Bị xỉ nhục mang đến một cảm giác thật khó chịu; cứ như đưa mắt dõi theo đuôi khói của chiếc máy bay đang kéo một đường mờ mờ ngang nền trời xa tít kia: bò hoài hoài chẳng dứt. Khó chịu vô cùng. Nhưng thế mà lại tốt. Cái dư vị càng khó thể nuốt trôi chừng nào thì càng chứng tỏ ta không chấp nhận hạ mình chừng ấy: ta xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn. Và bởi không chấp nhận bị xỉ nhục nên tất yếu là ta phản kháng. Phản kháng rồi thể nào cũng dẫn tới đánh trả. Và cái ngày chúng ta bật lại những gì chúng ta cho rằng không xứng đáng với mình, ấy là cái ngày mà người đàn ông ra đời. Bọn chó con dẫu chỉ mới năm ba khi đó, cũng đã bắt đầu trở thành đàn ông theo cái cách như vậy.
Tôi sẽ không lằng nhằng giải thích với bạn bọn chó con ấy là ai đâu. Cũng không dẫn dắt bạn theo vào một dây những khai triển có tính chất khiêu khích và gợi mở. Điều tôi muốn nói ở đây, và chỉ muốn tập trung vào thôi ấy, là cái cung cách phản kháng của bị xỉ nhục. Khác biệt là sự hướng lên.
Bằng chứng là bọn chúng đã không chấp nhận: chúng khóc. Phản ứng theo một cung cách ướt át đẫm tuyến lệ thế này thì thật quá không có gì đáng tự hào: chẳng đực tính cứt gì. Nhưng có phản ứng với cảm xúc như vậy tức là, ít nhất, bọn chúng không chấp nhận cơn đau ấy như là một điều gì đó hiển nhiên. Không như cái cách người đàn ông trong trích đoạn sau đây, đã chấp nhận bị xỉ nhục như một việc không thể nào thay đổi được:
Ziegler đưa cái bát ra, lắc lắc cái khẩu phần thường rồi đứng đó đợi. "Mày còn muốn gì nữa?" Blockaltester hỏi: hắn ta không nghĩ Ziegler được quyền có khẩu phần thêm và đẩy anh ta ra, nhưng Ziegler quay lại và nhẫn nhục xin nữa. Anh ta rõ ràng bị chuyển sang trái mà, Blockaltester cứ đi mà xem chỗ phiếu, anh ta có quyền nhận suất đúp. Khi lấy được rồi, Ziegler lặng lẽ mang về giường ăn.chẳng có chút gì khả dĩ gọi là hướng lên trong cái cách Ziegler lặng lẽ ngồi ăn suất đúp cả. Và cũng vì vậy nên nó tàn khốc.
(Chỉ nội trong tác phẩm này thì) Mario Vargas cho thấy mình không phải là nhà văn của bóng tối: ông không tạo ra bóng tối, hay nói cách khác, ông không tạo ra ánh sáng. Tức nghĩa là, chẳng có gì lấp lánh một cách thánh thiện được chủ tâm tạo ra. Mọi thứ như được gói trong một bao bọc nhờ nhờ: những khu nhà của các khối lớp hiện lên mờ mờ trong sương, những buổi họp diễn ra trong buồng tắm mù mịt khói thuốc, những đan xen của ngôi trần thuật nhằm tạo nên một mạng lưới vô nhân xưng cho các tuyến nhân vật... Hay là chủ đích của ông muốn xoá nhoà những gì có thể nhìn thấy bằng mắt để tập trung hơn vào cái bản chất bên trong - kết cuộc sau cùng của con người chúng ta: "chiếc quan tài đơn côi giữa văn phòng, chiếc quan tài đường như trống rỗng". Dẫu thế nào thì ông cũng là một người viết bao dung.
Tôi thật không phải với bạn. Nhưng đây không phải là câu chuyện bình thường dành cho những bé gái, cũng không phải là câu chuyện giông tố về trẻ con. Tôi thật không phải với bạn. Chứa nhiều dụ ngôn trong nó, mà tôi muốn rằng mỗi người đọc có thể tự bật ra: về Quân đội, về luật lệ, về trung uý Gamboa, về Báo Đen, và chính là về niềm kiêu hãnh ở trong mỗi chúng ta nữa. Tôi thật không phải với bạn. Nếu những tiết lộ trên đây làm hỏng mất sự hồi hợp của bạn đối với câu chuyện chờ được đọc này, nhưng tha lỗi cho tôi, vì những gì cần được nói đây, cần phải được nói: rằng chính trực đôi khi không phải là sự khoa trương đạo đức mà là một công cuộc âm thầm và kiên tâm, hướng tới sự thật. Bất kể sự thật ấy rồi có thế nào đi nữa. Tôi thật không phải với bạn. Đến thế này đã là quá nhiều nhưng nếu có một đề từ dành cho người đọc thì ắt hẳn phải là: "Thằng buồi, mi có bi không?" hay nhại theo giọng cứt đái của bọn học viên trong trường, khi hất mặt nói với nhau bằng thái độ thách thức:
- thằng cặc, mày có dzái không?
Tôi thật không phải với bạn.