Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Chuyện được nghe kể


*chép lại mà không/chưa có kiểm chứng.



1. Bác sĩ Erich Wulff, trong một nghiên cứu của mình, có đưa ra một giải thích cho sự thấp hơn hẳn của tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt phát hiện được tại Việt Nam so với những nơi khác - cụ thể ở đây là so với Châu Âu, phần nào đó, là do bản thân cấu trúc của ngôn ngữ mẹ đẻ được sử dụng. Theo đó, tỉ lệ tâm thần phân liệt ở Việt Nam sở dĩ thấp là do người Việt nói tiếng Việt. Câu này diễn đạt lủng củng, viết lại thành như sau: Theo đó, sở dĩ tỉ lệ tâm thần phân liệt ở Việt Nam thấp là do bản chất cấu trúc của tiếng Việt. Diễn giải ra, tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ đa-bản ngã: cùng là một người nói, nhưng lúc này là con, lúc khác lại là thằng/ả, lúc khác nữa lại thành ông/bà, lúc khác nữa lại khác nữa, khác búa lua xua. Có lẽ bởi vì như thế, mà việc sử dụng tiếng Việt vô tình tạo ra những kênh giải toả ức chế: dồn nén con cháu ở đầu này sẽ được xì ra ở dạng cha chú ở đầu kia?

Vấn đề này vượt quá khuôn khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa.



2. Làn sóng di cư của phụ nữ Việt sang Đài Loan theo diện kết hôn đang đặt ra một thách thức mới cho các nhà đương cuộc. Những phụ nữ Việt Nam này, đa phần xuất thân từ vùng nông thôn nghèo miền Tây, không biết tiếng Đài Loan, khi sinh và nuôi con tại nhà chỉ có thể nói chuyện với đứa bé bằng tiếng Việt. Trong khi đó, cha của bé nói tiếng Đài Loan. Điều này làm rối loạn khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ; những đứa trẻ có cha Đài mẹ Việt như vậy, đến tuổi đến trường, thường chậm tiếp thu, khó hoà đồng với các bạn cùng lứa. Với tốc độ xuất ngoại lấy chồng của phụ nữ Việt như hiện nay, cụ thể ở đây là lấy chồng Đài Loan, sẽ không đơn thuần chỉ là vấn đề giáo dục, mà nhà chức trách Đài Bắc có thể phải đối mặt với một vấn đề an sinh xã hội không nhỏ. Không hẳn là lớn, nhưng không hề nhỏ, và không dễ giải quyết. Trước tình thế đó, đã có những kêu gọi trợ giúp về chuyên môn lẫn nhân lực từ phía bạn, thông qua các kênh ngoại giao nói chung, hay các lãnh sự quán nói riêng. Còn về phía ta?

Vấn đề này vượt quá khuôn khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa.



3. Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp tiếng Việt. Vậy nên hay không nên nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt?

Vấn đề này vượt quá khuông khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa. :P



















2 nhận xét:

  1. làm sao để tôi có thể comment được ở đây hả cà phê, nhièu sữa quá >.<

    Trả lờiXóa
  2. đọc blog với comment chứ có ai mời uống nước đâu mà nhiều sữa với cf hả cô ba An?

    Trả lờiXóa