Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

Ngày này năm đó


*chủ yếu là câu view nên be bé thôi nhé.


Lâu rồi không ra Hàn Thuyên. Bữa trưa cúp điện, nên ra công viên hóng gió mà đọc sách; lúc băng sang đường thì nghe tiếng ve, liền nhớ mang máng những lần ngồi giữa công viên nghe ve kêu dềnh dàng. Không nhớ nổi năm nào ra năm nào. Định bụng sẽ viết cái gì đấy, rồi vào công viên đọc sách. Cho đến tối về nhà bật fb lên thì mới biết ngày này năm ngoái cũng đã viết một cái gì đấy rồi, giờ đọc lại, thấy hợp phết.

Sài Gòn còn tiếng ve, mùa hè còn chưa lạc?
Có một người đã khác, lưng chừng mưa thôi rơi.

Câu sau là do một chị bạn thêm vào, chị bạn vốn là người làm thơ; nói đến đây thôi là thấy bi cbn kịch rồi.


***


Fb có trò mới: chuyên mục Ngày này năm X - cập nhật lại các dòng trạng thái của một người viết vào đúng ngày này của năm X. Cùng với việc gợi lại cho chủ tài khoản những hình ảnh được lưu trữ, của chủ tài khoản hay của bạn, bây giờ là thêm phần dòng trạng thái, có mối liên kết rõ ràng với hiện tại hơn là một lựa chọn gợi nhắc ngẫu nhiên trước đó, có vẻ fb đang muốn "hâm nóng" mối liên hệ với người dùng bằng cách "hâm nóng" mối liên hệ giữa người dùng với bạn thông qua kích thích tái tương tác các tương tác giữa các đối tượng liên quan. Lòng vòng như vậy chỉ để nói hai điều: một là, internet nevers forget; hai là, cái gì quên rồi chút nữa facebook nhắc he he.

Mà có khi thế lại tốt. Trí nhớ - theo mk - vốn là những điểm rời rạc, không có thứ tự, cũng không có độ dài. Một người bình thường khi hồi tưởng, có thể phân định thứ tự thời gian của những sự kiện trong lân cận của một sự kiện ngẫu nhiên nhớ tới, như ve kêu buổi sáng mùa hè mà có ăn xôi gà là ba ngày trước buổi sáng ve kêu mà ăn mì xào chẳng hạn, trong khoảng ba năm trở lại; cố nhiên đây không phải là nhận xét có tính phổ quát. Nhưng đối với khoảng lùi dài hơn, và xa hơn về phía ngược của chiều thời gian, như mười-hai mươi-ba mươi năm hay hơn nữa, các sự kiện, lúc này, đơn thuần là một đám mây mờ được tạo nên từ vô số điểm sáng rời rạc, mà độ phát sáng của chúng là tỉ lệ thuận với độ tường minh của sự kiện tồn tại trong trí nhớ: chút ánh sáng le lói, mập mờ trong sương mù. Mà mò mẫm lọ mọ, thì dễ đi lạc.

Như khi dọn phòng, thường mất cả buổi trời có khi chẳng thể nào xong, mà đa phần thời gian tiêu tốn cho những khâu linh tinh lang tang đi lang ra khỏi việc dọn dẹp, như là nhớ. Đầu tiên chỉ là một cái gì nho nhỏ thôi, một tấm hình chụp, một tấm thiệp nhỏ kẹp giữa đống lợ nhợ giấy tờ, vài ba trang viết tay, một ít bụi ở chỗ này chỗ kia, dăm ba thứ linh tinh đã từng không linh tinh mấy, ... chỉ bấy nhiêu thôi là ký ức dắt dây đi ra chào; chỉ bấy nhiêu thôi là miên man không thể dứt khỏi mạch hồi tưởng: ngày này năm đó. Vì thế, dọn phòng là công cuộc vất vã hiểm nghèo: ba phần do mỏi, còn bảy phần do ngộp: chết ngộp trong sự chồng chập của quá nhiều thứ mà bình thường chả ai chịu (nổi) gọi là sến.

Vậy nên, phòng thì chớ nên dọn, còn sách thì tuyệt đối không được dọn (soạn ra đem tặng người cần đọc thì được he he)


****


Quyển sáng tôi mang theo đọc vốn là sách cũ. Mà hầu hết sách tôi có đều là sách cũ; sách mới ấn loát mua về còn thơm mùi mực thì tới lúc tôi đọc cũng đã thành cũ, cũng đề-mốt rồi. Hiếm lắm mới có những cuốn vừa mua về là đọc ngay, đọc cho bằng hết; lần nào cũng mang ám ảnh ít nhiều. Quyển buổi sáng này là sách lịch sử. Đọc sử thích nhất là chỗ người ta không nói điêu với mình. Nhất là với những người chép sử có tâm. Hoặc ít ra người ta khó lòng điêu được, bởi với một sự đã rồi dù cho có muốn điêu thì điêu bằng mắt thế đíu nào được. Nhưng có những chỗ, có lẽ người ta cố tình để lại dấu tích, có lẽ, vừa là để ngầm ngấm đưa ra chính kiến, vừa là để người đọc biết chỗ mà lần ra cái sự thật nằm đằng sau sự thật biết cười. Ví như câu:

Từ Đinh, Lý, Trần, Lê bốn đời xưng nền độc lập, cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.

Chỉ là chuyện vặt thôi, nhưng thường nhờ những chuyện vặt mà một người mới nhận ra bình thường mình vô tâm và hời hợt đến như nào.


***


Trong loạt bài giảng Gifford của mình tại đại học tại đại học St. Andrew, Scotland - mà sau này được chọn lọc và in lại thành sách - Heisenberg có đưa ra quan điểm của mình về khái niệm xác suất: x% của sự kiện A nghĩa là sự kiện A có khả năng xảy ra x lần trong 100 lần thử, trong giới hạn những gì ta biết được. Đây là điểm quan trọng nhất của thực luận chứng, cũng như là nền tảng triết học cho lý thuyết cơ học lượng tử của ông: thế giới tự nhiên vốn hiện ra như thế nào là do cách thức chúng ta truy vấn chúng.

Lịch sử là những thỏa ước tạm của những người cùng thời về những gì đã xảy ra. Nó vốn không phải sự thật và còn lâu mới là chân lý; nhìn trên quan điểm xác suất, thì còn lâu những cuốn giáo khoa lịch sử mới là sự thật. Nhưng ít nhất cho đến khi có những phát hiện đúng đắn mới, thì chúng là biểu trưng cho sự thật. Lịch sử là một đường tiệm cận sự thật, theo thời gian, nhờ vào nỗ lực không ngừng của con người nhằm kể lại một câu chuyện gần như là thật. Thế nên chớ ngây thơ mãi.


Lịch sử Việt Nam, cho tới nay, đã trải qua hai cuộc nội chiến. Đó là sự thật.




















1 nhận xét:

  1. Vì dám nói Cuộc Chiến Tranh Giải Phóng Dân Tộc Thần Thánh của VN ta là cuộc "nội chiến" nên sau 1975 TCS không ngóc đầu lên được đó bạn ơi. Hê hê ngồi Hàn Thuyên nhiều coi chừng nhé, chỗ đó lúc trước nhiều sâu róm lắm, con nào cũng to mập xù lông.

    Trả lờiXóa