, đạt được hiệu quả tốt nhất, khi được đọc lên bằng giọng Bắc.

nhưng chẳng cần phải quá lo lắng, đâu có đó, thịt chó có mắm tôm, cho dù có dã man như con ngan thì vẫn còn man rợ như con vợ, dẫu sao đây vẫn là một cuộc chơi của những người trẻ, trong cái địa hạt mà trước nay chưa ai từng, sau này ai cũng gọi tên Thành Phong: chơi nổi nhưng không nông nổi, chơi trội nhưng không lọi nhọi đòi nhoi.


4. (mục này tính viết về gender equality trong kế hoạch hoá gia đình, các tạp chí thời trang targeted phụ nữ, và các ngày lễ lạt điển hình như hôm nay 20/10, mà làm biếng nên thôi.)














2 nhận xét:

  1. mình thì không bàn đến chuyện thời sự hay ý nghĩa đen bóng lợn cợn gì đó của Tiếng Việt. Cái mình thích quyển truyện này là sự sáng tạo và trí tưởng tượng của tác giả khi vẽ dựa theo những câu thành ngữ đó. Chẳng hạn như câu 'cái khó ló cái ngu" có ai mà nghĩ đến câu chuyện thời sự "cưa bom" được dùng để minh họa cho câu thành ngữ đó đâu?

    Hoặc câu "có chí thì ghê" --> nghĩa đen rành ra đấy và hình minh họa quá đúng ròi còn gì?
    Thích mấy cái như "nghèo vẫn phải cho tèo đi học"
    Hoăc "thú vui tao nhã, giăt tả cho con" :D

    Mình không có thấy cái gì gọi là đầu độc, hay đi ngược thuần phong mỹ tục gì đó, vậy mà quá nhiều quá nhiều những phản hồi thiếu tích cực và rất cá nhân. Nhưng đau một cái là các cá nhân đó cố gây ảnh hưởng dây chuyền lên những cá nhân khác, dạng như văn hóa số đông ấy. Họ một hai chê bai độc hại nhãm nhí và đề nghị cấm? Ơ, văn hóa áp đặt đây mà. Không thích thì không muốn chia sẻ cho người khác. Họ đọc rồi nói không hay, nhảm nhí rồi kêu đừng đọc..... ah, thật là nguy hiểm vì bọn chúng... quá ngu và quá đông.

    Trả lờiXóa
  2. cớ sao lại vào đây phân trần này nọ hả la thị bải kia?

    Trả lờiXóa