Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Hà Nội lúc không giờ,



cũng mất một lúc mới sang đến bờ bên kia; ở giữa, dòng sông vẫn tuôn trào. Hai chiều đường chật kín, từng tốp nói cười râm ran, tiếng trẻ con vòng quanh í ới; còi xe bức bối, xe tuần tra liên tục nhá đèn không ngừng thúc bách: dòng chảy xoay đều, xoay đều. Họ đi chơi hội.

Hoặc là giấu mặt giữa bốn bức tường, kiên quyết cố thủ trong bóng đêm với núi lương khô trữ sẵn, hoặc phải vào phố, nếu không muốn ra khỏi phòng bằng cáng và tên trương lên mặt báo trong chuyên mục Chuyện lạ của báo Dân Trí: "Xác chết thúi trong phòng khách sạn"; tôi phải vượt sông thôi. Cũng may, Hà Nội đi ngủ sớm.

Bỏ lại dòng sông, tôi vào phố.

Từ Cao Bá Quát ngoằn nghèo một lúc thì ra được khoảng sân rộng xe lao vèo vòe, mà chếch bên mé trái là văn phòng luật của con trai nhà thơ muốn bay vào vũ trụ, trước cả anh hùng Phạm Tuân, băng ngang qua đồng chí Dưới cờ Đảng vẻ vang, ngang qua cả con đường nườm nượp lúc nào muốn ngang qua cũng phải chờ một lúc, rồi rẽ phải đi trên lề độ năm phút thì rẽ vào Tôn Thất Thiệp, chỉ một đoạn ngắn là ra được Trần Phú - Trần Phú này lấm lem hơn hẳn Trần Phú ngoại giao phía trên, rồi rẽ phải về phía phố ăn đêm, băng qua cả đường ray vào Hà Trung, buổi tối vắng lặng, chỉ có dãy đèn lồng thắp điện giăng cao một bên, đường chẳng mấy người.

Đa phần những con phố khác cũng vậy. Ngõ Yên Thái khi trời chưa tối dập dìu người bán kẻ mua của cái chợ tự phát-cái chợ chồm hổm ngồi bên cạnh tấm biển đỏ chót "Cấm họp chợ" đặt ở đầu ngã ba, - lúc nào cũng có đôi ba người đeo băng đỏ ngồi cạnh, rẽ ra phố lớn Hàng Bông; toàn người già, không biết ngồi canh gì, không biết cần canh gì. Từ ngã ba, đi theo hướng nào cũng ra được phố lớn, từ ngã ba đi đâu cũng thấy người với người, lúc nào cũng vậy.

Thông thường, tôi đi thẳng; đi hết ngõ Yên Thái rồi ngoặt ra Hàng Mành, sẽ tìm được một loạt mini shop - nơi hàng bán theo giá niêm yết và người mua không (cần) được trả giá. Thậm chí, không cần cả nói: chọn cái shop sau chót bước vào, lẳng lặng ra phía tủ mát phía sau, chọn lấy một chai nước cam và một chai nước suối cỡ nhỏ, đem đặt lên quầy, trả tiền, rồi bước ra; lần nào cũng như lần nào, cô bé bán hàng lí nhí cảm ơn khi nhận tiền: trong một thoáng, tôi được làm người nước ngoài. Chỉ trong một thoáng.

Đã rất gần bờ hồ, đi bộ chừng dăm mười phút vòng vèo các phố lớn là tới. Chút nữa thôi. Chỉ chút nữa thôi. Nhưng tôi từ chối, tôi thích được (điên) một mình.

Rồi tôi trở về, dọc theo con đường độc đạo, dần tua lại khung cảnh thanh bình của phố đêm, trước khi lại trầm mình vào cơn hoan hỉ của đám đông điên cuồng chưa bao giờ dứt. Họ đang sống.

Con người ta thuở ấy cũng như con người ta muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống, sống và chỉ có sống mà thôi. (*)


Quan trọng là được sống. Nhưng không phải lúcnào-ởđâu cũng có thể.



























(*) Bảo Ninh


4 nhận xét:

  1. mình đồ rằng bạn đã nghe bài Độc đạo của em Lý! ;)

    Trả lờiXóa
  2. em chả nhớ, nhưng mà nhạc Lý thời kỳ đầu em nghe hết cả, toàn nhạc sống, tốn bộn tiền.

    Trả lờiXóa
  3. yêu nhỉ? tốn bộn mà có đáng không?

    haizz, mình đang không thể sống. lúc này. ở đây. thế mà chẳng được chết.

    Trả lờiXóa
  4. đáng lắm, một ly cf ngồi từ sáng tới tận tối :))

    Trả lờiXóa