Mà tình cảnh hôm ấy cũng thật éo le. Tôi thấy bà, khi bà đang lơ ngơ đi dọc hành lang sạch trắng của cái bệnh viện sạch bong này. Không phải tôi quá rảnh rỗi, hay là tôi chợt thú tính đâm nhiều chuyện lọ xọ chuyện kia; bà đi ngang phòng tôi, nói đúng hơn là chỗ tôi ngồi, lần này là tới lần thứ bao nhiêu rồi tôi cũng chẳng buồn đếm. Ngẩng đầu lên là tôi lại thấy bà đang trước cửa, dáo dác. Bà đi tìm toilet. Phải chi tôi đã không biết.
Bà đi tập vật lý. Sáng thằng nhỏ chở đi sớm, tập xong, bà tự bắt buýt về. Bác sĩ chỉ định mổ, bà cương quyết cãi; bà tự phác đồ cho mình: mát-xa, bấm huyệt, châm cứu kết hợp với vật lý trị liệu, và đương nhiên, cộng với cả một mớ lằng nhằng thuốc với thuốc. Ông bác sĩ quen, chồng của bà bạn, bảo: cứ kiên trì, chừng nào không đỡ rồi thì mới mổ. Con bà, thằng lớn, cũng khuyến khích mẹ đi tập, mổ hay không thì người cũng phải khỏe trước đã. Thế là bà cứ đi; và thế là tôi cứ nghe. Bà sợ mổ.
Không khó khăn gì để biết được những chuyện vừa trên, và còn nhiều hơn nữa; người già mau chuyện. Tôi ngồi trên ghế, hơi chồm người, khuỷa tay co, hai bàn tay lồng vào nhau phía trước miệng, và nhìn bà. Con người trải qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời để rồi có được những buổi gặp gỡ, những cuộc giải bày như thế này, những lần được nói, trong bệnh viện, với một người xa lạ, như chưa bao giờ? Những tảo tần và bươn chải, rốt cuộc, mang đến cho người ta cái gì khác, nếu như không kể đến một chút của cải và và một lối sống nhàn hạ hơn, thảnh thơi hơn, ít ra là về mặt vật chất: thời gian và tiền bạc dư dã cùng đồng hành với tuổi già. Ít ra, trông bà cũng không phải người vừa chạy cơm vừa chữa bệnh. Âu cũng là điều an ủi. Mà tôi cũng chỉ đoán vậy.
Tôi nói không nhiều; sân khấu chủ yếu là của bà; người nghệ sĩ già đang trong cao trào độc thoại về cuộc đời; những chiêm nghiệm theo năm tháng cứ tuôn ra, đa phần không phải là cho tôi. Chính yếu là cảm giác được nói, là dành cho những quãng thời gian đã nắm giữ chúng lại. Bà nói về con trai, bà nói về tự hào. "Của để dành của mẹ", quay qua quay lại thể nào các bà mẹ cũng nói thế; họ chán phèo theo cùng một cách.
Đương nhiên tự hào là con trai; con gái thường thích (hay có thể) tỉ tê, tự hào đó không cần phải đem khoe, phần nhiều, có gì muốn nói thì những câu chuyện nhỏ to đã lấy mất rồi. Con trai thường vô tâm, và vì thế các bà mẹ lại càng nói nhiều. Chắc là thế. Và chán phèo cũng từ đó mà ra.
Con người vốn giống nhau; các bà mẹ càng giống nhau; và các cậu con trai của mẹ lại càng giống nhau nhiều chỗ. Tôi cũng là con trai, và tôi cũng còn mẹ. Tôi ngắm bà, trong khi bà đang ngụp lặn trong ký ức. Bà có vẻ ngoài không già như những con chữ tôi miêu tả, ngược lại, bà tỏ ra trẻ trung và sinh động. Nhưng bà đúng là một bà mẹ với mái tóc điểm bạc, với cái nhìn nhăn nheo và xơ xác, vì bệnh, vì tuổi; nhưng gương mặt sẽ lại sáng rực trong hai chữ con trai. Mà không nhất thiết phải nhìn mới thấy bà rực sáng. Mẹ tôi cũng vậy. Tôi đã thấy, không biết đứa con thì sao.
Đột nhiên, tôi nhớ đến Nhiệt đới buồn: những trí tuệ được xưng tụng vĩ đại hoặc là có giá rẻ bèo, hoặc là biếu không, hoặc là lâm vào tình cảnh không có đầu ra. Nghĩ cũng buồn cười, mà cười méo xẹo. Tôi cũng không định làm chuyện này buồn ra thế này; tôi muốn nhìn thấy nó khác đi. Như cách bữa đó bà cuốn tôi vào câu chuyện của mình; buổi sáng của tôi trở thành một dòng sông, trong câu chuyện bà.
* Khuyến mãi:
- Tôi chia Cuộc đời con người thành ba quãng nhỏ; tên gọi có thể khác nhau, mốc chia có thể khác nhau, thậm chí có những người không bao giờ thấy, không bao giờ hiểu ra cái lẽ giản đơn rằng may mắn lớn nhất cuộc đời mình là may mắn được sống. Tôi không có ý chê bai gì; tôi chỉ muốn nhớ, tôi chỉ muốn viết. Vì tôi đã thấy, và may mắn cho mình, là tôi được thấy. Cái lớn lao nhất của cuộc đời không phải là vũ trụ: đó là vòng tay của người mẹ; của người con; và của người yêu. Tùy vào cơ may mà một người sẽ thực trải, và chỉ có thực trải mới làm con người thực sự là người. Tôi chỉ mới thấy, mà thấy là chỉ biết, mà biết là bước đầu tiên đi đến tồn tại. Mong vậy.
- Hạnh phúc cho những ông bố nhận ra sự lớn lao của vòng tay con nhỏ, và may mắn cho những đứa con có được khát khao làm bố, như bố của mình, một ngày không quá xa, ngay từ những ngày đang còn nhỏ.
- "Thật là đàn bà!", không biết người ta còn dùng ngữ này để nói về những người đàn bà như thế nào nữa, tôi thật sự không đoán hết được. Nhưng nếu dùng để nói về cái hạnh phúc tủn mủn và thường vặt của các bà mẹ, thì thú thật, ngay từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã có những giấc mơ bình thường như thế. Tôi con trai, và tôi mơ giấc mơ "đàn bà"; phải chăng tôi "đàn bà"?
- Nhân tiện, tôi không phải bác sĩ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét