Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Chuyện được nghe kể


*chép lại mà không/chưa có kiểm chứng.



1. Bác sĩ Erich Wulff, trong một nghiên cứu của mình, có đưa ra một giải thích cho sự thấp hơn hẳn của tỉ lệ mắc bệnh tâm thần phân liệt phát hiện được tại Việt Nam so với những nơi khác - cụ thể ở đây là so với Châu Âu, phần nào đó, là do bản thân cấu trúc của ngôn ngữ mẹ đẻ được sử dụng. Theo đó, tỉ lệ tâm thần phân liệt ở Việt Nam sở dĩ thấp là do người Việt nói tiếng Việt. Câu này diễn đạt lủng củng, viết lại thành như sau: Theo đó, sở dĩ tỉ lệ tâm thần phân liệt ở Việt Nam thấp là do bản chất cấu trúc của tiếng Việt. Diễn giải ra, tiếng Việt là một thứ ngôn ngữ đa-bản ngã: cùng là một người nói, nhưng lúc này là con, lúc khác lại là thằng/ả, lúc khác nữa lại thành ông/bà, lúc khác nữa lại khác nữa, khác búa lua xua. Có lẽ bởi vì như thế, mà việc sử dụng tiếng Việt vô tình tạo ra những kênh giải toả ức chế: dồn nén con cháu ở đầu này sẽ được xì ra ở dạng cha chú ở đầu kia?

Vấn đề này vượt quá khuôn khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa.



2. Làn sóng di cư của phụ nữ Việt sang Đài Loan theo diện kết hôn đang đặt ra một thách thức mới cho các nhà đương cuộc. Những phụ nữ Việt Nam này, đa phần xuất thân từ vùng nông thôn nghèo miền Tây, không biết tiếng Đài Loan, khi sinh và nuôi con tại nhà chỉ có thể nói chuyện với đứa bé bằng tiếng Việt. Trong khi đó, cha của bé nói tiếng Đài Loan. Điều này làm rối loạn khả năng phát triển ngôn ngữ ở trẻ; những đứa trẻ có cha Đài mẹ Việt như vậy, đến tuổi đến trường, thường chậm tiếp thu, khó hoà đồng với các bạn cùng lứa. Với tốc độ xuất ngoại lấy chồng của phụ nữ Việt như hiện nay, cụ thể ở đây là lấy chồng Đài Loan, sẽ không đơn thuần chỉ là vấn đề giáo dục, mà nhà chức trách Đài Bắc có thể phải đối mặt với một vấn đề an sinh xã hội không nhỏ. Không hẳn là lớn, nhưng không hề nhỏ, và không dễ giải quyết. Trước tình thế đó, đã có những kêu gọi trợ giúp về chuyên môn lẫn nhân lực từ phía bạn, thông qua các kênh ngoại giao nói chung, hay các lãnh sự quán nói riêng. Còn về phía ta?

Vấn đề này vượt quá khuôn khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa.



3. Phong ba bão táp, không bằng ngữ pháp tiếng Việt. Vậy nên hay không nên nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt?

Vấn đề này vượt quá khuông khổ của chuyện kể. Việc này đến đây không nói nữa. :P



















Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

Không s[uy]ến ở SG





1. Đi ra biển và nằm ngắm sao là một việc làm vô ích. Những ngôi sao vô sỉ, chúng cứ chằm chằm nhìn tôi, mãi miết như thể cả ngàn năm nữa có trôi qua thì chúng vẫn cứ ở đó, chăm chăm nhìn tôi như thế. Dù thật chúng vẫn i như thế sau một ngàn năm nữa, nhưng còn tôi? Tôi đâu thể nằm mải đây mà chong mắt nhìn lên khung trời này, mặc kệ những cơn gió biển vồ vập, mặc kệ cái lạnh đêm từng cơn quặn buốt sống lưng. Nhưng tôi vẫn nằm đó. Bầu trời sao, buổi đêm, ở biển: chẳng có bất kì vẻ đẹp nào trong đó. Chúng cũng chẳng phải là của tôi. Nhưng có gì đó khó quên trong ảnh tượng những đốm li ti sáng tuốt trên cao kia, như khi ngọn lửa bùng lên tôi nghĩ về tuổi trẻ. Tôi nghĩ về tuổi trẻ của chúng tôi cũng như đống lửa trại đang cháy bùng lên kia, sắp tàn. Lửa cháy, mụi đỏ bị bốc vút lên, xoáy mình biến mất vào những tán lá ở trên cao. Lửa cháy, gió thổi bùng thêm sự lắc lư dữ dội. Lửa cháy, làm sao tiếp đây? Đơn giản là hoặc thêm củi, hoặc đốt lên một đám cháy khác. Nhưng đó là lúc khác, một cuộc vui khác.

2. Nói về vô sỉ, không thể không nhắc đến những con bồ câu của anh H.. Loài bồ câu vốn vô tội, cũng như tất cả các thể loại chim khác, chúng đều không có tội. Tội lỗi là ở con người và cố tật nâng bi của họ. Như con bò: ngu; như con khỉ: nhoi; như con heo: ăn;... Vấn để ở đây là gì? Chẳng có vấn đề m. gì: những giống loài khác là vô hình trong trường ngôn ngữ của con người, và ngược lại. Nhưng như vậy, vô hình chung, là ta mặc nhiên thừa nhận con người về bản chất là giống loài siêu đẳng hơn các loài động vật khác. Dù thực tế là ngược lại. Con người yếu ớt lắm, yếu ớt đến nổi không thể so đo được với (nhiều) loài khác về thế mạnh thể chất, thế nên nó phải tìm kiếm ưu thế cạnh tranh sinh tồn ở trí óc, và khả năng hợp tác xã hội. Mà đôi khi bị chìm khuất trong sự hào hứng của phần sau mà người ta quên mất phần trước. Để rồi có những hành vi nâng bi giống loài lộ liễu như trên. Theo đó, anh H. và những con bồ câu của anh, bỗng nhiên, trở thành hình tượng bị nâng bi của một cá thể lười suy nghĩ là tôi đây, dùng để nói về sự vô sỉ của những con bồ câu trong thành phố. Giá như không có xã hội và những cái bánh xe lăm lăm chạy qua, thì những con bồ câu của H. đã không mang một bộ mặt vô sỉ như vậy.

3. về tình yêu: tôi thấy mình trong nó.


4. Bọn con trai dễ thương lắm! Cứ có gì cũng có thể nói toẹt ra, rồi say xỉn rồi lại ôm nhau, rồi khóc, nếu có. Trong khi những gã đàn ông chẳng thể nào được như vậy. Họ quá cứng nhắc và giữ kẻ để thôi bấu víu vào một cái gì đó, tưởng chừng như là, không có thật nữa. Bi kịch là cả con trai hay là gã đàn ông đều có thể lọt thỏm vào bi kịch của đời mình, như là sáng phơi nắng tối phơi sương, hay là bi kịch về một người đàn ông đẹp. Chính xác hơn, bi kịch lớn nhất cuộc đời một người đàn ông là cái đẹp. Hay là ẩn ức gái đẹp. Thấy bi kịch ngời ngời chưa?

5. Trong nỗ lực cứu thế giới, tôi đi học triết. Lớp buổi tối, trên tầng 6, không (đi) thang máy. Quả nhiên thế giới không bao giờ thôi cần nỗ lực. Thầy tóc bạc, người tầm thước, và nói giọng nam. (Nam đối với Bắc, chứ không phải nam chọi với bóng nhé.) Dù là học triết ngoài giờ, lớp vẫn khá đông người tới học. Có cả người vừa tan làm ra ghé vào, có cả anh tóc dài nghệ sĩ, có cả các cô cậu sinh viên mặt non choẹt (là so với tôi thôi, chứ chả có đứa con nít nào trỏng). Thầy nói micro, giảng giải thân thiện, thậm chí còn đọc một số đoạn trích trong tài liệu cho lớp chép, giọng chậm rãi từ tốn, lặp đi lặp lại nhiều lần. Rất nhẹ nhàng.

Nghỉ giải lao, học viên có thể lên chỗ bàn kê sát phần tường nối liền bảng đen, tự pha cho mình một lý (dường như là) cà phê. Thầy ngồi tại chỗ, nói chiện thân tình với học viên. Đó là tôi nghĩ vậy. Tôi không trò chuyện với thầy. Nghỉ giải lao tôi ra ban công ngắm đường.

Ích lợi duy nhất của việc bị cận là khi tháo kính ra, mọi sự liền nhoà đi. Như là thêm vào những gì thường thấy một cái chút gì đó bí ẩn và lung linh. Hay là thêm vào trí tưởng tượng sự lấp lánh của những tư tưởng? Tôi cũng không biết nữa. Mắt kính hôm nay tanh mùi cá. Những con ve tháng ba chết tiệt cả rồi.

Thực ra đoạn trên là ảnh hưởng của Murakami. Kiểu như có gì chầm chậm lướt qua trước mắt và như có ai nắm thót mình.

Nhưng tôi vẫn biết rằng để có thể cứu lấy thế giới, người ta phải thắp nến lên, và yêu nhau. Không, bỏ thắp nến đi, yêu nhau thôi. Để còn bảo vệ môi trường.