Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Một trường hợp khác







1. Lẽ ra mọi chuyện đã khác nếu ông lão Allan Karlsson không trèo qua cửa sổ, trốn khỏi Nhà Già vào sinh nhật thứ 100 của mình. Lẽ ra cục diện cuộc chiến, và cũng như thế giới sau đó, đã khác nếu Einstein và đồng đạo không đồng ý cùng ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Mỹ đương nhiệm, thúc giục phê chuẩn cho sự thành lập và theo đuổi, cái sau này được gọi là, Dự án Manhattan. Lẽ ra mọi sự đã rất khác, nếu lịch sử có thể nếu.

Nhưng rốt cuộc thì ông lão Allan cũng đã trèo qua cửa sổ trốn khỏi Nhà Già "đi về chân núi xanh": những gì đã xảy ra vốn đã xảy ra rồi, và còn lại là phần lịch sử. Nhưng giá như chúng ta có một lịch sử khác, tức là câu chuyện lịch sử ấy được kể theo một lối khác vậy.

2. Nói [là] khác, hẳn vì dựa trên sự đồng thuận một quan niệm chung về cái bình thường - một giá trị phổ dụng, như: nếu nói về lượng, thì ấy là bolshevik [số đông]; nếu nói về văn hoá, thì ấy là mainstream [dòng chính/chủ lưu]. Đây cũng là tiền đề cho việc tranh luận: trước tiên, chúng ta phải đạt được một sự thống nhất, ít nhất là, ở một điểm chung, rồi sau đó mới đến chuyện lý luận các thể loại; mới có thể phân định được đúng và sai. Nói vậy có nghĩa là, nếu anh đồng ý A là đúng thì abc thế này thế nọ anh cũng phải công nhận B là đúng. Thông thường nghĩa là vậy.

Đây chính là quan điểm của tôi. nếu các vị không thích nó, tôi có những quan điểm khác. (1)

3. Nhưng khi gặp phải những trạng huống khó lòng biện biệt cho rạch ròi đúng sai, ngữ nghĩa cũng rơi vào vùng mờ, thì sẽ ra sao? Ấy là vì phi-lý cũng có thể là một thứ logic và khả năng hiểu được một cái gì đó là một cái gì đó thực ra không phải là việc quan trọng. Mà vốn hiểu cũng đã là một khái niệm mờ rồi. Nếu chấp nhận hiểu là một quá trình loại bỏ tính cách xa lạ của ngoại giới(2) thì rõ ràng đó không phải là một dáng hình cụ thể, có biên hay các thứ để mà hiểu của người này có thể "chồng khít" vừa vặn với hiểu của người khác. Điều quan trọng là chúng ta biết rằng mình khác biệt. Trên cái nền hiểu biết được như thế, có lẽ rồi bạn cũng hiểu được vì sao không nên làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình.

"Do not do unto others as you would that they should do unto you. Their tastes may not be the same". - George Bernard Shaw.

4. Thế giới không phải vì thế mà mỗi ngày mỗi khác. Cuộc sống này đây bao giờ cũng muôn màu. Chỉ là chúng ta với tâm hồn non nớt cùng con tim quả cảm trong lồng ngực phải ngày ngày vật lộn để không ngừng tiến tới trong cái thế giới này, mới phải đôi lúc lại ngỡ ngàng như thể mình vừa rơi tõm vào một vùng trắng của sự thân quen: một thế giới khác. Đôi khi cũng không tệ, nếu chúng ta đủ mở lòng.

Cá nhân tôi cho rằng con người chúng ta ai cũng đã từng một thời như vậy. Biết rằng thế này là phiến diện, nhưng để tiện cho việc gọi tên và để nhận diện một phân khúc đã từng trong cuộc đời của mỗi con người, tôi gọi đó là khi chúng ta còn trẻ. Với con tim quả cảm thực sự; và tiệc tùng suốt đêm. Những giấc mơ hoang, và chúng ta là những con thú săn mồi, thực thụ. Cho đến khi cuộc đời chạm ngõ, và buồn chán lèn vào. Lời quả như đồn. Thế nên chúng ta buộc phải chọn lựa: hoặc là buồn chán, hoặc là rực rỡ, hoặc là cả hai. Và Pamuk chọn lấy văn chương.

5. Về cơ bản, cơ thể con người vốn được thiết kế không phải cho lối sống thành thị. Chúng ta được thiết kế để trở thành một con vật săn mồi: đi săn và cảnh giác; chiến đấu và sống còn. Công nghiệp và công nghệ cũng như là con đẻ của nền văn minh đã biến đổi sâu sắc cách sinh hoạt của con người. Một cách sâu sắc, vì bản thân chúng ta chưa kịp tiến hoá để thích nghi với cái lối sống điểm cuối của chuỗi tiêu thụ thụ động này. Vì vậy, để bù đắp cho sự thiếu hụt vận động thể lý trong cuộc sống hằng ngày, phải có một dạng vận động khác thế vào: kích thích trí não cũng có thể gây hưng phấn không kém gì vận động tay chân. Đó cũng có thể là lý do giải thích cho việc cần có một liều văn chương mỗi ngày của Pamuk. Tôi có thể hiểu được cảm giác này. Như thể một cú xóc rất êm. Và tê tái lan dần truyền ra như tiếng chuông chùa ngoài xa vọng lại giữa buổi đêm lạnh.

Nhưng dẫu vậy rốt cuộc cũng không thể tránh được những lúc như thế này: Chán không phải vì buồn hay là chán mà là chán thôi. Hay cũng có thể là vì chúng ta không chịu hay là chấp nhận cái thực tại/tồn tại đang diễn ra này.

6. Trở lại với lịch sử. Allan Karlsson rất có thể là một nhân vật giả tưởng được Jonas bịa ra.(3) Nhưng cũng có thể ông là một nhân vật lịch sử có thật: với thân phận của kẻ nằm ngoài lề của mọi sự ghi lại: không giấy tờ, không hình ảnh, không hồ sơ; ông chẳng có gì trong số những thứ thuộc về xã hội và văn minh cả. Ông cũng chẳng bao giờ thuộc về xã hội hay văn minh. [Nói đúng hơn, là một cuộc đời vượt thoát ra khỏi cái bóng của xã hội và văn minh của nó.] Cái duy nhất ông có chỉ là một cuộc đời đầy rẫy những phiêu lưu nay được kể lại, với rất nhiều dẫn chiếu tới cũng như va chạm với các điểm nóng của lịch sử. Và đấy là điểm chính yếu. Vì ít ra chúng ta đã được tiêu khiển. Giống bản thân ông cụ Allan ấy, khi còn đang đung đưa chưa quyết trong cái ý định thoáng qua của một cuộc đào thoát, thì cái tiên quyết đưa đẩy cụ đến quyết định trèo qua cửa sổ, ắt hẳn là do cơn buồn chán đều đặn ngày qua ngày đang chờ trước mặt nếu như cụ chẳng rời đi, bắt đầu bằng buổi sinh nhật ồn ào chán òm với Xơ Alice chán òm. Vậy là, cụ đi.

Và phiêu lưu bắt đầu.

*



Thế nên hãy cứ để những nỗi buồn chán rực rỡ. Vì chúng ta chỉ có cuộc đời này.





(1) Groucho Marx de Heo sữa, trích trong lời tưởng nhớ của Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar.
(2) Hành trình vào triết học, Trần Văn Toàn.
(3) Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.




1 nhận xét: