Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013
Thành phố bị vây trong mưa(*)
Có thể nói gì về một cuốn sách khi mình chưa đọc hay là chưa đọc xong, đọc một phần hay đọc nửa chừng? Hay là nói về người viết/người dịch? (Cũng là người chứ phải thú quý hiếm đâu?) Hay là siêu hình hơn nữa, nói về sự đọc? - Thật không phải phép mà cứ thao thao bất tuyệt về sự truyền giống trong khi đứa bé con đây đang rành rành ra đấy, đúng không?
Vậy chúng mình nói gì về bé con đây, khi thành phố bị vây trong mưa?
Đúng là thành phố mấy nay bị vây trong mưa. Chuyện mưa gió vốn chẳng có gì đáng nói, nhưng trong tình cảnh bốn bể là nhà như hiện nay, xách xe ra đường vào một ngày mưa gió quả là một sự tuyệt đỉnh sinh vật. Chẳng mấy người có khả năng lội nước giữa vẫy vùng những đợt sóng vỗ bền bỉ như vậy: hết ngày này qua ngày khác. Vậy nên mới thành ra vây khốn: chúng ta ở đây, bị bó buột trong hoàn cảnh nếu không có gì quá cần kíp cũng chẳng ló đầu ra nhìn đường ngập làm gì cho mệch mồm. Sự tình thật ra không phải là vì ướt. Nhưng có điều còn hơn cả thế, chẳng dại gì mình lại hành hạ mình rời bỏ vùng êm ái này để đẫm mình dưới màn mưa ướt rượt ngoài kia. Điều này có gì đó giông giống với việc đọc: từ bỏ những tiện nghi dễ dàng và sẵn có, đọc như là một cách nhọc nhằn vượt thoát khỏi vùng êm ái (comfort zone) của bản thân.
Vậy đọc thì được gì mà phải nhọc lòng? Thành thật mà nói thì tôi không biết. Cái được từ việc đọc là rất mơ hồ dù cách đọc, với tôi, lại tương đối rõ ràng. Đó là từ nền tảng và thông qua các bản văn, đọc tức là thực hiện một loạt phép truy vấn mà nhờ đó thế giới dần hiện ra tựa thế giới như ta thấy. Cái thế giới riêng của mỗi cuộc đời ấy là duy nhất; mà cơ hồ như là phết lên cuộc đời mình những màu khác. Rất khác.
Tôi cho là sẽ là không phải nếu nghĩ về văn chương như một cái gì đó bình dân. Cũng thật không phải khi nói rằng văn chương phải s[tr]ang trọng. Tôi cho là người ta đã lầm lẫn giữa cứu cánh và biểu hiện: văn chương không việc gì phải bình dân, cũng như [nó] không phải bình dân chỉ bởi vì người ta nói về một tác phẩm theo cung cách bình dị. Bình dân hay không là ở chính người đọc: bản thân họ có cái thôi thúc hay là ham muốn cầm lấy quyển sách và thực hiện một cuộc dấn thân bước vào một thế giới khác, như là chuyện thường ngày họ vẫn đều đặn hoàn thành trong cuộc đời mình; lúc ấy, văn chương mới thực là một thứ gì bình dân, trong đời. Cho đến lúc đó, chúng ta có quyền mong chờ một giấc mơ về vệt văn chương xa tít. Như thể mong chờ một đứa bé; nếu cho rằng quyển sách là một đứa bé, và viết/dịch là một công tác hoài thai. Nên chúng ta mong chờ.
Cố nhiên, mong chờ một đứa bé thì chẳng thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Dù là với lòng mong mỏi. Nhưng điều đó chẳng ít gì. Một ngày cũng vẫn 24 giờ; còn một tuần thể nào cũng bắt đầu bằng thứ hai, với rất nhiều gào thét. Dẫu vậy thì vẫn không thể khác được. Chúng mình vẫn chỉ có thể tiếp tục chờ đợi. Dẫu bao nhiêu gào thét. Trong im lặng.
Và cho dù bé con ấy đã chào đời thì Im lặng là thứ duy nhất mình có thể chia sẻ (cùng) với nhau. *cười*
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét