Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Để đọc một cuốn sách









có khi phải làm rất nhiều việc. Về những việc này, chẳng hạn, trong chương mở đầu của cuốn tiểu thuyết lan man nhất lịch sử loài gặm nhắm kể từ khi có chữ viết tới giờ của mình - Se una notte d'inverno un viaggiatore [If on a winter's night the traveler, trans. William Weaver] , Italo Calvino đã xuất sắc tỏ bày, nay tôi không nhắc lại nữa. Nhưng trước cả những trường thiên tán thán về cơ man những quấy quả sự nghiệp dấn sâu vào im lặng của việc đọc, có một việc mà như hải đăng Phương Văn đã từng nhắc đến, thì đầu tiên người ta cần phải bỏ tiền mua sách đã. Việc này là một việc cần phải tập luyện.

Đúng là tôi đang trỏ đến vấn đề tác quyền. Tôi không phải người cổ suý cho sự phục tòng những nguyên tắc đạo đức như thể một điều gì đó bất di bất dịch. Tôi cũng chẳng ưu (ưu chứ không phải ưa nhá bác biên tập viên mặt rắn như đá :P) gì giá sách lúc nào cũng chực bắn thăng thiên như pháo lên trời. Tôi còn thậm ghét bọn biên tập viên mòm mép suốt ngày ra rả mồm xéo mắt lườm bỏ dăm trăm ngàn ăn uống này nọ không nói gì còn tốn mấy chục ngàn mua cuốn sách thì ỏng eo đắt đỏ này nọ. Mẹ, đắt thì bố bảo là đắt chứ mắc chó gì so đo chuyện bố ăn lẩu hay bỏ tiền mua sách nuôi chúng mày? Ấy, tôi nói là nói vống thế thôi chứ thực tâm biết ơn các bạn biên tập viên cùng nxb vô cùng. Không có họ, tiền bạc chắc đã thành một khái niệm ngoại biên-bên lề vũ trụ của tôi. Cái việc tôi muốn làm ở đây, chỉ là muốn thử kiếm tìm một điều gì khác.

Khác hơn là những gì đã được ra rả suốt ngày hết tháng rồi ấy. Dù là chuyện ai nấy đều thấy rằng, chó (thì) cứ sủa còn đầu nậu cứ xơi. Tuyệt nhiên chẳng thấy đâu là lối thoát. Sh!t.

Cũng bởi thế nên ngỏ hầu giải quyết cái sự bón, tôi muốn tách riêng một trường hợp khá đặc biệt và, thiển nghĩ là, tương đối phổ biến: cho rằng cái gì có trên mạng [internet] thì là của chung; mà cụ thể hơn, là quan điểm cho rằng sự thiệt thòi của tác giả sẽ được bù đắp và vượt trội bởi sự hiểu biết của mọi người và vì vậy mà xã hội sẽ tốt lên. Bản thân cũng phải thừa nhận rằng suy nghĩ như này là một cái gì đó rất khó chối từ. Hoặc lúc này hoặc lúc khác, chúng ta khó mà không tận dụng một đôi ba ... chục lần.

Xem xét vấn đề thuần túy từ góc độ của một người-tiêu-dùng-đọc chẳng hạn, hẳn nhiên bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng đây là một tình huống có sự mâu thuẫn về lợi ích. Nếu có quen biết với người trong ngành, í tôi là người làm về xuất bản, người viết hay là người biên tập chẳng hạn, thì hẳn là có sự giằng xé, ở những mức độ nào đó, xuất hiện trong bạn. Tôi không nói đến vấn đề đạo đức hoặc giả to tát hơn là công bằng; dù rằng ít nhiều nó là nguồn cơn cho sự phản kháng nội tâm vừa kể. Thậm chí trong trường hợp bạn chẳng thấy điều gì nhói lên thì cũng không có nghĩa là bạn không đạo đức hay gì. Đó không phải là điều tôi muốn diễn đạt: bàn về đạo đức chưa bao giờ là điều tôi muốn.

Tôi muốn tiếp cận vấn đề từ một hướng khác trung tính hơn. Điều này cho thấy bản thân tôi là người ủng hộ bảo vệ tác quyền và đây là một nghĩa vụ về mặt đạo đức. Nhưng thậm chí cả có như vậy, thì viện dẫn đạo đức vẫn là một động thái có phần vô nghĩa trong không gian mạng không nhân dạng và khó kiềm tỏa này. Mà đạo đức bao giờ cũng là một khái niệm nhợt nhạt.

