Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Tuổi 17 cần gì? (*)



Có bao giờ em tự hỏi, tuổi 17 mình cần gì?


Không ai có thể trả lời cho em được cả. Mỗi cuộc đời có quá nhiều khác biệt, và không bao giờ có thể chắc rằng thế nào là tốt và thế nào là xấu; cũng như, cho dù tận tình và thông thái đến mấy, không người thầy nào đảm bảo rằng học trò cũng sẽ trở nên thông thái chỉ nhờ tiếp thu những gì mình truyền dạy: "người ta có thể truyền dạy kiến thức, chứ không thể truyền dạy sự thông huệ" (1). Nói cách khác, để biết được điều gì là tốt, điều gì là xấu, trong cuộc đời, và như thế nào, chỉ có một cách duy nhất là sống. Tự sống cuộc đời của mình, hay là tự tìm cho mình một lối đi riêng, là cách duy nhất để có thể tồn tại, theo nghĩa đầy đủ của một con người. Cũng thế, tình yêu là một thứ không thể truyền dạy. Nhưng người ta có thể học, em à, bắt đầu bằng tự yêu mình.

Không phải cứ phải 17 tuổi người ta mới biết yêu là gì, cũng không phải tuổi 17 là tuổi để yêu; mỗi người là một khác biệt, và trong thời đại của những bất định như hiện tại, sự tiêu chuẩn hóa chỉ là nỗ lực phù phiếm của sự cố chấp; sớm hay muộn, nhiều hay ít đều không quan trọng bằng như thế nào. Tuổi 17, người ta chuẩn bị đối diện với một chuyển đoạn lớn lao của cuộc đời: thứ nhất, là sự tự chủ được pháp luật-xã hội công nhận; thứ hai, là sự tự lo mà bản thân bắt đầu tiếp quản, từ một sự tự do bị giám sát thô bạo và trực tiếp chuyển sang sự tự do giám sát lỏng lẻo và hình thức hơn, ít ra đó cũng là điều em (nên) mong mỏi. Nhưng đó cũng là lúc, người ta đặt những bước đầu tiên, tự mình, trên con đường dài của cuộc đời. Hiển nhiên, sẽ luôn có những vòng tay giang rộng, những cái ôm thật chặt và cả những lời động viên luôn chờ gửi đến em, đặc biệt, cho những khi vấp ngã. Tin chắc là vậy. Vì thế, tự yêu mình chính là điểm mốc - phóng chiếu căn bản để em có thể nhận thấy và tìm ra những tình cảm trân quý, từ người khác; khả năng này cũng chính là bầu bạn duy nhất sẽ cùng theo em suốt cả chiều dài cuộc tồn tại: tự mình trở thành tia nắng sưởi ấm lòng mình.

Và, kể từ lúc này, chính lúc em tự mình cất bước trên con đường dài, lúc em bắt đầu đi mà không cần bất kỳ bàn tay dẫn đường nào, đó là lúc em đã trở thành người lớn. Người lớn cho dù là đang tập sự đi nữa thì cũng là người lớn.

Mà, làm người lớn chán lắm! Chẳng có được mấy điều vui, ấy thế mà nhân vật văng tục như nhai trầu Holden Caulfield cũng phải thốt lên rằng: "Anyway, I keep pictureing all these little kids playing some game in this big field of rye and all. Thousands of little kids, and nobody's around - nobody big, I mean - except me. And I'm standing on the edge of some crazy cliff. What I have to do, I have to catch everybody if they start to go over the cliff - I mean if they're running and they don't look where they're going I have to come out from somewhere and catch them. That's all I do all day. I'd just be the catcher in the rye and all. I know it's crazy, but that's the only thing I'd really like to be" (2). Một công việc người lớn nhàn nhã như vậy thì thật hấp dẫn, phải không?

Nhưng không ai có thể bé mãi; và cứ tuần tự theo một chu trình khó thể đoán định, rồi, đùng một cái, tự nhiên mà họ lớn. Tuổi 17, lúc này đây, được nhìn nhận như một giai đoạn bản lề của trưởng thành, dù trưởng thành không phải là một mức độ hay liều lượng cụ thể để có thể cân đo được, hay là đích đến để vượt qua; trưởng thành, nhìn chung, là khả năng có thể phản ứng-trả lời các kích thích, từ bên trong lẫn bên ngoài, từ và trong cuộc sống: to be responsible is to be able to respond. Và tự do, nên được nhìn nhận theo hướng rằng, "làm theo kích thích của dục vọng là nô lệ, còn tuân theo những quy tắc tự mình đặt ra là tự do" (3). Tự chủ chính là khả năng đặt ra và tuân theo những quy tắc đó, và hơn thế nữa, là đặt mình lên trên những quy tắc do chính mình đặt ra: con người là sống; quy tắc do con người đặt ra phải nhằm chỉ một mục đích duy nhất và tuyệt đối là phục vụ cho cuộc sống của chính con người. Hãy có can đảm phá bỏ cái cũ, một khi chính nó đang cản trở cuộc sống của chính mình, cho dù điều đó không bao giờ là dễ chịu cả. Rất mong em hiểu được điều này.

Em đang lớn, không chỉ là về chiều cao. Em sẽ học được rất nhiều bài học từ những gì em đang nhận thấy rằng đó là cần thiết cho cuộc đời mình, và cả từ những điều mà hiện tại em không thấy được rằng nó hữu ích. Nhưng hãy tin rằng những gì em thật sự học được, đang dần được tích lũy hôm nay, rồi sẽ có ngày hữu dụng. Và quan trọng hơn, đó là đừng sợ hãi, giận dữ hay thù địch đối với bất cứ thái độ, quan niệm, hay bất kỳ biểu hiện nào khác biệt, hay thậm chí là, mâu thuẫn với những điều trân quý em hằng đang nắm giữ: "Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho ý kiến của họ. (Nhưng), có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, (và không bao giờ nên), đó là lương tâm con người" (4), như lời bố Atticus đã nói. Bởi vì trên cả những bất đồng, họ, cũng như em, đều mong muốn được sống cuộc đời mình, theo cách tốt nhất có thể.

Những gì xảy ra hôm nay, những gì em mang theo từ bây giờ, sẽ là con người em sau này, không nhiều thì ít. Không ai có thể buộc em coi trọng bất kỳ cái gì, trừ phi chính bản thân em thực sự coi trọng điều đó; nói cách khác, không thể bắt buộc em trở thành con người mà chính bản thân em không thực sự là: "Have the courage to follow your heart anh intuition. They somehow already know what you truly want to become. Everything else is secondary" (5). Do đó, hãy sợ hãi và khuyến khích bản thân mình sợ hãi, cho đến khi có đủ can đảm để đối mặt, vượt qua, và lần tới tận cùng căn nguyên của chính nỗi sợ hãi của mình: hiểu biết không phải là sức mạnh, nhưng hiểu biết sẽ giúp con người không run sợ trước bất kỳ sức mạnh cường bạo nào. Và đừng quên rằng, thông minh không phải là món quà ưu ái của tạo hóa. Đó là cơ hội để có được nhận thức rõ ràng hơn về thế giới mình, cũng như đó là món nợ sẽ đeo đuổi bản thân đến tận cùng hơi thở: càng có cơ hội tiếp cận sự thật đầy đủ hơn, con người càng nhận thức rõ ràng hơn về sự bất hạnh của cuộc đời; những hạnh phúc bình dị mà lớn lao. Nhưng đừng vội vã, đường còn dài, rất dài.


Vậy, rốt cuộc thì, em ơi, tuổi 17 cần gì?

Không chỉ là một trái tim biết yêu thương, bắt đầu bằng nhận thức biết trân trọng và yêu lấy thân thể mình; không chỉ là một tinh thần dấn thân không ngừng của tuổi trẻ, tò mò và học hỏi là đôi bạn song hành trên suốt hành trình đi tới kỳ cùng hiểu biết; không chỉ là sự tất khả đạt cái vô biên vô hạn của lồng lộng tuổi 17; và không chỉ là những điều sáo rỗng và giáo điều được nêu lên từ những dòng chữ vô hồn này; thậm chí những lời nói suông này chỉ là vô nghĩa, một khi nó không làm bật lên trong em, một điều vô cùng giản đơn rằng: cuộc đời này đáng sống, trong bất kỳ trường hợp nào. Và chính cái khát vọng muốn tiếp tục sống bền bĩ và dai dẳng ấy sẽ làm cuộc đời này đáng sống hơn bao giờ hết. Cho dù ở tận cuối đáy sâu của tuyệt vọng, hãy luôn nhớ và tha thiết tin rằng: còn sống là còn hy vọng.

Và em ơi, một điều nữa cho tuổi 17 cần rất nhiều điều, hãy cảm ơn mẹ! Bởi với bất kỳ nguyên do gì đi nữa, thì sự tồn tại của em, trước hết, là thông qua nỗi đau của mẹ, và cho bất cứ những gì tồi tệ từng xảy đến, và bất cứ điều gì sẽ còn xảy đến nữa, thì việc em đến với cuộc đời này chính là thông điệp, và không thể gì khác ngoài thông điệp, rằng, cuộc đời này là tươi đẹp và nó xứng đáng được tái hiện, một lần nữa. Nếu em đã lỡ mất cơ hội để được thấy điều tươi đẹp đó, hãy đảm bảo rằng những thế hệ đến sau sẽ được. Vì trẻ con luôn xứng đáng với một thế giới tốt đẹp hơn.


Và bởi lẽ sống là thuộc về hôm nay. Hãy sống một cuộc đời không có quá khứ, với tương lai bắt đầu, dẫu chỉ bằng, một lóe sáng nhỏ nhoi từ đáy mắt: Sống đi, tuổi 17 vĩ đại!










(*) tựa đặt bởi một Hương Trà đã rất lâu rồi chưa gặp.
(1) Siddhartha - Hermann Hesse (bản dịch của Lê Chu Cầu).
(2) The catcher of the rye - J.D. Salinger.
(3) Khế ước xã hội - J. Rousseau.
(4) Giết con chim nhại - Harper Lee.
(5) Stay hungry, Stay foolish - Steve Jobs.




Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

Cứ đi mãi.

Ta muốn bốn mùa xoay chuyển trong ta
Để thấy mình lớn lao như vũ trụ. - lamvuthao



Rồi không chịu nổi mình, tôi cũng bỏ ra đi
phía khoảng tối những mảng sương đêm mù mờ
mang theo chỉ quả tim mình quả cảm
không gì nhớ một cảm giác của hôm qua

tôi đã sống những ngày không quá khứ
chẳng tương lai, cũng chẳng thuộc về ai
những thức tỉnh sáng lòa như chân lý
thấy thương mình với bộn bề ngủ mê

Rồi cũng tới lúc, tôi bỏ phố mà đi
cuộc sôi nổi nối dài theo cơn gió
bằng chân trời màu đỏ của hừng đông
bằng con đường kéo dốc mãi không dừng
bằng ngây ngô chất chồng thêm vụng dại
bằng ánh sao vụt sáng ở trong tim
Cứ đi mãi!

mãi mê đó vẫy vùng cùng ngây dại
dấn thân vào những vùng tối biển đêm
mỗi bừng tỉnh với ta là tất cả
tuổi 17 lớn lao hơn cả vì sao.

hai bốn tuổi tôi là con chim nhỏ
cất giữa đời những tiếng chỏng chơ
mình đánh vật với một mình tuổi trẻ
một cuộc đời biếu không ai cũng một
một Odyssey của thời bình lặng
thời những cánh buồm trong trời gió lặng ra khơi
Rồi đi mãi!

Hỡi tuổi trẻ trong ta cứ rồ dại
rồi sớm ngày cũng nằm dưới mồ ma
không hối tiếc một đời ta dám sống
Để an nghỉ, nơi đây chỉ một người:
Sống! đã từng.



Rồi cũng tới ngày không chịu nổi mình
Rồi cũng tới ngày, tôi bỏ mình, mà đi.






Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Nhân ngày Nhà giáo nói chuyện trẻ con.



Tôi đã từng là trẻ con. Hiển nhiên như thế đối với những người khác nữa, cả với những ai đang nhìn vào những dòng chữ này; tất cả mọi người lớn đều đã từng, hoặc có thời, được là trẻ con. Lúc đó, hiển nhiên, chúng ta không hề biết chúng ta là trẻ con, tạm chấp nhận vậy đã.

Tôi không nhớ rõ lắm tuổi thơ mình. Cả với quãng thời gian gần đây, cả với những khoảnh khắc tôi vừa lướt qua, và cả những gì tôi vừa làm không lâu; ký ức đối với tôi luôn là lớp màn mờ, chập chờn của tâm trạng và cảm xúc, mà tôi cũng không tài nào phân biệt được đâu là do bản thân mình ghi nhớ được, đâu là sự ghi nhớ hộ của người lớn. Những mẩu chuyện được kể lại, nhiều lần, trở nên sống động như thể chính mình tận mắt thấy; ký ức lắm khi thực đến độ ngỡ rằng có thể chạm tay vào. Chắc cũng vì vậy mà càng lớn, người ta càng thích hồi tưởng, càng già người ta càng nhớ người ta trẻ.

Tôi cũng không biết mình bắt đầu ghi nhớ cuộc sống có chủ đích là khi nào. Cũng như tôi không thể nhớ được là mình bắt đầu sống khi nào. Thậm chí tôi cũng không thể cho bạn một hình dung đầy đủ về cuộc sống, rằng sống là gì, và thế nào là sống, của tôi hay của bạn đều thế cả. Nhưng tôi biết chắc rằng, cái khoảnh khắc bạn hồi tưởng về thời trẻ con của mình cũng chính là lúc bạn thôi không còn trẻ con nữa. Ít ra là đúng theo cái nghĩa trẻ con mà những và nhiều người lớn thường quen gọi. Những người lọm khọm đó chỉ được cái chui ra sớm hơn tí thôi mà.

Tới đây, chắc bạn cũng nhận ra, tôi không còn là trẻ con, bây giờ. Nhưng việc đó có hề gì. Người ta cứ trẻ hễ người ta còn đủ sức để mà trẻ; nên tôi cứ trẻ con, một khi tôi còn muốn được là trẻ con. Tới chừng chán rồi hẵng hay.

Tôi thích trẻ con. Không phải vì tôi đã từng là trẻ con, càng không phải vì tôi đã từng là một trẻ-con-hay-ho-nhất-trần-đời. Đấy không thể là lý do được và thời trẻ con của tôi cũng trẻ con như thời mọi người trẻ con thôi; đấy càng không thể là lý do bởi vì lý do là người ta không thể chỉ vào con gà mà kêu là vịt, chỉ vào vịt trời mà kêu thiên nga. Lẩn tránh và dối trá không bao giờ có thể phủ nhận được tồn tại. Cũng như không có gì có thể phủ nhận sự thích trẻ con của tôi; tôi thích trẻ con, bởi vì, đơn giản và trước nhất, chúng là trẻ con. Sự thể vốn giản dị mà.

Tôi có nói tôi ghi nhớ sự kiện một cách chập chờn chưa nhỉ? Vì thật tình rằng tôi không thể nào nhớ cho rõ ngọn ngành một cái gì, ít ra là đủ nhớ để có thể mô tả lại rõ rành bằng lời; tôi không thể. Thậm chí tôi không thể ghi nhớ một khuôn mặt ai mà không ít nhiều làm méo mó hình dung đó. Nhiều lúc, tôi nhớ một người bằng cách ghi nhớ giọng nói, dáng người, mùi, hoặc là cả ba. Nhưng việc đó cũng không thể giữ cho khuôn mặt của người đó không méo mó; hiếm khi tôi có thể nhìn vào mặt ai đó mà không cảm thấy một chút ngờ ngợ. Những khuôn mặt người luôn bị trí nhớ bóp méo. Hay là ký ức tôi vốn méo mó rồi?

Mà, người lớn nhiều khi thật là phiền, lại còn hay lăn tăn nữa. Người ta làm đủ cách, nghĩ đủ trò để nói với trẻ con rằng suy nghĩ độc lập là quan trọng như thế nào, rằng con người phải học cách hành động theo lương tâm và lắng nghe tiếng nói của lương tri, rằng tất cả mọi người đều có quyền được tôn trọng và sống cuộc đời riêng mình trong sự tôn trọng của tất cả mọi người còn lại; thế mà họ toàn làm ngược lại. Đừng có nói kiểu như cư xử lễ phép là đạo đức cho trẻ vị thành niên! hay "sau này lớn lên con sẽ hiểu". Đừng có cố lẩn tránh như vậy chứ. Ngay cả can đảm để đối diện với những gì mình làm cũng không có thì làm sao người lớn có can đảm để đối diện với trẻ con đây.

Dù người lớn cũng có lúc dễ thương, nhưng mà, người lớn là chúa lắm điều, lại còn hay mất kiên nhẫn nữa chứ. Mà, ghét nhất là người lớn rất là phiền. Người lớn cứ việc đi làm đi, rồi than vãn đi, rồi nhậu nhẹt đi. Cớ gì cứ hễ trẻ con bắt đầu thích thú cái gì đó là y như rằng người lớn lại e hèm, lại ngó nghiêng, lại nheo mày, lại hăm he? Sao mà người lớn không yên lặng được, chỉ một lúc thôi vậy?

Đã thế, sao người lớn cứ mãi lo bận tâm những chuyện người lớn đâu đẩu đâu đâu mà không nhìn thấy những chuyện trẻ con bé ti ti trước mắt? Sao người lớn cứ chơi cái trò lòng vòng kiểu người lớn mà không chịu hiểu những chuyện đơn giản như liếm một cây kem, hay ăn một cái kẹo? Giờ nói một tiếng đi, người lớn có chịu hiểu hay không?

Mọi sự vốn giản dị mà. Đâu cần phải to tát như giáo dục với cải cách, hay chuyện thi chung hay riêng, hay chuyện cuốn sách; mọi sự đều có thể bắt đầu từ một cái xoa đầu, như cái cách bố Atticus xoa đầu tụi nhỏ, rồi nói: "Chưa đến lúc phải lo". Đơn giản vậy thôi. Chỉ cần đơn giản vậy thôi.

Mà, người lớn đang ở đâu dzậy?

Chán người lớn lắm rồi! Mà, tôi chán luôn cả tôi, chán cả cái trò trẻ con giả hiệu này nữa. Giá như có thể đi ngủ phát cho xong.














Thứ Hai, 9 tháng 11, 2009

"Gái ơi, mình đi đâu?"

Một ngày chủ nhật thảnh thơi, bạn bước ra khỏi giấc ngủ, bạn mở mắt nhìn trần nhà, hoặc một cái gì đó trong phòng cũng được. Có lẽ, bạn tự hỏi: "Mình làm gì hôm nay?". Nếu rằng định đi đâu đó, khả năng cao là bạn sẽ lại tự hỏi "Ai đi với mình?". Sau một hồi đắn đo, cứ cho là bạn 'chọn' được người đi cùng, và lại cho là lựa chọn đó có tính thực thi cao, đến đây, lại lần nữa, khả năng cao là bạn sẽ lại phải tự hỏi "Đi đâu đây hả mình?". Rồi lại sau một hồi đong đếm, đánh giá các địa điểm với các cặp tiêu chí như độ xa - phương tiện đi lại, độ tiện ích của hệ thống dịch vụ - sự thỏa mãn hứa hẹn được cung ứng, cảnh đẹp và khả năng lưu lại được những khoảnh khắc đáng đồng tiền (đương nhiên, người trong cảnh cũng phải đẹp), chuyện cái bụng, chuyện giờ giấc, và quan trọng nhất, chuyện cái ví. Biết bao câu chuyện phải đụng tới, và biết bao màn cân não được thực hiện; thử nhắm mắt lại mà tưởng tượng sẽ thấy ngay biết bao nhiêu là vấn đề: cái sự thảnh thơi làm bận lòng ta.

Tuy nhiên, không phải câu nào hỏi cũng phiền, cũng như không phải câu hỏi nào cũng trả lời được, và cả những câu hỏi không cần trả lời. Những sự dở dang luôn gợi cảm. Kiểu như váy ngắn vắt chéo đùi thì hấp dẫn hơn hẳn người không bận gì, là coi như trên cùng một người-mẫu ấy.

Thế nên luôn có những câu hỏi, khi vang lên trong đầu, sẽ mang đến cảm giác hấp dẫn khó tả, ví dụ như: Còn có bao giờ em nhớ ta? Hay theo một thể loại trần trụi hơn, có câu 'mẹ ơi, tiền con đâu?', còn mà muốn thân mật một tí thì 'chiều nay mình ăn mừng dịp bạn thăng chức ở đâu vậy?'. Đấy là mình lấy ví dụ, các bạn đừng có lăn tăn để mà mệt thần kinh. Mà nếu các bạn có ý thì mình sẵn lòng, lẫn miệng.

Sức khơi gợi của những câu hỏi, như trên, thật ra không có gì quá xa lạ. Ai mà không một lần trong đời bị hấp dẫn bởi cái chưa biết, ai mà không một lần trong đời tò mò cái sự không thể tỏ. Mà cũng nhờ con người siêng năng mò mà thế giới cứ tò tò bự ra như thế này. Thế mới biết cái sự tò mò là ngọn nguồn của mọi sự phát.

Nhưng nhìn chung thì tò mò là tốt. Không chỉ bởi nó luôn là động lực tạo ra cái gì đó mới, mà, chỉ xét riêng bản thân nó thôi, tò mò đã là một cái gì đó luôn mới rồi. Cũng vì thế mà chỉ nhờ ngồi góc táo mà một ông lĩnh ý, luyện được tuyệt chiêu tung chưởng một cái vật lý cổ điển thất điên bát đảo; cũng vì thế mà một ông hồi nhỏ đi học hay bị phê vào sổ liên lạc là học chậm và hay hỏi ngược, lớn lên lại đắc đạo hỏi ngược, tung chưởng một cái lâu đài vật lý cổ điển lung lay, thế giới con người điên đảo thất kinh. Nhờ những lần kinh đảo thất kinh thế mà chúng ta có iPod để nghe, internet để xài, và Macbook để shướng.

Tò mò luôn đi kèm với tưởng tượng, hay rõ ràng hơn, tò mò kích thích người ta tưởng tượng, rồi tới lượt tưởng tượng trở thành động lực mời gọi người ta tò mò; tò mò tạo ra hứng thú, còn tưởng tượng làm người ta thỏa mãn, ít ra là trước khi đối mặt thực tế. Tưởng tượng, vì thế, cũng tốt. Mà nếu người ta có thể sống chỉ nhờ tưởng tượng thôi, thì còn là quá tốt, nhỉ!

Nhưng mơ mộng mấy thì cũng phải thực tế. Giống như cứ mãi nằm trên giường mà vẽ vời thì chẳng bao giờ tới được đâu; công viên nước hay tiệc bbq thì cũng không thể bày ra trên giường; đi chơi thật, thích hơn nhiều!

Vì vậy, vào một ngày thảnh thơi, bạn bước ra khỏi giấc ngủ, bạn mở mắt nhìn trần nhà, hoặc một cái gì đó trong phòng cũng được. Bạn có thể vừa nằm trên giường, vừa nghĩ ngợi; cũng có thể vừa lẩm nhẩm theo giai điệu một bài hát nào đó, mới hay đã cũ; cũng có thể mân mê mà miên man tiếp những suy tưởng vừa trở lại từ tối qua; cũng có thể thế này, cũng có thể thế kia. Hoặc, cũng có thể, bạn bước ra khỏi giường.

Cũng có thể, bạn lại thả tỏm vào giường, ngủ tiếp; cũng có thể, bạn bắt lấy điện thoại, thôi nghĩ ngợi, và lên lịch cho một chuyến đi; cũng có thể, bạn vớ lấy đồ, lao tới cửa, hộc tốc tới trường cho kịp giờ thi; cũng có thể thế thật.

Nhưng nhất thiết đừng bao giờ quên tự hỏi, một câu hỏi nhỏ nhưng đầy gợi cảm, "gái ơi, mình đi đâu?".

Mà nếu có ai đó nhắn hỏi, thì lại càng quá tốt, phải hông?








gởi: block 167, Petir Road, #18-146, Singapore 670167


"Sao không nhảy đi?" (*)



Cô vẫn dán mắt vào chiếc màn hình chi chít chữ. Hắn vẫn không nói gì, như thường. Rồi đột nhiên, ngả người ra sau, cô xoay đầu tìm hắn. Nhìn vào mắt hắn. Vẫn không nói gì. Nụ cười nửa miệng và cái nhìn đăm đắm. Cô không nói gì. Xoay lại, cô chăm chú vào chiếc màn hình chi chít chữ. Hắn ngồi trên thành giường, phía sau. Khom người, hai tay chống đùi. Im lặng.

Cô muốn một mình.

Hắn đến nhà từ sớm, đem theo một bao những quả cà rót tươi cô mua làm quà. Cô mở cửa, hắn ôm đồ vào nhà. Vào bếp, hắn lui cui với đống quả, cô đứng khoanh tay, chờ. Lưng dựa tường, một tay giữ ly nước lọc sát môi, cô nhìn hắn quay lên. Như nhìn vào gương soi buổi sáng và thấy một khuôn mặt xa lạ. Bất giác, cô đưa tay lên. Những ngón thon, dài vươn ra, chẳng để chạm gì. Hắn vẫn lui cui.

Có lần cô nói "mình chia tay, thì sao?", hắn không nói gì. Nụ cười nửa miệng và cái nhìn đăm đắm. Vụt mất. Cô phẩy tay, rồi như không có chuyện gì, cô xuống nhà mở cửa.

Thậm chí cô không cả muốn mở miệng. Cô thích được một mình. Hoặc sách hoặc công việc. Hoặc không gì cả. Tất cả mọi sự không quen đều không còn gây nên một mối hứng thú nào. Thậm chí cô không nhớ nỗi mình vừa mua đống cà rót tươi. Cô hỏi hắn "Ở đâu ra vậy?".

Nhiều lúc mẹ cô không hiểu nỗi cô đang làm gì. Bà thường xuyên phát hiện ra cô quên những gì mình vừa nói, tối hôm trước. Bà cũng không nói gì. Hoặc cô không phát hiện ra, hoặc cô không muốn nói gì. Và cô không nói gì. Quen rồi.

Bữa cơm, bà về nhà. Cô cũng cùng ăn cơm. Cô ở nhà được non tháng, và bà cũng non tháng ăn trưa ở nhà, cùng cô. Không có gì lạ.

Mẹ cô về muộn. Đèn đường bật sáng, hắt vàng cả một mảng phòng. Cô ngồi trên ghế xoay. Trong vùng bóng tối, chăm chăm nhìn vùng sáng. Đèn phòng không bật. Chiếc màn hình chi chít chữ sau lưng cô. Trời không gió. Hoặc gió không thổi vào phòng. Trong phòng có tiếng nhạc.

Hắn dựng xe trước cổng, ngồi chờ. Đã lâu.

Cô đứng sát khung cửa sổ. Cô nhìn xuống hắn. Cô nhìn thấy hắn, xuyên qua những tán cây.

"Sao không nhảy đi?".


(*) tựa truyện ngắn của Raymond Carver.








Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2009

chuyện không cũ.


1. Đời sống là một chu trình vận động liên tục làm mới các giá trị cũ, theo một nghĩa khác, đó là quá trình cải biến hình thái các giá trị của truyền thống, những giá trị thích hợp được mỗi cộng đồng đề cao và gìn giữ, sao cho chúng trở nên phù hợp và chấp nhận được, ứng với sự tiến triển của đời sống hiện đại. Theo đó, mỗi thệ hệ mới và non nớt trong cộgn đồng sẽ lớn lên, cùng với sự cải ngôn các khái niệm mà cha mẹ, ông bà họ đã tôn trọng. Tức là, tìm kiếm một hình ảnh mới và hợp thời định nghĩa cho các khái niệm tương đối trừu tượng, ví dụ, như: lòng dũng cảm, phẩm giá, danh dự, trung thành, và, khái niệm thường gây nhiều tranh cãi, đạo đức... Đại để, John Dewey đã viết, có thể diễn giải thành, những điều như vậy.

Dewey còn chỉ ra, việc những thành viên non nớt, lần đầu tiên, đến với cuộc sống chung của cộng đồng, đời sống ứng với môi trường xã hội anh/cô tồn tại cùng, thường có những biểu hiện thờ ơ và coi nhẹ những biểu tượng của truyền thống. Dễ hiểu rằng, điều này là đương nhiên, những truyền thống đó hoàn toàn xa lạ với họ; anh/cô ta chưa hề trải qua những tình huống tạo ra các môi trường cung cấp các kích thích hình thành nên lòng kính trọng. Hơn nữa, họ sẽ không bao giờ có cơ hội 'được tồn tại' trong những môi trường như cha mẹ, ông bà họ đã từng. Điều này, và những điều vừa bàn tới, dẫn đến hai hệ quả quan trọng: mỗi thế hệ trẻ lớn lên, không ít thì nhiều, thường nhận được dự dè biểu và ánh mắt lo ngại của những thành viên thế hệ đã từng trẻ và lớn lên trước đó, họ bị nghi ngờ về khả năng hòa nhập cuộc sống bởi vì sự thờ ơ với truyền thống của chính họ; trách nhiệm và ảnh hưởng của người lớn trong việc hướng dẫn và định hướng con trẻ hòa nhập với đời sống cộng đồng. Nhưng ở đây, không bàn về chuyện giáo dục.

Thêm một nhận định nữa, lần này là của Gustave le Bon, trong tác phẩm 'Tâm lý học đám đông', ông giả thuyết rằng, mỗi 'tâm hồn chủng tộc' là cái đặc trưng gắn liền với mỗi dân tộc, xuyên suốt chiều dài lịch sử, và rằng người dã man với người hiện đại, nếu họ có chung một nguồn gốc chủng tộc, đều có chung một khuynh hướng lựa chọn, hoặc là có xu hướng phản ứng giống nhau cho những kích thích tương đồng tương ứng; và rằng truyền thống không phải là cái con người lựa chọn, chính chúng lựa chọn chúng ta, những giá trị truyền thống nào phù hợp với cái 'tâm hồn chủng tộc' sẽ được chú ý, phát tán và truyền lại.

Nhìn chung, những lập luận ở trên, không nhằm đưa ra bất kỳ kết luận cuối cùng nào; giả thuyết, nhât là giả thuyết của khoa học xã hội học, thường là những phán đoán khó kiểm chứng, cũng như khó lòng tạo ra sự tin tưởng rộng rãi, hoàn toàn như các định đề hay công thức toán học. Nhưng qua đó, có thể đặt ra nghi vấn, rằng những giá trị truyền thống, đang trên đà biến mất như được miêu tả rống riết trên báo chí hiện nay, có phải là đang trong quá trình cải biến ngôn từ, và rốt cuộc thì sự biến đổi hình thức biểu hiện này, thực chất, không làm thay đổi những giá trị cốt lõi của truyền thống được lưu giữ trong tâm hồn chủng tộc; điều này có phải là điều tốt không?


2. Sống là chuyện không cũ. Báo chí và các công cụ truyền thông, cùng ngành công nghiệp thông tin đằng sau nó, sống được, cũng là nhờ đặc tính luôn mới mẻ này của cuộc sống. Tuy nhiên, với áp lực cạnh tranh khủng khiếp, được thúc đẩy bởi công nghệ và 'tính thờ ơ' của người hiện đại, báo chí đã và đang biến đổi sâu sắc so với nó đã từng, và còn mạnh mẽ hơn nữa so với nó đang là. Cuộc sống, được phản ánh trên báo chí, ngày càng xa dần màu sắc chủ đạo của cuộc sống mà nó vốn phải là. Và cũng có lẽ vì vậy, 'con người hiện đại ngày càng bị sự thờ ơ xâm chiếm' (*). Dù luôn có những ngoại lệ.

'Con người thờ ơ' xem ra không phải là một miêu tả tích cực. Nhưng đem phần lỗi đổ lên đầu báo chí thì lại không hay, nếu không muốn nói là rất dở. Báo chí tồn tại được, hiển nhiên, là nhờ vào đòi hỏi của con người; nói báo chí làm con người thờ ơ, chẳng khác nào quy cho .... Tuy nhiên, với tần suất lặp lại lớn trong hình thức và nội dung của tin tức, đại đa số báo chí đang rơi vào con đường mòn của nhàm chán; một khi hứng thú không được khơi gợi đúng mức, đương nhiên, thái độ thờ ơ dễ dàng xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh.

Biểu hiện bề ngoài của một hành động là kết quả của một quá trình huấn luyện và biểu hiện của một hành động với các sắc thái tình cảm và tinh thần sâu sắc chứa đựng bên trong chủ thể là rất khó phân biệt. Nói cách khác, chỉ bằng quan sát hành động và sự thể hiện bên ngoài, chúng ta khó lòng phân biệt được đâu là kết quả của sự vâng lời và đâu là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài về mặt nhận thức. Vì vậy, sự việc xét theo những biểu hiện bên ngoài luôn cần phải được xem xét với các khoảng ngờ. Biểu hiện thờ ơ, ở đây, cũng vậy; sự không hứng thú thoáng qua với sự quan tâm bền bĩ nhưng bất lực đều có chung một bộ mặt biểu hiện, và lo lắng thực sự với những quặn xé bên trong, đương nhiên, chỉ bản thân một người hiểu. Hoặc nói đơn giản hơn, người ta thờ ơ, có khi, cũng chỉ vì người ta không thể làm gì khác hơn được.


3. Miền trung ngập lụt, gió mưa tơi bời.










4. Tin cập nhật, không được cập nhật cho lắm:

Người ta nói rằng, bão không phải là nguyên nhân gây ngập miền trung. Những tác nhân gây lụt nặng nề như đã thấy lại là vỡ đê và, một phần do, xả lũ, và nhiều nguyên do khác nữa. Người ta cũng phỏng vấn ông giám đốc nhà máy thủy điện nọ, và ông giám đốc này cũng thừa nhận có biết những thiệt hại tất yếu sẽ có, nhưng ông cho biết, đây lại là một việc bắt buộc phải làm. Người ta lại nói rằng, con số thiệt hại về người, lần này, có thể lớn đến vậy, là do lũ về nhanh quá, người dân ứng phó không kịp. Không biết cái bắt buộc phải làm ở trên có liên quan bao nhiêu phần trăm đến cái ứng phó không kịp dưới này không, nhưng dù gì, chuyện cũng đã rồi.

Mấy hôm nay, nhiều người ta nữa, liên tục đăng đàn phát biểu nhiều về cái sự bắt buộc phải làm trong quá khứ, với cả trong thời hiện tại. Có cả những giải pháp tổng thể, và cả những sai sót trong khâu thiết kế và thi công, mà thiết nghĩ, đều là những việc bắt buộc phải làm. Vậy mà giờ đó lại là những gì đang được bắt buộc phải nghe.

Lịch sử không có 'giá như'; và cách ứng xử tốt nhất đối với những việc bắt buộc phải làm là chấp nhận, hoặc là bắt buộc phải chấp nhận. Nhưng, giá như, người ta có thể chủ động chọn lựa những cái bắt buộc phải làm để giảm bớt phần nào những cái bắt buộc phải chấp nhận, thì có lẽ người dân sẽ được nhờ nhiều hơn chăng?

Hoặc là ít ra, trước khi xả lũ, người ta có ới lên một tiếng, để dân còn biết đường mà ơi, thì cũng tốt quá rồi.







(*) Gustave le Bon.


Où on va, papa?


Gởi: ông Jean-Louis Fournie



Thưa ông, không có lý gì để ông phải nghe tôi nói những lời này, cũng như không có gì cho phép tôi được nói (viết) cho ông những lời này. Không có bất cứ lý do nào, kể cả một lý do đơn thuần chỉ là lý do, cho phép tôi hành động như vậy. Tôi biết thế, nhưng tôi vẫn cứ viết. Bởi một sự thật không thể chối bỏ rằng, với nỗi tuyệt vọng ông đang nắm giữ, không có lời nào khó nghe, không còn lời nào có thể làm ông khó chịu nữa, kể cả những lời xưng tụng, chúc mừng hay là mạt sát. Dù thế, đây cũng không thể là lý do để bức thư này trở nên hữu ích. Không có bất cứ sự hữu ích nào tồn tại trong những dòng chữ này, thưa ông.


Thưa ông, không thể gọi đây là lời cảm ơn, cũng như tôi không thể nào (không bao giờ) thông cảm cho ông; việc ông viết cuốn sách này, cũng như việc tôi vô tình đọc được, không bao giờ có thể là lý do cho lòng biết ơn, hoặc giã điều đó là có, nhất là trong trường hợp đây, tôi không nhận được gì khác, ngoài sự tuyệt vọng, từ cuốn sách này.


Thưa ông, tôi cũng không thù ghét gì ông, không một chút nào. Hiển nhiên ông có quyền tuyệt vọng. Hiển nhiên ông có quyền giễu cợt, bản thân ông hay bất cứ ai khác nữa. Và hiển nhiên, ông có quyền đem điều đó lên sách nữa. Không có quy chuẩn đạo đức nào được áp dụng ở đây, cũng như không có sự phán xét nào là chuẩn mực; người ta không thể bị quy kết là có tội, cho dù họ có rêu rao cái nhìn cay nghiệt của mình với một đứa trẻ, nhất là đứa trẻ 'không giống bình thường'. Tôi không có quyền, chúng tôi không có quyền, và họ cũng không có quyền làm thế.


Thưa ông, những lời tôi nói (viết) ra đây hoàn toàn không nhằm mục đích đánh giá, phê bình cuốn sách; tôi không phán xét bất kỳ điều gì, hay tỏ thái độ gì nhằm tới cuốn sách của ông, cũng như bản thân ông, cũng như các hội đồng xét trao giải cho cuốn sách của ông. Tôi cũng từ chối bày tỏ sự phẫn nộ và khinh miệt cho cái các hội đồng đó: họ nghĩ gì mà lại tung hô và ca ngợi cuốn sách này, họ muốn gì mà lại vinh danh một cuốn sách viết về nỗi tuyệt vọng, và họ là gì mà tự cho mình quyền đồng cảm như thế. Cuốn sách này không phải để ca ngợi, không phải để vinh danh. Cái gì thuộc về underground thì phải trả về cho underground. Họ thật chẳng ra thể thống gì cả. Nhưng tôi không trách họ, thưa ông, nếu tôi ở vị trí được chọn lựa, tôi cũng thế.


Thưa ông, tôi cũng không hỏi thăm gì về sức khỏe của bé Thomas, cũng như bất cứ lời nào đả động tới cuộc sống của ông, của bé. Ông hoàn toàn có quyền riêng tư trong cuộc đời riêng của mình. Và hơn nữa, điều đó là vô nghĩa, và trong cái nền những dòng lời vô nghĩa và vô ích như thế này, thêm một điều vô nghĩa nữa thì thật là không cần thiết.


Thưa ông, tôi thật không phải, khi nói (viết) nhăng cuội những điều như thế này. Thật là lố bịch khi bắt một người xa lạ phải nghe (đọc) những điều chẳng đem lại bất kỳ lợi ích nào cho họ. Nhưng vì, giã sử, ông đã đọc đến đây, tôi xin được nói thêm đôi điều nữa thôi: xin được gởi tới ông nhữn cái ôm thật chặt: môt cho bé Mathieu; một cho bé Thomas' một cho người vợ đã bỏ đi - người mẹ, đáng tội, đã trốn chạy của chúng; một cho cô bảo mẫu ...; một cho cuốn sách với tất cả các giải thưởng cũng như lời xưng tụng mà nó nhận được; và một cho chính nỗi tuyệt vọng đang ngày đêm cười nhạo của ông.


Thưa ông, tôi không và sẽ không bao giờ ca ngợi hay xưng tụng cuốn sách này của ông. Tôi cũng sẽ nhanh chóng quên rằng, mình từng đọc cuốn sách của ông. Cuốn sách này không nên được nhớ tới, và càng không nên được nhắc tới. Bởi khi một nỗi tuyệt vọng như thế còn có thể tạo nên sự phản hồi mạnh mẽ từ đám đông, thì chính trong xã hội đó vẫn còn rất nhiều những Thomas, những Mathieu như của ông. Và điều đó, vạn lần, không thể chịu đựng được.


Thưa ông, tôi quả nhiều lời.
Thưa ông, tôi vô phép quá.





































Đẹp và buồn.



1. Cuối thu, trời vẫn trong, và bắt đầu đổ những đợt nắng to. Gió cũng lười thổi, hiu hắt từng đợt lẻ bạn đung đưa phong linh. Không khí vì thế mà có phần oi bức. Chắc cũng vì thế, những lượt bộ khách thưởng ngoạn cứ thưa dần, dù bình thường cũng hiếm dịp đông đúc. Vườn đá, nhẵn bóng, vẫn im lìm phơi mình dưới nắng. Thoảng hoặc có bóng người bước qua, từ phía cổng. Có thể đó là một khách du ngoạn đang lơ ngơ tìm đường; có thể là một nhà sư của viện. Cũng có thể thật, mà cũng có thể không thật. Keiko không biết. Nàng vẫn không rời mắt khỏi khu vườn đá lấp loánh những ánh dội sáng rực. Trước sau, nàng không hề nhìn về phía cổng, hoặc một chỗ nào khác.

Không có toan vẽ, nàng không đến đây để vẽ. Nàng đã không vẽ, ngay từ lần đầu trở lại vườn đá. Cô khăng khăng bắt nàng phải đến đây, không làm gì, dù chỉ để ngồi và ngắm cũng được. Nàng không nói gì, nàng nghe lời cô. Mỗi sáng nàng lại đến đây, ngồi dưới mái hiên này và ngắm vườn đá, cho đến tận tối. Nếu cô không dặn, chắc nàng cũng không về. Nàng không biết nàng có thích cái vườn đá này thêm tẹo nào không, thậm chí, nàng còn không biết mình có nhìn cái vườn đá nhẵn bóng đó không nữa. Nàng chỉ ngồi đó, lặng im, ráo hoảnh.


2. Quen giấc, Oki ngủ một mạch tới tận chiều. Tỉnh dậy, như thường lệ, ông thấy thoải mái và tỉnh táo; vừa vặn cho công việc, vừa vặn để viết văn. Nhưng ông không muốn viết. Ông muốn đi dạo. Gần đây ông có thói quen đi dạo buổi chiều, đi dài, về phía biển, và tất nhiên, ông đi bộ. Ông đến biển để coi sóng vỗ. Ông đến để coi biển vỡ.

Nhiều hôm ông về muộn, tới nhà thì đã tối mịt. Thức ăn đã được dọn sẵn trên bàn. Ông bỏ vào phòng làm việc, và ngồi đó đến sáng. Ông thường bỏ bữa.

Vợ ông không có nhà, mà ở nhà bà cũng không nói gì. Bà hầu như chẳng nói gì nhiều nữa. Căn nhà, buổi tối, như vết mực loang trên nước, lẳng lặng tan vào đêm.

Chắc bà cũng ra biển.



3. Bức tranh 'đứa bé lên trời' được hoan nghênh nhiệt liệt. Giới phê bình đánh giá đó là một bước đột phá trong sự nghiệp tranh họa của cô, còn báo chí nhìn nhận đó là một tuyệt tác của nền hội họa Nhật Bản hiện đại. Những lời chúc mừng, vòng hoa, và các lời mời phỏng vấn được gởi tới liên tục. Cô từ chối tất cả; cô không cả xuất hiện tại buổi lễ trao thưởng của Hiệp hội vì sự phát triển nghệ thuật Nhật Bản.

Cô không bao giờ rời nhà, cũng như không tiếp xúc với ai khác, ngoài Keiko và bà vú. Hồi lâu, người ta truyền tay nhau, bức ảnh được cho là của Otoko, do một tay thợ ảnh lén chụp, khi cô đang ngắm cảnh trong vườn. Bức ảnh cho thấy một người phụ nữ đẹp, phục sức giản dị, nhưng không ngăn được vẻ đài các toát lên nhẹ nhàng, đang cúi người trước hiên. Không rõ mặt, chỉ nhìn rõ miệng. Đôi môi không mang vẻ gì đặc biệt; khó thể đoán được cảm xúc của người phụ nữ. Đôi môi không có vẻ gì đặc biệt; không hẳn là đang buồn, không hẳn là vui, chỉ là không cười. Người phụ nữ trong bức hình không mang vẻ gì là một người đau khổ; chỉ là cô không cười.

Otoko không bao giờ vẽ thêm nữa. Hay ít ra là người ta không thấy thêm bức tranh nào nữa.



4. Kyoto vào xuân. Khí trời se lạnh, run rẫy như vừa rủ bỏ được hơi thở trơn ướt mùa đông, khoác vào lớp áo màu sáng của một mùa sinh sôi mới. Những đài chuông to, sừng sững, nằm ngủ im lặng trên đỉnh cao của những nhộn nhịp vung vầy. Chúng chờ, để lại được ngân lên, vang dài.
























ngày hôm nay

Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên:
Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt
. - Lưu Quang Vũ




những con đường sẽ không bao giờ mỏi
những bàn tay sẽ chẳng thôi buông
những mũi thuyền sẽ chẳng còn ngần ngại
những hàng hiên không xót xa bông vàng rụng
Đứng dậy đi.


Màu nào đỏ rực rỡ cuối tầng mây
trong khóe mắt những con người đang còn trẻ
vườn cỏ lá em thơ thẩn cánh bướm
lỡ đánh rơi phút nào không, trên những bước đi tìm
Đừng nhìn lại.


Miền ký ức chập chùng như ngọn nến
ánh màu trầm của bao điều nhớ quên
muốn là nhớ, hay muốn là quên vậy
em có bao giờ, cố nhớ rồi tìm quên
Đừng dằn vặt.


Đừng vội vã.
Đừng ngần ngại.
Đừng hoảng sợ.
Đừng lo lắng.
Đừng hênh hoang.
Đừng nhút nhát.
Đừng bắt chước.
Đừng cưỡng cầu.
Đừng vô tâm.
Đừng ân hận.
Đừng than van.
Đừng hối tiếc.
Đừng tham lam.
Đừng thỏa hiệp.
Đừng nhân nhượng.

Đừng dừng lại cho đến tận cuồng chân.

Bởi cuộc đời là những trang sách mở
mỗi bước đi là tới mỗi điều hay
trong tâm thức của những người luôn còn trẻ
không gì bằng được sống, ngày hôm nay.


Em ơi, đứng dậy và đi!



tặng T.





























Còn có bao giờ em nhớ ta?

1. Tuổi 17 có gì?

Đương nhiên là trẻ, và, đương nhiên là đẹp. Người ta vẫn đẹp ngay cả khi người ta không biết mình đẹp, hay người ta không công nhận điều đó. Và, đương nhiên, bất chấp cả sự tán đồng hay phản bác của cả những người ta khác nữa. Tuổi 17 là đẹp, hiển nhiên như thể người ta chỉ có thể hít thở bằng oxy vậy thôi.

Tuổi 17 (là) vô địch; chỉ việc ý thức được sự tồn tại của bản thân, rằng mình đang tồn tại, cũng đủ để trở thành nguồn cơn cho mọi cuộc phiêu lưu vĩ đại, cho dù đó là điều viễn vông nhất một người có thể nghe, hoặc dẫu chỉ là nghĩ tới thôi: người ta hoàn toàn có thể làm được tất.

Ta thích bốn mùa xoay chuyển trong ta
Để thấy mình lớn lao như vũ trụ.
(1)

Tuổi 17 là niềm hứng khởi vô cùng tận. Mặc tình với những say sưa, người ta không biết, và cũng không cần biết đến bất cứ thứ gì xấu xí. Mọi người đều đẹp, vạn vật đều đẹp, chừng nào người đó, vật đó còn khoác lên mình tấm màn nhung của một sức sống căn trào; cái suối nguồn của hạnh phúc, của ước ao, của thời ước mơ chưa bị treo giá và cuộc đời chưa vời đến những ca nước lạnh.

Mười bảy tuổi lòng ai không hồi hộp
Ngồi trong rạp hát đợi màn lên
(2)

Tuổi 17 là sự thờ ơ tột độ; người ta chắc mẳm người ta muốn gì, và người ta cũng chắc mẳm người ta đủ biết về cái mình muốn, mặc dù, thật ra, người ta chỉ mới đang ở những bước đầu chập chửng trên con đường của sự thông suốt. Người ta còn vỡ ra nhiều lẽ nữa, và người ta, có lẽ, còn vỡ ra nhiều lần nữa.

Yêu nhau đi anh, không đông già bật khóc. (3)

Bởi vậy, người ta nên yêu khi còn trẻ, cả yêu lẫn được yêu. Hoặc dã thì yêu thôi, cũng được. Trước khi đời vẽ thêm đêm thật dài (4).


2. Lão già mắc dịch Milan Kundera là một lão già mắc toi. Lão lấy điều thích thú khi đem con người ra bỡn cợt, thậm chí thích thú đến độ lão phải kể ra rõ ràng những điều mà ai cũng biết đó. Một cách rõ ràng từng câu từng chữ. Ắt hẳn lão phải thỏa mãn ghê gớm lắm, với việc bốc tách dần lớp màn tâm thức con người bằng ngòi bút , dưới rõ ràng của ngôn từ, nhân danh một sự tiến gần đến sự thật. Ắt hẳn lão phải thích thú cao độ, một khi có dịp nào đó mà hồi tưởng lại chiến công này của mình. Và ắt hẳn lão phải cô đơn cực độ, trên con đường lần tìm đễn bản chất sâu của tâm thức con người, cũng như thói quen phản ứng của nó, hay gọi là thói quen mà nó bị xâm chiếm cũng được.

Lão đã làm rất tốt cái công việc đó, tệ hơn nữa, lão cũng biết là mình đã làm tốt đến chừng nào, và cho một điều tệ hơn nữa, lão còn biết, chắc chắn, người ta cũng sẽ biết như vậy.

Đúng là đồ mắc toi!


3. Nhân tiện thì chữ 'em' trong câu cuối của Mắt người Sơn Tây (Quang Dũng) là nam hay nữ? (là chú bé hay con bé hay thằng bé hay cô bé hay cô gái hay em gái thì còn có thể suy nghĩ, nhưng em bé thì dứt khoát khỏi nghĩ rồi).

Nếu trả lời là nam, thì, chịu khó, xem thêm tại đây.


P.s: Cuối ngày rốt cuộc cũng có một cái gì đó gọi là cười: Sinh nhật tặng quà gì thì tốt? - Tốt nhất là đi mua nơ, cột cổ, chui vào hộp, đậy nắp. 15' là quá nhiều. Đấy là nói tốt nhất, còn không thì ôm một cái, thật nhẹ, cũng đủ xính dính rồi. Phải hông, gái?!



































(1) Lâm Vũ Thao
(2) Lưu Quang Vũ
(3) Chiều Hạ
(4) Trịnh Công Sơn

Playlist cho một đêm mưa.







Mỗi khi có tiền, tôi lại đến hiệu sách. Mà không cứ phải có tiền, tôi cũng đến hiệu sách. Việc nhìn thấy những hàng hàng sách sắp ngay ngắn trên khăp các kệ, bày ra cả sàn nhà, thậm chí chen cả lối đi của người xem sách làm tôi thoả mãn một cách kỳ lạ. Tất nhiên, đó là cho những khi không có hoặc không đủ tiền để mua sách. Có tiền và mua được sách vừa xem vẫn thoả mãn hơn. Và cảm giác thoả mãn hơn này lại trở thành nguồn cơn của những cảm giác thoả mãn kém hơn trước đó.

Được xem sách, giống như được ra sân, chạm chân vào bóng, với tôi, là thoả mãn. Banh bóng và sách xem chừng chẳng liên quan gì nhau, nhưng cái sự thoã mãn, về cơ bản, có vẻ là giống nhau. Ấy là nếu không xét đến mức độ và cường độ của cảm xúc, cũng như bản chất của đối tượng kích thích ..., khi đó, về nguyên lý, có thể phát biểu như này: Thoã mãn là được làm cái mình thích và (thích) thú cái mình vừa làm. Không gì bảo đảm rằng khi đạt được hai giai đoạn cảm giác kể trên là thoã mãn, nhưng nhìn chung, khi thoã mãn, người ta thường trải qua hai giai đoạn cảm giác như thế. Phải là cả hai, vì nếu không, thiếu một trong hai phần thích hoặc thú dễ dẫn đến tâm lý đè nén, chán nản. Và chán nản là bước đầu tiên của phản ứng chống lại, hay còn được gọi là phản kháng.

Phản kháng không phải là xấu. Lịch sử thế giới ghi nhận rất nhiều những trường hợp phản kháng đã trở thành nguyên cớ và là nguồn cảm hứng cho những sự biến xã hội có ảnh hưởng to lớn đến văn minh nhân loại. Phong trào phản chiến của giới trẻ, những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, tại Mỹ, hay ở một mức độ thấp hơn và phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn, phong trào phản chiến của sinh viên học sinh Sài Gòn, diễn ra cùng thời gian, là những ví dụ tốt. Mâu thuẫn là động lực phát triển, và văn minh là con đẻ của phản kháng.

Âm nhạc là phản kháng. Hiểu theo nghĩa đó là một sự lãng mạn vượt quá cái thông thường hằng ngày, hoặc đó là thể hiện của một giấc mơ siêu thực (surreal). Chúng ta đều có những giấc mơ, và chúng ta đều mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đương nhiên, tốt đẹp hơn không có nghĩa là không tốt đẹp, cũng như hạnh phúc hơn không có nghĩa là không hạnh phúc. Chỉ là người ta luôn muốn, nhiều hơn nữa.

Tuyệt vời cho một tối thứ sáu có mưa. Phòng bật đèn vàng, và một ly gì đó âm ấm bên bàn. Lúc này, hoặc đọc sách, hoặc xem báo, hoặc chat chit, hoặc viết note *cười*, hoặc cũng có thể không làm gì cả, chỉ ngồi yên như thế, cũng đủ rồi. Và với những lúc như thế, không thể gọi là thoả mãn, bởi vì tôi hạnh phúc. Mà có thêm một chút 'phản kháng' thì càng tuyệt.



1. Sundial dream - Kevin Kern
2. Through the arbor - Kevin Kern
3. Water's edge - Tim Janis
4. Rain night - Jeon Su Yeon
5. River flows by you - Yiruma
6. Dream - Yiruma
7. Let's go to the forrest of peace - Daydream
8. Kiss the rain - Yiruma
9. A girl with smile - Kim Yoon
10. For you alone - Tim Janis














con đường dài và đầy gió (*)



[không.có.ảnh.minh.họa]



Có ba người kể cho tôi về cô đơn
Nỗi gì đó không biết - một người nói
cứ như mang theo mình một cái nhìn dầy dậm dặc
đến bất cứ đâu cũng chỉ thấy chênh vênh.

Lại một người không chịu được nỗi buồn
Như lao đầu tìm kiếm gì mãi miết không thấy
rồi nhận ra mình đang mãi miết kiếm tìm
một cái gì không biết
buồn lắm.

Còn một người không biết nhớ
lừng lững đi qua suốt những buổi trời chiều
những mùa thu,
những bình minh,
những đêm nghe tiếng quạ kêu trong vùng bóng tối tuyết rơi
rồi tự dưng Nhớ
cảm giác nhớ một ai đó
mà lâu lắm rồi mình không nhớ nỗi là ai.
Nhớ là nhớ, hay chỉ là nghĩ thôi?

