Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012
mộng mơ như ta thấy
Tình cảnh những đứa con sách vở chúng ta mới kỳ lạ làm sao! Mỗi chúng ta đến đây như một chuyến viếng thăm ngắn ngủi. Ta không biết để làm gì, nhưng đôi khi ta cảm nhận được điều đó. Đó có thể là sau bữa tối, khi đèn đường đã soi rõ hơi sương và không gian đặc quánh nỗi im ắng; đó có thể là giữa giờ nghỉ buổi trưa, khi mọi lo toan như đã khuất sau lần kính và trước giấc ngủ ngắn; cũng có thể là một lúc nào đó lỡ làng, giữa cuộc đợi chờ một cái gì, thường khi là chốn đông người, thường khi là ở đám ăn cưới, giữa vồn vã nói cười xung quanh, một ai đó lặng im, với trong tay là cuốn sách. Hay bất cứ lúc nào có một người đang đọc. Đọc, và chống lại sự vội vã của cả nền văn minh. Cho dẫu lãng quên là định mệnh; và sau đây là mười đề cử cho giải Lãng quên trên kệ sách của đợt trao giải Gió Hơi Lớn lần này.
____
* Vũ Trụ [Cosmos], Carl Sagan, Nguyễn Việt Long dịch, NN | NXB Thế Giới, 2011.
Có một nguyên tắc bất thành văn rằng hãy kiệm lời khi nói về những gì vĩ đại. Đây là ví dụ.
* Vật lý và Triết học, Werner Heisenberg, Phạm Văn Thiều, Trần Quốc Tuý dịch, NXB Tri Thức, 11/2009.
Newton là một thiên tài. Thiên tài chỉ làm một việc duy nhất đáng kể là chỉ lối cho người khác đi theo. Thiên tài của Newton đã vạch ra một lối đi xuyên suốt hơn 200 năm cho trí tuệ nhân loại. Cho đến khi Einstein, một thiên tài khác xuất hiện sau thời của Newton, vẽ lại con đường đó, một cách cụ tỉ hơn. Nói cách khác, Einstein là Kẻ được chọn kế thừa sự nghiệp của Newton và bao người đi trước, góp phần định hình thời đại cũng như tương lai của những thế hệ kế tiếp. Nhưng có phần trái ngược với lĩnh vực kỹ thuật, nơi mà lý thuyết của ông bao trùm một cách gần như tuyệt đối, thì có vẻ tư tưởng của lớp hậu sinh chịu ảnh hưởng phần nào nhiều hơn từ một nhà vật lý lý thuyết khác, vốn cũng không kém tiếng tăm, người chỉ với một dòng hệ thức ngắn ngủi, có vẻ như, đã lên khuôn cả tư tưởng chủ đạo của gần trăm năm sau: Chào mừng đến với thế giới bất định!
* Thế giới lượng tử kỳ bí [Skurrile Quantenwelt], Silvia Arroyo Camelo, Phạm Văn Thiều, Vũ Công Lập, Nguyễn Văn Liên dịch, NXB Trẻ, [...].
Heisenberg gần như có thể gọi là cha đẻ của cơ học lượng tử, dưới sự bảo trợ của người khổng lồ Max Born, đã bắn phát pháo hiệu dự báo cho một thời đại bất định sắp đến. Vậy cơ học lượng tử là gì? Một cô gái trẻ, rất trẻ, đã tự hỏi, và tự mình đi tìm câu trả lời. Đầu tiên là qua các tài liệu thường thức. Nhưng cô không hài lòng, chúng quá dễ dàng để chấp nhận. Tiếp tục đào sâu thêm nữa, thêm nữa, rồi thêm nữa, đến một lúc thì cô quyết định mình phải làm một điều gì đó. Nói theo lời cha cô, được ghi trong phần giới thiệu của quyển sách, thì tuổi 18 người ta còn trẻ, người ta thường làm một điều gì đó. Một điều gì đó đặc biệt chỉ xảy ra một lần trong đời. Và Silvia quyết định viết quyển sách này.
* Từ xác định đến bất định [From certainty to uncertainty: The story of science and ideas in the twentieth century], F. David Peat, Phạm Việt Hưng dịch, NXB Tri Thức, 2011.
Thế giới chúng ta đang sống là một hỗn độn. Các hệ tồn tại trong một trạng thái giả cân bằng mà chỉ một tác nhân lạ phù hợp kích thích hệ sẽ nhanh chóng trở thành hỗn độn, rồi lại tái cân bằng tạm thời rồi lại hỗn độn. Rất nhùng nhằng. Những gì chúng ta có thể biết được, vốn nằm ít ỏi trên bề mặt của những tảng băng trôi vùng cực. Vậy chúng ta nên làm gì, trước khi những tảng băng kia tan mất? - Ngủ một giấc dài, hẳn nhiên rồi.
* Vượn trần trụi [The Naked Ape]/ Vườn thú người [The Human Zoo], Desmond Morris, Vương Ngân Hà dịch, NN | NXB HNV, 2010.
Đây là một ví dụ khác.
* Tôi là ai - và nếu vậy thì bao nhiêu? [Wer bin ich - und wenn ja, wie viele?], Richard David Precht, Trần Vinh dịch, NN | NXB Dân Trí, 2011.
Con người là một thực thể rắc rối. Những gì thuộc về con người cũng rắc rối. Những gì thuộc về tâm trí con người lại càng rắc rối. Và như bóng đêm. Nhưng trong giới hạn những gì khoa học có thể làm được, chúng ta có thể lần mò học cách nghiên cứu bộ não người, và thu được ích lợi về việc hiểu biết bản thân loài người từ đó. Đó có thể là câu chuyện về phần vỏ não điều khiển hoạt động tư duy của ý thức, cái phân biệt chúng ta với các loài bò sát tổ tiên; hay bộ não chứa đựng thông tin một cách phân tán trên toàn bộ bề mặt vỏ não, để mà khi bị tổn thương một phần, thì trí nhớ con người không hoàn toàn mất đi mà có thể được khôi phục dần ... Đó cũng chính là ích lợi thu được nhờ vào tiến bộ của khoa học và công nghệ. Nhưng khuất sau những gì được nhìn thấy, thì rốt cuộc, chúng ta là ai?
* Hành trình vào triết học, Trần Văn Toàn, Ban Tu thư ĐH Hoa Sen | NXB Tri Thức, [...].
Cuốn sách này vốn là tài liệu giảng dạy môn triết học cơ sở cho học viên dự bị văn khoa trước 1975. Nó nói về triết học như một hoạt động lành mạnh của tư duy, gần gũi như một hơi thởi và mời gọi tham cuộc như một người bạn thân tình. Mọi sự chẳng hề đơn giản, hẳn nhiên vậy. Nhưng cũng chẳng phải là gì để mà sợ hãi, bởi sau bữa cơm thì mọi sự đều hoá ra dễ dàng. Rồi cuộc đời cũng trôi qua, chúng ta cũng chẳng thể sợ hãi được gì nữa. Vậy đi vào triết học để làm gì? - Để theo cách nào đó tránh được một sự kiện đáng buồn trong đời người, gọi là vong thân? (*)
* Phải trái đúng sai [JUSTICE What's the right thing to do?], Michael Sandel, Hồ Đắc Phương dịch, NXB Trẻ, 2011.
Einstein từng nói/viết, đại ý, rằng hệ thống quân đội là quái thai kinh tởm nhất của hệ thống bầy đàn. Trong một chiều kích khác khác, thì có thể gọi xã hội dân sự là một con quái vật đầy phiền toái của các nền văn minh. Ý tôi muốn nói đến xã hội dân sự với đầy đủ phẩm cách và hoạt động lành mạnh của nó, tức là cái đối trọng lợi ích của các bên trong xã hội. Tất nhiên là nằm ngoài chính phủ, và tất nhiên là có đối đầu nhau trong phân chia miếng bánh lợi ích từ các nguồn lực xã hội. Đối đầu, nhưng không đối địch. Việc tranh giành lợi ích giữa các bên phần lớn là tranh thủ sự đồng tình của các thành viên trong một cộng đồng cụ thể. Phe thắng là phe có được số đông ủng hộ. Nhưng điều đó có thực đúng không? Dựa trên nền tảng của triết học, thông qua ba ngã đường của Phúc lợi, Tự do, và Đạo đức, Michael Sandel dẫn ta vào một hành trình đầy hứa hẹn để tìm kiếm Công bằng.
* Thế giới như tôi thấy [Mein Weltbild], Albert Einstein, Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hảo, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2007.
Về tất thảy mọi chuyện trên đời có thể, từ một cuộc đời khiêm nhường mà sôi nổi.
___
Còn lại là phần của chúng ta - những đứa con của trái đất, đến đây trong một cuộc tồn vong ngắn ngủn - như một hạt bụi bay ngang qua bầu trời, chúng ta chọn gì: Chiến tranh hay hoà bình, cơ đơn hay tuyệt vọng, tivi hay áo ngực?
- Ngủ một giấc dài, hẳn nhiên rồi.
Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012
cõi này là để chơi hoang (*)
lừa nhau một chút thôi nghe
thánh thần bên cạnh đừng đè ngộp hơi
để còn thả cửa rong chơi.
(*) lục-bát-ba-câu, nguyễn tôn nhan, hương tích ấn hành, 2012.
sách hiện đã có tại Thư quán Hương Tích - 308/12 Nguyễn Thượng Hiền, quận Bình Thạnh.
Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012
Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012
Dưới vòm cây
Khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chuyến đi đến vào một lúc chẳng ai ngờ; khi chúng tôi quành xe lại, đầu xe chúi vào nhau, khựng lại một chút như làm dáng, rồi bằng một cử chỉ như là bông phớt, chúng tôi nhìn nhau rồi chúng tôi cho xe chạy. Đi Ngoạn Mục.
*
Xét về mặt tập tính, hành vi check-in có nhiều điểm tương đồng với hành vi đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu của loài chó. Khác biệt căn bản nằm trong thông điệp truyền đi: loài chó dùng mùi để gởi tín hiệu cảnh báo đến bất kỳ sự xâm nhập nào; trong khi check-in, phần lớn, là một sự mời gọi: "Em đang ở đây. Đến đây anh". Càng mời gọi hơn nếu như nơi đến là một chỉ dấu của sự thừa mứa xa hoa, như đang vào mùa lạnh chẳng hạn.
*
Thừa mứa xa hoa là một trạng thái giả tưởng, có thể có được với những xếp đặt như thế này: buổi sáng trời lạnh, ngoài cửa sổ còn sương sớm, trà nóng, đọc Bốn mùa và Adele đang hát; skyfall. Nhưng hoá ra tất thảy những điều đó không thể sánh được với chỉ mỗi câu này: "Tôi nhấc nó ra. Tôi cầm nó trên tay. Tôi cầm nửa đó của nó". Hay mọi thứ sẽ chỉ trở nên hoàn hảo khi chúng ta thôi kỳ vọng nó hoàn hảo?
*
Bạn hỏi hút thuốc cảm giác thế nào. Tôi không biết nói sao, mọi thứ rất mông lung, dù rằng cái vị hậu của một điếu thuốc là giống như ngậm tro vào miệng. Nhưng không phải cái đó. Nó không phải là điều cốt yếu. Cái chính yếu của những thứ có tính kích thích như rượu bia và kể cả thuốc hút nữa vốn là để làm ta say. Bạn uống một ít bia, bạn hút một ít thuốc. Bạn chưa cảm thấy gì. Bạn tiếp tục uống, tiếp tục hút. Vẫn chẳng có gì. Bạn lại tiếp tục, tiếp tục. Tiếp tục. Rồi đến một lúc nào đó, bạn chẳng nhớ gì nữa ngoài cảm giác tê tê dại dại. Tôi chẳng thích thú gì cái sự tê dại ấy, nhưng giống như một khoảnh khắc hẩn lên của gờ giảm tốc trên đường bằng, nó cho tôi một ít gì cảm giác mình đang tồn tại. Hoặc giả tôi đang muốn thấy một thằng ngu, thế nên tôi lại đốt thuốc.
*
Cách thành phố hơn hai mươi cây số, chúng tôi chạy đến một đoạn triền núi mở ra đón nắng. Nắng chiều chiếu xiên từ phía trái, ôm lấy chúng tôi, bọc chúng tôi trong một lớp chăn ấm vàng dịu. Buổi chiều sương rơi sớm, đường đèo khúc khuỷu. Những khoảnh cây thông, những mái nhà bé xíu. Để lại những vạt dã quỳ vàng rực cả một cung đường, để lại cái lạnh cóng tay đang lặng lẽ trườn mình lên những vạt đồi nắng rút dần, để lại Đơn Dương một tấm lòng, chúng tôi trở về.
Mang theo nỗi nhung nhớ những cung đường; và tất cả tình yêu với bầu trời.
*
Sau một chuyến đi xa, mọi thứ có vẻ trông cụt ngủn. Như thế này.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)