Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Về đây chơi em*


*tít là thuổng từ tít một bài viết của đại ca lãnh đạo tkc
trần tình xong rồi từ từ viết.



1. Bạn tôi có một anh, tạm gọi là anh bạn. anh này sống bên bển, vừa làm vừa học, vừa học vừa chơi, vừa chơi vừa chụp hình: toàn hình phong cảnh, toàn phong cảnh đẹp. Tôi cũng khoái được như ảnh. Nhưng nhiều lúc tôi không hiểu, nhiều lúc tôi chán ngán cái đẹp của những bức hình. khi bị tước bỏ khỏi các không gian vốn có của mình, chúng còn có thể là gì ngoài những tiêu bản trơ trụi của những cuộc phiêu lưu, mà tính huyễn hoặc được tạo nên không gì khác hơn là từ niềm háo hức của ước muốn vượt thoát khỏi cái thường nhật nhàm chán của cuộc sống kẹt cứng giữa phố phường. Câu vừa rồi hơi lòng vòng; tóm lại là ảnh đẹp cảnh đẹp nhưng nhiều khi tôi không nhét mình với tưởng tượng vào đó được: tôi không thể tạm quàng mình vào cuộc đời như của ảnh được. Tóm lại lần nữa, là tôi bị đơ trước cái đẹp của cây Thông. Bởi anh này ảnh tên Thông, thế nên mới có câu: "cầm cây Thông đứng giữa trời mà reo". Tất nhiên là anh Thông này ảnh hổng biết tui chọc ảnh bên này rồi.

Tất nhiên ảnh cũng không biết, những lúc ấy tôi cứ muốn hỏi Đẹp vậy để làm gì? Đương nhiên, tôi biết, đẹp không phải là để làm gì.


2. Vào mùa bão. Sài gòn xen lẫn những buổi nắng rát mặt với những buổi mưa mờ mắt. Nội trong chỉ một buổi sáng hoặc chiều. Có khi buổi sáng gió mát lồng lộng thì chỉ một lúc sau nóng bốc khắp mặt đường. Những buổi trưa trời không mưa, ngồi trong phòng có thể nghe tiếng trẻ con của hẻm ở trần kế bên đùa giỡn. Hẻm gọi là ở trần vì lúc nào ngó qua cũng thấy, không này thì khác, người ở trần đi qua đi lại, hoặc ngồi ghế đẩu đọc báo, hoặc ngồi yên xe chống đứng, hoặc làm gì đó trong hẻm. Lúc nào cũng vậy, ít nhất là có một người ở trần đứng/ngồi/đi lại trong hẻm. Chỉ toàn là giai, các gái áo quần vẫn đầy đủ [trẻ con thì tính làm giè?].

Hoặc là khoảng đầu giờ chiều, khi bóng nắng xiên đổ từ dãy nhà bên này liếm lên quá vách dãy đối diện, tạo thành khoảng râm ngay giữa lòng hẻm nhỏ ti, bọn trẻ con xóm hành chính lại túa ra khỏi những cánh cổng lưới mắt cáo. Chúng chơi lanh quoanh ở khoảng sân nhỏ trước cửa nhà. Hầu như là vậy.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hẻm ở trần và hẻm hành chính, có lẽ là chỗ, hẻm hành chính tuyệt nhiên không có những cuộc náo động về đêm, cái mà đôi khi thỉnh thoảng lại sỗ sàng dựng đứng giấc ngủ bất kỳ ai vào những khi đêm muộn. Hoặc tiếng trẻ khóc. Nhất là tiếng trẻ khóc.

Không có hẻm cao cấp nào quanh đây, nhưng bây giờ, chắc chỉ ở những con hẻm như vậy, mới được thấy cảnh trẻ con túa ra đường chơi, dù chỉ lanh quoanh trước cửa nhà.


3. Những gì chúng ta thực sự học được lúc nhỏ, sẽ theo ta đến cuối cuộc đời; bất kể bạn là ai, có muốn hay không cũng vậy. tôi đang nói đến lúc chúng ta thực sự nhỏ kìa, cái giai đoạn mà một người đoan chính nhất quyết phải phân biệt rạch ròi, và sớm muộn gì cũng phải từ bỏ bằng một hành động cả quyết xen lẫn với (ngầm) hối tiếc: bước sang một bước, thế là họ trưởng thành. Thế nhưng khó lòng mà trả lời rạch ròi được rằng hồi nhỏ là hồi nào? Thế giới hiện đại là một hỗn độn phi-chuẩn; không phải là không có trật tự, mà đúng ra, là đa trật tự: những cuộc đời song hành, cùng với cái thời thơ ấu kéo dài của họ. Mà là của họ rồi, cho dù có nói ra cũng khó lòng biết được hồi nào là hồi nào. Cả cái mớ lý thuyết phân tâm tiên tiến nhùng nhằng của các cụ hiện nay cũng chẳng giúp ích được gì, ngoài việc, làm chúng ta tin rằng trong mỗi con người luôn có chỗ cho một kỹ tính đến độ bệnh hoạn: chúng ta điên tiềm ẩn, theo cách này hay cách khác.

Vấn đề không phải so đo xem bà mẹ đứa nào nào bệnh hoạn hơn, mà hỏi rằng chúng ta ghi nhớ được điều gì? Hay là phải chờ đến tận phút cuối cùng, đến trước khi lìa đời, thì bật dậy đọc vanh vách từ đầu đến cuối, không thừa không thiếu, không sai cả dấu phẩy, thì mới biết được cái theo ta suốt cuộc đời chìm nổi, chưa khi nào chia lìa chính là bảng cửu chương. Hay là những bài tình ca 17, ngay cả khi lơ đễnh, chỉ thoáng nghe nhạc nổi lên là hát thôi?


4. Quên là một kỳ diệu. Cũng giống như mơ, hiếm khi một người có thể nhớ mình mơ cái gì mặc dù rõ ràng là họ có mơ một cái gì. Nhưng nghịch lý là ngay khi họ nhớ ra điều quên đi đó, tức thì họ chẳng còn quên nữa, tức là họ đang nhớ, tức là họ không có quên, tức là khi họ nói họ quên một cái gì đó/ai đó, tức là họ đang nói không thật: họ đang nhớ. Nhưng nhớ đây không thực là nhớ, nó không có độ cong của thời gian khi bẻ ngược dòng chảy, tái hiện lại một cái gì đó từ trong mù mờ của những sự đã rồi; nhớ đây là gõ nhẹ kim loại vào mặt sứ, vang lên tiếng trong và thanh. Và kỳ diệu là, quên không phải là dấu hiệu của sự sa sút trí nhớ, ngược lại, quên là dấu hiệu thúc đẩy cho một quá trình hồi cố diễn ra liên tục, nhằm tái khám phá những điều mà tưởng chừng như không cần nói ra thì ai cũng có: kỷ niệm. Quên là bước chuẩn bị để làm mới những gì cũ kỹ, đưa chúng vào một vòng đời mới, tiếp tục tồn tại cho đến lúc lại bị quên đi.

Cứ thế mà chúng liên tục mất đi rồi trở lại, mất đi rồi tìm lại; trở đi trở lại hệt như vòng quay của những "huyền thoại phố phường" - chẳng hạn như, theo lời bác nhà bên, "chán như báo Nhân Dân"; vốn được sinh ra, thịnh thời, rồi chờ được thay mới: chúng không chết bao giờ.


5. Là nói về sách. Đọc là một niềm vui thích; đọc sách, đối với tôi, là tìm kiếm ấn tượng cho niềm vui thú của việc đọc, để rồi sau đó, như lần đầu tiên, mọi thứ không bao giờ còn như cũ được nữa. Bởi niềm hứng khởi chứa trong đó chính là bổn phận của văn chương, và là cứu cánh của cái Đẹp: "trao cho ai đó can đảm để đối mặt cuộc đời" (trích Suối nguồn, trang 385, phần 3 - Gail Wynand).


Và đó là điều tao muốn tặng mày trước mỗi lần đi xa.
























4 nhận xét:

  1. Tui thích bạn viết đoạn Quên quá.
    "Anh thân yêu bây giờ Sài Gòn Thu
    Cơn bão rớt chạy ngang thành phố đẹp
    Bão trong mắt nên mở thành màu tím
    Bão là mưa nên mắt ướt đợi chờ"

    Trả lờiXóa
  2. Hay quá nhưng quên chỗ nào hay rồi. :P

    Trả lờiXóa
  3. mới nhớ ra quên hay vừa quên là nhớ?

    Trả lờiXóa
  4. Ưa cái phần 2 quá thôi rồi!
    Loay hoay tìm dạo này chẳng có sách văn học, tiểu thuyết hay truyện ngắn gì của Việt Nam có được cái tả thực về cuộc sống. Sao cứ phải sa đà vào tâm lý tình cảm, rồi thì bối cảnh không thực tế, những câu chuyện đào đào đào vào nội tâm phức tạp (mà có khi đọc vào thấy là đang gồng cho phức tạp) như thế nhỉ? Chỉ muốn đọc cái gì tả thực thiệt thực về chính cuộc sống ở nơi là mình đang sống thôi. Ít nhất phải là hẻm trần nóng bốc lên khỏi mặt tường như thế này chứ...

    Trả lờiXóa