Người cuối cùng không nói,
cũng cả không cười
sau một ngày không có lấy nỗi niềm vui
chỉ lặng lẽ ngồi nhìn đống tro tàn
của âm thầm những đợt sóng thời gian đang vẫy vùng trong ký ức:
Quá khứ mắc kẹt, hay chính tương lai đang trở về ám ảnh?

Gió vẫn thổi, vẫn thổi.



Có ba người kể cho tôi về cô đơn,
họ không nhắc gì đến chuyện từ bỏ
con đường dài và đầy gió
kể cả lúc đơn độc như chóp đỉnh hải đăng ngày đêm sương gió
như bị tóm gọn trong bàn tay gã khổng lồ
họ không thốt lên lời nào về sự đơn độc
dẫu chỉ một lần.


Có ba người kể cho tôi về cô đơn,
họ không bỏ cuộc bao giờ.

































(*) a long and winding road.


Tự dưng

Tự nhiên cuối năm có người muốn ... lên núi, chỉ để được thấy ... lạnh. Sài Gòn mưa rả rích, có khi buổi tối trời lạnh không kém miền cao. Nhưng có quá nhiều lựa chọn, cũng như xao lãng để cái lạnh không đủ ấm lên với chỉ một cái nắm tay. Những miền đất cao đầy gió với cái lạnh chỉ chực nhấn người ta sâu vào chăn, vào đệm là tuyệt hảo. Cao nguyên Đồng Văn sẽ còn là tuyệt với hơn, vì biết đâu, tự dưng sẽ được thấy tuyết, và "điều gì cũng có thể xảy ra vào ngày tuyết rơi". Đà Lạt không có tuyết, mùa này, cùng lắm, chỉ có hoặc mưa hoặc sương. Nhưng lạc vào thung lũng trong một ngày mù giăng đầy trời, dày đến độ đứng cách nhau một tầm tay là đã thấy lờ mờ, đến độ bước xa nhau vài bước là đã phải gọi thành tiếng í ới - những người yêu nhau không nên cách nhau một tầm tay - cũng sẽ là một kinh nghiệm thú vị. Và càng thú vị hơn nếu trải nghiệm đó là được cùng với một - người - nào - đó. Hạnh phúc, vì thế, thường tròn như số 2.


Tự dưng có người muốn được .. tặng hoa. Tự dưng lại liên tưởng tới cảnh người con trai vội vã chạy qua mấy khúc phố, trong một ngày vàng nắng và trời mát, với nụ cười ẩn trên môi và bó hoa trên tay. Người con trai, có lẽ, trong chiếc quần jeans bạc màu và chiếc áo thun phùng phình, lúc này đang gập người trên gối để thở, trước khi ngước nhìn lên bancony, rồi gọi. Nếu có thể lấy cận cảnh, có lẽ sẽ phát hiện một khoảnh khắc loé sáng trên khuôn mặt đang rạng ngời ấy. Mà cũng không nhất thiết là con trai; con gái lại càng hay. Cái gì đi ngược lại thông thường và khác biệt với số đông, cái tâm lý ngại ngùng càng to thì sức mạnh thông điệp mang theo càng lớn, càng có tác dụng lay động cao. Mà sao cứ phải là con trai? - tự dưng lại nhớ câu "Mang áo mưa là nhiệm vụ của con trai" (*). Và tự dưng, vì thế, lại muốn thở dài!


Tự dưng có người phát hoảng vì phát hiện ra mình đang ... nhớ một người. Lại có người tự dưng nổi cơn sến làm những việc mà bình thường chẳng làm bao giờ, chỉ vì lúc ấy đang trong cơn ngà ngà. Có lẽ khi say người ta có quyền sến, và lãng mạng lại luôn có nghĩa là ngọt ngào, ít nhất là vậy.


Không gì ác nghiệt hơn gây ra cho người khác những hy vọng về điều có vẻ không trở thành hiện thực, nhưng đồng thời, nó cũng là điều tuyệt với nhất. Cũng như những tự dưng sẽ lại đến rồi đi, không dấu vết; chừng nào con người còn tồn tại thì cuộc sống vẫn cần hy vọng, và đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những tự dưng đâm chồi. Và biết đâu được, vì một lẽ tự dưng nào đó, mà chúng ta sẽ lại ... tự dưng.


Tự dưng lại hứng lên vì bốn chữ tự dưng.




















(*) Lilian Nguyễn

Xu.



1. Lâu mới lại ở nhà buổi trưa. Nằm trong phòng đọc sách, nghe nhạc, và linh tinh lang tang đến tận chiều, thì đói bụng. Tính xuống nhà kiếm gì nhai, hoặc ít ra cũng có tí nước đổ bụng; vừa mở cửa phòng, đã thấy con xu đứng ngay dưới, ngó lên, ve vẫy.


2. Nhà có 2 cái võng, 1 cái đặt ở nhà dưới, 1 cái trong phòng mẹ. Mỗi tối về nhà, leo lên võng, kêu vài tiếng thể nào cũng dụ được con Xu lên nằm. Mà có khi chẳng cần kêu, ăn no phỡn chí, nó lại phóng lên thôi. Nhiều bận nằm võng phải đến là khổ với nó, phải canh chừng, phải la toáng,rồi thiếu điều dùng bạo lực hăm doạ, có khi mới yên. Hữu hiệu nhất là kéo vạt võng lên thật cao quá khỏi tầm phóng, hoặc trưng mình chịu trận một lát, nhảy nhót chán, nó thôi. Lúc chán, thường nó nằm bệt xuống đất, không cục cựa. Cứ như ngủ rồi, nhưng đừng có mắc lừa! Thường nếu nó ngủ thì khi thức dậy nó sẽ duỗi mình, còn như không, thì chỉ là một màn tạm nghĩ, trước khi nó tái khởi động cái màn nhảy nhót và la oai oái.


3. Con Xu nhát khít. Có lần đi xa qua ngày, về đến nhà lúc chạng vạng, khi rèm vẫn còn kéo kín. Không cởi cả balo và mũ, vừa bước lại gần vừa đưa tay ra gọi, nó sủa váng trời. Phải dỡ đồ ra, kêu thành tiếng, nó mới ngừng sủa. Nó mừng.


4. Nhà có huông với chó. Những con chó từng nuôi, không có con nào chết già; hoặc bệnh chết, hoặc bị bắt mất, không con nào đủ già để chết. Con Xu cũng vậy. Hồi mới về, còn chút xíu đủ nằm gọn trên chụm tay, còn run lẩy bẩy mỗi khi bị nâng lên cao, con Xu cũng đã mấy bận đi bác sí, vì bệnh. Có lần, phải lật đật quành về nhà buổi sáng vì phát hiện nó bỏ bữa đã mấy hôm, vừa về tới nhà, đã thấy con Xu nằm im re trong góc, bên cạnh không biết là đống gì, mùi rất hôi. Thế là mẹ con - run lẩy bẩy - ôm con Xu đi bác sĩ. Không biết còn kịp không?! Lại có lần, trong cơn bực, mẹ quăng chiếc dép, hú hoạ làm sao, nó tránh ngay đầu vào dép bay, rồi đổ vật ra, nôn mửa, giãy giụa. Thế là lại vừa run lẩy bẩy vừa ôm con chó mếu máo đến gặp bác sĩ. Cho dù chỉ để yên tâm. Có khác chăng, lần này, người run lẩy bẩy là mẹ.


5. Rồi cái hôm phải ôm con Xu xuống văn phòng, để sáng hôm sau tiện đường ra gặp bác sĩ để chích thuốc: nó bị viêm da, hay thường được gọi, dân gian hơn, xà mâu. Buổi tối đó,sau một hồi đùa giỡn chán chê, đương nhiên là đã được ăn, con xu leo lên sofa, cuộn tròn, và ngủ ngon lành. Rất khó phân biệt lúc nào nó ngủ, lúc nào nó lim dim, và lúc nào nó chỉ giả vờ, nếu không nhìn thật kỹ. Và cũng phải thật im lặng, giấc ngủ của một con chó rất dễ đứt quãng, vì chỉ cần một chút xột xoạt, ngó qua là sẽ thấy nó ngẩng đầu lên nghe ngóng.


6. Buổi tối, nhà ăn cơm muộn, tận 7 - 8 giờ mới tới bữa. Tầm chiều này chắc chẳng có gì ăn. Tủ lạnh cũng trống trơn. Rót lấy ly nước, vừa uống vừa quay lại thì bắt gặp con Xu đang duỗi mình. Chắc nó chạy theo tiếng lách tách búng tay, chắc nó nghĩ là sẽ được ăn. Đúng là đồ chó! ...

Uống nước xong, lại chui lên phòng. Dự định tiếp tục linh tinh lang tang cho hết bữa, thì bắt gặp một bài nhạc cũ. Gọi là mới thì đúng hơn; cũ là vì đã nghe, và đã không tài nào nhớ ra nỗi. Đang hứng chí hát hò thì bỗng nhiên cảm thấy là lạ; cũng chẳng biết nghĩ thế nào mà lại tuột xuống ghế, cúi người sát đất dòm qua khe cửa, nhìn một lúc, thật lâu: đúng là một mé bên cửa bị chắn sáng, đúng là có cái gì cuộn tròn nằm chắn ngang.

Đúng là con Xu đang nằm đó ngủ! Mà chắc là nó đã nằm đó ngủ, suốt từ hồi trưa.

...



7. Cảm ơn!
































Cà f ê sữa

1. Dạo trước không biết uống cà f ê, gọi là không dám thì đúng hơn. Lần đầu uống, dù nước hai, cũng đủ để có một đêm tim ép quay cuồng. Không đến mức sợ, nhưng cũng không còn cái cảm giác háo hức 'ngu ngơ' như trước. Một thời gian dài, câu chuyện cà f ê không thêm được một diễn tiến mới nào.

Dạo trước chỉ dám uống cà f ê sữa. Có người nói cà f ê sữa, có đắng có ngọt, như cuộc đời, không bao giờ là tận cùng cả. Cũng có người nói, cà f ê sữa, có đen có trắng,nhìn ... đẹp hơn!? ... và còn nhiều nữa những lý do.

Người ta cũng tin rằng uống cà f ê, vừa có nghĩa thư giãn, vừa là một mong muốn đạt được sự tỉnh táo và tập trung. Tuy nhiên, điều khiển và kiểm soát là kết quả của một quá trình tự tương tác trí óc đơn thuần; sự minh mẫn là phản ứng của trí não trước những kích thích tương ứng và phù hợp từ môi trường, mà ở đây, thường là công việc. Thông thường, những hứng thú của chính công việc đang chờ được giải quyết kia đóng một vai trò quan trọng trong việc gợi mở, hay gọi lên, sự tập trung. Cà f ê ,những lúc này, là đối tượng của thư giãn và tạo cảm hứng, hơn là tác nhân kích thích: thuốc tiên cũng khó lòng cấp kỳ phát tác trong thời gian một ly cà f ê. Ngoài ra, tình trạng bị kích thích có thể đi kèm với sảng khoái quá độ - hay còn gọi là say, và rõ ràng, không tốt chút nào cho yêu cầu giải quyết công việc trước mắt.

Song, chung quy hết, người ta cứ uống cà f ê sữa, có lẽ chỉ đơn giản,vì đó là cà f ê sữa. Thói quen, đôi khi, không cần cắt nghĩa. Và trong đa số các trường hợp, người ta cũng không cần lý do gì ngoài sự dễ chịu.

Nhưng thói quen chưa thể là đam mê; và đam mê lại là một câu chuyện rất khác.


2. Tất thảy mọi đam mê đều có thể khoác lên mình chiếc áo triết lý, nếu niềm tin đủ lớn. Đã nhiều lần đọc, nghe và thấy, người ta có thể say sưa nói về cà f ê: cà f ê này khác cà f ê khác như thế nào? pha như thế nào thì ngon? lượng nước ra sao? phin phải là loại phin gì? phải chuẩn bị phin như thế nào? ... say sưa như thể đứa trẻ háo hức được kể lại cuộc phiêu lưu của ngày đầu tiên đến trường kỳ thú như thế nào, như thể mỗi khám phá của mình đều là một phát kiến vĩ đại và cơn say sưa của đứa trẻ thường dễ dàng bỏ quá cho những biểu hiện thờ ơ của người đối diện; với cảm xúc luôn tươi mới, dù câu chuyện, đã và sẽ còn, được kể lại bao nhiêu lần. Lúc này, hình ảnh cốc cà f ê đã được nâng tầm lên thành một biểu tượng của văn hoá, cho dù văn hoá lúc nào cũng là một khái niệm xông xênh (*).


3. Tuổi trẻ - vào đời là câu chuyện luôn luôn mới, xét trong những vận động luôn thay đổi của bất kỳ thể chế xã hội nào. Dân số Việt Nam, hiện nay, là dân số trẻ, và vì vậy, xã hội Việt Nam không bao giờ thiếu những câu chuyện khởi nghiệp: có thành công, và cũng có, tất nhiên, những thất bại.

Người trẻ chấp nhận đi lên từ tay trắng, đối mặt với rủi ro, và cả những bất định, xông lên phía trước, với hành trang là vốn hiểu biết cùng nhiệt huyết bừng bừng trong lòng, không phải chỉ để kiếm tiền, mà hơn hết, là bắt đầu bước đầu tiên trong chuỗi những nỗ lực gian khó, để làm nên một sự nghiệp. Những người trẻ như thế là những người không có tuổi, hay gọi theo bs Đỗ Hồng Ngọc, là những người trẻ lạ lùng và cái tinh thần xông pha như thế, cũng không có tuổi, chính là tinh thần của khởi nghiệp. Khởi nghiệp để làm giàu, khởi nghiệp để được sống.


4. Tôi quen dần với vị đắng cà f ê, cũng như quen dần với những buổi đêm thức muộn. Những cơn ép tim cũng không thường đến, dù mỗi lần cà f ê chỗ lạ, pha đậm, là lại tim đập tay run.

Tôi không thường gọi cà f ê sữa nữa, thay vào đó, là những ly đá đen, không đường. Sự đối lập giữa một bên là vị ngọt dễ chịu đến mềm người của cà f ê sữa, với một bên là cảm giác lờ lợ trong miệng - cái hậu của vị ngọt không hề dễ chịu chút nào, tạo nên ấn tượng sâu sắc rằng cuộc đời không bao giờ dễ dàng như vậy.

Cà f ê đen không thế, hoặc ít ra, với tôi, vị đắng dễ rửa trôi hơn vị lơ lớ ngọt. Hoặc cũng có thể vì tôi luôn muốn tin rằng, cuộc đời là tươi đẹp, và còn vì, để sống, chỉ cần có can đảm.





5. "Chung Sống, tự bản thân nó, hẳn phải có màu xanh lá cây". - 5xu


























(*)
Thiển cận nếu mạt sát báo chí/ Phạm Thanh Hà


the Great gatsby


Sau khi đọc The great Gatsby, Hemingway viết rằng:

"Đọc xong quyển sách tôi hiểu rằng, bất kể Scott có làm gì hay cư xử như thế nào, tôi phải hiểu đấy như một căn bệnh và tôi phải giúp anh bằng hết khả năng của mình và phải cố gắng làm một người bạn tốt. Anh có rất nhiều bạn tốt, rất tốt, nhiều hơn bất kỳ ai mà tôi biết. Nhưng tôi vẫn ghi thêm tên mình vào đấy như một người bạn của anh, cho dù tôi có ích gì cho anh hay không".


Và Trịnh Lữ, trong một ngày nóng lạ thường của Hà Nội năm 2008, đã thốt lên rằng: "Gatsby chỉ là đại gia. Người tạo ra Gatsby mới thực sự vĩ đại".

Nhưng nếu Fitzgerald vĩ đại đến thế, thì vì sao ông không thoát ra nỗi cơn ác mộng lớn nhất đời mình? Vì sao ông không tự mình vĩ đại, thay vì chỉ đi đến tận cùng sự vĩ đại nhờ vào cái chết sớm của nhân vật hư cấu giả tưởng? - Không hề có bất cứ sự vĩ đại nào dành cho bất cứ cá nhân nào, cho dù ảnh hưởng của cá nhân đó lên những con người, lên chính thời đại của họ, hoặc các thể loại kéo dài đến vô cùng sau đó, là to lớn đến thế nào.

Cái thực to lớn ở Gatsby, chính là cái hoang đường và kì dị, cái điên rồ và ngây ngô, cái niềm tin mông muội và mãnh lực lớn lao được có ở chính ông trong hành trình sống lại một giấc mơ. Dẫu giấc mơ ấy đã lụi tàn lâu rồi.

Và không gì vĩ đại hơn hành trình đi tìm hạnh phúc của mỗi con người; dưới cái sức mạnh lớn lao của "niềm tin, điều làm cho con người trở thành nô lệ tuyệt đối cho giấc mơ mình".

Vì vậy, xin dành lấy hai chữ vĩ đại, cho con người, cho chính chúng ta, những con người đang ngày đêm viết nên câu chuyện cuộc đời mình. Bởi, như lời được khắc lên bia mộ của Sherwood Anderson, "Cuộc sống, chứ không phải Cái chết, mới chính là cuộc du hành vĩ đại nhất".





































Đoàn viên.





Trời mưa suốt từ trưa. Mưa gió mùa bão là những khoảng trời màu mây u ám, những cơn dậm dụt ướt nhẹp ào ào trút xuống, và những nỗi bực dọc triền miên. Bù lại, buổi tối trời trong, và đầy gió.
Tuyệt vời cho một đêm trăng tròn. Tuyệt vời cho một cuộc tụ tập.

Và không gì hơn một buổi tối trong căn phòng nhỏ, với ánh nến bập bùng, với những gương mặt quây quần bên cạnh, trong ánh vàng lập loè chốc chốc lại lắc lư, nghiêng ngã. Sẽ có những tiếng cười, những lời hỏi han và những câu chuyện kể chen ngang, nhưng rốt cuộc, đó vẫn là một đêm yên tĩnh. Sự yên tĩnh được điền đầy bởi một màu vàng kì dị. Cái màu vàng sẽ theo ta suốt tận những ngày không còn trẻ, tới tận những miền đất xa xôi, và cả khi cùng những người xa lạ. Vì biết đâu, vào một lúc nào đó, người ta sẽ lại bắt gặp chính mình trong một xa lạ đám đông, chỉ với căn phòng nhỏ điền đầy một ánh vàng kì dị.

Kỷ niệm cần được tạo ra; và người thân là gì nếu không phải là cùng nhau tạo nên ký ức chung.

Không chỉ đêm trăng tròn. Không chỉ là trung thu.



Và đêm nay, tôi thắp lên một ngọn nến, cho những bình yên đã qua, và cho những sóng gió sắp tới. Cảm ơn, vì tất cả!