Trả lời câu hỏi của một bạn xem chừng là sinh viên, để tránh khỏi luẩn quẩn khi tìm cách giải một bài toán, Gs Ngô cho rằng cái đẹp là một chỉ dấu: khi mình làm đúng thì mọi thứ tự nhiên sẽ đẹp, còn không thì tức là mình làm chưa đúng; tức là phải làm lại. Hardy thì nói: không có chỗ cho toán học xấu xí; còn Heisenberg đưa ra nhận xét: đặt đúng câu hỏi tức là giải quyết được 50% bài toán. Một cách rõ ràng hơn, Goro Shimura nói rằng: Toán học cũng phải chứa cái thiện. [...] Đa số các nhà toán học làm toán đều xuất phát từ một quan điểm thẩm mỹ nào đó và triết lý về cái thiện nảy sinh từ quan điểm thẩm mỹ của tôi. Theo đó, cái đẹp sẽ dẫn hướng, con người chỉ việc đi theo mà thôi. Tuy nhiên cái đẹp không phải lúc nào cũng là thiện, mặc dù cô hoa hậu nào cũng có đi làm từ thiện. Đúng-sai lại là một câu chuyện khác nữa.
Sách sử chép rằng: Năm mậu ngọ (1738) đời vua Ý Tông, bọn hoàng thân là Lê Duy Mật, Lê Duy Qui và Lê Duy Chúc định mưu giết họ Trịnh, nhưng chẳng may sự không thành phải bỏ chạy vào Thanh Hóa. Sau Duy Qui và Duy Chúc phải bệnh mất, còn Duy Mật giữa đất thượng du phía tây nam. Những người đồng mưu với Duy Mật đều bị họ Trịnh bắt được giết cả. Bấy giờ Duy Mật có bắt được Phạm Công Thế đem ra hỏi rằng: "Ông là người khoa giáp sao lại theo nghịch?" - Công Thế cười mà nói rằng: "Đã lâu nay danh phận không rõ, lấy gì mà phân thuận nghịch?" Nói rồi, giương cổ ra chịu hình.
Sự man trá của trích đoạn là đưa người đọc đi thẳng tới vấn đề, và cũng vì vậy, do bị tước bỏ khỏi ngữ cảnh liên kết của nó, người đọc lúc này không hề biết gì ngoài cái vẻ nhàn nhạt của phiên bản câu chuyện mà đoạn trích dựng lên: cả về độ lớn lẫn độ dài, cả bề ngang lẫn bề dọc. Bởi vậy không thể tin bọn phê bình và những bài điểm sách được, chúng chẳng ích gì ngoài việc khuyến khích sự lười biếng và thói bao biện vu vạ cho thời gian-tiền bạc của những lần lữa ngăn cách giá để sách và quầy tính tiền. Bởi thế, muốn hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện khúc giữa thế nào, thì chỉ có cách là đánh cược: cầm sách lên và đi vào rừng thẳm.
Nhưng cần phải thành thực với nhau rằng: sách không phải toàn năng, mà lăn quăn thì cũng có số. Sẽ không có câu trả lời chung cuộc cho bất cứ cái gì trong bất cứ cuốn sách nào, vì ở một mức độ nào đó, người viết cũng là kẻ tạo ra những trích đoạn mà thôi.
Tuy nhiên, có những thứ sẽ không mất đi dù cho thế nào đi nữa, ví như là sến. Hội nhà thơ còn có thể chui xuống hầm ngầm mà hoạt động, hay tuyên bố bẻ bút bỏ làm thơ, thế nhưng sến thì, những khi thi thoảng, vẫn còn. Khó thể khác được. Và cùng với việc mất đi những gì còn trẻ, người ta học được cách phân định phải-trái-đúng-sai; tập được thói quen nghi ngờ cái gì là chân, cái gì ngụy; và trải nghiệm đủ lâu nhìn thấy cái Đẹp. Cho dù là những việc đó chẳng mang lợi ích lợi gì cho những buổi ăn trưa (lunches) thì ít ra cũng có thể học được cách thoát khỏi hiệu ứng hào quang của sự kiện mình dự phần.
Vì dù có ra sao đi nữa, cuối cùng rồi cũng đến bờ bên kia. Chẳng cần biết có gì chờ.