Thứ Hai, 9 tháng 5, 2011

Sài Gòn, ăn ngoài đường







đương nhiên là có kể cả uống mà chỉ trong tính chất của cái liếc mắt.

Thành trì của vật giá thời tiền-bão lạm phát, sau 7 năm kiên cường, bây giờ đã biến thành trụ sở ngân hàng. Thế nên điểm qua những mặt hàng khác.

Đầu tiên là mì xào hẽm Âu Lạc, đoạn từ bờ kè ra đường CMT8. Giá khởi điểm là 8000đ; thời kỳ mà cơm sinh viên, mua tại quán đối diện cổng sau trường, còn ở mức giá 13000đ nếu mua hộp mang về và 12000đ cho ăn tại chỗ, hay 10000đ thì vẫn được một bữa cơm cá chiên (cực dòn) ngon lành ở căn-tin C6; cơm (không tính thức ăn) tự do xúc bới chừng no thì thôi. Bây giờ giá đã leo lên 12000đ, sau một thời gian kéo dài qua cả Tết nằm ở mức chẵn tròn: 10000đ. Mở ngoạc. Mức giá hoàn toàn bình thường trong thời buổi cầm 2000đ ra đường thì có khi không dám cả vào gởi xe vì sợ gặp chỗ có thu phí, hoặc với 5000đ trong túi thì cấm chả dám ăn cái gì. Đóng ngoạc. Chấm xuống hàng.

Tương tự là nước mía chợ Phú Nhuận: khởi điểm là 2000đ (thế kỷ trước) cho một ly bia hơi nước mía uống tại chỗ, nay đã nhích lên 5000đ cho một ly tương đương uống tại chỗ, với nhu cầu nướcmía-to-go thì mức giá lần lượt là 6000đ/bịch hay 7000đ/ly nhựa. Ngoài ra còn có thể kể phá lấu quận tư: nguyên từ 8000đ phá lấu + 2000đ bánh mì nay nhảy lên mức 15000đ/phần; xôi gà Lê Văn Sĩ - Trần Quang Diệu: các mức giá 8000đ/hộp nhỏ, 10000đ/hộp lớn (cỡ hộp cơm hộp), 15000đ/hộp thịt đùi lần lượt nâng lên mức giá cho hộp nhỏ là 10000đ, cho hộp lớn và thịt đùi là ai-mua-thì-biết-không-ăn-không-biết; bánh mì cóc Lê Lai - Nguyễn Kiệm: từ các mức giá bình dân (3000, 5000, 7000đ/ổ) nay cũng nước dâng theo thuyền thành 10000đ/ổ với nhiều tiếc nhớ ngày xưa; càphê bệt số 6 Hàn Thuyên: vào thời điểm ba năm trước, một ly nước có giá 4000 hay 5000đ thì nay là 7000 hay 8000đ tương ứng cho một ly cf đen hay cf sữa đá, các thức khác như coca, sting dâu, C2, .... dao động từ 8 - 10000đ, có cả dừa tươi, và đó là chưa kể tiền gởi xe. Trừ càphê số 6 Hàn Thuyên - đây là một trường hợp cá biệt, sẽ có một đoạn viết riêng theo sau, nhóm món ăn (uống) vừa kể tuy có sự biến động về giá mà chất lượng hầu như (hoặc chỉ có chút xíu) không thay đổi (theo hướng tệ đi, dĩ nhiên) nhưng nhìn chung là chấp nhận
được; ăn vẫn ngon và nuốt vẫn trôi, dù khối người kỹ tính thì vẫn nhăn mặt được như thường. Thêm vào đó, một mặt ích lợi khác của sự biến động giá cả là tạo ra những huyền thoại, như là huyền thoại về ba hộp xôi gà buổi sáng mang vào phòng là cả lớp nuốt nước miếng.

Càphê số 6 Hàn Thuyên nay đã có chỗ giữ xe: trên phần lề công viên chạy dọc theo đường Hàn Thuyên. Mà chỉ mỗi hai ngày cuối tuần thôi, khi các áo xanh của thanh niên công ích giàn ra, chăn dây giữ xe, và tất nhiên là có thu phí. Những ngày thường lại xe để đấy thì vẫn phải canh cánh thường trực (bị) bắt xe như thường. Được bữa ra sớm, khi người chưa vây mà xe chưa đông, ngồi trong công viên nhìn ra hai làn dây chăn xanh, cảm tưởng như đang trong sở thú, ngồi trong chuồng nhìn ra, bên kia là người. Con gì ở trong thì bú biết.

Sở dĩ không bàn về càphê số 6 Hàn Thuyên ở trên, là bởi vì một lý do đơn giản: nó không có chút phẩm tính gì gọi là chất lượng đối với một ly cf; uống càphê số 6 Hàn Thuyên, chính xác hơn, là người ta phê cái khác. Mà phê cái gì thì chỉ người ta biết, có hỏi cũng bú biết đường kiếm đâu ra người mà hỏi.

Trở lại với ăn (và uống). Nhóm vừa kể dù sao vẫn còn dùng được, tức là ăn vẫn ngon mà nuốt vẫn trôi. Nhóm sắp nói đến đây là những nỗi thất vọng to lớn cho niềm tin của người tiêu thụ. Đầu tiên là cháo lòng Phan Đăng Lưu: chẳng những có bước nhảy về giá (10000đ lên 15000đ) mà còn là bước sụt về lượng (một thể loại cháo lỏng bỏng nước thay cho một phần từng là cháo với lòng ngập mặt). Hay bánh mì Thích Quảng Đức: sự thay đổi nhỏ về lượng (tăng thêm 2000đ) kèm theo sự biến đổi nhẹ về chất (số lượng các miếng chả, thịt nguội giảm đi, căn cứ vào tốc độ di động của tay khi tra hàng vào vỏ) tạo thành một tuyệt tác của lạm phát: cắn một phát buồn cũng phải nhai. Còn bánh cuốn, bây giờ, tuyệt nhiên bói chẳng đâu ra hàng ăn ngon mà bình dân; hàng bánh cuốn Hoàng Văn Thụ thì quá chát (cỡ trên 30000đ/phần) nên dù là nước mắm cà cuống thì cũng oải. Đó là chưa kể đến món kem ký Phú Nhuận 50000đ/kg, vừa ăn vừa tìm ca uống nước vì quá ngọt.


***

Xuống hàng. Thụt đầu hàng, viết hoa. Một cái liếc nhanh về phía tồi tàn mang cái mác bình dân, đặc biệt trong thời buổi phong ba bão táp của giá cả, cơ hồ như một tiếng thở dài giữa lúc rảnh tay, rồi đâu lại vào đấy ai không ăn thì cắn răng mà nhịn. Cuộc đời công bằng lắm, công bằng đến chết được; tức là, có chết cũng chả bói đâu ra công bằng, nhất là khi người nghèo vẫn sống mà người giàu vẫn lo đái đường. Và bởi không ai có thể mãi nhàn hạ tới giờ xuống bếp bới cơm hỏi mẹ ơi bữa nay ăn gì, thế nên phải ăn (ngoài) đường thôi. Chấm hết.





















*ảnh không minh họa: cọc tiêu sống, chụp lại từ cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh của Đặng Phong.


4 nhận xét:

  1. Đọc bài này thấy đói bụng ghê gớm, chưa ăn gì hết. Tình hình là giá càng tăng mà chất càng giảm :(

    Trả lờiXóa
  2. rãnh mày. đọc truyện xong, xách xe ra đường đi ăn hàng, rồi về nhà lại than giá tăng. mày quý phái nhễ.

    Trả lờiXóa
  3. tiện tay update tình hình quê nhà cho thanh niên xa mẹ lâu ngày luôn

    Trả lờiXóa