Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Định kiến chối từ




Tôi yêu một người đồng tính.

Liệu em có nhăn mặt không, khi nghe/thấy điều đó, từ một ngườilạ-ngườiquen-ngườibạn-ngườithân, hay từ chính bản thân mình?


***

Giới hạn của tâm trí con người là vô cùng. Hãy ghi nhớ điều đó! Trí tưởng tượng, sự tò mò và lòng ham thích hiểu biết là động lực thúc đẩy con người không ngừng tiến tới những khám phá cái mới. Cuộc sống đầy đủ hiện nay của em, chính là trái ngọt từ vận động không mệt mỏi của trí tuệ con người, cả mồ hôi, máu và nước mắt nữa. Nhưng cũng có không ít quả đắng. Con người anh hùng và con người cũng lầm lạc. Lịch sử là minh chứng, dù bài học lịch sử lớn nhất mà chúng ta học được từ lịch sử là chúng ta không học được điều gì cả. Có lẽ, bởi con người mau quên.

Trải qua bao lần vượt thoát, bỏ lại sau lưng những cấm kỵ của xã hội đương thời, lương tri con người ngày nay xem chừng đã và đang tiến dần đến hoàn chỉnh. Chưa thời đại nào có thể chứng kiến một người da đen làm Tổng thống của một đế quốc lập nên bởi những người da trắng, và trên máu của những nô lệ da đen; Chưa thời đại nào phụ nữ được hô hào trao cho quyền tự quyết: phá thai, li dị, bà mẹ đơn thân, cuộc sống đồng giới, ...; và chưa thời đại nào những sự thật trần trụi được bộc lộ với tốc độ chóng mặt; như hiện nay. Lương tri con người quả là rất chăm chỉ.

Nhưng ý tưởng về một chung cuộc trong vấn đề này, hay bất cứ vấn đề nào khác, đều là một mầm mống nguy hiểm. Nắm giữ chân lý, hay vinh danh chân lý, là một bước rất gần tiến tới chủ nghĩa cực đoan, rất gần tiến tới toàn trị, tới tội ác phi-nhân-tính. Dù cực đoan là con đường ngắn nhất dẫn đến phát triển, cùng với định kiến.

***


Định kiến làm xã hội độc ác và đố kị. Làm con người ta bon chen. Làm con người ta nhỏ nhen. Làm con người ta thay vì tự mình vượt lên trên, thì lại đi ngáng chân những ai hơn mình. Những cái đó làm đất nước mãi nghèo nàn và lạc hậu.

Những điều nằm ngoài sách vỡ, em rồi sẽ được học/thấy; những gì tốt đẹp, cũng như xấu xí.

***

Chiến tranh tất nhiên là xấu xí. Nhưng khi chiến tranh ngừng tiếng, dưới vòm trời xanh và những cánh đồng ngô vàng trải dài típ tắp, những đứa bé hòa bình sẽ ra đời. Đứa bé đó tên là Nadezhda; hoặc Esperanza; hoặc Ruya; hoặc bất kỳ cái tên nào khác nữa. Quan trọng là đứa bé đã chào đời. Quan trọng là những đứa bé hòa bình đã chào đời. Và cuộc sống lại bắt đầu một chu kỳ mới, với món quà vô giá của tự nhiên.

Đó là Hy vọng.

***

Bản chất của cuộc sống là không ngừng tái tạo thành những dạng nguyên liệu sống thích hợp; bản chất của giáo dục là liên tục tái tạo các khối lượng tri thức cần thiết phù hợp với cuộc sống. Nhưng không gì có thể đảm bảo cho một kết cuộc tốt đẹp; không tri thức nào có quyền phán định điều gì là sai trái và điều gì là đúng đắng. Tri thức khoa học không thể giúp gì em trong việc xác định những tiêu chuẩn đạo đức, dù ý niệm về đạo đức là rất mong manh và phập phồng như chính bản thân cuộc đời vậy. Và em phải tự học thôi, những gì đúng-sai ấy, từ chính cuộc sống phập phồng quanh mình, em ạ.

Các em rồi sẽ lớn và có cuộc sống của riêng mình. Nếu đủ may mắn (hoặc quá xui xẻo), sẽ có gia đình, rồi may mắn hơn, sẽ có những đứa con, rồi các đứa trẻ sẽ lại lớn, rồi lằng nhằng các thứ lại tiếp tục. Rồi sẽ một lúc nào, tại một nơi nào, các em sẽ cảm thấy tự hào về cuộc đời mình, về những gì đã qua, về tất cả mọi thứ. Và cả kiêu hãnh.

Rồi em cũng sẽ chết, và các câu truyện sẽ được kể lại, hoặc không.

Nhưng đừng bao giờ chấp nhận cúi mình dưới cái bóng định kiến của kiêu hãnh. Hãy là người tự do!

Bởi chúng ta vẫn không thôi hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn - mọi thứ phải tốt đẹp hơn! Nhưng chúng ta vẫn không thôi hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn - mọi thứ phải tốt đẹp hơn!

***


Và đó luôn là Hy vọng!

















2 nhận xét:

  1. đấy, hồi trước cafe sờ đùi mình đã nghi nghi, giờ mới thú nhận:)

    Trả lờiXóa