Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

cũ kỹ


Hãy nói về trẻ em!





[2.] Anupam Nath




[4.] My journey - Bayu Hudoso










[9.] Shark attack - Will Jenkins










- Xem thêm tại đây.




Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Sài Gòn linh tinh xét nét lảm nhảm chuyện


Những ngày cuối năm:


Làm biếng quá mạng.










Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

thầy.



Tôi không muốn làm các bạn buồn. Câu chuyện của tôi không đáng gì để có quyền lấy đi những khoảnh khắc vui vẻ, vốn đã rất hiếm hoi trong cuộc đời bạn rồi. Nhưng đây là một câu chuyện buồn, và vì vậy, nếu nó không buồn, hoặc giả bạn đọc nó mà không cảm thấy chút gì buồn, thì quả thật câu chuyện của tôi chẳng khác nào một lời nói dối. Tôi không muốn thế; tôi muốn nói thật. Ít nhất, cho một lần trong đời, tôi có can đảm nói thật, hoặc là đủ can đảm để viết thật vậy.

Câu chuyện có cái chết, có đám tang, và thầy tôi là người qua đời. Chuyện xảy ra cách đây không lâu, và tôi còn nhớ rõ ràng như mới hôm nào còn thấy thầy trên bục giảng.

Thầy dạy tôi một lớp, năm cuối cấp tiểu học. Lớp tôi là lớp bán trú duy nhất của trường, và lại là lứa đầu tiên, nên vì thế, có lẽ nhận được nhiều sự chăm chút và ưu ái của nhiều người, trong đó có thầy. Thầy là giáo viên chủ nhiệm giỏi, nhất khối, hoặc đúng hơn, nhất cả trường, theo những gì được nói trong tấm bằng khen.

Thầy nghiêm khắc, và giờ học rất sinh động: những tiết học diễn ra trơn tru và nhanh gọn, phần bài tập cũng rốt ráo mà xong. Chỉ khoảng một buổi là chương trình học được giải quyết hoàn toàn, buổi còn lại chủ yếu thầy cho làm thêm bài tập, luyện thi. Dù gì chúng tôi cũng là lớp chuyên-con cưng không chính thức của trường.

Tôi không muốn nói thầy dạy giỏi. Điều đó chẳng có nghĩa gì khi nói về người thầy, nhất là nói về người mình kính trọng, thậm chí còn gây tác dụng ngược. Nhưng quả thật là vậy. Thầy tập cho chúng tôi đức tính cẩn thận, cùng những thói quen ngay ngắn, chỉnh tề trong viết lách, bằng sự nghiêm khắc của roi vọt. Nhưng tôi biết thầy thương chúng tôi lắm. Và bài học lớn nhất thầy dạy chúng tôi là bài học về tính trung thực. Trong tất cả các lỗi, nói dối là lỗi bị phạt nặng nhất. Ngày đó, ai cũng sợ. Tôi cũng sợ. Thế mà tôi đã quên.

Tin báo thầy bệnh đến vào khoảng giữa tuần, ung thư, tôi mơ hồ rồi lửng thửng lướt qua những ngày sau đó, với những lời giục giã, đi thăm thầy. Tôi tự nhủ với mình, đợi chút cũng được, chút nữa cũng được. Rồi tôi chẳng đi.

Thầy mất. Lũ bạn cũ cũng tập hợp được dăm ba đứa đến viếng, đến để thắp nhang và nghe cùng vợ thầy đôi lời tri ân; cô bình tĩnh và dịu dàng, nói lời cảm ơn tấm lòng lứa trò đã quá cũ. Không đứa nào khóc.

Cái đám tang đầu tiên của tôi là như thế. Tôi vẫn bình thường sống tiếp cuộc đời mình. Đến trường, về nhà, đi chơi, ăn và ngủ. Nhưng có chút gì đó ngờ ngợ, tôi không hiểu là gì. Mãi cho đến một hôm, nằm vật ra mà khóc, tôi mới nhận ra: tôi sẽ không còn bao giờ gặp thầy nữa, cả trong trí nhớ vốn dĩ đang ngày càng mù mờ. Lần đầu tôi đối mặt với sự khủng khiếp của cái chết, và càng khủng khiếp hơn là tôi đã không đến thăm thầy. Không phải tôi vô tâm, mà là tôi đã tự lừa mình: tôi còn nhiều thời gian và thầy chắc cũng vậy. Tôi đã nói dối.

Điều này không có nghĩa gì cả, khi chúng ta nói về sự thật. Sự thật vẫn sẽ là sự thật, bất kể chúng ta có nói dối hay không nói thật về chúng. Nhưng, tôi muốn nói thật, ít nhất, với mình, về một chuyện đáng lẽ có thể tốt hơn nhiều. Tất nhiên ai cũng sẽ có thể nói thật sau những lần nói dối, nhưng nói được (thật) từ đầu vẫn tốt hơn nhiều.















Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Cuộc chơi mới chỉ bắt đầu


Tôi mun viết v ni bun

mt đêm thành ph im lng

không hò reo, không ùn p xe c

không ni xoong, không xô chu, không cht chi tng bn tng ba vù vù

không h h nhng gương mt, không hò reo váng tri

không c nhng em bé tay cm c đ ming bi ba bi bô không hiu gì

Không có bão,

nhng người bán cờ lặng lẽ góc ph, cun hàng, đi v.


Chng cn phi nói thêm điu gì na

nhn đnh m ờ, phân tích ut ơ,

Ông ch tch đng lên nói li xin li

Già đu bc cười tr phân bua

Nhng bình lun viên thay nhau nheo nhéo khp các màn hình

Nhng ct báo xếp hàng tiếc r

Chng cn.


Người ta có cn đâu?

Cái người ta cn đâu?


Tôi viết v ni bun

mt đêm thành phố như lng im

l loi trên ph đôi ba người mc áo c đ

lướt qua âm thm nhng cái nhìn có cùng nhng nim chung

thiếu mt tiếng reo

lũ lượt người kéo nhau đi trên nhng tuyến đường vui

mới hôm qua thôi

nay thẫn thờ im lặng

hờ hững nhìn hờ hững những xe cộ lướt qua

Không một ai cười.


Nói về thất vọng

không gì hơn những chiếc áo trắng đổ gục trên sân.


Ngẩng đầu lên,

Này các chàng trai!

những người đàn ông không phải lúc nào cũng có thành tựu

Ngẩng đầu lên,

chúng ta yêu cuộc chơi này.

Ngẩng đầu lên,

Bao nhiêu năm người ta đã

Bao nhiêu lâu nữa chúng ta vẫn còn

Một mùa sau!







Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Đi tìm xa hoa đã mất



Cái sự đọc sách, được cho là, có nhiều cái lợi. Ngẫm ra thì cái lợi đầu tiên là cái lợi không cần phải băn khoăn tiền đi đâu mất rồi: đi vào nhà sách cả rồi chứ đâu. Ngẫm thêm chút nữa thì lòi ra cái lợi thứ hai: con người béo tốt lên; từ ngày bắt đầu đọc sách, coi như là, như điếu đổ, không thấy đứa nào dám mượn tiền mình nữa, chỉ có mình là liền tù tì xách đít đi mượn tiền người khác thôi. Ráng ngẫm thêm chút nữa thì cũng lòi tiếp ra cái lợi thứ ba: cảm giác như thời gian trôi chậm lại; năm 09 sắp qua đây, dường như, dài hơn hẳn mấy năm đã qua: được sống nhiều hơn, trong khi không già đi mấy, cứ coi như, là một cái sự lợi đi vậy. (Tới đây hết rồi, không ngâm nổi nữa đâu).

Mà mặc khác, cũng muốn thử nhớ thử xem đã xem những gì, đã đọc được bao nhiêu và còn nhớ được bằng nhiều, mình tiến hành công tác kiểm kê thói xa hoa của năm 09. Đương nhiên, ngoài ra, cũng là vì muốn đu theo một phong trào dự đoán sắp sửa trở nên rầm rộ trong cõi im ắng này, mà khởi xướng, là đọc được từ đây.

Và, chúng đây:
(xếp theo thứ tự ngẫu nhiên, 80% là nhớ sao viết vậy, số này cũng ngẫu nhiên nốt).


- Đã đọc xong:
  • Giết con chim nhại - Harper Lee: "Chưa đến lúc phải lo" - bố Atticus.
  • Thâm nhập tiềm thức - Carl Jung.
  • Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống - Jean Teulé: một câu chuyện đẹp có thể có hoặc khởi đầu bình thường nhưng kết thúc phải đẹp, hoặc khởi đầu cuốn hút nhưng kết thúc nhảm xàm; ít ra nó cũng đã khiến người ta hậm hực.
  • pô beau de Tituef - Zep: mình thích, mình thích :D :D :D
  • Những mối tình nực cười - Milan Kundera: viết văn như nghiên cứu tâm lý.
  • Tâm lý học đám đông - Gustave le Bon: viết tâm lý như viết văn.
  • Di sản của mất mát - Kiran Desai: "Mọi thế hệ đều mất mát theo một cách nào đấy, luôn luôn đã và luôn luôn sẽ mất mát".
  • Biên niên ký chim vặn dây cót - Murakami: liên tu bất tận.
  • Đẹp và buồn - Kawabata: đẹp và buồn.
  • Suối nguồn - Ayn Rand.
  • Chuyện con mèo dạy hải âu bay, Ông lão mê đọc truyện tình - Luis Sepúlveda.
  • Em ở đâu - Marc Levy.
  • Ba ơi, mình đi đâu? - Jean-Louis Fournier.
  • Tiếng người, Nước Mỹ, nước Mỹ - Phan Việt: người mà theo Nguyễn Đông Thức, sẽ là dự báo cho một chiều kích mới của văn học Việt Nam.
  • Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Chuyện tào lao - Nguyễn Ngọc Thuần.
  • Siddhartha (bản dịch của Lê Chu Cầu, cứ nhớ tên ông này thành Chu Lê Cầu, chả hiểu sao) - Hermann Hesse: Tri thức có thể truyền dạy, nhưng trí huệ thì không.
  • Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình - Raymond Carver: "Sao không nhảy đi?"
  • Chuông nguyện hồn ai, Hội hè miên man - Ernest Hemingway.
  • Người trong bóng tối - Paul Auster: nhưng như thế thật không phải; như thế thật không tương xứng với nó: chiến tranh là dữ dội.
  • Đại gia Gatsy - Fitzgerald: không phê phán người khác tức là chừa cho mình một cơ hội.
  • Ba phút sự thật - Phùng Quán: "sự thật ba phút".
  • Chúng ta là bạn - Phạm Quang Vinh: Số phận - đây là ví dụ điển hình cho tình trạng yêu nụ cười mà cưới (nhầm) mụ vợ.
  • Socrates in love - Katayama Kyoichi: "Này, mình còn ghen với cả áo ngực của Aki đấy chứ!".
  • Lược sử thời gian - Stephen Hawking: chả hiểu gì.
  • Mi là người bình thường - Lê Đạt: "Phàm mọi việc trên đời nhất thiết không nên vội, đặc biệt khi làm chữ và khi sắp tự tử".
  • Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại - Dương Thiệu Tống: "tính trung thực là sự can đảm của trí tuệ, và lòng can đảm cũng là sự trung thực của ý chí".
  • Đông Kinh nghĩa thục - Nguyễn Hiến Lê.
  • Kho tàng truyện Trạng Việt Nam - Thạch Phương, Nguyễn Chí Bền, Mai Hương sưu tập, biên soạn và giới thiệu.
- Chưa (dám) đọc xong:
  • Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim.
  • Dân chủ và Giáo dục - John Dewey: Cuộc sống, tự bản chất, là quá trình nỗ lực không ngừng để tiếp tục tồn tại.
  • Truy tìm căn nguyên tăng trưởng.
  • Nhiệt đới buồn - Claude Lévi - Strauss: buồn lắm :(
  • Kỹ thuật sản xuất vật liệu gốm sứ - Đỗ Quang Minh :))
- (Dám) đọc chưa xong:
  • Khế ước xã hội - J.J.Rousseau: bản trên mạng, chỉ có 3/4 quyển, không biết số phận quyển 4 ra sao?
  • Việt Nam văn phạm - Trần Trọng Kim: tiếng Việt của mình :(
  • Lịch sử khẩn hoang miền Nam - Sơn Nam.
  • Văn minh làm giàu và nguồn gốc của cải - Vương Quân Hoàng.
  • Người Dublin - James Joyce: hông biết nguyên tác thì ra sao? chứ còn bản dịch thì ghi chú lia chia. '_'
  • chỉ tại con Chích Chèo - Dương Tường: đọc chưa xong mà ngán cái sự chích chòe của bác quá đỗi; tinh thần là sẽ chuyển cuốn này xuống mục liền dưới mục liền dưới.
  • người tỉnh nói chuyện mộng du - Mạc Ngôn (ghi chú: như trên).
- Xong chưa đọc:
  • Nàng Bovary - Maxime Benoit Jeannin: nhầm cuốn này với Bà Bovary của Flaubert :(
  • Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ - Stephen Hawking: lại tiếp tục cái sự không hiểu gì :(
  • Moon Palace, Trần trụi với văn chương - Paul Auster.
  • Thời xa vắng - Lê Lựu.
  • Lời hứa lúc bình minh - Romain Gary: ở nhà có bức tranh (chép) y hệt hình bìa; đẹp lắm!
  • Émile hay là về giáo dục - J.J.Rousseau.
  • Cô gái chơi dương cầm - Elfriede Jelinek: đúng là lời hứa lúc bình mình.
  • Kinh tế học (tập 1: Kinh tế vĩ mô) - Nguyễn Văn Ngôn.
  • Nam Hoa Kinh - Trang Tử.
  • Khổng học đăng - Phan Bội Châu.
- Chưa đọc (cũng) xong:
  • Những ghi chép vụn.
  • Những người thắp lửa.
  • Những người trẻ lạ lùng.
  • Cho em gần anh thêm chút nữa.
  • Chân trời có người bay.
- Xong chưa (dám) đọc:
  • Buồn nôn - Jean Paul Sátre
  • Bên kia Thiện Ác - Nietzsche: đứa nào lượm cuốn này của bạn rồi hả '_'
- Chưa xong (muốn) đọc, bao gồm: nhiều lắm.




Ghi chú 1: ai mượn sách của mình thì trả mình đê.

Ghi chú 2: ai tặng sách bạn đê '_'






Thứ Năm, 10 tháng 12, 2009

Về các bà mẹ.



Tới một lúc nào đó, các bà mẹ trở nên nói nhiều kinh khủng. Chuyện không phải là thái quá; vốn thường các bà mẹ là đã nói nhiều. Mặc định như thể mặt trời mọc ở hướng đông, và một thời, trái đất là hình vuông, tận các biên của đường chân trời: các bà mẹ là nói nhiều; vốn đã nhiều nay lại càng nhiều. Mà tệ hơn, là khi nói về những đứa con. Tệ hơn nữa, là khi chính đứa con đang ngồi nghe, mà nó thì chẳng tỏ vẻ quan tâm gì. Bi kịch nhất là nó cứ ngồi nghe trong khi chẳng tỏ vẻ gì là đang nghe nhưng vẫn cứ tiếp tục ngồi nghe mà không tỏ vẻ đang nghe gì; tràng giang đại hải vô thiên lủng liên miên man tùng phèo chuyện cứ thế tuôn.

Mà tình cảnh hôm ấy cũng thật éo le. Tôi thấy bà, khi bà đang lơ ngơ đi dọc hành lang sạch trắng của cái bệnh viện sạch bong này. Không phải tôi quá rảnh rỗi, hay là tôi chợt thú tính đâm nhiều chuyện lọ xọ chuyện kia; bà đi ngang phòng tôi, nói đúng hơn là chỗ tôi ngồi, lần này là tới lần thứ bao nhiêu rồi tôi cũng chẳng buồn đếm. Ngẩng đầu lên là tôi lại thấy bà đang trước cửa, dáo dác. Bà đi tìm toilet. Phải chi tôi đã không biết.

Bà đi tập vật lý. Sáng thằng nhỏ chở đi sớm, tập xong, bà tự bắt buýt về. Bác sĩ chỉ định mổ, bà cương quyết cãi; bà tự phác đồ cho mình: mát-xa, bấm huyệt, châm cứu kết hợp với vật lý trị liệu, và đương nhiên, cộng với cả một mớ lằng nhằng thuốc với thuốc. Ông bác sĩ quen, chồng của bà bạn, bảo: cứ kiên trì, chừng nào không đỡ rồi thì mới mổ. Con bà, thằng lớn, cũng khuyến khích mẹ đi tập, mổ hay không thì người cũng phải khỏe trước đã. Thế là bà cứ đi; và thế là tôi cứ nghe. Bà sợ mổ.

Không khó khăn gì để biết được những chuyện vừa trên, và còn nhiều hơn nữa; người già mau chuyện. Tôi ngồi trên ghế, hơi chồm người, khuỷa tay co, hai bàn tay lồng vào nhau phía trước miệng, và nhìn bà. Con người trải qua bao nhiêu sóng gió của cuộc đời để rồi có được những buổi gặp gỡ, những cuộc giải bày như thế này, những lần được nói, trong bệnh viện, với một người xa lạ, như chưa bao giờ? Những tảo tần và bươn chải, rốt cuộc, mang đến cho người ta cái gì khác, nếu như không kể đến một chút của cải và và một lối sống nhàn hạ hơn, thảnh thơi hơn, ít ra là về mặt vật chất: thời gian và tiền bạc dư dã cùng đồng hành với tuổi già. Ít ra, trông bà cũng không phải người vừa chạy cơm vừa chữa bệnh. Âu cũng là điều an ủi. Mà tôi cũng chỉ đoán vậy.

Tôi nói không nhiều; sân khấu chủ yếu là của bà; người nghệ sĩ già đang trong cao trào độc thoại về cuộc đời; những chiêm nghiệm theo năm tháng cứ tuôn ra, đa phần không phải là cho tôi. Chính yếu là cảm giác được nói, là dành cho những quãng thời gian đã nắm giữ chúng lại. Bà nói về con trai, bà nói về tự hào. "Của để dành của mẹ", quay qua quay lại thể nào các bà mẹ cũng nói thế; họ chán phèo theo cùng một cách.

Đương nhiên tự hào là con trai; con gái thường thích (hay có thể) tỉ tê, tự hào đó không cần phải đem khoe, phần nhiều, có gì muốn nói thì những câu chuyện nhỏ to đã lấy mất rồi. Con trai thường vô tâm, và vì thế các bà mẹ lại càng nói nhiều. Chắc là thế. Và chán phèo cũng từ đó mà ra.

Con người vốn giống nhau; các bà mẹ càng giống nhau; và các cậu con trai của mẹ lại càng giống nhau nhiều chỗ. Tôi cũng là con trai, và tôi cũng còn mẹ. Tôi ngắm bà, trong khi bà đang ngụp lặn trong ký ức. Bà có vẻ ngoài không già như những con chữ tôi miêu tả, ngược lại, bà tỏ ra trẻ trung và sinh động. Nhưng bà đúng là một bà mẹ với mái tóc điểm bạc, với cái nhìn nhăn nheo và xơ xác, vì bệnh, vì tuổi; nhưng gương mặt sẽ lại sáng rực trong hai chữ con trai. Mà không nhất thiết phải nhìn mới thấy bà rực sáng. Mẹ tôi cũng vậy. Tôi đã thấy, không biết đứa con thì sao.

Đột nhiên, tôi nhớ đến Nhiệt đới buồn: những trí tuệ được xưng tụng vĩ đại hoặc là có giá rẻ bèo, hoặc là biếu không, hoặc là lâm vào tình cảnh không có đầu ra. Nghĩ cũng buồn cười, mà cười méo xẹo. Tôi cũng không định làm chuyện này buồn ra thế này; tôi muốn nhìn thấy nó khác đi. Như cách bữa đó bà cuốn tôi vào câu chuyện của mình; buổi sáng của tôi trở thành một dòng sông, trong câu chuyện bà.







* Khuyến mãi:

- Tôi chia Cuộc đời con người thành ba quãng nhỏ; tên gọi có thể khác nhau, mốc chia có thể khác nhau, thậm chí có những người không bao giờ thấy, không bao giờ hiểu ra cái lẽ giản đơn rằng may mắn lớn nhất cuộc đời mình là may mắn được sống. Tôi không có ý chê bai gì; tôi chỉ muốn nhớ, tôi chỉ muốn viết. Vì tôi đã thấy, và may mắn cho mình, là tôi được thấy. Cái lớn lao nhất của cuộc đời không phải là vũ trụ: đó là vòng tay của người mẹ; của người con; và của người yêu. Tùy vào cơ may mà một người sẽ thực trải, và chỉ có thực trải mới làm con người thực sự là người. Tôi chỉ mới thấy, mà thấy là chỉ biết, mà biết là bước đầu tiên đi đến tồn tại. Mong vậy.

- Hạnh phúc cho những ông bố nhận ra sự lớn lao của vòng tay con nhỏ, và may mắn cho những đứa con có được khát khao làm bố, như bố của mình, một ngày không quá xa, ngay từ những ngày đang còn nhỏ.

- "Thật là đàn bà!", không biết người ta còn dùng ngữ này để nói về những người đàn bà như thế nào nữa, tôi thật sự không đoán hết được. Nhưng nếu dùng để nói về cái hạnh phúc tủn mủn và thường vặt của các bà mẹ, thì thú thật, ngay từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã có những giấc mơ bình thường như thế. Tôi con trai, và tôi mơ giấc mơ "đàn bà"; phải chăng tôi "đàn bà"?

- Nhân tiện, tôi không phải bác sĩ.










Thứ Tư, 2 tháng 12, 2009

Những lớn lao bình dị.



1.

Khi tôi cô đơn có ai ôm không?
Khi tôi cô đơn có ai ôm tôi có hết cô đơn không?



2. Những hạnh phúc bình dị; cuộc sống dài lắm, vắt ngang qua hàng ngấn cuộc đời. Có người đến vào buổi bình minh của văn minh, phiêu lưu cứ như sợi chỉ len lỏi trong những đống đổ nát từ/của ngày hôm qua, không ngừng ánh lên những lấp lánh mời gọi. May mắn hay kém sôi nổi hơn, những cuộc đời bình lặng tồn tại trong những đóng hộp của phân cảnh viên chức - nội trợ - người buôn bán - ..., những mảnh đời của routine đều đều tà tà, những trục xoay làm tựa cho một thế giới luôn quay. Điểm chung là, họ đến và họ sống, hay nói rõ hơn: họ đã đến và đã sống, những cuộc đời như bao cuộc đời. Thêm điểm chung nữa, họ có hạnh phúc(?) họ có đau khổ(?) và họ có cả những cơn vật vã không ngừng bắt nguồn từ cái kẻ mang tên là: Sống.

Kỳ vĩ hạnh phúc - hạnh phúc bình dị: con người thường chỉ cúi đầu trước hạnh phúc. Hoặc nói cách khác, hạnh phúc là thứ sức mạnh cuồng phong, cuồng bạo, mà thực ra chẳng cuồng bạo chút nào, duy nhất có thể khuất phục con người, theo cách dễ dàng và ít phản kháng nhất. Hoặc, hạnh phúc đơn giản có được chỉ bằng phục tùnh chính cái hạnh phúc đó. Cuộc đời mấy ai mà chẳng? Cuộc đời có ai chưa từng?

Tuổi trẻ ra đi, không biết có bao giờ trở về?
Lá rụng về cội, không biết nơi cội còn là đâu?
Ký ức của tuổi thơ trôi mãi theo dòng sông, mà hú họa, đứa bé nào sinh ra cạnh dòng sông sẽ không luôn trở về ngủ bên dòng sông nó(1). Mà, không phải chỉ tuổi thơ. Mà, không chỉ có ký ức. Thời gian đâu buông bỏ một ai; chết có khi cũng chỉ là một dấu chấm,
rồi xuống hàng.

Nhưng, tuổi trẻ phải đi. Không biết mà cũng không cần biết cái ích lợi của việc đi to lớn, hay nhỏ bé(!), chừng nào; khi chưa biết và chưa thể biết lý do để làm một việc gì, thì hay nhất và thường nhất là cứ làm theo những gì người ta thường làm, thường nói, với tất cả đam mê của một lý trí hoàn toàn con người. Cứ cái gì cũng có lý do, thì đời chả còn mấy đéo mà làm.
Vì đời người ngắn lắm.

Mà, cuộc sống vô thường.


Tiến xa tới tận biên của nền văn minh cộng đồng, đất nước, con người, thời đại đương thời, hay chấp nhận sắm cái vai mà 'số phận' đã trao cho mình, cam chịu hay vui vẻ, phục tùng hay chống đối, ngấm ngầm hay ra mặt, cũng đều được nhìn nhận như là những dạng thức tồn tại. Từ tồn tại đến sống còn cả con đường. Nhưng, tựu trung, họ đều đang vùi mình vào hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, của và cho, riêng mình. Ít ra, cái ý nghĩa mà chúng ta có thể chấp nhận và gán cho cuộc đời mình. Hay, cái niềm tin chúng ta cần có để có thể vin vào, để chống chọi với cái vô nghĩa thường trực của cuộc vô thường. Và hạnh phúc không bao giờ tầm thường. Hạnh phúc là vĩ đại.

Khi ta chọn dừng lại để một người khác nắm tay
Ta mới thật sự hiểu hết ý nghĩa của hai chữ sum vầy. (2)


Nói theo chiều nghịch, tức là chấp nhận, bằng lòng, thỏa hiệp, hay bất cứ từ ngữ nào có thể biểu đạt cái ý nghĩa dừng lại của thời trẻ của một người, bất cứ từ ngữ nào có thể làm liên tưởng đến một sự chấm dứt cuộc phiêu lưu, đến một cái nhìn nửa mặt đau đáu, đến bộn bề trăm ngàn việc không hề gọi tên, đến tất cả những gì liên quan đến hai từ gia đình; tất cả đều không có nghĩa là kết thúc. Đó là sự lựa chọn, một lựa chọn can đảm. Và đó là điều tổi thiểu con người có thể làm để tạo ra một thế hệ kế cận biết ước mơ và dám ước mơ. Nếu con người đã không ngừng hy vọng.


Giải thưởng dành cho người thắng, nhưng vinh danh kẻ không ngừng cố gắng: những điều bình dị lớn lao!


3. Câu trả lời là: không và không.

Vì một lẽ tất nhiên: theo sau hạnh phúc cực cùng là cô đơn tột độ. Cũng như Siddhartha sau phút giây ngập chìm trong chói lòa của tỉnh thức, liền nhận ra sự trần trụi tuyệt đối của mình. Cô đơn tuyệt đối.


Mà, You are already naked (3).


4.

Khi tôi cô đơn có ai biết không?
Khi tôi cô đơn có ai biết tôi có hết cô đơn không?


Không.

























(1) Nguyễn Ngọc Thuần
(2) Phong Việt
(3) Steve Jobs

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Tuổi 17 cần gì? (*)



Có bao giờ em tự hỏi, tuổi 17 mình cần gì?


Không ai có thể trả lời cho em được cả. Mỗi cuộc đời có quá nhiều khác biệt, và không bao giờ có thể chắc rằng thế nào là tốt và thế nào là xấu; cũng như, cho dù tận tình và thông thái đến mấy, không người thầy nào đảm bảo rằng học trò cũng sẽ trở nên thông thái chỉ nhờ tiếp thu những gì mình truyền dạy: "người ta có thể truyền dạy kiến thức, chứ không thể truyền dạy sự thông huệ" (1). Nói cách khác, để biết được điều gì là tốt, điều gì là xấu, trong cuộc đời, và như thế nào, chỉ có một cách duy nhất là sống. Tự sống cuộc đời của mình, hay là tự tìm cho mình một lối đi riêng, là cách duy nhất để có thể tồn tại, theo nghĩa đầy đủ của một con người. Cũng thế, tình yêu là một thứ không thể truyền dạy. Nhưng người ta có thể học, em à, bắt đầu bằng tự yêu mình.

Không phải cứ phải 17 tuổi người ta mới biết yêu là gì, cũng không phải tuổi 17 là tuổi để yêu; mỗi người là một khác biệt, và trong thời đại của những bất định như hiện tại, sự tiêu chuẩn hóa chỉ là nỗ lực phù phiếm của sự cố chấp; sớm hay muộn, nhiều hay ít đều không quan trọng bằng như thế nào. Tuổi 17, người ta chuẩn bị đối diện với một chuyển đoạn lớn lao của cuộc đời: thứ nhất, là sự tự chủ được pháp luật-xã hội công nhận; thứ hai, là sự tự lo mà bản thân bắt đầu tiếp quản, từ một sự tự do bị giám sát thô bạo và trực tiếp chuyển sang sự tự do giám sát lỏng lẻo và hình thức hơn, ít ra đó cũng là điều em (nên) mong mỏi. Nhưng đó cũng là lúc, người ta đặt những bước đầu tiên, tự mình, trên con đường dài của cuộc đời. Hiển nhiên, sẽ luôn có những vòng tay giang rộng, những cái ôm thật chặt và cả những lời động viên luôn chờ gửi đến em, đặc biệt, cho những khi vấp ngã. Tin chắc là vậy. Vì thế, tự yêu mình chính là điểm mốc - phóng chiếu căn bản để em có thể nhận thấy và tìm ra những tình cảm trân quý, từ người khác; khả năng này cũng chính là bầu bạn duy nhất sẽ cùng theo em suốt cả chiều dài cuộc tồn tại: tự mình trở thành tia nắng sưởi ấm lòng mình.

Và, kể từ lúc này, chính lúc em tự mình cất bước trên con đường dài, lúc em bắt đầu đi mà không cần bất kỳ bàn tay dẫn đường nào, đó là lúc em đã trở thành người lớn. Người lớn cho dù là đang tập sự đi nữa thì cũng là người lớn.

Mà, làm người lớn chán lắm! Chẳng có được mấy điều vui, ấy thế mà nhân vật văng tục như nhai trầu Holden Caulfield cũng phải thốt lên rằng: "Anyway, I keep pictureing all these little kids playing some game in this big field of rye and all. Thousands of little kids, and nobody's around - nobody big, I mean - except me. And I'm standing on the edge of some crazy cliff. What I have to do, I have to catch everybody if they start to go over the cliff - I mean if they're running and they don't look where they're going I have to come out from somewhere and catch them. That's all I do all day. I'd just be the catcher in the rye and all. I know it's crazy, but that's the only thing I'd really like to be" (2). Một công việc người lớn nhàn nhã như vậy thì thật hấp dẫn, phải không?

Nhưng không ai có thể bé mãi; và cứ tuần tự theo một chu trình khó thể đoán định, rồi, đùng một cái, tự nhiên mà họ lớn. Tuổi 17, lúc này đây, được nhìn nhận như một giai đoạn bản lề của trưởng thành, dù trưởng thành không phải là một mức độ hay liều lượng cụ thể để có thể cân đo được, hay là đích đến để vượt qua; trưởng thành, nhìn chung, là khả năng có thể phản ứng-trả lời các kích thích, từ bên trong lẫn bên ngoài, từ và trong cuộc sống: to be responsible is to be able to respond. Và tự do, nên được nhìn nhận theo hướng rằng, "làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, còn tuân theo những quy tắc tự mình đặt ra là tự do" (3). Tự chủ chính là khả năng đặt ra và tuân theo những quy tắc đó, và hơn thế nữa, là đặt mình lên trên những quy tắc do chính mình đặt ra: con người là sống; quy tắc do con người đặt ra phải nhằm chỉ một mục đích duy nhất và tuyệt đối là phục vụ cho cuộc sống của chính con người. Hãy có can đảm phá bỏ cái cũ, một khi chính nó đang cản trở cuộc sống của chính mình, cho dù điều đó không bao giờ là dễ chịu cả. Rất mong em hiểu được điều này.

Em đang lớn, không chỉ là về chiều cao. Em sẽ học được rất nhiều bài học từ những gì em đang nhận thấy rằng đó là cần thiết cho cuộc đời mình, và cả từ những điều mà hiện tại em không thấy được rằng nó hữu ích. Nhưng hãy tin rằng những gì em thật sự học được, đang dần được tích lũy hôm nay, rồi sẽ có ngày hữu dụng. Và quan trọng hơn, đó là đừng sợ hãi, giận dữ hay thù địch đối với bất cứ thái độ, quan niệm, hay bất kỳ biểu hiện nào khác biệt, hay thậm chí là, mâu thuẫn với những điều trân quý em hằng đang nắm giữ: "Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho ý kiến của họ. (Nhưng), có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, (và không bao giờ nên), đó là lương tâm con người" (4), như lời bố Atticus đã nói. Bởi vì trên cả những bất đồng, họ, cũng như em, đều mong muốn được sống cuộc đời mình, theo cách tốt nhất có thể.

Những gì xảy ra hôm nay, những gì em mang theo từ bây giờ, sẽ là con người em sau này, không nhiều thì ít. Không ai có thể buộc em coi trọng bất kỳ cái gì, trừ phi chính bản thân em thực sự coi trọng điều đó; nói cách khác, không thể bắt buộc em trở thành con người mà chính bản thân em không thực sự là: "Have the courage to follow your heart anh intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary" (5). Do đó, hãy sợ hãi và khuyến khích bản thân mình sợ hãi, cho đến khi có đủ can đảm để đối mặt, vượt qua, và lần tới tận cùng căn nguyên của chính nỗi sợ hãi của mình: hiểu biết không phải là sức mạnh, nhưng hiểu biết sẽ giúp con người không run sợ trước bất kỳ sức mạnh cường bạo nào. Và đừng quên rằng, thông minh không phải là món quà ưu ái của tạo hóa. Đó là cơ hội để có được nhận thức rõ ràng hơn về thế giới mình, cũng như đó là món nợ sẽ đeo đuổi bản thân đến tận cùng hơi thở: càng có cơ hội tiếp cận sự thật đầy đủ hơn, con người càng nhận thức rõ ràng hơn về sự bất hạnh của cuộc đời; những hạnh phúc bình dị mà lớn lao. Nhưng đừng vội vã, đường còn dài, rất dài.


Vậy, rốt cuộc thì, em ơi, tuổi 17 cần gì?

Không chỉ là một trái tim biết yêu thương, bắt đầu bằng nhận thức biết trân trọng và yêu lấy thân thể mình; không chỉ là một tinh thần dấn thân không ngừng của tuổi trẻ, tò mò và học hỏi là đôi bạn song hành trên suốt hành trình đi tới kỳ cùng hiểu biết; không chỉ là sự tất khả đạt cái vô biên vô hạn của lồng lộng tuổi 17; và không chỉ là những điều sáo rỗng và giáo điều được nêu lên từ những dòng chữ vô hồn này; thậm chí những lời nói suông này chỉ là vô nghĩa, một khi nó không làm bật lên trong em, một điều vô cùng giản đơn rằng: cuộc đời này đáng sống, trong bất kỳ trường hợp nào. Và chính cái khát vọng muốn tiếp tục sống bền bĩ và dai dẳng ấy sẽ làm cuộc đời này đáng sống hơn bao giờ hết. Cho dù ở tận cuối đáy sâu của tuyệt vọng, hãy luôn nhớ và tha thiết tin rằng: còn sống là còn hy vọng.

Và em ơi, một điều nữa cho tuổi 17 cần rất nhiều điều, hãy cảm ơn mẹ! Bởi với bất kỳ nguyên do gì đi nữa, thì sự tồn tại của em, trước hết, là thông qua nỗi đau của mẹ, và cho bất cứ những gì tồi tệ từng xảy đến, và bất cứ điều gì sẽ còn xảy đến nữa, thì việc em đến với cuộc đời này chính là thông điệp, và không thể gì khác ngoài thông điệp, rằng, cuộc đời này là tươi đẹp và nó xứng đáng được tái hiện, một lần nữa. Nếu em đã lỡ mất cơ hội để được thấy điều tươi đẹp đó, hãy đảm bảo rằng những thế hệ đến sau sẽ được. Vì trẻ con luôn xứng đáng với một thế giới tốt đẹp hơn.


Và bởi lẽ sống là thuộc về hôm nay. Hãy sống một cuộc đời không có quá khứ, với tương lai bắt đầu, dẫu chỉ bằng, một lóe sáng nhỏ nhoi từ đáy mắt: Sống đi, tuổi 17 vĩ đại!










(*) tựa đặt bởi một Hương Trà đã rất lâu rồi chưa gặp.
(1) Siddhartha - Hermann Hesse (bản dịch của Lê Chu Cầu).
(2) The catcher of the rye - J.D. Salinger.
(3) Khế ước xã hội - J. Rousseau.
(4) Giết con chim nhại - Harper Lee.
(5) Stay hungry, Stay foolish - Steve Jobs.




Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cứ đi mãi.

Ta muốn bốn mùa xoay chuyển trong ta
Để thấy mình lớn lao như vũ trụ. - lamvuthao



Rồi không chịu nổi mình, tôi cũng bỏ ra đi
phía khoảng tối những mảng sương đêm mù mờ
mang theo chỉ quả tim mình quả cảm
không gì nhớ một cảm giác của hôm qua

tôi đã sống những ngày không quá khứ
chẳng tương lai, cũng chẳng thuộc về ai
những thức tỉnh sáng lòa như chân lý
thấy thương mình với bộn bề ngủ mê

Rồi cũng tới lúc, tôi bỏ phố mà đi
cuộc sôi nổi nối dài theo cơn gió
bằng chân trời màu đỏ của hừng đông
bằng con đường kéo dốc mãi không dừng
bằng ngây ngô chất chồng thêm vụng dại
bằng ánh sao vụt sáng ở trong tim
Cứ đi mãi!

mãi mê đó vẫy vùng cùng ngây dại
dấn thân vào những vùng tối biển đêm
mỗi bừng tỉnh với ta là tất cả
tuổi 17 lớn lao hơn cả vì sao.

hai bốn tuổi tôi là con chim nhỏ
cất giữa đời những tiếng chỏng chơ
mình đánh vật với một mình tuổi trẻ
một cuộc đời biếu không ai cũng một
một Odyssey của thời bình lặng
thời những cánh buồm trong trời gió lặng ra khơi
Rồi đi mãi!

Hỡi tuổi trẻ trong ta cứ rồ dại
rồi sớm ngày cũng nằm dưới mồ ma
không hối tiếc một đời ta dám sống
Để an nghỉ, nơi đây chỉ một người:
Sống! đã từng.



Rồi cũng tới ngày không chịu nổi mình
Rồi cũng tới ngày, tôi bỏ mình, mà đi.






Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Nhân ngày Nhà giáo nói chuyện trẻ con.



Tôi đã từng là trẻ con. Hiển nhiên như thế đối với những người khác nữa, cả với những ai đang nhìn vào những dòng chữ này; tất cả mọi người lớn đều đã từng, hoặc có thời, được là trẻ con. Lúc đó, hiển nhiên, chúng ta không hề biết chúng ta là trẻ con, tạm chấp nhận vậy đã.

Tôi không nhớ rõ lắm tuổi thơ mình. Cả với quãng thời gian gần đây, cả với những khoảnh khắc tôi vừa lướt qua, và cả những gì tôi vừa làm không lâu; ký ức đối với tôi luôn là lớp màn mờ, chập chờn của tâm trạng và cảm xúc, mà tôi cũng không tài nào phân biệt được đâu là do bản thân mình ghi nhớ được, đâu là sự ghi nhớ hộ của người lớn. Những mẩu chuyện được kể lại, nhiều lần, trở nên sống động như thể chính mình tận mắt thấy; ký ức lắm khi thực đến độ ngỡ rằng có thể chạm tay vào. Chắc cũng vì vậy mà càng lớn, người ta càng thích hồi tưởng, càng già người ta càng nhớ người ta trẻ.

Tôi cũng không biết mình bắt đầu ghi nhớ cuộc sống có chủ đích là khi nào. Cũng như tôi không thể nhớ được là mình bắt đầu sống khi nào. Thậm chí tôi cũng không thể cho bạn một hình dung đầy đủ về cuộc sống, rằng sống là gì, và thế nào là sống, của tôi hay của bạn đều thế cả. Nhưng tôi biết chắc rằng, cái khoảnh khắc bạn hồi tưởng về thời trẻ con của mình cũng chính là lúc bạn thôi không còn trẻ con nữa. Ít ra là đúng theo cái nghĩa trẻ con mà những và nhiều người lớn thường quen gọi. Những người lọm khọm đó chỉ được cái chui ra sớm hơn tí thôi mà.

Tới đây, chắc bạn cũng nhận ra, tôi không còn là trẻ con, bây giờ. Nhưng việc đó có hề gì. Người ta cứ trẻ hễ người ta còn đủ sức để mà trẻ; nên tôi cứ trẻ con, một khi tôi còn muốn được là trẻ con. Tới chừng chán rồi hẵng hay.

Tôi thích trẻ con. Không phải vì tôi đã từng là trẻ con, càng không phải vì tôi đã từng là một trẻ-con-hay-ho-nhất-trần-đời. Đấy không thể là lý do được và thời trẻ con của tôi cũng trẻ con như thời mọi người trẻ con thôi; đấy càng không thể là lý do bởi vì lý do là người ta không thể chỉ vào con gà mà kêu là vịt, chỉ vào vịt trời mà kêu thiên nga. Lẩn tránh và dối trá không bao giờ có thể phủ nhận được tồn tại. Cũng như không có gì có thể phủ nhận sự thích trẻ con của tôi; tôi thích trẻ con, bởi vì, đơn giản và trước nhất, chúng là trẻ con. Sự thể vốn giản dị mà.

Tôi có nói tôi ghi nhớ sự kiện một cách chập chờn chưa nhỉ? Vì thật tình rằng tôi không thể nào nhớ cho rõ ngọn ngành một cái gì, ít ra là đủ nhớ để có thể mô tả lại rõ rành bằng lời; tôi không thể. Thậm chí tôi không thể ghi nhớ một khuôn mặt ai mà không ít nhiều làm méo mó hình dung đó. Nhiều lúc, tôi nhớ một người bằng cách ghi nhớ giọng nói, dáng người, mùi, hoặc là cả ba. Nhưng việc đó cũng không thể giữ cho khuôn mặt của người đó không méo mó; hiếm khi tôi có thể nhìn vào mặt ai đó mà không cảm thấy một chút ngờ ngợ. Những khuôn mặt người luôn bị trí nhớ bóp méo. Hay là ký ức tôi vốn méo mó rồi?

Mà, người lớn nhiều khi thật là phiền, lại còn hay lăn tăn nữa. Người ta làm đủ cách, nghĩ đủ trò để nói với trẻ con rằng suy nghĩ độc lập là quan trọng như thế nào, rằng con người phải học cách hành động theo lương tâm và lắng nghe tiếng nói của lương tri, rằng tất cả mọi người đều có quyền được tôn trọng và sống cuộc đời riêng mình trong sự tôn trọng của tất cả mọi người còn lại; thế mà họ toàn làm ngược lại. Đừng có nói kiểu như cư xử lễ phép là đạo đức cho trẻ vị thành niên! hay "sau này lớn lên con sẽ hiểu". Đừng có cố lẩn tránh như vậy chứ. Ngay cả can đảm để đối diện với những gì mình làm cũng không có thì làm sao người lớn có can đảm để đối diện với trẻ con đây.

Dù người lớn cũng có lúc dễ thương, nhưng mà, người lớn là chúa lắm điều, lại còn hay mất kiên nhẫn nữa chứ. Mà, ghét nhất là người lớn rất là phiền. Người lớn cứ việc đi làm đi, rồi than vãn đi, rồi nhậu nhẹt đi. Cớ gì cứ hễ trẻ con bắt đầu thích thú cái gì đó là y như rằng người lớn lại e hèm, lại ngó nghiêng, lại nheo mày, lại hăm he? Sao mà người lớn không yên lặng được, chỉ một lúc thôi vậy?

Đã thế, sao người lớn cứ mãi lo bận tâm những chuyện người lớn đâu đẩu đâu đâu mà không nhìn thấy những chuyện trẻ con bé ti ti trước mắt? Sao người lớn cứ chơi cái trò lòng vòng kiểu người lớn mà không chịu hiểu những chuyện đơn giản như liếm một cây kem, hay ăn một cái kẹo? Giờ nói một tiếng đi, người lớn có chịu hiểu hay không?

Mọi sự vốn giản dị mà. Đâu cần phải to tát như giáo dục với cải cách, hay chuyện thi chung hay riêng, hay chuyện cuốn sách; mọi sự đều có thể bắt đầu từ một cái xoa đầu, như cái cách bố Atticus xoa đầu tụi nhỏ, rồi nói: "Chưa đến lúc phải lo". Đơn giản vậy thôi. Chỉ cần đơn giản vậy thôi.

Mà, người lớn đang ở đâu dzậy?

Chán người lớn lắm rồi! Mà, tôi chán luôn cả tôi, chán cả cái trò trẻ con giả hiệu này nữa. Giá như có thể đi ngủ phát cho xong.














Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

"Gái ơi, mình đi đâu?"

Một ngày chủ nhật thảnh thơi, bạn bước ra khỏi giấc ngủ, bạn mở mắt nhìn trần nhà, hoặc một cái gì đó trong phòng cũng được. Có lẽ, bạn tự hỏi: "Mình làm gì hôm nay?". Nếu rằng định đi đâu đó, khả năng cao là bạn sẽ lại tự hỏi "Ai đi với mình?". Sau một hồi đắn đo, cứ cho là bạn 'chọn' được người đi cùng, và lại cho là lựa chọn đó có tính thực thi cao, đến đây, lại lần nữa, khả năng cao là bạn sẽ lại phải tự hỏi "Đi đâu đây hả mình?". Rồi lại sau một hồi đong đếm, đánh giá các địa điểm với các cặp tiêu chí như độ xa - phương tiện đi lại, độ tiện ích của hệ thống dịch vụ - sự thỏa mãn hứa hẹn được cung ứng, cảnh đẹp và khả năng lưu lại được những khoảnh khắc đáng đồng tiền (đương nhiên, người trong cảnh cũng phải đẹp), chuyện cái bụng, chuyện giờ giấc, và quan trọng nhất, chuyện cái ví. Biết bao câu chuyện phải đụng tới, và biết bao màn cân não được thực hiện; thử nhắm mắt lại mà tưởng tượng sẽ thấy ngay biết bao nhiêu là vấn đề: cái sự thảnh thơi làm bận lòng ta.

Tuy nhiên, không phải câu nào hỏi cũng phiền, cũng như không phải câu hỏi nào cũng trả lời được, và cả những câu hỏi không cần trả lời. Những sự dở dang luôn gợi cảm. Kiểu như váy ngắn vắt chéo đùi thì hấp dẫn hơn hẳn người không bận gì, là coi như trên cùng một người-mẫu ấy.

Thế nên luôn có những câu hỏi, khi vang lên trong đầu, sẽ mang đến cảm giác hấp dẫn khó tả, ví dụ như: Còn có bao giờ em nhớ ta? Hay theo một thể loại trần trụi hơn, có câu 'mẹ ơi, tiền con đâu?', còn mà muốn thân mật một tí thì 'chiều nay mình ăn mừng dịp bạn thăng chức ở đâu vậy?'. Đấy là mình lấy ví dụ, các bạn đừng có lăn tăn để mà mệt thần kinh. Mà nếu các bạn có ý thì mình sẵn lòng, lẫn miệng.

Sức khơi gợi của những câu hỏi, như trên, thật ra không có gì quá xa lạ. Ai mà không một lần trong đời bị hấp dẫn bởi cái chưa biết, ai mà không một lần trong đời tò mò cái sự không thể tỏ. Mà cũng nhờ con người siêng năng mò mà thế giới cứ tò tò bự ra như thế này. Thế mới biết cái sự tò mò là ngọn nguồn của mọi sự phát.

Nhưng nhìn chung thì tò mò là tốt. Không chỉ bởi nó luôn là động lực tạo ra cái gì đó mới, mà, chỉ xét riêng bản thân nó thôi, tò mò đã là một cái gì đó luôn mới rồi. Cũng vì thế mà chỉ nhờ ngồi góc táo mà một ông lĩnh ý, luyện được tuyệt chiêu tung chưởng một cái vật lý cổ điển thất điên bát đảo; cũng vì thế mà một ông hồi nhỏ đi học hay bị phê vào sổ liên lạc là học chậm và hay hỏi ngược, lớn lên lại đắc đạo hỏi ngược, tung chưởng một cái lâu đài vật lý cổ điển lung lay, thế giới con người điên đảo thất kinh. Nhờ những lần kinh đảo thất kinh thế mà chúng ta có iPod để nghe, internet để xài, và Macbook để shướng.

Tò mò luôn đi kèm với tưởng tượng, hay rõ ràng hơn, tò mò kích thích người ta tưởng tượng, rồi tới lượt tưởng tượng trở thành động lực mời gọi người ta tò mò; tò mò tạo ra hứng thú, còn tưởng tượng làm người ta thỏa mãn, ít ra là trước khi đối mặt thực tế. Tưởng tượng, vì thế, cũng tốt. Mà nếu người ta có thể sống chỉ nhờ tưởng tượng thôi, thì còn là quá tốt, nhỉ!

Nhưng mơ mộng mấy thì cũng phải thực tế. Giống như cứ mãi nằm trên giường mà vẽ vời thì chẳng bao giờ tới được đâu; công viên nước hay tiệc bbq thì cũng không thể bày ra trên giường; đi chơi thật, thích hơn nhiều!

Vì vậy, vào một ngày thảnh thơi, bạn bước ra khỏi giấc ngủ, bạn mở mắt nhìn trần nhà, hoặc một cái gì đó trong phòng cũng được. Bạn có thể vừa nằm trên giường, vừa nghĩ ngợi; cũng có thể vừa lẩm nhẩm theo giai điệu một bài hát nào đó, mới hay đã cũ; cũng có thể mân mê mà miên man tiếp những suy tưởng vừa trở lại từ tối qua; cũng có thể thế này, cũng có thể thế kia. Hoặc, cũng có thể, bạn bước ra khỏi giường.

Cũng có thể, bạn lại thả tỏm vào giường, ngủ tiếp; cũng có thể, bạn bắt lấy điện thoại, thôi nghĩ ngợi, và lên lịch cho một chuyến đi; cũng có thể, bạn vớ lấy đồ, lao tới cửa, hộc tốc tới trường cho kịp giờ thi; cũng có thể thế thật.

Nhưng nhất thiết đừng bao giờ quên tự hỏi, một câu hỏi nhỏ nhưng đầy gợi cảm, "gái ơi, mình đi đâu?".

Mà nếu có ai đó nhắn hỏi, thì lại càng quá tốt, phải hông?








gởi: block 167, Petir Road, #18-146, Singapore 670167


"Sao không nhảy đi?" (*)



Cô vẫn dán mắt vào chiếc màn hình chi chít chữ. Hắn vẫn không nói gì, như thường. Rồi đột nhiên, ngả người ra sau, cô xoay đầu tìm hắn. Nhìn vào mắt hắn. Vẫn không nói gì. Nụ cười nửa miệng và cái nhìn đăm đắm. Cô không nói gì. Xoay lại, cô chăm chú vào chiếc màn hình chi chít chữ. Hắn ngồi trên thành giường, phía sau. Khom người, hai tay chống đùi. Im lặng.

Cô muốn một mình.

Hắn đến nhà từ sớm, đem theo một bao những quả cà rót tươi cô mua làm quà. Cô mở cửa, hắn ôm đồ vào nhà. Vào bếp, hắn lui cui với đống quả, cô đứng khoanh tay, chờ. Lưng dựa tường, một tay giữ ly nước lọc sát môi, cô nhìn hắn quay lên. Như nhìn vào gương soi buổi sáng và thấy một khuôn mặt xa lạ. Bất giác, cô đưa tay lên. Những ngón thon, dài vươn ra, chẳng để chạm gì. Hắn vẫn lui cui.

Có lần cô nói "mình chia tay, thì sao?", hắn không nói gì. Nụ cười nửa miệng và cái nhìn đăm đắm. Vụt mất. Cô phẩy tay, rồi như không có chuyện gì, cô xuống nhà mở cửa.

Thậm chí cô không cả muốn mở miệng. Cô thích được một mình. Hoặc sách hoặc công việc. Hoặc không gì cả. Tất cả mọi sự không quen đều không còn gây nên một mối hứng thú nào. Thậm chí cô không nhớ nỗi mình vừa mua đống cà rót tươi. Cô hỏi hắn "Ở đâu ra vậy?".

Nhiều lúc mẹ cô không hiểu nỗi cô đang làm gì. Bà thường xuyên phát hiện ra cô quên những gì mình vừa nói, tối hôm trước. Bà cũng không nói gì. Hoặc cô không phát hiện ra, hoặc cô không muốn nói gì. Và cô không nói gì. Quen rồi.

Bữa cơm, bà về nhà. Cô cũng cùng ăn cơm. Cô ở nhà được non tháng, và bà cũng non tháng ăn trưa ở nhà, cùng cô. Không có gì lạ.

Mẹ cô về muộn. Đèn đường bật sáng, hắt vàng cả một mảng phòng. Cô ngồi trên ghế xoay. Trong vùng bóng tối, chăm chăm nhìn vùng sáng. Đèn phòng không bật. Chiếc màn hình chi chít chữ sau lưng cô. Trời không gió. Hoặc gió không thổi vào phòng. Trong phòng có tiếng nhạc.

Hắn dựng xe trước cổng, ngồi chờ. Đã lâu.

Cô đứng sát khung cửa sổ. Cô nhìn xuống hắn. Cô nhìn thấy hắn, xuyên qua những tán cây.

"Sao không nhảy đi?".


(*) tựa truyện ngắn của Raymond Carver.








Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

chuyện không cũ.


1. Đời sống là một chu trình vận động liên tục làm mới các giá trị cũ, theo một nghĩa khác, đó là quá trình cải biến hình thái các giá trị của truyền thống, những giá trị thích hợp được mỗi cộng đồng đề cao và gìn giữ, sao cho chúng trở nên phù hợp và chấp nhận được, ứng với sự tiến triển của đời sống hiện đại. Theo đó, mỗi thệ hệ mới và non nớt trong cộgn đồng sẽ lớn lên, cùng với sự cải ngôn các khái niệm mà cha mẹ, ông bà họ đã tôn trọng. Tức là, tìm kiếm một hình ảnh mới và hợp thời định nghĩa cho các khái niệm tương đối trừu tượng, ví dụ, như: lòng dũng cảm, phẩm giá, danh dự, trung thành, và, khái niệm thường gây nhiều tranh cãi, đạo đức... Đại để, John Dewey đã viết, có thể diễn giải thành, những điều như vậy.

Dewey còn chỉ ra, việc những thành viên non nớt, lần đầu tiên, đến với cuộc sống chung của cộng đồng, đời sống ứng với môi trường xã hội anh/cô tồn tại cùng, thường có những biểu hiện thờ ơ và coi nhẹ những biểu tượng của truyền thống. Dễ hiểu rằng, điều này là đương nhiên, những truyền thống đó hoàn toàn xa lạ với họ; anh/cô ta chưa hề trải qua những tình huống tạo ra các môi trường cung cấp các kích thích hình thành nên lòng kính trọng. Hơn nữa, họ sẽ không bao giờ có cơ hội 'được tồn tại' trong những môi trường như cha mẹ, ông bà họ đã từng. Điều này, và những điều vừa bàn tới, dẫn đến hai hệ quả quan trọng: mỗi thế hệ trẻ lớn lên, không ít thì nhiều, thường nhận được dự dè biểu và ánh mắt lo ngại của những thành viên thế hệ đã từng trẻ và lớn lên trước đó, họ bị nghi ngờ về khả năng hòa nhập cuộc sống bởi vì sự thờ ơ với truyền thống của chính họ; trách nhiệm và ảnh hưởng của người lớn trong việc hướng dẫn và định hướng con trẻ hòa nhập với đời sống cộng đồng. Nhưng ở đây, không bàn về chuyện giáo dục.

Thêm một nhận định nữa, lần này là của Gustave le Bon, trong tác phẩm 'Tâm lý học đám đông', ông giả thuyết rằng, mỗi 'tâm hồn chủng tộc' là cái đặc trưng gắn liền với mỗi dân tộc, xuyên suốt chiều dài lịch sử, và rằng người dã man với người hiện đại, nếu họ có chung một nguồn gốc chủng tộc, đều có chung một khuynh hướng lựa chọn, hoặc là có xu hướng phản ứng giống nhau cho những kích thích tương đồng tương ứng; và rằng truyền thống không phải là cái con người lựa chọn, chính chúng lựa chọn chúng ta, những giá trị truyền thống nào phù hợp với cái 'tâm hồn chủng tộc' sẽ được chú ý, phát tán và truyền lại.

Nhìn chung, những lập luận ở trên, không nhằm đưa ra bất kỳ kết luận cuối cùng nào; giả thuyết, nhât là giả thuyết của khoa học xã hội học, thường là những phán đoán khó kiểm chứng, cũng như khó lòng tạo ra sự tin tưởng rộng rãi, hoàn toàn như các định đề hay công thức toán học. Nhưng qua đó, có thể đặt ra nghi vấn, rằng những giá trị truyền thống, đang trên đà biến mất như được miêu tả rống riết trên báo chí hiện nay, có phải là đang trong quá trình cải biến ngôn từ, và rốt cuộc thì sự biến đổi hình thức biểu hiện này, thực chất, không làm thay đổi những giá trị cốt lõi của truyền thống được lưu giữ trong tâm hồn chủng tộc; điều này có phải là điều tốt không?


2. Sống là chuyện không cũ. Báo chí và các công cụ truyền thông, cùng ngành công nghiệp thông tin đằng sau nó, sống được, cũng là nhờ đặc tính luôn mới mẻ này của cuộc sống. Tuy nhiên, với áp lực cạnh tranh khủng khiếp, được thúc đẩy bởi công nghệ và 'tính thờ ơ' của người hiện đại, báo chí đã và đang biến đổi sâu sắc so với nó đã từng, và còn mạnh mẽ hơn nữa so với nó đang là. Cuộc sống, được phản ánh trên báo chí, ngày càng xa dần màu sắc chủ đạo của cuộc sống mà nó vốn phải là. Và cũng có lẽ vì vậy, 'con người hiện đại ngày càng bị sự thờ ơ xâm chiếm' (*). Dù luôn có những ngoại lệ.

'Con người thờ ơ' xem ra không phải là một miêu tả tích cực. Nhưng đem phần lỗi đổ lên đầu báo chí thì lại không hay, nếu không muốn nói là rất dở. Báo chí tồn tại được, hiển nhiên, là nhờ vào đòi hỏi của con người; nói báo chí làm con người thờ ơ, chẳng khác nào quy cho .... Tuy nhiên, với tần suất lặp lại lớn trong hình thức và nội dung của tin tức, đại đa số báo chí đang rơi vào con đường mòn của nhàm chán; một khi hứng thú không được khơi gợi đúng mức, đương nhiên, thái độ thờ ơ dễ dàng xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh.

Biểu hiện bề ngoài của một hành động là kết quả của một quá trình huấn luyện và biểu hiện của một hành động với các sắc thái tình cảm và tinh thần sâu sắc chứa đựng bên trong chủ thể là rất khó phân biệt. Nói cách khác, chỉ bằng quan sát hành động và sự thể hiện bên ngoài, chúng ta khó lòng phân biệt được đâu là kết quả của sự vâng lời và đâu là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài về mặt nhận thức. Vì vậy, sự việc xét theo những biểu hiện bên ngoài luôn cần phải được xem xét với các khoảng ngờ. Biểu hiện thờ ơ, ở đây, cũng vậy; sự không hứng thú thoáng qua với sự quan tâm bền bĩ nhưng bất lực đều có chung một bộ mặt biểu hiện, và lo lắng thực sự với những quặn xé bên trong, đương nhiên, chỉ bản thân một người hiểu. Hoặc nói đơn giản hơn, người ta thờ ơ, có khi, cũng chỉ vì người ta không thể làm gì khác hơn được.


3. Miền trung ngập lụt, gió mưa tơi bời.










4. Tin cập nhật, không được cập nhật cho lắm:

Người ta nói rằng, bão không phải là nguyên nhân gây ngập miền trung. Những tác nhân gây lụt nặng nề như đã thấy lại là vỡ đê và, một phần do, xả lũ, và nhiều nguyên do khác nữa. Người ta cũng phỏng vấn ông giám đốc nhà máy thủy điện nọ, và ông giám đốc này cũng thừa nhận có biết những thiệt hại tất yếu sẽ có, nhưng ông cho biết, đây lại là một việc bắt buộc phải làm. Người ta lại nói rằng, con số thiệt hại về người, lần này, có thể lớn đến vậy, là do lũ về nhanh quá, người dân ứng phó không kịp. Không biết cái bắt buộc phải làm ở trên có liên quan bao nhiêu phần trăm đến cái ứng phó không kịp dưới này không, nhưng dù gì, chuyện cũng đã rồi.

Mấy hôm nay, nhiều người ta nữa, liên tục đăng đàn phát biểu nhiều về cái sự bắt buộc phải làm trong quá khứ, với cả trong thời hiện tại. Có cả những giải pháp tổng thể, và cả những sai sót trong khâu thiết kế và thi công, mà thiết nghĩ, đều là những việc bắt buộc phải làm. Vậy mà giờ đó lại là những gì đang được bắt buộc phải nghe.

Lịch sử không có 'giá như'; và cách ứng xử tốt nhất đối với những việc bắt buộc phải làm là chấp nhận, hoặc là bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng, giá như, người ta có thể chủ động chọn lựa những cái bắt buộc phải làm để giảm bớt phần nào những cái bắt buộc phải chấp nhận, thì có lẽ người dân sẽ được nhờ nhiều hơn chăng?

Hoặc là ít ra, trước khi xả lũ, người ta có ới lên một tiếng, để dân còn biết đường mà ơi, thì cũng tốt quá rồi.







(*) Gustave le Bon.


Où on va, papa?


Gởi: ông Jean-Louis Fournie



Thưa ông, không có lý gì để ông phải nghe tôi nói những lời này, cũng như không có gì cho phép tôi được nói (viết) cho ông những lời này. Không có bất cứ lý do nào, kể cả một lý do đơn thuần chỉ là lý do, cho phép tôi hành động như vậy. Tôi biết thế, nhưng tôi vẫn cứ viết. Bởi một sự thật không thể chối bỏ rằng, với nỗi tuyệt vọng ông đang nắm giữ, không có lời nào khó nghe, không còn lời nào có thể làm ông khó chịu nữa, kể cả những lời xưng tụng, chúc mừng hay là mạt sát. Dù thế, đây cũng không thể là lý do để bức thư này trở nên hữu ích. Không có bất cứ sự hữu ích nào tồn tại trong những dòng chữ này, thưa ông.


Thưa ông, không thể gọi đây là lời cảm ơn, cũng như tôi không thể nào (không bao giờ) thông cảm cho ông; việc ông viết cuốn sách này, cũng như việc tôi vô tình đọc được, không bao giờ có thể là lý do cho lòng biết ơn, hoặc giã điều đó là có, nhất là trong trường hợp đây, tôi không nhận được gì khác, ngoài sự tuyệt vọng, từ cuốn sách này.


Thưa ông, tôi cũng không thù ghét gì ông, không một chút nào. Hiển nhiên ông có quyền tuyệt vọng. Hiển nhiên ông có quyền giễu cợt, bản thân ông hay bất cứ ai khác nữa. Và hiển nhiên, ông có quyền đem điều đó lên sách nữa. Không có quy chuẩn đạo đức nào được áp dụng ở đây, cũng như không có sự phán xét nào là chuẩn mực; người ta không thể bị quy kết là có tội, cho dù họ có rêu rao cái nhìn cay nghiệt của mình với một đứa trẻ, nhất là đứa trẻ 'không giống bình thường'. Tôi không có quyền, chúng tôi không có quyền, và họ cũng không có quyền làm thế.


Thưa ông, những lời tôi nói (viết) ra đây hoàn toàn không nhằm mục đích đánh giá, phê bình cuốn sách; tôi không phán xét bất kỳ điều gì, hay tỏ thái độ gì nhằm tới cuốn sách của ông, cũng như bản thân ông, cũng như các hội đồng xét trao giải cho cuốn sách của ông. Tôi cũng từ chối bày tỏ sự phẫn nộ và khinh miệt cho cái các hội đồng đó: họ nghĩ gì mà lại tung hô và ca ngợi cuốn sách này, họ muốn gì mà lại vinh danh một cuốn sách viết về nỗi tuyệt vọng, và họ là gì mà tự cho mình quyền đồng cảm như thế. Cuốn sách này không phải để ca ngợi, không phải để vinh danh. Cái gì thuộc về underground thì phải trả về cho underground. Họ thật chẳng ra thể thống gì cả. Nhưng tôi không trách họ, thưa ông, nếu tôi ở vị trí được chọn lựa, tôi cũng thế.


Thưa ông, tôi cũng không hỏi thăm gì về sức khỏe của bé Thomas, cũng như bất cứ lời nào đả động tới cuộc sống của ông, của bé. Ông hoàn toàn có quyền riêng tư trong cuộc đời riêng của mình. Và hơn nữa, điều đó là vô nghĩa, và trong cái nền những dòng lời vô nghĩa và vô ích như thế này, thêm một điều vô nghĩa nữa thì thật là không cần thiết.


Thưa ông, tôi thật không phải, khi nói (viết) nhăng cuội những điều như thế này. Thật là lố bịch khi bắt một người xa lạ phải nghe (đọc) những điều chẳng đem lại bất kỳ lợi ích nào cho họ. Nhưng vì, giã sử, ông đã đọc đến đây, tôi xin được nói thêm đôi điều nữa thôi: xin được gởi tới ông nhữn cái ôm thật chặt: môt cho bé Mathieu; một cho bé Thomas' một cho người vợ đã bỏ đi - người mẹ, đáng tội, đã trốn chạy của chúng; một cho cô bảo mẫu ...; một cho cuốn sách với tất cả các giải thưởng cũng như lời xưng tụng mà nó nhận được; và một cho chính nỗi tuyệt vọng đang ngày đêm cười nhạo của ông.


Thưa ông, tôi không và sẽ không bao giờ ca ngợi hay xưng tụng cuốn sách này của ông. Tôi cũng sẽ nhanh chóng quên rằng, mình từng đọc cuốn sách của ông. Cuốn sách này không nên được nhớ tới, và càng không nên được nhắc tới. Bởi khi một nỗi tuyệt vọng như thế còn có thể tạo nên sự phản hồi mạnh mẽ từ đám đông, thì chính trong xã hội đó vẫn còn rất nhiều những Thomas, những Mathieu như của ông. Và điều đó, vạn lần, không thể chịu đựng được.


Thưa ông, tôi quả nhiều lời.
Thưa ông, tôi vô phép quá.