Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

lanh quoanh nhặt nhạnh



1.

Phiên bản mới của trình duyệt Săn.và.bắt hiện nay có thêm chức năng Danh.sách Đọc, biểu tượng cặp mắt kính (lão), nằm sát bên góc trái Thanh Dấu.trang. Cặp mắt kính làm biểu tượng cho sự đọc. Không biết từ đâu chui ra cái liên tưởng xem chừng quá hiển nhiên này? - Cái sự hiển nhiên cũng na ná như: con mọt sách thì đèo kính dày cộp; con buôn thì vén váy chửi xa xả; con chùa thì quét lá đa mà con vua thì vô tư ở chùa, v.v.. - Cứ thế tuyến tính thì đọc sách thì phải đeo kính, tuyến tính thêm tí nữa thì đọc càng nhiều sách thì kính đèo càng dày, tuyến tính thêm tị nữa thì những nhà thiên văn học là những người đọc sách nhiều nhất, không, chỗ này phải chữa lại, đọc nhiều sách nhất quả đất, còn khốn thay cho những kẻ sinh ra có chỗ mà không thể đeo được kính để mà đọc sách, như người mù - chả có ai dại đeo kính râm mà đọc sách cả, bọn bán bikini chúng chửi cho. Hẳn thế rồi. Hemingway nhiều râu thế kia, nói chi chúng mình.


2.

Hôm rồi được đi ăn tiệc. Tiệc thì vẫn là tiệc, nghĩa là có phần ăn, phần nói lẫn phần gói đem về. Phần ăn thì vẫn phải ăn, tức là no chết bỏ thôi rồi thiếu điều van xin lạy lục gia chủ 'cho em xin, cho em xin' nữa thôi chứ đồ ăn thì ăn làm sao cho hết. Phần nói là phần kiểm duyệt bỏ, chuyện quanh bàn ăn biết bao thứ rumour này nọ mà đòi biết là biết thế nào hả, đồ nhiều chuyện? Phần gói đem về là phần đáng nói. Bởi vì không nói thì không biết, cuộc đời sóng gió tới giờ chưa từng thấy cái bánh nào to vậy. Mà lại còn ngon - quá ngon!, mà lại còn (đang) no - khồng, quá no![ :(( ]. Thế nên cách tốt nhất bấy giờ là ăn một miếng rồi xin đem về. Tất nhiên, gia chủ không cho, phải ăn tại chỗ cơ, còn phần mang về là hẳn rồi - to như nhau - không trốn được [ :(( ]. Mà bánh lại quá ngon!!! Thế nên bây giờ chuyển sang chuyện cái tên bánh đi, đừng nói nó nữa [ mà thèm :(( ]. Chuyện là mọi người không rõ âm sau cùng của tên bánh đọc là 'su', 'sua', hay 'sư'. Riêng tôi trước giờ cứ chắc mẩm bánh này mang quốc tịch Nhật Bản, nên phải đọc là 'sư': ti-ra-mi-shư, hiển nhiên rồi.

Rồi lại hôm khác tôi đọc được ở đâu đó, bảo rằng, đại loại, riết rồi người ta không có sự phân biệt, hay ít ra chút gợn nào, khi vẫn vô tư dùng chữ tiramisu mà không cần biết nó nghĩa là 'pull me up', cứ thản nhiên - không nhớ nên tôi phịa vào - đặt cứu cánh bên cạnh cứu thương, đặt Hồ Gươm trước mắt thỏ trơ ra nhòm, v.v.. Không nhớ nên tôi đoán người viết muốn nói đến sự thờ ơ của hiện tại.

Không phải tôi lên án sự thờ ơ, hay kết tội những ai đọc dòng chữ sau mà không thấy lăn tăn gì: "Cấm đái bậy! Bố bắt được thì đừng có trách." - tôi chỉ muốn nói cái tôi muốn nói: hoặc là bố bị nam hóa hoặc là tôi bị bắc hóa, chứ nhất quyết giọng này không phải giọng bắc. Còn giọng bắc ra làm sao thì bố ai mà biết.


3.

Ngày bình thường [là ngày] với muộn phiền đan thành chiếu hoa. Đây là câu của QB, 100% là của QB, tôi chỉ chép lại với mông má một tẹo thôi. Nhưng cũng nhân đấy mà đặt thành câu hỏi không chờ lời đáp: ngày bình thường là ngày như thế nào?

Không chờ lời đáp, là vì tôi sắp sửa đáp đây: ngày bình thường là ngày mà năng lượng dao động ở trong hầu hết thời gian cũng như tại thời điểm bắt đầu và kết thúc là nhỏ nhất. Nói cách khác, tức là hệ ở trong trạng cân bằng, tức là hệ ổn định, tức là hệ có xu hướng tồn tại lâu dài trong trạng thái năng lượng kích thích ở mức thấp nhất này. Thế năng lượng là gì? Là còn tùy bạn định nghĩa hệ như thế nào.


4.

Bây giờ là đọc sách. Kurt Vonnegurt từng viết rằng việc nhún nhảy sửa soạn gởi đi một bức thư tay, nó thú vị như bạn đang nhảy nhót trên sàn vậy. Tôi không biết phải thế không, nhưng do không làm công việc liên quan đến nghệ thuật, nói trắng ra là không có làm việc luôn, nên việc gởi thư của tôi thành ra một cái gì đó lần lửa như nhóm than lò nướng vậy: đầu tiên là phải kiếm đồ đập than, sau đó là kiếm giấy báo mồi lửa, kiếm hột quẹt, kiếm cách mở bình xăng con, kiếm đồ đựng tí xăng, rồi là kiếm cái quạt điện dây cắm - đến đấy thì mới tạm gọi là xong. Nhưng có lẽ cũng chính sự trái ngược với tức thì của thư điện tử, đem đến cho thư tay cùng toàn bộ công đoạn thủ công thực hiện nó một cái gì đó mang màu sắc cũ kỹ rằng 'Bạn có thư' - you're got a mail. Ngoài ra, việc đó, cái việc gây tốn nhiều thời gian hơn rất nhiều trong thời đại này, tạo ra một ý nghĩa phụ gần như là dâng hiến đối đối với người nhận: thời gian tiêu tốn trong việc chuẩn bị càng kỹ lưỡng thì người nhận càng nhận được nhiều hơn sự trân trọng của người gởi. Điều này là hiển nhiên đúng, cả với khi người nhận không hề biết về những việc đó - hay cả với thư đòi nợ. Đây lại thêm một sự hiển nhiên nực cười nữa. Lần này Richard Dawkin sẽ cười vào mặt bạn, hay ít ra là tôi sẽ, nhân danh ông đấy, mà tủm tỉm một mình: cả những hành động thiện nguyện đều vì một phần vị kỷ trong bản thân người thực hiện. Đấy, thế mà cũng có người nói rồi, mà trước những thế kỷ, thế có cú không chứ?

5.

Lại nhặt được chỗ khác đem về, đại ý, là nói về việc trở thành học giả:

trích (không nguyên văn):

Học [/đọc] như nghịch thủy hành chu bất tiến tắc thoái. chân lý phải đi đôi với hỉ lạc, cái sự sung sướng ấy phải mạnh hơn nhiều lần cái hoan lạc, nếu không có một niềm hỉ lạc nào khởi lên thì sự học[/đọc] đó là vô ích vậy.

/hết trích.


Rốt cả đoạn trên chuyển sang tiếng mình thì ra chữ 'ngộ'. Ngộ thì có nhiều loại như: ngộ chữ, ngộ thơ, ngộ phật, ngộ sách, v.v. Trần Dần là trường hợp đang nổi hiện nay, về sự ngộ thơ. Còn Ngộ Không là một trường hợp ngộ khác nữa, đồng môn với Ngộ Năng.


6.

Hôm nay là một ngày bình thường. Tôi về nhà đúng bữa tối, mưa cũng vừa tạnh. Trời vào mùa bão, thế nên lòng người lại sắp vào mùa lá đùm lá rách. Những cơn mưa rả rích, (vì sao lại rích thì xin xem trong lưu trữ). Những đêm tối trời chỉ có màn hình con sáng trưng góc phòng. Thế nên tôi tắt máy, rồi bắt xe lên Đà Lạt, nằm thở. Có thể có ăn bánh căn và uống sữa đậu nành nữa rồi đứng ái bên Hồ Xuân Hương. Phê lòi!

Nói vậy thôi, trời mưa nên tôi sẽ đi ăn kem. Trời nóng ăn kem còn sướng nói chi là mưa. Tôi đi đến chỗ ăn kem. Tôi ăn kem và suy nghĩ. Tôi ăn em và nghĩ về cuốn sách của mình. Cuốn sách cả tôi cũng không biết viết về điều gì nhưng chắc chắn câu cuối cùng là Những ngày đẹp trời; cuộc đời tươi đẹp. Rồi chết.


Nói vậy thôi.
























2 nhận xét: