Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Cái kết vắng mặt


viết như thể tìm kiếm một ngàn người đọc hiểu mình 
-  trích lời phát biểu, đã được mông má, của Thuận
tại một buổi giao lưu ở Sài Gòn
mùa gió thổi lạnh.

---



Vậy là đã bao mùa bưởi trôi qua bao nhiêu lượt không đếm nổi lá rụng, cụ Nhiên Tân vẫn biệt tăm tung tích. Không phải là mất tích kiểu 20 năm sau đột nhiên lại xuất hiện; tôi biết cụ Tân vẫn đang lặng lẽ ngồi ở một góc riêng mình nào đó, cặm cụi làm những công việc khác, ít bắng nhắng và thầm lặng, ít nhiều là riêng tư và khổ hạnh, nhưng hẳn là tràn đầy hoan hỉ: cụ đọc, và viết. Hẳn là như thế, bằng không thì cuộc đời này thật đáng khinh bỉ.

Hẳn là vì một sự thể lớn lao. Tất nhiên có dí mic vào hỏi cụ thì cụ cũng chẳng nhận là to tát gì; khả dĩ cụ cũng chỉ nói là làm vài việc vớ vẩn này nọ nọ kia: xem cái này một chút, viết cái kia một tẹo, và chủ yếu là kiếm tiền. Nói là thế, nhưng chắc chẳng ai tin. Sự đời mà, thành thật là một cái gì đó trông có vẻ rất không thành thật. Ý không phải nói là cụ Tân không thành thật, dù thành thật mà nói thì chẳng biết được lúc nào cụ thành thật lúc nào không. Nhưng ít nhất lúc này thì tôi thành thật cho rằng, ở vị thế của một người ngoài nhìn vào, thì hẳn là như thế: không to tát như thể cứu cánh của một đoạn đường đời thì ít ra cũng đủ hân thưởng để cụ bằng lòng với sự đang tồn tại này; ít ra là đủ để cụ từ khước thậm thọt vào ra trên dưới trăm/chục lần kiếm tìm niềm vui công sở tạm bợ ở chốn gọi là Facebook đấy.

Tôi đã quá lời. Nhưng rốt cuộc thì chỉ khi nhận thấy sự thiếu vắng một điều gì đó thì chúng ta mới nhận ra sự hiển nhiên của nó: hoặc là với ta, tồn tại ấy là hiển nhiên. Mà cái ý tưởng rằng là hiển nhiên ấy như một lớp dung môi chiết suất bất nhất với của không khí; nó bẻ gãy đường đi của tia sáng truyền đến mắt (khúc xạ): làm cho chúng ta có một cái nhìn lệch về bản chất của mọi sự trong đời. Để rồi chỉ khi vén được 'lớp màn' hiển nhiên ấy ra, may mắn hay là xui rủi, ta có được một cảm nhận khác về cùng một sự thể. Cảm giác ấy, giống như việc ở phía bên này nhìn vào mặt bên kia của cuộc đời lành lặn bình thường: trẻ mồ côi hoặc bị bỏ rơi trong cô nhi viện; những tàn tật của tha nhân; đói và nghèo;... hay là ở một mức độ thấp hơn, và cũng là duyên cớ cho những dòng chữ này, sự vắng mặt thường trực của cụ Tân và chỉ dấu về một công cuộc dấn thân âm thầm.

Ấy là tôi đang ngưỡng vọng vậy.











Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Thứ tư, ngày 04 tháng Mười hai,


hóa ra tuổi trẻ cũng không đến là uống phí.

những tưởng đã bỏ lại những đêm đèn vàng bấp bùng tiếng hát chập chùng lồng ngực giữa căn phòng lầu 1 ngôi nhà cũ kỹ đêm nào cũng kín chỗ ngồi. hóa ra bóng tối vẫn còn đó. chỉ là trong một không gian khác, một người hát khác, những bài hát khác: chỉ hừng hực là như cũ.

biết rằng đã từng đau đớn là cần thiết để có thể hạnh phúc. chúng ta là ánh sáng, như thể tất cả thời gian tồn tại trong cuộc đời này có khả năng thanh tẩy. chúng ta được thanh tẩy, và chúng ta trở lại. cũng bởi vì chúng không giết được ta.

là lừa gạt nhau thôi. dù thực là cái gì không giết được ta thì sẽ làm ta thêm mạnh mẽ. tất nhiên rồi, không chết được thì phải sống. chỉ là ta để lại những gì trong trẻo, từng chút từng chút một, sau mỗi lần lướt qua bóng tối, để sống tiếp. Và sống mãi.

mà, sống mãi để được gì?





















Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Mi có bi không?



Bị xỉ nhục mang đến một cảm giác thật khó chịu; cứ như đưa mắt dõi theo đuôi khói của chiếc máy bay đang kéo một đường mờ mờ ngang nền trời xa tít kia: bò hoài hoài chẳng dứt. Khó chịu vô cùng. Nhưng thế mà lại tốt. Cái dư vị càng khó thể nuốt trôi chừng nào thì càng chứng tỏ ta không chấp nhận hạ mình chừng ấy: ta xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Và bởi không chấp nhận bị xỉ nhục nên tất yếu là ta phản kháng. Phản kháng rồi thể nào cũng dẫn tới đánh trả. Và cái ngày chúng ta bật lại những gì chúng ta cho rằng không xứng đáng với mình, ấy là cái ngày mà người đàn ông ra đời. Bọn chó con dẫu chỉ mới năm ba khi đó, cũng đã bắt đầu trở thành đàn ông theo cái cách như vậy.

Tôi sẽ không lằng nhằng giải thích với bạn bọn chó con ấy là ai đâu. Cũng không dẫn dắt bạn theo vào một dây những khai triển có tính chất khiêu khích và gợi mở. Điều tôi muốn nói ở đây, và chỉ muốn tập trung vào thôi ấy, là cái cung cách phản kháng của bị xỉ nhục. Khác biệt là sự hướng lên.

Bằng chứng là bọn chúng đã không chấp nhận: chúng khóc. Phản ứng theo một cung cách ướt át đẫm tuyến lệ thế này thì thật quá không có gì đáng tự hào: chẳng đực tính cứt gì. Nhưng có phản ứng với cảm xúc như vậy tức là, ít nhất, bọn chúng không chấp nhận cơn đau ấy như là một điều gì đó hiển nhiên. Không như cái cách người đàn ông trong trích đoạn sau đây, đã chấp nhận bị xỉ nhục như một việc không thể nào thay đổi được:
Ziegler đưa cái bát ra, lắc lắc cái khẩu phần thường rồi đứng đó đợi. "Mày còn muốn gì nữa?" Blockaltester hỏi: hắn ta không nghĩ Ziegler được quyền có khẩu phần thêm và đẩy anh ta ra, nhưng Ziegler quay lại và nhẫn nhục xin nữa. Anh ta rõ ràng bị chuyển sang trái mà, Blockaltester cứ đi mà xem chỗ phiếu, anh ta có quyền nhận suất đúp. Khi lấy được rồi, Ziegler lặng lẽ mang về giường ăn. 
chẳng có chút gì khả dĩ gọi là hướng lên trong cái cách Ziegler lặng lẽ ngồi ăn suất đúp cả. Và cũng vì vậy nên nó tàn khốc.

(Chỉ nội trong tác phẩm này thì) Mario Vargas cho thấy mình không phải là nhà văn của bóng tối: ông không tạo ra bóng tối, hay nói cách khác, ông không tạo ra ánh sáng. Tức nghĩa là, chẳng có gì lấp lánh một cách thánh thiện được chủ tâm tạo ra. Mọi thứ như được gói trong một bao bọc nhờ nhờ: những khu nhà của các khối lớp hiện lên mờ mờ trong sương, những buổi họp diễn ra  trong buồng tắm mù mịt khói thuốc, những đan xen của ngôi trần thuật nhằm tạo nên một mạng lưới vô nhân xưng cho các tuyến nhân vật... Hay là chủ đích của ông muốn xoá nhoà những gì có thể nhìn thấy bằng mắt để tập trung hơn vào cái bản chất bên trong - kết cuộc sau cùng của con người chúng ta: "chiếc quan tài đơn côi giữa văn phòng, chiếc quan tài đường như trống rỗng". Dẫu thế nào thì ông cũng là một người viết bao dung.

Tôi thật không phải với bạn. Nhưng đây không phải là câu chuyện bình thường dành cho những bé gái, cũng không phải là câu chuyện giông tố về trẻ con. Tôi thật không phải với bạn. Chứa nhiều dụ ngôn trong nó, mà tôi muốn rằng mỗi người đọc có thể tự bật ra: về Quân đội, về luật lệ, về trung uý Gamboa, về Báo Đen, và chính là về niềm kiêu hãnh ở trong mỗi chúng ta nữa. Tôi thật không phải với bạn. Nếu những tiết lộ trên đây làm hỏng mất sự hồi hợp của bạn đối với câu chuyện chờ được đọc này, nhưng tha lỗi cho tôi, vì những gì cần được nói đây, cần phải được nói: rằng chính trực đôi khi không phải là sự khoa trương đạo đức mà là một công cuộc âm thầm và kiên tâm, hướng tới sự thật. Bất kể sự thật ấy rồi có thế nào đi nữa. Tôi thật không phải với bạn. Đến thế này đã là quá nhiều nhưng nếu có một đề từ dành cho người đọc thì ắt hẳn phải là: "Thằng buồi, mi có bi không?" hay nhại theo giọng cứt đái của bọn học viên trong trường, khi hất mặt nói với nhau bằng thái độ thách thức:

- thằng cặc, mày có dzái không?


Tôi thật không phải với bạn.







Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Một trường hợp khác







1. Lẽ ra mọi chuyện đã khác nếu ông lão Allan Karlsson không trèo qua cửa sổ, trốn khỏi Nhà Già vào sinh nhật thứ 100 của mình. Lẽ ra cục diện cuộc chiến, và cũng như thế giới sau đó, đã khác nếu Einstein và đồng đạo không đồng ý cùng ký tên vào bức thư gửi Tổng thống Mỹ đương nhiệm, thúc giục phê chuẩn cho sự thành lập và theo đuổi, cái sau này được gọi là, Dự án Manhattan. Lẽ ra mọi sự đã rất khác, nếu lịch sử có thể nếu.

Nhưng rốt cuộc thì ông lão Allan cũng đã trèo qua cửa sổ trốn khỏi Nhà Già "đi về chân núi xanh": những gì đã xảy ra vốn đã xảy ra rồi, và còn lại là phần lịch sử. Nhưng giá như chúng ta có một lịch sử khác, tức là câu chuyện lịch sử ấy được kể theo một lối khác vậy.

2. Nói [là] khác, hẳn vì dựa trên sự đồng thuận một quan niệm chung về cái bình thường - một giá trị phổ dụng, như: nếu nói về lượng, thì ấy là bolshevik [số đông]; nếu nói về văn hoá, thì ấy là mainstream [dòng chính/chủ lưu]. Đây cũng là tiền đề cho việc tranh luận: trước tiên, chúng ta phải đạt được một sự thống nhất, ít nhất là, ở một điểm chung, rồi sau đó mới đến chuyện lý luận các thể loại; mới có thể phân định được đúng và sai. Nói vậy có nghĩa là, nếu anh đồng ý A là đúng thì abc thế này thế nọ anh cũng phải công nhận B là đúng. Thông thường nghĩa là vậy.

Đây chính là quan điểm của tôi. nếu các vị không thích nó, tôi có những quan điểm khác. (1)

3. Nhưng khi gặp phải những trạng huống khó lòng biện biệt cho rạch ròi đúng sai, ngữ nghĩa cũng rơi vào vùng mờ, thì sẽ ra sao? Ấy là vì phi-lý cũng có thể là một thứ logic và khả năng hiểu được một cái gì đó là một cái gì đó thực ra không phải là việc quan trọng. Mà vốn hiểu cũng đã là một khái niệm mờ rồi. Nếu chấp nhận hiểu là một quá trình loại bỏ tính cách xa lạ của ngoại giới(2) thì rõ ràng đó không phải là một dáng hình cụ thể, có biên hay các thứ để mà hiểu của người này có thể "chồng khít" vừa vặn với hiểu của người khác. Điều quan trọng là chúng ta biết rằng mình khác biệt. Trên cái nền hiểu biết được như thế, có lẽ rồi bạn cũng hiểu được vì sao không nên làm cho người khác điều mình muốn người khác làm cho mình.

"Do not do unto others as you would that they should do unto you. Their tastes may not be the same". - George Bernard Shaw.

4. Thế giới không phải vì thế mà mỗi ngày mỗi khác. Cuộc sống này đây bao giờ cũng muôn màu. Chỉ là chúng ta với tâm hồn non nớt cùng con tim quả cảm trong lồng ngực phải ngày ngày vật lộn để không ngừng tiến tới trong cái thế giới này, mới phải đôi lúc lại ngỡ ngàng như thể mình vừa rơi tõm vào một vùng trắng của sự thân quen: một thế giới khác. Đôi khi cũng không tệ, nếu chúng ta đủ mở lòng.

Cá nhân tôi cho rằng con người chúng ta ai cũng đã từng một thời như vậy. Biết rằng thế này là phiến diện, nhưng để tiện cho việc gọi tên và để nhận diện một phân khúc đã từng trong cuộc đời của mỗi con người, tôi gọi đó là khi chúng ta còn trẻ. Với con tim quả cảm thực sự; và tiệc tùng suốt đêm. Những giấc mơ hoang, và chúng ta là những con thú săn mồi, thực thụ. Cho đến khi cuộc đời chạm ngõ, và buồn chán lèn vào. Lời quả như đồn. Thế nên chúng ta buộc phải chọn lựa: hoặc là buồn chán, hoặc là rực rỡ, hoặc là cả hai. Và Pamuk chọn lấy văn chương.

5. Về cơ bản, cơ thể con người vốn được thiết kế không phải cho lối sống thành thị. Chúng ta được thiết kế để trở thành một con vật săn mồi: đi săn và cảnh giác; chiến đấu và sống còn. Công nghiệp và công nghệ cũng như là con đẻ của nền văn minh đã biến đổi sâu sắc cách sinh hoạt của con người. Một cách sâu sắc, vì bản thân chúng ta chưa kịp tiến hoá để thích nghi với cái lối sống điểm cuối của chuỗi tiêu thụ thụ động này. Vì vậy, để bù đắp cho sự thiếu hụt vận động thể lý trong cuộc sống hằng ngày, phải có một dạng vận động khác thế vào: kích thích trí não cũng có thể gây hưng phấn không kém gì vận động tay chân. Đó cũng có thể là lý do giải thích cho việc cần có một liều văn chương mỗi ngày của Pamuk. Tôi có thể hiểu được cảm giác này. Như thể một cú xóc rất êm. Và tê tái lan dần truyền ra như tiếng chuông chùa ngoài xa vọng lại giữa buổi đêm lạnh.

Nhưng dẫu vậy rốt cuộc cũng không thể tránh được những lúc như thế này: Chán không phải vì buồn hay là chán mà là chán thôi. Hay cũng có thể là vì chúng ta không chịu hay là chấp nhận cái thực tại/tồn tại đang diễn ra này.

6. Trở lại với lịch sử. Allan Karlsson rất có thể là một nhân vật giả tưởng được Jonas bịa ra.(3) Nhưng cũng có thể ông là một nhân vật lịch sử có thật: với thân phận của kẻ nằm ngoài lề của mọi sự ghi lại: không giấy tờ, không hình ảnh, không hồ sơ; ông chẳng có gì trong số những thứ thuộc về xã hội và văn minh cả. Ông cũng chẳng bao giờ thuộc về xã hội hay văn minh. [Nói đúng hơn, là một cuộc đời vượt thoát ra khỏi cái bóng của xã hội và văn minh của nó.] Cái duy nhất ông có chỉ là một cuộc đời đầy rẫy những phiêu lưu nay được kể lại, với rất nhiều dẫn chiếu tới cũng như va chạm với các điểm nóng của lịch sử. Và đấy là điểm chính yếu. Vì ít ra chúng ta đã được tiêu khiển. Giống bản thân ông cụ Allan ấy, khi còn đang đung đưa chưa quyết trong cái ý định thoáng qua của một cuộc đào thoát, thì cái tiên quyết đưa đẩy cụ đến quyết định trèo qua cửa sổ, ắt hẳn là do cơn buồn chán đều đặn ngày qua ngày đang chờ trước mặt nếu như cụ chẳng rời đi, bắt đầu bằng buổi sinh nhật ồn ào chán òm với Xơ Alice chán òm. Vậy là, cụ đi.

Và phiêu lưu bắt đầu.

*



Thế nên hãy cứ để những nỗi buồn chán rực rỡ. Vì chúng ta chỉ có cuộc đời này.





(1) Groucho Marx de Heo sữa, trích trong lời tưởng nhớ của Plato và con thú mỏ vịt bước vào quán bar.
(2) Hành trình vào triết học, Trần Văn Toàn.
(3) Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.




Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Mùa lạt - 03


Bài đăng trên facebook, pốt lại bên này để câu viu.

*



Tôi thật không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi thật không biết rắc rối mình vừa va phải nó rắc rối như thế nào. 

Mọi chuyện bắt đầu khi tôi rẽ trái. Vừa trả lái cho thân xe thẳng với làn đường thì một bóng đen xuất hiện đứng chắn trước đầu xe. Cây gậy trắng đưa lên ra dấu cho xe tấp vào lề. Rồi một bóng đen khác xuất hiện với kẹp hồ sơ chào thủ tục các bước và hỏi tôi cho xem giấy tờ. Tôi không kịp nghĩ gì. Tôi không cả sợ hãi hoặc lo lắng. Chỉ như là một ý nghĩ vụt hiện lên và tôi buộc miệng thành tiếng 'làm chuyên đề hả anh?'. Người kia đáp lại 'chuyên đề gì đâu?'. Mãi sau này tôi mới ngờ ngợ dường như có chút gì ấp úng trong giọng nói của anh.

Rồi tôi mở ba lô lấy bóp lấy giấy tờ trình ra. Trong lúc tôi loay hoay thì anh ta có nói cái gì như là ý hỏi 'anh công tác ở đâu?', chẳng kịp nghĩ gì, chẳng nghĩ ra gì khác, tôi đáp bừa 'dạ, em làm ở VPLS.'

Anh ta xem kỹ từng thể loại giấy tờ rồi nói bảo hiểm anh hết hạn rồi, rồi tiếp 'anh có thẻ luật sư thì lấy ra, có gì thì anh em thông cảm cho', tôi lại đáp bừa 'dạ, em đang thực tập chưa có thẻ'. - 'Mới ra trường à? thôi lần này anh em thông cảm bỏ qua cho anh đi đi, nhớ lần sau quẹo thì bật đèn xi nhan nha.' Nhận lại giấy tờ rồi tôi lái xe đi. Những người khác vẫn còn đứng lại phía sau. Thế là thế nào?

Suốt thời gian đó tôi không hề ngẩng đầu lên, tôi không hề nhìn thấy mặt người công an đó. Giống như là bóng tối. Giống như trong bóng tối. Giống như khi ngồi trên cầu nhìn những vệt đèn xe loang trên mặt nước hiện ra rồi biến mất mỗi khi một chiếc xe lướt qua phía trên. Tôi không nhớ cô. Tôi nghĩ về cô. Chúng tôi hiện không cùng nhau. Thành phố vắng bóng cô. Tôi nghĩ về sự xa cách này. Và điều đó làm tôi khó chịu.

Tôi chẳng có gì để nói. Tôi cũng chẳng có số của cô. Và điều đó càng làm cô xa xôi tôi hơn nữa. Và điều đó càng làm tôi khó chịu nhiều hơn nữa.



Có lẽ Miu nói đúng. Chỉ cần được sống dưới cùng một bầu trời. Thế thôi.




























Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Mùa lạt - 17

Bài đăng trên facebook, pốt lại bên đây để câu viu.

*



Nói với bọn nó tụi mình đi uống bia. 

Bạn bè giống như rượu vang càng để lâu càng đậm mùi. Duy chỉ không rõ là mùi gì. Lý do vì đâu nên nỗi thì có lẽ nhiều: phần vì cuộc đời nhiều ngã rẽ nên mỗi đứa "rẻ" mỗi kiểu, phần vì lý do gia đình này nọ lọ kia nên abcd thôi bữa khác vậy. Dù cho là ở cùng một nơi, xét về mặt địa lý, ở mức độ tỉnh/thành, thì gặp nhau cũng không phải là việc dễ dàng. Hẹn hò, đúng theo cái nghĩa của đôi lứa lần đầu biết yêu, trở thành một cái gì đó lung linh và đầy háo hức nhưng xa cách dịu vợi. Mà xét cho cùng, cái phiền lòng chính vẫn là chúng ta ít hoặc là không cùng nhau như chúng ta đã từng được nữa. Như chúng ta đã từng trải qua thời thanh xuân cùng nhau ấy vậy. Việc này âu cũng là cái liễn, khó mà tránh sao cho khỏi.

Mấu chốt vẫn là việc bạn bè không thể/còn là ưu tiên một trong lịch trình 24g một ngày của một con người không còn trẻ và quá nhiều ràng buộc/trách nhiệm. Bản thân mình buộc phải chọn lựa giữa những sự vì bạn thân hay vì bản thân khốc liệt. Thế nan giải này này e là quá rõ ràng, thôi không nói tới nữa.

Theo đó, phần nhiều gặp gỡ ấy đều có ít nhiều gì là vội vã. Đặt trường hợp có thêm sự cách trở về mặt địa lý, thì sẽ có thêm phần xáo trộn. Những sự vụ thường ngày tạm thời đình lại dành ưu tiên cho khách phương xa lại sắp phải đi đường xa. Bạn bè đôi khi trở thành nguồn cơn của chịu đựng là vì thế.

Nhưng đã hết đâu? Còn biết bao sự phiền toái có thể gặp phải trước khi bước vào không khí hồi tưởng thấm đẫm của cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ấy. Nào là chừng nào, ở đâu, làm gì, rồi sao nữa? Đây là chưa kể đến những cú lật kèo phút chót nữa. Mà bàn tay có hai mặt trở qua trở lại như trở mặt bánh tráng là chuyện rất thường.

Nói thế nhưng, bạn bè thì vẫn cần phải gặp nhau. Dù sau đó lại vội vã mỗi đứa mỗi kiểu rẻ thì nhất định bạn bè phải gặp nhau, ngay hôm nay. Trước khi những ký ức về tuổi thanh xuân bị giá sữa và bọn con nít nhảy xổm vào chồm hổm ngồi. Mà gặp nhau cũng chẳng cần phải làm gì. Có khi chỉ ngồi đấy trong im lặng, rồi để cái cuộn phim ấy nó tua đi tua lại trong đầu mỗi người. Rồi tự nhiên như thế câu chuyện sẽ lại chui ra.

Vì thế mà bạn bè cần thiết phải đi chơi xa với nhau. Trước hay sau gì cũng được, nhưng những dịp đi xa hẳn khỏi sự bủa vây của những cái thường hằng đây, là một cơ hội tốt để chúng ta tạm bức mình ra khỏi cuộc sống này. Để lại được cùng nhau. Chỉ để được cùng nhau thôi.

Tôi những biết rằng cuộc đời này là khó lường mà người thường thì lúc nào cũng bị làm khó. Vậy nên mỗi khi có dịp, thì hẳn là nên tận dụng. Ai có gì thì dùng nấy: điện thoại aiphôn vaibơ zôla hay gi gỉ gì gi cái gì cũng được.

Nhấc máy lên và bảo bọn nó tụi mình đi uống bia.





















Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Thành phố bị vây trong mưa(*)



Có thể nói gì về một cuốn sách khi mình chưa đọc hay là chưa đọc xong, đọc một phần hay đọc nửa chừng? Hay là nói về người viết/người dịch? (Cũng là người chứ phải thú quý hiếm đâu?) Hay là siêu hình hơn nữa, nói về sự đọc? - Thật không phải phép mà cứ thao thao bất tuyệt về sự truyền giống trong khi đứa bé con đây đang rành rành ra đấy, đúng không?
Vậy chúng mình nói gì về bé con đây, khi thành phố bị vây trong mưa?

Đúng là thành phố mấy nay bị vây trong mưa. Chuyện mưa gió vốn chẳng có gì đáng nói, nhưng trong tình cảnh bốn bể là nhà như hiện nay, xách xe ra đường vào một ngày mưa gió quả là một sự tuyệt đỉnh sinh vật. Chẳng mấy người có khả năng lội nước giữa vẫy vùng những đợt sóng vỗ bền bỉ như vậy: hết ngày này qua ngày khác. Vậy nên mới thành ra vây khốn: chúng ta ở đây, bị bó buột trong hoàn cảnh nếu không có gì quá cần kíp cũng chẳng ló đầu ra nhìn đường ngập làm gì cho mệch mồm. Sự tình thật ra không phải là vì ướt. Nhưng có điều còn hơn cả thế, chẳng dại gì mình lại hành hạ mình rời bỏ vùng êm ái này để đẫm mình dưới màn mưa ướt rượt ngoài kia. Điều này có gì đó giông giống với việc đọc: từ bỏ những tiện nghi dễ dàng và sẵn có, đọc như là một cách nhọc nhằn vượt thoát khỏi vùng êm ái (comfort zone) của bản thân.

Vậy đọc thì được gì mà phải nhọc lòng? Thành thật mà nói thì tôi không biết. Cái được từ việc đọc là rất mơ hồ dù cách đọc, với tôi, lại tương đối rõ ràng. Đó là từ nền tảng và thông qua các bản văn, đọc tức là thực hiện một loạt phép truy vấn mà nhờ đó thế giới dần hiện ra tựa thế giới như ta thấy. Cái thế giới riêng của mỗi cuộc đời ấy là duy nhất; mà cơ hồ như là phết lên cuộc đời mình những màu khác. Rất khác.

Tôi cho là sẽ là không phải nếu nghĩ về văn chương như một cái gì đó bình dân. Cũng thật không phải khi nói rằng văn chương phải s[tr]ang trọng. Tôi cho là người ta đã lầm lẫn giữa cứu cánh và biểu hiện: văn chương không việc gì phải bình dân, cũng như [nó] không phải bình dân chỉ bởi vì người ta nói về một tác phẩm theo cung cách bình dị. Bình dân hay không là ở chính người đọc: bản thân họ có cái thôi thúc hay là ham muốn cầm lấy quyển sách và thực hiện một cuộc dấn thân bước vào một thế giới khác, như là chuyện thường ngày họ vẫn đều đặn hoàn thành trong cuộc đời mình; lúc ấy, văn chương mới thực là một thứ gì bình dân, trong đời. Cho đến lúc đó, chúng ta có quyền mong chờ một giấc mơ về vệt văn chương xa tít. Như thể mong chờ một đứa bé; nếu cho rằng quyển sách là một đứa bé, và viết/dịch là một công tác hoài thai. Nên chúng ta mong chờ.

Cố nhiên, mong chờ một đứa bé thì chẳng thể làm gì khác ngoài chờ đợi. Dù là với lòng mong mỏi. Nhưng điều đó chẳng ít gì. Một ngày cũng vẫn 24 giờ; còn một tuần thể nào cũng bắt đầu bằng thứ hai, với rất nhiều gào thét. Dẫu vậy thì vẫn không thể khác được. Chúng mình vẫn chỉ có thể tiếp tục chờ đợi. Dẫu bao nhiêu gào thét. Trong im lặng.

Và cho dù bé con ấy đã chào đời thì Im lặng là thứ duy nhất mình có thể chia sẻ (cùng) với nhau. *cười*









Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Mùa lạt - 28


Bài đăng trên facebook, này pốt lại bên đây để câu viu.

*






Luôn có chút gì thiếu vắng trong mỗi bức hình. Chút bất toàn trong các bản dịch. Chút thiếu xót trong những câu chuyện kể. Hay trong nỗi nhớ mỗi buổi sáng mẹ thức dậy.

Như khi tôi thấy bà vào buổi sáng hôm ấy, như khi mẹ V. nghẹn ngào lấp bấp nói không nên lời, như khi cúi người thắp lấy nén nhang trước di ảnh tươi cười của Minh, như khi chúng tôi vội vã ra về: mùa vu lan năm nay có những đứa con không về. Dù rằng tôi không thấy bà khóc.

Tuổi trẻ không có tuổi. Những đứa con không có tuổi. Cả nỗi nhớ con mỗi buổi sáng ôm chầm lấy mẹ cũng không có tuổi.

Bởi có lẽ mẹ là một tính từ mà luôn có nghĩa là yêu thương. Ngạt ngào.
 — with Minh.


























Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Vậy thì đến bao giờ?



The dreams in which I'm dyin'

Are the best I've ever had




Thánh phố mùa bão thứ bao nhiêu
vẫn tiếng dân khóc nước lũ xả đập đúng quy trình

các nhà thơ ở đâu
khi Phú Thọ tiếng nổ vang trời?

lương tri ở đâu
rằng huấn luyện tốt nên được thương vong như vậy?

chúng ta ở đâu
khi bọn trẻ nói rằng tụi con muốn đi học?

chúng ta ở đâu
khi Lý tưởng đã cùng người con ấy đi xuống mộ phần?
khi Lý tưởng đi cùng Người xuống một phần?

chúng ta ở đâu
khi cuộc đời này còn dang dở?
khi cuộc đời còn nhiều điều rất dở?









Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Mùa lạt - 20


Bài đăng trên facebook, pốt lại bên đây để câu viu.

*



Buổi đầu tiên học lái, thầy nói mình có cái chân ga dịu dàng. Mình xem đó như một lời khen. Hôm nay bữa học thứ hai, thầy hỏi 'cái đầu em hôm nay để ở đâu?", mình tự hiểu là 'hôm nay em có một cái đầu mơ màng'. Không cãi lấy một lời, mình chui ra sau ngồi nhường ghế nóng cho anh Hg., sau khi lái chán chê rồi tấp xe vào lề. Mình ngồi ngay sau lưng anh Hg., bên cạnh chị Th. và mình ngắm mây. Mây buổi chiều hôm nay có những cụm to đùng dâng lên xà xuống khắp trời, nhưng cũng vẫn còn chừa chỗ cho những mảng xanh. Bầu trời vì thế mà như chia thành hai khoảnh, khoảnh xanh trên cao và mây bếu phía dưới. Chúng chậm rãi trôi đi trong khi anh Hg. đương mãi đánh vật với chiếc vô lăng; ngang qua những cây dương trồng ở dãy phân cách nhỏ tí như những chiếc dù con còn gấp; ngang qua phía bên kia đường những cây bàng singapore cao vừa phải xoà những tầng lá ra như táng dù bật ra, xanh mát cả mắt. Qua một khúc quanh, những cây cơm nguội xuất hiện. Và mình nhớ Hà Nội năm đó.

Cũng khoảng tầm này, mà ra Hà Nội, mình sẽ lại tới ở lại căn phòng nhỏ trong một khách sạn nằm bên đường Nguyễn Thái Học đoạn bên hông Văn Miếu. Mình sẽ lại đi loanh quanh và nhìn nhăng nhít. Mình sẽ lại nước nóng và ngâm mình trong bồn. Mình sẽ nghe lại About today của The National: tiếng nhạc bập bùng mãi miết vang vang trong không gian tối om của căn phòng tầng cao. Thú thật là lúc đó mình chẳng thiết sống nữa. Nếu bây giờ mọi việc lặp lại như thế, mình cũng vẫn chẳng thiết sống nữa. Mà đói thì mình sẽ xuống ăn cơm rang bên hông Văn Miếu, uống thêm chai nước suối thì có thể no tới sáng. Đến đây thì em đẹp gái tiến lại tính tiền nước, bọn mình ngồi trong quán thêm một lúc thì trời mưa. Vừa khi chuẩn bị rời đi.

Bọn mình chuẩn bị rời đi thì trời đổ mưa. Mưa nhỏ thôi, nhưng mặt đường nhanh chóng xuất hiện những đốm lấm tấm rồi chuyển sang màu sậm hẳn. Bọn mình đảo lại thứ tự trên xe: mình đi kèm với ku T. về, rồi sẵn ghé ngang mua cháo phòng buổi đêm đói bụng; béo với ku K. đèo nhau về trước. Thằng nhỏ nhìn vậy nhưng chạy gớm kinh. Nó làm mình sợ. Trời mưa lất phất và gió biền đêm rào rạt bên người. Mình chẳng nhớ được lúc đó mình đã nghĩ gì, chắc là chẳng nghĩ được gì, như ban nãy đầu mình trống rỗng và chẳng nghĩ được gì ngoài cái gì đó. Như là một việc rất cá nhân [thưc ra là thầm kín] và hết sức riêng tư; như là dọn lại lòng mình vậy.





























Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Cuộc đời chúng ta được trao tặng


Đây là cuốn sách nói về trẻ em, cùng số phận của chúng. Nhưng trong một chừng mực nào đó, cũng là nói đến người mẹ, theo nghĩa là một bộ phận cơ hữu (không thể tách rời) của nhau: không có đứa trẻ thì người mẹ không tồn tại và ngược lại, không có người mẹ thì đứa trẻ cũng khó lòng sống còn. Vì lẽ bạn phải hiểu rằng người mẹ chỉ ra đời khi đứa trẻ được sinh ra; người mẹ chỉ tồn tại khi đâu đó có một đứa trẻ cần được chăm sóc.

Tôi không bao giờ nghi ngờ lòng tốt của họ khi cố gắng hết sức để giúp đỡ những đứa trẻ. Không có người điều hành cơ sở thu xếp con nuối nào lại phát biểu rằng bằng cách tổ chức Chiến dịch này, họ đã diệt trừ được nỗi đau khổ ở Việt Nam. Thay vào đó, họ có một mục tiêu bó hẹp hơn, đó là: Tập trung vào việc làm cho cuộc sống của [từng] cá nhân lũ trẻ trở nên tốt đẹp hơn.
"Trong khi trẻ em vẫn còn là những con số thống kê, chúng không thể được giúp đỡ gì nhiều. Nhưng khi số đông giải tán và chỉ còn lại duy nhất một đứa trẻ đứng trước chúng ta, khi đó, cách duy nhất chúng ta có thể làm để giảm bớt sự đau khổ của hàng triệu nỗi đau, đó là: an ủi đứa trẻ đó". - Rosemary Taylor
- Dana Sachs, Những mảnh đời được ban tặng - Chương 8: Kỷ vật và những vết sẹo, tr. 215. 










Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Mùa lạt - 02


Một status trên facebook, nay đăng lại bên này để câu viu.

*



Alain đã viết thế này: "Cảm tính không đồng nghĩa với cảm thương. Ta phải hiểu từ này như là một mối liên giao chặt chẽ hơn nữa giữa suy nghĩ và cội nguồn của cuộc sống; mối liên giao này có thể thấy ở người ốm bất kể giới tính họ là gì, nhưng nó thường chặt chẽ hơn ở phụ nữ do ưu thế tự nhiên trong chức năng mang thai và cho con bú, và tất cả các chức năng có liên quan."

Hoặc là một chấn động mang tính phổ quát: Nỗi bất hạnh của tha nhân.

Trong thời đại của siêu xê dịch như hiện nay, sự chấn động bùng phát từ đâu đó bên kia quả địa cầu, ngay lập tức sẽ được mang đến trước mặt chúng ta. Trước tiên là hình ảnh; phần nào đã bị tước bỏ cảm xúc. Cảm xúc truyền đi chậm hơn; thông qua những mạng lưới mang nhiều tính cá nhân hơn và nhỏ hơn: qua giọng nói hay những dòng tin (thảng thốt) trên các nền tảng mạng xã hội. Chia sẻ lúc này sẽ tạo nên những nối kết mong manh giữa những người xa lạ: chúng ta cảm thấy gắn kết với nhau - ở nơi vô sự này, và với những con người đang đứng trước thảm hoạ đó: cùng chia sẻ một mối lưu tâm về sự vô thường của tồn tại. Và phần nào đó, sự thương cảm trước mất mát của con người.

Xét về thực tiễn, những điều nói trên, cả những cảm xúc thoáng qua đây nữa, là vô dụng. Chúng chẳng giúp được ích gì. Những gì đang diễn ra đây, vốn chẳng khác nào một đợt bùng phát nhỏ mang tính sự biến khuấy đảo dòng chảy bình lặng của đời sống thị dân vốn nhiều thoả mãn trễ nải và đủ đầy, dư dã sự hời hợt và vô tâm. Rồi con người quên mau.

Vì thế, trước khi mọi sự chìm vào quên lãng, tôi muốn nói điều này: Hãy hy vọng. Như một phương cách để cất đi sức nặng của hòn đá đang đè chặt lồng ngực mình: Tôi hy vọng. Điều này cũng lại là một việc hoàn toàn vô tích sự nữa. Nhưng tôi hy vọng.

Rằng những con người đang khốn khổ đó, có đủ can đảm để tiếp tục đối mặt với cuộc đời này.



Đừng bỏ cuộc. — in Boston, MA, United States.





















Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Mùa lạt - 01


Một status trên facebook, nay đăng lại bên này để câu viu.

*



Khi được hỏi lớn lên muốn làm gì Kha Cảnh Đằng nói là muốn "làm cho thế giới này bởi vì có mình mà trở nên khác biệt một chút". Tui tự hỏi khác là khác như nào. rốt cuộc thì tui vẫn chưa nghĩ ra. nên tui hông nghĩ nữa; tui nghe nhạc. không biết phải là sự mỉa mai của số phận không nhưng dạo này dường như tui đã tìm lại được cái đó. Chỉ có thể là cái đó. trong suốt quảng dài cuộc đời không nhạc vừa mới qua, tui cứ tưởng cái cảm giác không nghe được nhạc mà mình mắc phải là do tui nghe không đúng nhạc. có thể là bài hát này nghe nhiều quá nên nhàm rồi, có thể là lúc này là lúc không thích hợp, cũng có thể là một lý do thần bí nào đó mà tui hông biết được; dù thế này hay thế khác nhưng cái chung nhất ở lại đó là khoảng im lặng xen giữa những âm điệu: nó làm tui thấy dễ chịu. Hoặc giả tui chủ động tắt nhạc đi, rồi tui chìm mình vào đim. 

Gần đây tui nhận ra mọi sự khác hẳn. tui dường như tìm lại được cái mà tui tưởng đã mất rồi đó, cái yếu tính nằm sâu trong những bài nhạc mà một khi vang lên nó làm mình muốn đung đưa hum ha theo điệu hát. nó đưa mình đến gần hơn đến sự ngất ngây. nó đưa mình sâu xuống sự ngất ngây. tui nghe chet baker. 

bài hát dưới đây lại có màu khác hẳn. cả trong giai điệu lẫn phong cách trình diễn của nó; nó mang vẻ thanh tân và nó kêu mình nhảy lên. mà có vẻ mình muốn nhảy lên thiệt. tui hông biết có cái đó hông nhưng nếu lỡ mà, tình cờ ai đó trong các bạn nghe thấy một nốt hẩng lên ở bên ngực; nếu lỡ mà bạn cảm thấy có một chút gì đó sự rưng rưng tự dưng tràn đầy không khí. thì có vẻ như là zach đã đít ịt. he đít ịt. "làm cho thế giới này bởi vì có mình mà trở nên khác biệt một chút." 

Bon appetit.





























Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Dưới bầu trời xám



Một cuốc xe dài thông thường sẽ gây một cảm giác sảng khoái dù có phần tê tái là ê mông. Ê mông thì hẳn rồi khi suốt hơn tiếng đồng hồ bon bon trên mặt đường có đoạn vá chằng vá chụp, hai bên chốc lại vút qua nào xe tải nào công tai nơ nào ô tô nào xe beep; chỉ nghe mỗi tiếng gió rào rạt. Không cần phải vờ vịt, đấy chính là phần sảng khoái: lái xe trong gió. Vì chúng ta hẳn đều phải công nhận rằng là mà lái gió thì đúng là mát rồi. À, ý tôi là lướt gió. Dưới bầu trời xám.

Biên của thế giới mà chúng ta đang sống thực rất mong manh. Dù quả cầu này thực không có biên vậy. Thế còn thành phố này, bầu trời và những vì sao nữa? Bản thân tôi cảm thấy chẳng làm sao, chỉ là chỉ đi xe quanh quẩn độ chừng non tiếng thì chừng như đã thoát khỏi cái bủa vây của chốn thị thành, của tiện nghi và lạc thú, của phù hoa và đô hội. Vậy thôi là tôi đâm ra xàm. Chỉ là nhìn thấy mọi thứ nó khác đi, mà cơ hồ tôi thấy lại màu thời gian tróc lỡ trên tường; ở một đoạn cây cỏ um tùm; ở một xóm nhà trọ; trên những vũng nước đọng bên lề quốc lộ; dưới bầu trời xám; và nghe mùi ẩm mốc cùng tiếng nước ong óc chảy phía bên kia bức tường nhà ngoại. Hoặc dã chỉ cần qua một cây cầu, là đã thấy văn minh biến mất.

Làm thế nào để biến mất? - "Tôi nhắm mắt lại thế giới có thôi thấy tôi không?".

Tôi không thể chịu nổi những lúc này. Tôi không thể chịu nổi những bầu trời xám. Chúng bít bùng quá còn gió vẫn đều đều thổi. Những cơn gió như là thôi thúc của những gì lòng chưa thỏa. Có cảm giác như chỉ cần bung chiếc ghế kéo ra nằm xuống, rồi mặc cho hoài niệm chập chùng: chúng ăn mòn trí não, làm tê liệt cảm giác và, nhất là, như làm đông đặc thời gian. Thời gian như thôi không còn trôi nữa. Chúng ta dừng nhìn thấy, chúng ta chỉ còn nước theo dõi theo những diễu hành của một trí nhớ điêu tàn. Đến thời khắc ấy, cuộc đời có lẽ chỉ là những đoạn phim chiếu lại.

Và bầu trời xám; đầy những mây. Bất giác tiếng hát vang lên. Tôi những muốn hát theo. Khe khẽ; như tiếng một câu hát đêm lụi tàn, vang lên trong lòng hẻm nhỏ im vắng:

It's cloudy nào
It's cloudý nao
It's cloudy nào

rồi im bặt.


Có chăng chỉ còn những diễu dặt của cuộc tồn sinh đang dần lụi tàn. Và hoài niệm cứu rỗi.















Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

câu viu lộ lĩu trơ tráo nhát thứ ba



Hãy nghĩ đây là một đêm mưa 
những nhồm nhoàm hãy tạm thời cất gác lại 
trong góc phòng đây con tàu nằm trốn 
những giấc mơ quá nửa ám mùi dầu 

Hãy nghĩ rằng đêm là mùi hương 
thơm thoang thoang những bóng người về muộn 
đêm trên phố hai hàng đèn vàng sáng 
phố trong đêm trong phố chờ ngày 

bàng vãn.

Hãy nghĩ rằng đời chờ câu chuyện kể
đi bên nhau bóng níu lấy đèn đường
tràn.
Hãy nghĩ mình một cơn gió nhẹ
trôi trôi qua, trôi qua, trôi qua qua
đời.











Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

câu viu lộ liễu trơ tráo phát thứ hai

tháng chín có nhiều điều đáng để nhớ. nên mình làm chuyện dở hơi. mục đích chẳng gì khác ngoài câu viu.


Có mấy việc cần nói: 

- thứ một, cấu thành giá của một phần cơm của hàng cơm 2000đ (cơm A), bằng cách này hay cách khác, là tương đương với hàng cơm bán theo giá thị trường (cơm B ). Khác biệt mấu chốt ở đây là giá bán.

+ tương đương là vì không gì có thể tự sinh ra, nhất là trong một nền kinh tế tự do, tất mọi sản phẩm một người có được đều thông qua trao đổi/mua bán mà nên. người ở đây có thể hiểu là cơm A, lẫn cơm B. tức là muốn bán được một phần cơm giá 2000d cho thực khách, cơm A cũng phải bỏ ra một lượng chi phí tương đương so với của cơm B. tức là lợi ích kinh tế cho các bên có liên quan như gạo, thịt, rau, củ quả này nọ được xem là như nhau ở cả hai trường hợp. 

+ bằng cách này hay cách khác là vì vốn cơm A có thể nhận được sự đài thọ cả về hiện kim lẫn hiện vật, cả sức người lẫn sức của: mà xét cho cùng đều là sự đánh đổi thời gian lao động của một bên nào đó mà nên vậy. 

+ Khả dĩ cơm A có thể bán với giá 2000 là vì cơm A có khả năng tạo vốn: lấy thu bù chi. Nếu tài chính ở đây là minh bạch, thì đây cũng là một cách thức dòng kinh tế vận hành. 

- thứ hai, về giá bán 2000d có thể gọi là phá giá hay không? lúc này cần xét lại khái niệm phá giá: trong bối cảnh nội địa thì dumping nghĩa là bán dưới giá sản xuất; tức là trong điều kiện chất lượng thành phẩm tương đương mà anh cố tình bán dưới giá sản xuất để dìm chết đối thủ, thì hành vi đó gọi là phá giá. theo đó, ta xét tới chất lượng của một phần cơm. 

+ chất lượng một phần cơm thể hiện ở nhiều mặt hơn là chỉ mỗi giá thành phẩm. và một trong các mặt đó là mặt sỉ, tức là sỉ diện. một người ăn vận bảnh bao như thằng Quang thì chắc sẽ không đành lòng nào mà lại vào ăn hàng cơm A; mà có vào ăn thì chắc sẽ không đành lòng nào không góp thêm tí gạo, tí nước tương mắm múi hay tí tiền; mà có không góp thì chắc sẽ không đành lòng nào mà lại vào ăn tiếp lần thứ hai; mà có vào ăn lần hai thì chắc sẽ không đành lòng nào không góp tí gì cả. và cứ thế. ấy là một sự ví dụ cho khía cạnh chất lượng sản phẩm, mọi giả định trên chỉ là hư cấu không nhất thiết phải nhảy dựng lên sau khi xem. và quan trọng nữa là, những giả định trên là lập thuyết dựa trên một ngầm-tất-định rằng tất cả mọi người đều là người tốt. tốt theo cái nghĩa một người ăn xin khi bước vào hàng cơm A, bỏ ra 2000đ để mua một phần cơm, thì cũng tức thời họ bỏ lại cái sự toan tính và nhơ nhuốc của cuộc đời ngoài ngưỡng cửa rồi. cho dù sau khi ra khỏi quán có trở lại làm thầu ăn mày đi nữa thì khi ăn cơm, ta chấp nhận rằng, họ có cảm thấy nhột nhột trước những 'chắc sẽ không đành lòng' vừa kể ở trên. ấy là nói dông dài về một khía cạnh của chất lượng thành phẩm vậy. 

- thứ ba, về cần câu hay con cá? đây đích thực là một con cá. không thể xem con người là công cụ còn phần cơm là cần câu tái tạo sức lạo động trong thời hạn một ngày được. "con người, cá nhân luôn luôn và trong tất cả mọi việc đều là mục đích, không bao giờ là phương tiện. Kể cả phươgn tiện để đạt mục đích - Kant". cơm này đích thực là cá nhưng cá này vốn không cho. có lẽ ở đây, người viết cố tình nhập nhoạng giữa bữa cơm 2000 với công việc từ thiện. 

- thứ bốn, lẽ ra chỉ nên ngắn gọn mỗi dòng này thôi, nhưng ngặt nổi cái gì tung hô quá lại đâm ra thành phản cảm, do đó mới dời xuống dòng này. vỏn vẹn thế này thôi: "vì lòng người là vô tận":http://tuoitre.vn/Ban-doc/559987/vi-long-nguoi-la-vo-tan.html 

- thứ năm, bia đê anh Minh êi 




















Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Câu viu lộ liễu trơ tráo phát thứ một


1.

Hết mùa hè vẫn chưa nhìn thấy biển 
tôi nhớ vào buổi sáng 
nắng lóa dài dọc theo con đường nhựa đây đó lưới chài 
đơm trên cát những đưa tay thoăn thoắt

chàng trai tháng tám đến cùng những lá thư bay
chao nghiêng bầu trời
những con bồ câu trong màu mắt đỏ
trắng nhấp nháy màn hình
buổi đêm cài mưa rơi và tiếng nhạc vang dấm dít 
là điều gì thực sự gắn kết chúng ta?






Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Ngày 11 tháng 8, Chủ nhật















































Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

baracúđà


Chúng ta làm gì cho đến sớm mai
Cùng cuộc đời hoang mang chật ngõ

Biết làm gì khi hoàng hôn vụt tắt
Và thần tượng đi rồi.

Bọn chó đã làm gì
ôi mặt trời đen của taO
những hú hét trên đồi cao dội xuống
thắm đẳm tinh trùng những cuộc đời chẳng bao giờ hoài thai

chim bai
mái bai
ôi ba gai
- hai fai
ồ-bai ồ
bai.

***

Rồi chào nhau bằng nước mắt
một gặp lại dưới những lá cờ tang.





Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Ngày 19 tháng 7



Fusée
La boucle des cheveux noirs de ta nuque est mon trésor
Ma pensée te rejoint et la tienne la croise
Tes seins sont les seuls obus que j'aime
Ton souvenir est la lanterne de repérage qui nous sert à pointer la nuit

En voyant la large croupe de mon cheval j'ai pensé à tes hanches
[...]
- G.A. 


Hoả châu

Lọn tóc đen trên gáy em là kho báu của anh
Ý nghĩa anh về với em và ý nghĩ em gặp ý nghĩ anh
Cặp vú em là những quả đạn duy nhất anh yêu
Kỷ niệm em là cây đèn định vị giúp các anh ban đêm hướng súng

Nhìn cái mông con ngựa của mình anh nghĩ tới hông em
[...]

- Hoàng Hưng dịch













Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Hiện tại là một phép màu




Tôi gọi đây là phép chú mục đến hiện tại.

Hiện tại thực kỳ diệu. Dù nó cũng đầy cay đắng và nhiều xót xa.



***


Tôi chẳng có tí í niệm gì về căn phòng riêng cho mãi đến khi ba mẹ quyết định xây nhà: mày sẽ được ở phòng riêng, có toilet hẳn hoi. Chẳng nhớ lúc đó tôi nghĩ gì, hay có cảm giác gì nữa; nhưng nhớ lại thì đột nhiên bị quẳng vào một căn phòng trống, với cửa sổ to đùng, lúc nào cũng ngập tràn ánh sáng làm cho tôi cảm thấy cứ như khỉ trần trụi. Chẳng biết phải làm gì, nên tôi mở cửa sổ. Tôi thích cảm giác ấy. Bước lại gần và mở cửa ra.

Đoạn vừa trên không nhất thiết là thực, nhưng cũng không hẳn là bịa. Cũng như câu chuyện về lá Hoàng Cầm mà mọi người thường hay gọi là diêu bông ấy: chẳng phải là không có lá diêu bông trên đời; chỉ là ông Hoàng Cầm đã trót bịa nó ra rồi. Tôi cũng trót kể ra thế này rồi nên kể nốt chuyện những ngày trời mát như là chiều này. Tôi về nhà rồi leo lên lầu. Việc đầu tiên phải làm ấy là mở khoá, đẩy cánh cửa mở ra vườn. Cái vườn nhỏ thôi, có dăm chậu cây xanh và ba chậu mai quê. Mở cửa ra vốn chẳng để làm gì, chẳng có hoa trái hay là điều gì đặc biệt chờ đón. Chỉ là tôi thích cảm giác ấy. Bước lại gần và mở cửa ra.

Không có tí ẩn/hoán dụ nào ở đây hết. Điều tôi muốn nói ở đây là cái cảm giác thích thú tức thời vụt ra khi ấy, khi tay vừa chạm vào và đẩy nhẹ cửa ra: tức thì gió tràn vào. Cảm giác ấy có phần giống với niềm hân hoan khi nhận ra cái vị ngọt thanh đang lan ra trong cuốn họng khi bạn cắn vào một đọt cải thìa được luộc vừa tới. Không phải vị ngon hay là cái cảm giác dễ chịu; mà trước nhất chính là khả năng nhận thấy cái khoảnh khắc ấy, rồi thứ đến mới là xét đến chiều hướng các phẩm tính tốt/xấu, dỡ/ngon... Cái khả năng mà gần như là bản năng ấy, không biết là do cái-phần-gì của đời sống hiện đại này bào mòn, nay cần nhiều hơn là sự gợi nhắc để có thể phục hồi; cái khả năng nhắc nhớ rằng bản năng mạnh nhất của sống là tiếp tục tồn tại. Và hiện tại là một phép màu.

Chẳng biết được cuộc đời rồi sẽ về đâu nữa, nhưng trước tiên vẫn phải bước tới, tức là sống tiếp. Tôi lại nghĩ sống ắt phải là cùng. Không ai là một ốc đảo, và cũng chẳng ai có thể sống mãi một mình. Ấy tức là trước hoặc sau cái giai đoạn một mình mà ai cũng rồi-đã-sẽ phải qua đấy, chúng ta cần có bạn. Bạn là gì? Là cái warm you up from the inside but also tear you apart. Câu này là của Harưki Mưrakahuyheosữa. Cũng có khi nó là cái nùi giẻ, có mùi của một cánh đồng. Dù là gì thì tôi cũng gọi là tài sản: nhờ có họ, mà cuộc đời này trở nên giàu có đến vậy.

Thời gian gần đây (bạn) tôi liên tục nhận được tin xấu. Tai ương cứ như đau khổ liên tục giáng xuống; hết người này đến người khác. Những lúc như vậy, tôi nhận ra trong giới hạn của một cuộc đời, những gì mình có thể làm thực là quá sức bé nhỏ. Đến nỗi, trước những sự biến mang tính sống còn, chúng ta hầu như chẳng thể làm được gì ngoài chờ đợi. Tôi những biết nỗi đau ấy là không thể san sẻ được. Tôi cũng chẳng thể làm gì được khác ngoài chờ đợi. Và tôi chờ đợi.

Với những ai hanh thông, tôi mong mọi sự cứ như vậy tiếp tục đến với họ. Với những ai đang trong cảnh hoạn nạn, tôi chúc họ vững vàng.

Tai ương dẫu chẳng qua mau nhưng tôi mong bạn sẽ chóng tìm lại được cái khả năng nhận thấy khoảnh khắc hiện tại đang lướt qua ấy, dù chỉ đơn giản để nếm được cái vị ngọt thanh trong đọt cải thìa được luộc vừa tới; hay một đợt gió nhẹ tràn vào, khi bước lại gần và mở cửa ra.