Trở lại với luận điểm ở trên mà tôi cho rằng việc phản bác lại là điều dễ dàng. Có hàng tỷ cách ấy. Và sau đây là một trong một tỷ.

Đầu tiên tôi muốn nói rằng đây là một lập luận dựa trên Thuyết Công lợi (tiếng Anh là u u gì đấy lằng nhằng lắm chả nhớ được): tổng hòa lợi ích của xã hội mà cho kết quả là tốt thì hành động thúc đẩy tác động như vậy xảy ra là hành động tốt, cần được khuyến khích. Trong trường hợp này, cụ thể là một cuốn sách chẳng hạn, số người download bản ebook chùa hiển nhiên là đông hơn, mà phần nhiều là vượt trội, so với số người có lợi ích cụ thể và hợp pháp từ việc bảo vệ tác quyền. Do vậy, hẳn nhiên mà số người được sướng sẽ áp đảo số người người không được sướng. Thêm vào đó, cùng số tiền bỏ tiền ra mua sách ấy, mà nhờ các bản ebook có sẵn trên mạng, nên có thể được dùng vào những việc khác như là tiêu dùng; điều này cũng là một cách đóng góp cho nền kinh tế nước nhà. Nhờ vậy, xã hội sẽ tốt đẹp hơn.Còn tác giả cứ việc cạp đất mà ăn.Zé!

Sẽ cần vận dụng rất nhiều hiểu biết để có thể bẻ lại lập luận như trên, í là để thực sự bẻ lại ấy, tức là chấp nhận mọi sự mập mờ về ngữ nghĩa, chấp nhận luôn cả cách đo lường có phần man chá ấy, chấp nhận luôn việc xem xét tính đúng sai của phát biểu: í tôi là chúng ta chấp nhận tất cả mọi sự vô lý có thể được viện dẫn đến trên đời, chấp nhận chơi theo luật ấy để mà biện bác luận đề, để có thể tiếp tục sự đối thoại, cho đến tận khi một trong hai bên từ chối tiếp tục. Theo nhẽ đó, đến là phải lôi cả kinh tế học vào, mà như thế thì gió to lắm. Lại đang mùa mưa bão, thế nên tôi đi đường vòng.

Tôi muốn viện đến vấn đề nguyên tắc. Nhằm làm rõ một cái gì đó minh nhiên và có khả năng ứng dụng cao, hơn là trông chờ vào sự tự giác tuân thủ có tính cách đạo đức ở mỗi người. Nguyên tắc đó, tôi gọi là Nguyên tắc Sarajevo, nguyên văn như sau:

It's no secret that there's a struggle between those who would defend the city at all costs and those who feel that the principles of the city, the ideas that made Sarajevo worth fighting for, cannot and should not be abandoned in the fight to save it.

Cái nguyên tắc đó là gì và liên quan gì đến việc tôn trọng tác quyền? Hay nói cách khác, điều tôi thực sự muốn nói đến ở đây là gì? Tôi chỉ muốn kể chuyện mà thôi dưng mà viết dài quá đâm ra lười rồi nên tôi sẽ cố kể nốt một chuyện này nữa thôi nhé.

Gào là một tác giả Việt Nam rất thành công trên thị trường xuất bản-sách nội địa. Sách của cô đều đặn được in ra, tiêu thụ và tái bản liên tục. Và có lần tôi được nghe kể, nói về việc ghi số bản in trên bìa sau của sách, giám đốc một công ty làm sách đã nói: riêng với tác giả Việt Nam thì tuyệt đối không chơi trò ma; in bao nhiêu thì ghi vào bấy nhiêu. Có rất nhiều điều cần xem xét trong phát biểu của vị giám đốc nọ, nhưng điều làm tôi thích thú, thực sự thích thú ấy, không phải là sự ưu ái dành cho tác giả người Việt hay sự khẳng khái xem chừng là nửa vời của phát ngôn. Chính cái mong mỏi nằm phía sau phát ngôn ấy làm tôi thích thú: cái ý hướng muốn được thành thật với nhau, nhất là trong làm ăn.

Việc này là một việc cũng cần phải luyện tập.











2 nhận xét:

  1. utilitarianism :v Vận dụng làm đíu gì cho mệt, toàn mấy cái fallacy con nít hô hô hô

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. phải ai cũng trồng được 522 vào khoe mông đâu hố hố

      Xóa