Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

Giáng sinh ở Sài Gòn


*do sơ suất bài đã được pốt lên khi chỉ vừa xong phần tít nên phải giấu bén đi chờ đủ lông đủ cánh mới lại pốt, vì vậy thật lòng xin lỗi các bác đã đổ xô vào xem mà lại hoá công cốc. sự nhiệt tình của các bác là niềm cổ vũ lớn lao cho em tiếp tục bám trụ sự nghiệm nói nhảm nơi này.




Là đêm trời mát lành; hiếm hoi mới có. Ba năm rồi, trời im gió trong đêm Thánh. Ba năm rồi, tôi nằm nhà rúc mình trong chăn với lời nguyện cầu sáng nhấp nháy: trời mưa! Kế hoạch không thành.

Đói giục giã dắt xe ra đường tìm của bỏ bụng, đi ngang qua tu viện, thấy sáng choang cả dãy phòng tầng áp mái trên cao. Dưới này, hàng quán vẫn buôn buôn bán bán. Cơm hết sớm. Có lẽ do trời lạnh. Lúc quành về, trước khi rẽ vào khúc quanh, còn kịp thấy từng nhóm người đi bộ, tràn cả xuống lòng đường. Họ đi chậm, ăn mặc đường hoàng. Họ đi chậm, không thấy cười đùa. Những người đi lễ sớm. Còn 4 tiếng nữa.

Sài Gòn không có mùa đông. Những đêm gió mát lành càng làm lòng người nao nức nỗi thèm thuồng một mùa lạnh buốt. Bởi vì trời lạnh nên người ta cần có nhau, hay bởi vì lòng người cần có nhau nên trời trở lạnh? Hạnh phúc nở trên những đôi môi cười, hay chỉ là để cảm thấy mình đẹp? Không biết được. Hạnh phúc là cái gì đó quá mơ hồ để có thể diễn đạt thành lời. Nhưng để cảm thấy mình đẹp thì lại là chuyện khác.

***

Có ti tỉ cách để cảm thấy mình đẹp. Để cảm thấy mình đẹp thì có thể đi chơi mua sắm sửa soạn. Để có thể thấy mình đẹp thì có thể chơi nghệ thuật học đàn học hát học khiêu vũ. Để có thể thấy mình đẹp, có thể chơi thể thao thể dục thể hình và kể cả bơi không biết nhét vào loại thể nào. Hoặc đơn giản để có thể thấy mình đẹp, người ta có thể soi gương rồi cười. Dứt khoát đọc sách chỉ thêm nếp nhăn lên trán, rắc tiêu lên tóc kẻ đầu xanh hay bạc trắng lửa hồng mái đầu bạc, nếu có còn.

Để cảm thấy mình đẹp, họ có thể làm nhiều việc khác nữa. Để có thể cảm thấy mình đẹp, họ có thể ăn vận đẹp rồi hẹn hò cùng nhau xuống phố ngắm đèn, dù rằng đèn năm nào cũng hại mắt như năm nào. Để cảm thấy mình đẹp, họ có thể hát, cùng nhau hay một mình. Hoặc để cảm thấy mình đẹp, họ có thể viết blog: Tôi viết blog, nghĩa là tôi tồn tại. Tồn tại là tồn lại, nghĩa là không ai đoái hoài đến nữa lâu rồi.

***

Giả thử vũ trụ vừa tròn một ngày tuổi, thì trái đất chỉ mới xuất hiện được khoảng 8 giờ, và thời gian tồn tại của loài người cũng không dài hơn một cái chớp mắt. Nghĩa là tính từ thời điểm Vụ nổ lớn đến lúc chúng ta, hậu duệ của những con linh trưởng biết tư duy, nhận thức được sự tồn tại của mình và lần ngược đến sự tồn tại của vũ trụ, mới chỉ là hôm qua. Vũ trụ chờ suốt 14 tỷ năm để con người có thể chứng kiểm sự tồn tại của nó. Con người chờ suốt hàng những ngày dài để rồi chỉ trong một chớp mắt, nhận thấy tình yêu. Và thế giới không còn như trước nữa.

Sau một chớp loà, rồi mọi sự đổi khác. Người con trai/đàn ông tìm ra người con gái/đàn bà để chỉ cho mình thấy: trái tim ở đây. Tình yêu ở đây.

Như một chớp loà. Và thế giới không bao giờ như trước nữa.

***

Trời lạnh. Những con chó nằm lim dim trong sân. Ngủ suốt ngày.

Chiều le lói vài ánh chạng vạng. Ông cụ thong thả guồng từng vòng xe lướt qua lổn nhổn những gạch cát hai bên vệ đường. Cụ bà nơi yên sau, chân vắt chéo, áo len màu ấm. Gió thổi mây đưa chiều đi ngủ. Không thấy mặt trời.

Có bao nhiêu cuộc đời cùng trôi qua sát-na này?


Không biết được.

***

Buổi chiều hôm ấy nước dâng cao dập dềnh. Đi giữa trời lộng gió mà lòng nôn nao khôn tả. Như là bắt gặp nỗi nhớ. Nỗi nhớ một cái gì đó khiến ta đang làm cái gì đó nửa chừng lại nghĩ đến một cái gì đó khác nữa. Thường là nghĩ đến gái. Thường là có tí chút nuối tiếc. Như nhớ về một dòng sông đã trôi qua đời mình.

Như một chớp loà và lòng muốn yêu người da diết. Yêu em tha thiết!

***

Đêm Sài Gòn không có Giáng sinh; ngoài những sân lễ đường hay nơi nhà nguyện, niềm vui tấp nập trên môi không biết bao nhiêu người hớn hở; không cùng một giấc mơ. Không có tuyết. Paustovsky không thể sống mãi và chúng tôi không thể trẻ hoài.

Duy nhất một lần trong năm, 6 quả chuông của Nhà thờ Đức Bà đồng loạt kêu vang, điểm báo thời khắc Lễ Canh thức bắt đầu. Thực hư chưa biết được.


















Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Chuyện bất tận dài



Nhiều lúc thấy SG như không thực. Có khi trên con đường quen mà thênh thang không mấy người; buổi sớm trời mát, khi tưởng sắp đâm đầu vào một đám tắc đường mà hoá ra lại không, loanh quanh một hồi thì đâm đầu vào một đám tắc nghẽn chỗ khác toàn người là người. Buổi sáng trời mát, thành phố dậy muộn? Có lẽ lâu ngày không ra đường sớm.

Năm dần về cuối, thành phố dời qua vài đợt lạnh cuối mùa gió, những loạt hoa sữa được dịp lại nở tràn. Buổi tối ra đường rụt rè thở lén lút, không dám hít mạnh hơi dài, sợ những chùm hoa sữa ẩn mình: ngộp chết. Lại mơ màng nhớ những quãng mùa hoa sữa thoang thoảng thơm mơ màng. Như vươn trên nếp áo gấp. Lại một điều gì không thực.

Có khi đưa mắt nhìn lên trời, giữa chật chội ánh sáng của thành phố lấp lánh đèn màu, cố nhìn sâu vào màn đêm thăm thẳm, như muốn tìm ngôi sao nào mang tên mình. Trong lòng tự tấu lên một khúc nhạc thiết tha. Bầu trời ở đâu cũng vậy; Tình yêu ở đâu cũng vậy.

Carl Sagan đã làm được một điều tuyệt vời. Ông kể lại một câu truyện (một cách) đơn giản về những biên giới xa xăm của trí tưởng tượng. Bằng tất cả tình yêu với bầu trời và những gì thuộc về nó. Và xa hơn nữa.

Cũng như hầu hết những nỗ lực khác (nhằm) vươn tới đại chúng của giới khoa học-hàn lâm, cuốn sách của Carl Sagan vẫn còn đôi chỗ đòi hỏi những hiểu biết mang tính kỹ thuật mà vốn không mấy thân thuộc với người đọc bình thường: về hiệu ứng tuế sai trong chuyển động các hành tinh, về đường đi biểu kiến của mặt trời, về hiện tượng dịch chuyển đỏ, về cơ học lượng tử và các thí nghiệm giả tưởng ... để có thể hiểu được thấu đáo và trọn vẹn câu chuyện, để nhìn ra được vẻ đẹp ẩn sâu trong những thế giới xa lạ. Bởi vậy, cuốn sách có những đoạn đọc chán không tả được. Nhưng cũng có những đoạn đọc sướng không tiểu thuyết nào (đọc) sướng bằng.

Như nguồn gốc sự sống của hôm nay, lại phát xuất từ trong lòng những ngôi sao rực sáng ở tận những vùng thiên hà xa xôi. Như là mặt trời cô đơn, tự mình rực sáng chờ đến ngày tắt ngóm. Như bầu trời là con đẻ của sự sống.

Sự tồn tại của loài người, đem so với vũ trụ, chỉ như một hạt bụi lơ lửng bay ngang qua bầu trời. Chỉ một chớp mắt. Vĩnh cửu là không có thực.

Vũ trụ, Carl Sagan, Nguyễn Việt Long dịch, là một trong những cuốn hay nhất trong dòng tiểu thuyết phi-hư cấu của 30 năm vừa qua. Là cuốn sách của ước mơ tuổi nhỏ và sự huyền diệu của trí tưởng tượng: Chúng ta sẽ chẳng là gì nếu không từng hỏi tại sao; Cuộc đời sẽ chẳng còn gì nếu không dám hỏi vì sao.

Ở một chiều kích khác, Michael Sandel theo đuổi lý tưởng công bằng, thông qua trình bày những phương cách lý tính tiếp cận các chủ thuyết công bằng cùng nhược điểm của chúng nhằm trả lời cho câu hỏi: công lý là gì và những gì đáng tự hào. Nói một cách khác, đây là hành trình đi tìm lý tưởng đạo đức: cho một lợi ích cao cả hơn cuộc sống (vụn vặt và tuỳ tiện) của mỗi người. Không gì sánh được với một lý tưởng đẹp, và điều này rất đáng sợ. Nó gợi lên ký ức về những ngày đầu của chủ nghĩa cộng sản-phát xít. Dẫu vậy, Phải trái đúng sai, Hồ Đắc Phương dịch, vẫn là cuốn sách về đạo đức đáng đọc.

Nhưng tuyệt nhiên chúng không phải là cuốn sách của năm. Cuốn sách của năm không phải của tôi, nó là của bạn. Khi bạn chọn lấy một cuốn sách và lật giở từng trang, khi bạn đong đưa từng dòng chữ trong đầu và nhẩn nhơ tâm trí lướt qua những câu chuyện trong đó, và khi cuốn sách gấp lại là như ngân lên một nốt dài xao xuyến. Như tự tấu lên trong lòng một khúc nhạc thiết tha.

Đó là lúc bạn trở thành cứu tinh cho vương quốc trí tưởng tượng của mình và nó xứng đáng là cuốn sách của năm.

cái đẹp có thể cứu rỗi thế giới nhưng cuộc đời sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi trí tưởng tượng của một đứa trẻ.


Mà Vương quốc của trí tưởng tượng vốn đang lâm nguy rồi.















- Cả hai ông trong thời gian viết cuốn sách của mình, đều đang là Giáo sư.

Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2011

Nhạc đời may rủi


*em chỉ dịch thôi.


A DIE

What my imagination refers to, in making this work, is exactly the dice. I use the possibility of luck in throwing the dice to imply the luck of the draw when taking the pills. It seems like you got ill, you went to the pharmacy to get the pills and you took the pills but you really don’t know whether they were real or fraud. And noone does.

The work is a set of 03 small sculpture cubes whose shapes are dice-alike. They are made of by the mixing of concrete and grinding stones – the popular mixing of materials used in making the stone benches in the public places, such as hospital, park, school or gravestone.

Each faces of the trio cubes has labeled respectively. So every time you throw a die, you’ll have the same chance to get, for instance, either this or that face with its own label. Hence, whenever throwing the dice, you’ll get 3 out of 18 labeled faces.

Here is the labels on each face of the three dice respectively:

Die No. 1:

  1. Real
  2. Fraud
  3. Real
  4. Fraud
  5. Real
  6. Fraud

Die No.2:

All faces are ‘Fraud’.

Die No.3:

  1. A Child
  2. A Man
  3. A Girl
  4. A Woman in pregnancy
  5. A Woman
  6. The Elder

The battle against medicine fraud, in which we are involved, is apparently not a fair game. These dice are the metaphor for the cheating side of this game. And sometimes it stakes a life of a human being on the betting.














Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Nothing's real but love





1. khi nghe bài hát này bỗng nhiên tôi nhớ Momo. Không, tôi không nhớ, tôi nghĩ về Momo. Tôi nghĩ về Momo và người yêu của nó - bà gì đấy già khúc cuối chết mất quên tên rồi. Không có gì liên quan nhưng đột nhiên cái điều thắc mắc xưa cũ ấy lại quay về: yêu gì trong đó? Điều gì thúc đẩy cậu bé chỉ mươi mấy tuổi đầu yêu cái bà gì đấy già, lại còn cố gắng ướp nước hoa giữ xác bà gì đấy càng lâu càng tốt dưới tầng hầm? Tác giả đã cho Momo giải thích vì đó là em, không, vì đấy là yêu, nhưng tôi không tin ông đấy: ổng là một con tắc kè bông. Hoạ có điên mới nghĩ là ông ấy nói thật. Chả có ông nhà văn nào lại đi nói thật trong tác phẩm của mình. Nếu không thì nhân loại hẳn vẫn còn đang trong giai đoạn inventing of lying.

Có lẽ là tính cao trào: có lẽ tình yêu là một cái gì đó quá cao trào, đến nổi có thể xui một đứa bé dùng nước thơm và lần cửa gỗ chống lại với cả thế giới, với cả cái chết. Tình huống này có một sự đảo chỗ: đầu tiên là dùng vật chất: thằng bé dùng nước thơm để chống lại cái chết-ý niệmcủa người yêu - chống lại sự thật là người yêu của nó đã chết. Sau đó dùng ý niệm-ý tưởng giữ cho mùi hôi của cái chết không lọt ra ngoài giữ cho nó tiếp tục chống lại những người bên ngoài rắp tăm chia tách nó với người yêu: một bí mật không ai biết đến thì không ai lấy nó đi được. Đó là lập luận của một đứa trẻ, hay nỗi sợ hãi của lão già-tác giả? Cái gì là thật không ai biết được. Có khi đểu giả thì lại tin thật, còn chân thật thì vẫn cứ đểu giả như thường.

Chẳng biết gì là thật. Thế nên mỗi khi nghe cô ấy, tôi lại nghĩ đến Momo, rồi không gì nữa. Chẳng biết gì là thật. Chẳng có gì. Chỉ còn tiếng hát vang lên.

And nothing's real but love
Nothing's real without the love






2. Đêm Giáng sinh đang đến gần. Tức là năm (của Tây) sắp hết. Tức là đang mùa đông (của Tây). Tức là sg vào mùa lạnh và nỗi nhớ Love actually, đến hẹn lại lên, (dự báo) lại được dịp hoành hành các status. Năm nay có thêm một xuất phẩm hứa hẹn nhớ nhung truyền thuyết không kém: Gift of Night Fury (dịch tạm: Món quà của Bóngđêm Cuồngnộ). Đến lúc này thì có thể tìm thấy bản đẹp trên mạng, hay coi trực tuyến đều sẵn cả. Cả virus đính kèm cũng vậy.

Đoạn đầu phim Love Actually là giọng người dẫn chuyện lồng trong những cảnh gặp gỡ-đón tiếp ở sân bay. Chuyện kể về ngày 11/9 - sự kiện mà lại một lần nữa chia đôi nước Mỹ, như chiến tranh Việt Nam đã từng; vào những giây phút cuối cùng của những con người xấu số bên trong hai toà tháp đang sụm xuống nhanh không tưởng, có tổng cộng xxx tin nhắn-cuộc gọi các loại đến yyy người-nơi chốn gì đấy. Người ta thống kê tất cả lại rồi phát hiện ra một sự thật huyền diệu: tất cả là về tình yêu. Chẳng có chửi rủa đòi nợ thù hằn ghét bỏ gì cả. Chỉ còn lại tình yêu.

Điều đó nghĩa là gì?
em cũng không biết nữa
khi nào mình yêu nhau?


biết em chết!



3. Trong một lần trả lời phỏng vấn, chị Phan Việt có nói, đại ý, rằng: gặp gỡ các tác giả của những tác phẩm yêu thích là không nhất thiết; chị không có thôi thúc được gặp người viết sau khi đã đọc xong tác phẩm của họ: về mặt văn chương, "nếu một nhà văn thực sự làm đúng công việc của mình thì tác phẩm bao giờ cũng phải lớn hơn bản thân họ". Nhìn theo hướng ngược lại, những cuộc gặp gỡ mà chưa cần mở miệng ra đã phân định hẳn ngôi thứ như vậy - ngưỡng mộ và được/bị ngưỡng mộ, đều có chiều hướng trở thành cái gì đó quá đỗi nhàm chán, về lâu dài, cho cả hai bên. Sẽ cần nhiều hơn là thiện chí, trong những cuộc giao tiếp này, để câu chuyện trở nên thú vị, hay ít ra là để lại một chút gì cảm giác thân tình trong hồi tưởng của người trong cuộc. Nói cách khác, đòi hỏi một mức độ tương hợp nhất định để cuộc gặp gỡ của hai kẻ xa lạ tưởng-chừng-như-quen này không trở thành một thảm hoạ của lòng nhiệt thành quấy quả: để có thể nói chuyện cùng nhau, phải có sự tương xứng về nhiều mặt: hiểu biết, tính cách, đề tài ưa thích, v.v.. Bằng không thì ngắm gái sướng hơn.

Nhưng chưa đến giai đoạn tưng xứng ấy, thì bất kỳ người đọc sách nào, sẽ có một lúc trong đời, trong lòng trào dâng một xúc cảm ngưỡng mộ mãnh liệt đến độ bật thành tiếng: thế nào nhỉ? - Ông/bà đấy trông thế nào? Ăn uống bình thường không mà nghĩ ra toàn thứ củ khoai thích chết được này? đại loại thế. Rồi cứ thế mà kéo theo muôn vàn cách thức biểu lộ sự hâm mộ, từ cuồng nhiệt đến mất nhiệt, như giao lưu với tác giả, xin chữ ký tặng trên sách, mời đi cafe, v.v.. Hay như cách một gã nọ, khi đọc được một quyển sách hay quá là hay mà không có vẻ gì là làm bộ làm tịch, gã chỉ muốn gọi ngay đến cho tay tác giả thôi. Chẳng biết gã nói gì. Tôi cũng chẳng bận tâm. Tôi nghĩ về cái khác, cũng phải đến hàng trăm lần rồi (bịa đấy, thế nó mới hoành).

Đó là một căn nhà gỗ một tầng, nằm tách biệt hẳn khỏi khu dân cư. Trên hàng hiên trước nhà có để một chiếc ghế dựa - loại ghế mà bạn có thể nằm đung đưa trên nó như trò chơi ngựa gỗ; ba bậc tam cấp và lan can tay vịn chạy vòng quanh: tất cả đều bằng gỗ. Xoay lưng lại với cuộc đời, như chính thái độ của ông, cửa chính căn nhà nhìn thẳng ra một bãi đất rộng thênh thang và ít cây cối. Cánh cửa hầu như đóng kín suốt ngày. Nếu có thể, tôi muốn được đến đó, đứng trong bãi đất rộng mà nhìn về phía căn nhà. Lúc đó, tôi có thể thấy ông bước ra hiên nhà lấy báo và sữa vào lúc sáng sớm, khoác pijama trắng sọc xám trong bộ dạng cao lêu nghêu của mình. Ông nhìn chằm chằm về phía tôi, rồi quay lại bước vào nhà, không quên sập cửa một cái to đến nổi tôi cũng có thể nghe tiếng. Rồi mỉm cười.


Nếu có thể tôi muốn chúc ông sức khoẻ. Không chỉ ông, cả người phụ nữ mỗi lần mở cửa thấy một người hâm mộ nhiệt thành lại càu nhàu, dù bà không tiếc thời gian ký tặng cho họ. Và nhiều người khác nữa. Tôi mong họ khoẻ, tôi mong họ bình an. Và dù ít hay nhiều, cách này hay cách khác, tôi mong họ tiếp tục viết, với tất cả niềm vui thích của đọc và viết. Bởi họ là những người hùng của tôi, và đã cứu rỗi cuộc đời này.




4. 'Cause It's snoggletog (quấnchănbông) time. And you are amazing just the way you are. Be cool!














P.s: May I have the permission to write you?

- đây là cái gì thì lần sau hẳn viết.



Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Thư Đan Mạch


*bản đầy đủ không qua bàn tay sắt thép của ê-đít-to.



Lúc bắt đầu xách ba-lô quả mướp từ Sài Gòn sang Copenhagen, tôi cứ nghĩ chỉ là một chuyến đi ngắn, rồi sẽ quay về nhanh, về với gia đình, bạn bè và tình yêu đang đợi chờ. Thế mà thấm thoắt đã hơn hai năm, và tôi vẫn miệt mài trên con đường sự nghiệp, vỏn vẹn được 2 tháng về chơi sau 1 năm đầu. Tôi là một kẻ vô thần, lúc ở nhà cứ nghĩ Giáng sinh thì ra đường chơi với bạn, thế thôi. Sang châu Âu, được nghe thêm về các câu chuyện Giáng sinh ở các nước khác nhau và các tư tưởng thiên chúa giáo mà nhiều thằng bạn nhồi nhét vào, tôi cũng chẳng tiến bộ thêm là mấy. Với tôi ngay lúc này đây, Giáng sinh cũng chẳng là gì, nếu thiếu gia đình, bạn bè và những điều nho nhỏ, những thứ tôi đã trải qua nhiều năm về trước ở cái thành phố nóng nực và đầy khói bụi như Sài Gòn. Vì giờ đây, có muốn thế cũng không được nữa, không được nữa trong ít nhất 3 năm.

Đã hai Giáng sinh ở đất khách, mỗi giáng sinh ở một nước khác nhau, và sắp tới là một nước thứ ba khác, trong tôi chắng có cảm giác háo hức gì đặc biệt, ngoài việc được nghỉ làm đôi ngày và đi hít thở không khí ở những chỗ khác nhau.

Năm đầu tiên xa nhà, tôi và thằng bạn thân đang học ở Pháp đi lòng vòng vài nước châu Âu chơi cho có cảm giác, ít nhất là được nói tiếng Việt với nhau. Đêm Giáng sinh, chúng tôi chơi lòng vòng Barcelona, đi dạo trên con phố đầy màu sắc La Rambla. Xa xa bên kia đường là cái đài phun nước đầy những xe máy đỗ san sát nhau và các cậu thiếu niên đang ngồi đấy tán chuyện. Cảnh đấy làm tôi phải gọi ngay cậu bạn vì nó giống làm sao với hồ Con Rùa cùng những hàng kem và quán cafe ở Sài Gòn. Y hệt như thế, không sai đi đâu được. Ngay khi đặt chân đến La Rambla, những kí ức về những lần đi dạo trên đường Đồng Khởi Giáng sinh năm nào cùng đám bạn thân ùa về, cũng những ánh đèn lấp lánh đầy màu sắc, cũng những bước chân đi bộ và cái nắm tay của những cặp tình nhân. Sao lại có sự giống nhau đến kì lạ giữa Barcelona và Sài Gòn thế. Có thể vì thực tại, cũng có thể những mảnh kí ức trong tôi vẽ lên điều ấy. Ngày ấy, bọn chúng tôi 7-8 đứa gửi xe bên thư viện đại học quốc gia, đi bộ từ hồ Con Rùa qua phố Hàn Thuyên rồi đến đường Đồng Khởi, rồi ghé sang Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Cứ nói chuyện tào lao và nhìn người ta đi lại, nhìn những cảnh trang trí sáng loáng của những cửa hàng san sát nhau. Rồi chúng tôi dừng chân ở Bưu điện Thành phố gần nhà thờ ngồi uống cafe sữa và chờ tiếng chuông 12 giờ. Cafe sữa, cái thứ cafe đặc sệt với sữa đặc có đường, 2 năm rồi tôi không được nếm ở cái xứ lạnh lẽo này. Đơn giản thế thôi nhưng sẽ không bao giờ có được những lúc như thế nữa, không bao giờ… Vì, lúc tôi về, mọi thứ sẽ đổi thay: bạn bè lập gia đình, quang cảnh, con người cũng khác xưa, sẽ không thể có những giây phút ”cổ điển” như những ngày trước…

Giáng sinh năm thứ 2, tôi bận rộn, không đi chơi đâu thì thằng bạn cùng nhà phóng sang London. Tôi ở 1 mình trong căn phòng tầng hầm thuê của ông chủ nhà người Đan Mạch. Giáng sinh, họ cũng về nhà con cái chơi. Tôi nhớ lúc ấy đã lạnh lắm rồi, tuyết cũng bắt đầu dày thêm. 10 ngày được nghỉ học dịp Giáng sinh, tối nào tôi cũng ra đường đi bộ đến khi lạnh cóng thì về. Tôi không chịu được cái không khí một mình trong căn hầm tối và thiếu không khí như thế. Mặc những bốn cái áo, tôi lững thững đi bộ dạo quanh những con phố chính của Copenhagen và bật những bản nhạc vẫn nghe trong điện thoại. Đường vắng tênh, cứ tưởng như chỉ còn lại mình tôi với những ánh sáng phát ra từ những chùm đèn và cây thông Noel. Giáng sinh Bắc Âu khác quá, làm gì có cảnh chen chúc đông người hoặc chờ gửi xe những 10 nghìn như Sài Gòn. Và làm gì có ai để nắm tay để con tim ấm áp hơn. Tôi nhớ bạn gái vô ngần. Có một bữa đi bộ như thế, tôi thấy vài cô gái tóc dài mặc váy hoa đi phía trước chừng 10m và điều đấy làm tôi nhớ đến ngày đầu tiên chúng tôi đi chơi với nhau lúc giáng sinh 4 năm về trước. Lúc đó, tôi và cô ấy mới quen nhau, quen qua đám bạn thân mà tôi vừa kể. Cô ấy xinh, trẻ và đầy sức sống, và cũng chính điều đấy làm một thằng ”hai lúa” như tôi từng nghĩ rằng mình không thể với tới. Nhưng cũng may là chính chuyến đi chơi Giáng sinh ấy làm chúng tôi xích lại gần nhau và có được mối quan hệ gắn bó như hiện nay. Lúc đó, tôi rủ cô ấy đi chơi nhưng được bảo rằng phải có anh bạn cùng nhóm đi, cô ấy mới đồng ý. Và rồi chúng tôi ăn kem ở nhà hát thành phố, và đi bộ loanh quanh. Lúc về, tôi và anh bạn đi bộ cùng cô ấy về nhà, cô ấy cũng mặc váy hoa, đi bộ trước tôi 10m và thi thoảng quay lại liếc bảo chúng tôi đi nhanh lên. Như thế thôi, chuyến đi bộ đêm Giáng sinh trên đường Trần Hưng Đạo đấy đã kéo chúng tôi lại gần hơn. Và với tôi, kỉ niệm giản dị đấy đã và đang là một điều thật đáng nhớ của tôi trong cuộc đời ngắn ngủ này. Nó cũng đơn giản, đơn giản như chính con người tôi vậy…

Giờ đây tôi chuẩn bị đón Giáng sinh thứ 3 trên đất Âu, lần này sẽ là Prague. Tôi không cần biết điều gì đang chờ tôi nơi đấy, nhưng ngay lúc này đây, tôi chỉ ước Prague là Sài Gòn, và những người bạn đồng hành là nhóm bạn ngày nào, là bạn gái tôi. Và tôi cần cốc cafe sữa. Chỉ thế thôi!


N.