Thứ Năm, 13 tháng 2, 2014

Biệt ngữ


Thói quen duy trì lâu ngày sẽ thành văn hóa. Mặt khác, thời gian cũng bào mòn dần cái nghĩa ban đầu của thói quen. Ngôn ngữ xét như một khía cạnh của văn hóa, cũng mang trong mình quá trình quên lãng như vậy. Dù không thể phủ nhận nghĩa trong một sinh ngữ được định nghĩa và tái định nghĩa thông qua biết bao hoạt động đời sống cộng đồng ngày ngày.

Ví dụ như gay vốn chỉ đến những người vô lo (carefree) và vui tươi (merry), nay phần lớn được hiểu như xu hướng tính dục đồng giới (homosexual). Đối ứng trong tiếng Việt là vô khối, nhất là với gốc Hán-Việt: đểu cáng là phường mua gánh bán bưng, nay rụng đuôi đi thành phường - phường đểu cáng; cứu cánh là đích cuối song đường xa quá dài nên cần bám vào phao.

Hiện tượng dùng từ lệch nghĩa so với ban đầu không chỉ nói lên dụng ý của người sử dụng, hay là vấn đề của lòng kiêu hãnh. Bởi ngôn ngữ, trong từng chi tiết nhỏ nhặt của đời sống, còn là phương tiện ký thác tinh thần đương thời; mà hiện tại thì mãi mãi.

Những gì bị chệch khỏi dòng chảy cuồn cuộc của cuộc đời, bị quên lãng hay dứt khỏi cái giao tiếp hằng ngày, sớm hay muộn, dù không thành tử ngữ thì có chăng cũng chỉ là một dạng biệt ngữ lưu truyền trong cộng đồng nhỏ hẹp và bí bách, cứng nhắc và quên lãng, thi thoảng được đôi ba người đời nhắc đến, như mắt lướt ngang qua những tấm mộ bia trong nghĩa địa từ điển mà thôi.

Cố nhiên, sẽ vẫn còn đó, những lớp nghĩa không mất đi bao giờ. Chỉ là cần ít nhiều sửa soạn, để phần nào có thể nhòm thấy cái tinh thần thời đại ấy: cái không khí mà từ đó một tác phẩm được hoài thai  và mãi mãi hướng về.

Chính vậy, Haroun và biển truyện cần được đặt trong bối cảnh của những ngày rong ruổi để có thể hiểu được vì đâu có thể xem như là một biệt ngữ: một lá thư và là lời từ biệt gởi đến đứa con trai. Bố sẽ về.

















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét